17.3.22

Giải mã: Trả nợ bằng đồng rúp, đòn phản công kinh tế (có lợi?) của Nga

GIẢI MÃ: TRẢ NỢ BẰNG ĐỒNG RÚP, ĐÒN PHẢN CÔNG KINH TẾ (CÓ LỢI?) CỦA NGA

Jérémie Bertrand Aurore Burietz

Giữa tâm điểm cuộc chiến kinh tế: tỉ giá đồng rúp. ulianapinto/PixabayCC BY-SA

Sự trả đũa của Nga đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây vào hôm thứ Hai, ngày 7 tháng 3, là một hình thái khá độc đáo: thiết lập một danh sách các nước “thù địch” với Nga và cho phép các cá nhân và công ty Nga trả nợ bằng đồng rúp. Và ngay cả khi các hợp đồng tín dụng được ký kết bằng một loại ngoại tệ khác.

Trong danh sách này, người ta thấy tên các nước thuộc Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, nhưng đồng thời cũng có Canada, Thụy Sĩ, Monaco hoặc Hàn Quốc.

Quyết định của Điện Kremlin có vẻ thực sự khá tài tình và nhắm mục đích là tranh thủ, một cách gián tiếp, sự hậu thuẫn của các ngân hàng nước ngoài.

Đòn trừng phạt kép?

Hầu hết các biện pháp trừng phạt kinh tế được áp đặt chống lại Nga đều nhắm mục đích là tạo ra một sự cô lập về tài chính đối với Nga. Logic khá đơn giản, như người ta thường nói: tiền bạc là động lực của chiến tranh. Không có tiền, việc Nga có thể tiếp tục các hành động quân sự một cách liên tục có vẻ như vô cùng phức tạp.

Và chiến lược phá hoại nền kinh tế Nga phần nào đó đã phát huy được tác dụng. Vào ngày 24 tháng 2, ngày xảy ra cuộc xâm lược, tỷ giá hối đoái của đồng euro/rúp là 95 (tức là 1 euro tương đương với 95 rúp). Vào hôm Thứ Hai, ngày 7 tháng 3, tỷ giá này đã tăng lên 148,38. Điều này có nghĩa là một người Nga muốn mua một mặt hàng với giá 300 euro ở Pháp phải trả 28.423 rúp vào ngày 24 tháng 2 và 44.366 rúp vào ngày 7 tháng 3.

Sức mua tiềm năng của người Nga ở nước ngoài, vì thế, mà giảm đi rất nhiều. Khi biết rằng kim ngạch nhập khẩu của Nga có giá trị gần bằng 240 tỷ US$ vào năm 2020 (khoảng 197 tỷ euro), thì hoá đơn vì thế sẽ tăng lên rất cao.

Theo một cách đối xứng, người ta có thể cho rằng việc đồng rúp mất giá sẽ làm giảm chi phí xuất khẩu từ Nga ra nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất Nga xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, để chống lại hiệu ứng tích cực tiềm tàng này, hầu hết các nước châu Âu đã quyết định tẩy chay hàng hóa xuất khẩu của Nga. Ví dụ, họ từ chối giấy phép xuất khẩu của một số mặt hàng. Kết quả là một đòn trừng phạt kép: nhập khẩu thì giảm, còn xuất khẩu thì bị chặn.

Ngày 22 tháng 2, Nga công nhận nền độc lập của các nước cộng hòa ly khai ở miền đông Ukraine. Ở Matxcơva, các ánh mắt đều bắt đầu chuyển sang giá trị của đồng rúp. Dimitar Dilkoff/AFP

Đối với Nga, các giải pháp truyền thống chống lại tình trạng mất giá của đồng rúp là gì? Chế độ tỷ giá hối đoái của đồng rúp so với các đồng ngoại tệ khác là một chế độ thả nổi, có nghĩa là nó được ấn định bởi quy luật cung cầu trên thị trường. Thế nên, để tăng cường giá trị của đồng rúp, nó cần phải có sức cầu lớn, và từ đó làm tăng khối lượng giao dịch tài chính trên trường quốc tế bằng đồng rúp… đó chính là điều mà các lệnh trừng phạt được áp đặt ngày nay đang cố tình ngăn cản.

Vậy thì Điện Kremlin còn lá bài tẩy nào trong tay không? Câu trả lời là, ít nhất, có tính sáng tạo và thông minh: cho phép thanh toán các khoản tín dụng của Nga ở nước ngoài bằng đồng rúp.

Các ngân hàng quốc tế vào thế bế tắc

Ngoài các tác nhân thương mại quốc tế, những người có khoản vay từ các cơ sở nước ngoài nhận thấy bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các lệnh trừng phạt quốc tế. Giả sử bạn là một người Nga và bạn đã vay 100.000 euro từ một ngân hàng Pháp, với số tiền phải hoàn trả hàng tháng là 500 euro. Tính đến ngày 24 tháng 2, con số phải hoàn trả hàng tháng này lên đến 47.530 rúp, trong khi cũng với số tiền phải hoàn trả hàng tháng đó lại lên đến 74.190 rúp tính vào ngày 7 tháng 3. Các khoản tín dụng ngày càng khó được hoàn trả.

Vì thế, có một nguy cơ vỡ nợ đại trà, gây ra những khó khăn cho các ngân hàng nước ngoài. Và đây chính xác là đòn bẩy mà Moscow dự định chơi. Bằng cách cho phép các con nợ của Nga thanh toán các khoản vay được nắm giữ ở nước ngoài, không phải bằng đồng ngoại tệ của địa phương nữa, mà bằng đồng rúp, các nhà chức trách Nga đã ủy thác việc nắm giữ và quản lý tiền tệ của họ, không phải cho ngân hàng trung ương Nga nữa, mà là cho các ngân hàng nước ngoài.

Thử lấy ví dụ từ một góc nhìn khác: bạn là một ngân hàng Pháp, bạn nắm giữ, trong tài khoản có của bạn, khoản nợ 100.000 euro được phát hành cho khách hàng Nga, với số tiền phải hoàn trả hàng tháng là 500 euro. Như đã chỉ ra ở trên, giá trị hoàn trả khoản vay này, trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 7 tháng 3, không tương đương với cùng một số tiền bằng đồng rúp, lần lượt là 47.530 rúp và 74.190 rúp.

Tự thân điều này có vẻ không có vấn đề gì đối với ngân hàng Pháp, bởi vì trong cả hai trường hợp, ngân hàng cũng đều thu hồi được số tiền tương đương trị giá 500 euro. Tuy nhiên, vấn đề không bắt nguồn từ giá trị, mà là từ đồng ngoại tệ. Khi đã sở hữu số tiền phải hoàn trả hàng tháng này, ngân hàng có hai lựa chọn. Họ có thể quyết định giữ số tiền đó bằng đồng rúp, nhưng với rủi ro đáng kể vào lúc này khi đồng rúp sẽ còn mất giá nhiều hơn nữa, và vì vậy khoản tiền hoàn trả hàng tháng sẽ sớm không còn trị giá 500 euro nữa. Lựa chọn thứ hai là quyết định đổi những đồng rúp đó sang đồng euro trên các thị trường tài chính.

Nhưng nếu ai cũng cố đổi đồng rúp cùng một lúc, thì điều này sẽ dẫn đến giá trị của đồng rúp này thậm chí còn giảm mạnh hơn nữa, và từ đó, trực tiếp làm mất giá trị của số tiền phải hoàn trả. Trong cả hai trường hợp, ngân hàng Pháp có nguy cơ bị thua lỗ đáng kể trên số tiền được hoàn trả.

Vì thế, ngân hàng Pháp phải tìm mọi cách để đảm bảo tỷ giá hối đoái của đồng rúp/euro không bị mất giá nhiều hơn mức hiện tại. Trong trường hợp này, khi đưa ra quyết định như thế, Nga đã tranh thủ sao cho các ngân hàng quốc tế phải tìm cách hậu thuẫn, một cách gián tiếp, nền kinh tế Nga, để tránh chứng kiến các khoản tín dụng của họ bị mất giá.

Một số người có thể lập luận rằng có một khả năng khác đối với các ngân hàng nước ngoài là đơn giản từ chối được thanh toán bằng đồng rúp. Tuy nhiên, điều này cực kỳ phức tạp từ góc độ pháp lý, bởi vì vấn đề đặt ra khi đó là cơ quan nào có thẩm quyền có thể xét xử vụ việc, và liệu bên nhận tiền theo hợp đồng có công nhận quyết định hợp pháp được ban hành hay không, một điều khó đạt được. Từ góc độ kinh tế, điều đó cũng có nghĩa là làm tăng xác suất không bao giờ được hoàn trả trong trường hợp xung đột leo thang ...

Các tác giả

Jérémie Bertrand
Aurore Burietz

Jérémie Bertrand

Jérémie Bertrand, Giáo sư Tài chính, Trường Quản trị IÉSEG, và giám đốc học thuật của chương trình Thạc sĩ, Các Định chế Tài chính: Phân tích Rủi ro, Tuân thủ và Phân tích Dữ liệu.

Aurore Burietz

Aurore Burietz, Giáo sư Tài chính, LEM-CNRS 9221, Trường Quản trị IÉSEG. Các nghiên cứu của bà tập trung vào chủ đề các ngân hàng và sự trung gian tài chính nói chung, cũng như các cuộc khủng hoảng tài chính.

Tuyên bố công khai

Các tác giả không làm việc, không tư vấn, không sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không có bất cứ mối quan hệ nào khác ngoài công việc mang tính học thuật.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Décryptage : le remboursement de dettes en rouble, la contre-attaque économique (gagnante ?) de la Russie, The Conversation, ngày 13/03/2022.

Print Friendly and PDF