27.3.22

“Novaya Gazetta” muốn bán đấu giá giải thưởng Nobel Hòa bình của ông để giúp Ukraine

“NOVAYA GAZETA” MUỐN BÁN ĐẤU GIÁ GIẢI THƯỞNG NOBEL HÒA BÌNH CỦA ÔNG ĐỂ GIÚP UKRAINE

Tổng biên tập báo Dmitry Muratov cho biết số tiền quyên góp được từ giải thưởng Nobel của ông sẽ được dành cho quỹ vì người tị nạn Ukraine.

The HuffPost thực hiện cùng với AFP

ẢNH: PER OLE HAGEN VIA GETTY IMAGES. Dmitry Muratov, vào ngày 10 tháng 12 năm 2021 tại Oslo, tại buổi lễ trao Giải Nobel Hòa bình, cùng với nhà báo Maria Ressa vì những nỗ lực đấu tranh của họ vì lợi ích của quyền tự do ngôn luận.

CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE - Một món quà dành cho người dân Ukraine. Trên trang web của ông, tổng biên tập tờ báo Nga Novaya Gazeta vào hôm 22 tháng 3 đã thông báo ông sẽ tặng huy chương Giải Nobel Hòa bình nhận được vào năm 2021.

Dmitry Muratov, nhà lãnh đạo tờ báo đối lập, đã quyết định trao lại giải thưởng của ông, một cách tượng trưng, cho những người tị nạn từ đất nước đang có chiến tranh với Nga, nhằm quyên góp nhiều tiền nhất có thể cho Quỹ vì người tị nạn. Trên trang web của tờ báo, ông đã kêu gọi, bằng tiếng Nga, các nhà đấu giá lớn, để một trong số các nhà đấu giá đó, có thể chào bán giải thưởng Nobel trong một cuộc đấu giá trong tương lai.

Như Franceinfo nhớ lại, vào tháng 10 năm ngoái, nhà báo Dmitry Muratov đã tuyên bố ông sẽ không sử dụng “một xu” trong số tiền thưởng kèm theo giải Nobel Hòa bình của ông, và số tiền đó sẽ được quyên góp cho nhiều quỹ, cũng như cho các “phương tiện truyền thông độc lập và tự chủ” khác, đấu tranh vì quyền tự do ngôn luận.

Một ngày sau ngày đầu tiên Nga xâm lược Ukraine, tờ Novaya Gazeta đặc biệt nổi bật trên làng báo Nga khi cho đăng, một cách rõ ràng trên trang nhất, thông điệp phản chiến: “NGA. PHÁO KÍCH. UKRAINE”.

Ấn bản này có điểm đặc biệt là được viết bằng cả tiếng Nga lẫn tiếng Ukraine “bởi vì chúng tôi từ chối coi Ukraine là nước thù địch và ngôn ngữ Ukraine là ngôn ngữ của kẻ thù”, theo lời biện minh của biên tập viên vào ngày 25 tháng 2 vừa qua.

Một cử chỉ mạnh mẽ khi đối mặt với thông tin bị khóa miệng

Cử chỉ của Dmitry Muratov càng có sức mạnh biểu tượng lớn hơn, khi Nga thông qua luật mới, vào hôm 22 tháng 3, nhằm trấn áp những “thông tin sai lệch” về hành động của Moscow ở nước ngoài.

Dự luật nói trên, cần phải được Vladimir Putin ký để được thông qua [thành luật], quy định việc trừng phạt hành vi “phổ biến công khai những thông tin cố ý sai lệch dưới chiêu bài thông tin đáng tin cậy” về “hoạt động của các cơ quan nhà nước Nga bên ngoài lãnh thổ Nga”, theo một thông cáo báo chí của Quốc hội.

Alexeï Navalny (1976-)

Trong số các hình phạt được dự kiến: hình phạt lên đến ba năm tù giam, tăng lên năm năm nếu đó là một hoạt động tập thể, tội “lạm dụng chức vụ chính thức”, “tạo bằng chứng giả” hoặc nếu hành vi “được thúc đẩy vì thù hằn hoặc thù địch mang tính chính trị, ý thức hệ, chủng tộc, dân tộc hoặc tôn giáo”. Hình phạt dự kiến ​​thậm chí có thể lên đến 15 năm tù nếu “thông tin sai lệch gây ra những hậu quả nghiêm trọng”. Một vũ khí trấn áp thứ n, trong kho vũ khí của Điện Kremlin, để kiểm soát thông tin về cuộc tấn công của Nga ở Ukraine.

Một giải Nobel mà ông không hề mong đợi

Khi giải Nobel Hòa bình được công bố vào tháng 10 năm 2021, Dmitry Muratov ngay lập tức đã tỏ ra miễn cưỡng với việc nhận giải thưởng này. “Tôi là đối tượng thụ hưởng sai”, theo lời tuyên bố của ông, vốn thích thấy một nhân vật khác, như Alexeï Navalny, là người xứng đáng hơn để nhận giải thưởng nói trên.

“Tôi sẽ bầu chọn người mà các nhà cái cá cược, và người đó phải là người có cả tương lai phía trước. Tôi muốn nói đến Alexeï Navalny”, đối thủ chính trị chính ở Điện Kremlin, theo lời của tổng biên tập tờ báo đối lập.

Kirill Martynov
Anna Politkovskaya (1958-2006)

Tuy nhiên, ban biên tập tờ Novaya Gazeta đã đón nhận giải thưởng trong niềm hân hoan. Kirill Martynov, cấp phó của Dmitry Muratov, đã giải thích rằng phần thưởng sẽ giúp bảo vệ tờ báo nhiều hơn nữa khỏi sự đàn áp của Điện Kremlin chống lại báo chí và các phương tiện truyền thông đối lập.

Thật vậy, lập trường chống Điện Kremlin của tờ báo đã gây tổn hại nặng nề cho đội ngũ biên tập viên Nga, với không dưới sáu nhà báo bị sát hại từ năm 2000 đến năm 2009, trong đó có nhà báo nữ Anna Politkovskaya vào năm 2006. Vào tháng 10 năm 2021, chín thành viên ban biên tập cũng đã bị Điện Kremlin đưa vào danh sách các “đặc vụ nước ngoài”.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: “Novaïa Gazeta” veut mettre aux enchères son Nobel de la paix pour aider l'Ukraine, Huffington Post, ngày 22/03/2022

Print Friendly and PDF