22.10.17

Khoa học kinh tế mới còn tệ hại hơn cái khoa học cũ

Một bộ môn lấy cảm hứng từ tâm lí học hành vi:

Khoa học kinh tế mới còn tệ hại hơn cái khoa học cũ

Laura Raim, Nhà báo
Laura Raim
Một thời gian dài, các nhà kinh tế học kinh điển đã thiết kế các mô hình của họ như thể con người là chiếc máy tính. Thất bại. Bởi thế, kinh tế học gọi là kinh tế học hành vi, được nuôi dưỡng bằng tâm lí học, nghiên cứu những phản ứng và quyết định của chúng ta nhằm tiên đoán chúng. Và nhằm tác động đến chúng bằng những biện pháp khuyến khích tinh vi. Thật vậy chỉ cần một cú hích nhỏ đủ để đưa người lao động và người tiêu dùng vào đúng khuôn phép.
Lí thuyết kinh tế thống trị, còn được gọi là lí thuyết “tân cổ điển”, đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Không những các mối quan hệ loạn luân của các chuyên gia của nó với các định chế tài chính bị tiết lộ[1] mà ngay cả trách nhiệm của lí thuyết này trong cuộc khủng hoảng vừa qua còn được phơi bày ra ánh sáng. Những bậc thầy được thừa nhận của bộ môn thường có thói quen biện minh cho sự tự điều tiết bằng tính hiệu quả hoàn hảo của các thị trường, bản thân tính này bắt nguồn từ tính duy lí tuyệt đối của các tác nhân. Khủng hoảng tài chính đã phá hủy câu chuyện cổ tích cho trẻ con này.
Tuy nhiên việc phế bỏ ngoạn mục giá trị của học thuyết thống trị không chỉ làm cho một số thành viên trong giới kinh tế đau buồn. Một số trào lưu đối chọn, được cho là có thành tích ít bất hảo hơn, hoan hỉ đón chào điều này. Đặc biệt, một trong số đó có vẻ ở vị trí tốt để trở thành học thuyết thống trị mới. Đó là behavioral economics (BE) hay kinh tế học hành vi.
Jean-Claude Trichet (1942-)
Trường phái này vừa tương thích với hầu hết những tiên đề của khoa học kinh tế chính thống vừa kết hợp những giáo huấn của tâm lí học hành vi. Chính vì thế mà nhiều nhà kinh tế tân cổ điển đặt cược vào trường phái này để đánh bóng toàn bộ giới kinh tế. Ông Jean-Claude Trichet, cựu chủ tịch của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) khuyến khích họ: “Bài học chính tôi rút ra từ kinh nghiệm của chúng ta là sẽ nguy hiểm khi phụ thuộc chỉ vào một công cụ duy nhất”, ông tuyên bố như thế trong một hội nghị của ECB vào năm 2010. Chúng ta phải phát triển những công cụ bổ sung để cải tiến tính vững chắc của khuôn khổ chúng ta. Để bắt đầu, chúng ta phải suy nghĩ về cách đặc trưng Homoeconomicus vốn nằm ở trung tâm của mọi mô hình (...) Kinh tế học hành vi dựa trên tâm lí học để giải thích những quyết định được lấy trong một bối cảnh khủng hoảng”. Ông Trichet quên nói rằng, khi được diễn dịch bằng khái niệm chính trị, lí thuyết này có thể tỏ ra nguy hiểm hơn lí thuyết mà nó có tham vọng sửa sai.
Kinh tế học hành vi đề xuất những khẳng định hiển nhiên một cách tiên nghiệm nhưng bị những môn đồ của lí thuyết gia tự do Milton Friedman cố gắng phủ nhận: các tác nhân kinh tế không phải là những chủ thể hoàn toàn duy lí ra những quyết định có khả năng tốt nhất để tối đa hóa lợi ích của riêng mình. Một mặt họ được những cảm xúc, tin tưởng, trực giác hướng dẫn hoặc họ lí luận theo đường tắt. Mặt khác, họ không chỉ tìm cách làm tăng phần được của riêng bản thân: những chuẩn đạo đức, xã hội đôi lúc khuyến khích họ tỏ ra hợp tác, thậm chí là vị tha.
Milton Friedman (1912-2006)
Các nhà đầu tư tài chính cũng không thoát được những độ chênh nhận thức. Đặc biệt, họ có thể chọn cách ứng xử bắt chước, tự tin quá đáng, hay chịu ảnh hưởng của quá nhiều dự kiến, hay của sự hoảng loạn. Và cho dù một số nhà đầu tư là thật sự duy lí đi nữa thì họ cũng hiếm khi chấp nhận rủi ro đi ngược chiều thị trường. Hệ lụy của những hiện tượng như thế giáng một đòn chết người vào luận điểm về tính hiệu quả của các thị trường, vốn gắn kết chặt chẽ với luận điểm về tính duy lí của các tác nhân. Trong thực tế, các bong bóng và những sụp đổ liên tiếp đủ để minh họa đến mức nào các thị trường vốn có thể mê sảng. Do đó thoạt nhìn, phải thừa nhận kinh tế học hành vi là can đảm vì đã trực diện tiến công vào hai trụ cột của tài chính tân cổ điển.
Tuy nhiên ý tưởng cho rằng các thị trường không phải là những phép lạ hiệu quả, và rằng chúng ta không phải là những máy tính vạn năng không phải là một ý tưởng mới. Kể từ John Maynard Keynes, các nhà tư tưởng phi chính thống đã không ngừng cảnh báo rằng đó là một huyền thoại và hơn nữa là một huyền thoại nguy hiểm. Nhưng họ đã kêu gào trong sa mạc: các nhà keynesian, thể chế, marxist, điều tiết từng và vẫn là những học giả quá phê phán để được lắng nghe.
Dan Ariely (1967-)

Từ nay nhà kinh tế Dan Ariely[2] tố cáo: “Chúng ta trả một giá khủng khiếp cho niềm tin mù quáng vào quyền lực của bàn tay vô hình”. Còn hai đồng nghiệp của ông là George Akerlof và Robert Shiller dứt khoát rằng lí thuyết tân cổ điển có “khiếm khuyết”[3]. Lí thuyết này không cho phép hiểu được vì sao nền kinh tế có dạng những ngọn núi Nga (lúc lên lúc xuống – ND). Bằng cách trình bày “cách mà nền kinh tế thật sự vận hành, khi con người quả thật là con người” các tác giả của Animal Spirits công bố một chương trình đầy tham vọng: “Đạt được điều mà lí thuyết hiện có đã không thực hiện được”.
Vì, như kinh tế học hành vi đặt thành tiên đề, nếu chúng ta không duy lí thì không vì thế mà hành vi của chúng ta là không dự đoán được. Nhân bội các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, và nếu cần thì được các đồng minh trong ngành khoa học thần kinh trang bị cho những điện cực, các nhà kinh tế hành vi phát hiện những quy luật trong ứng xử của chúng ta để xây dựng những mô hình ra quyết định cá nhân thực tế hơn những mô hình của các nhà tân cổ điển.
Amos Tversky (1937-1996)
Daniel Kahneman (1934-)
Những nhà tiên phong của BE là Daniel Kahneman và Amos Tversky. Kể từ những năm 1970, hai nhà tâm lí học Do thái này đã tỉ mỉ phân loại những thiên lệch nhận thức làm méo mó việc phân tích tình hình và đẩy các cá nhân ra những quyết định không duy lí. Chẳng hạn đó là “hiệu ứng framing” khiến các tác nhân đánh giá khác nhau dữ liệu của cùng một lựa chọn duy nhất tùy theo cách mà dữ liệu này được trình bày để họ chọn lựa: “40% cơ may thắng lợi” tạo ra một hiệu ứng khác với “60% cơ may bị thua”. Nhưng chính sự cộng tác trong những năm 1980 với Richard Thaler, một nhà kinh tế Mĩ trẻ tuổi, mới đánh dấu sự ra đời của kinh tế học hành vi như một trường nghiên cứu riêng.  
David Masclet (1975-)
Richard Thaler (1945-)
Cho đến nay giấc mơ xác lập lại trào lưu thống trị kinh tế học từ hệ ý hành vi chưa được hoàn thành. Tuy nhiên, từ mươi năm nay những ai chia sẻ giấc mơ này ngày càng lấn lướt như được minh chứng bằng giải của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Nobel trao cho Akerlof năm 2001 và cho Kahneman năm 2002. Tại Pháp nhà kinh tế học hành vi David Masclet, năm 2012 nhận huy chương đồng của Trung tâm nghiên cứu quốc gia (CNRS). Những thiên lệch nhận thức mà các nhà chính thống từng xem thường như những điều lạ lẫm từ nay được săm soi dưới mọi khía cạnh trong các tạp chí hàn lâm đáng kính. Kinh tế học hành vi được giảng dạy trong các đại học uy tín nhất, từ Viện công nghệ Massachussets (MIT), cũng như tại các đại học Standford, Berkeley, Chicago, Columbia, Princeton, và nhất là Harvard. Viện tư duy mới về kinh tế (INET), một think tank ra đời năm 2009 nhờ 50 triệu đôla được George Soros ứng trước, đặt BE ở trung tâm của những suy tưởng của Viện. Tại Pháp, Nhóm phân tích và lí thuyết kinh tế (GATE) ở Lyon và Toulouse School of Economics (TSE) là những trung tâm nghiên cứu mũi nhọn trong lĩnh vực mới này.
Cass Sunstein (1954-)
Malcolm Gladwell (1963-)
Bộ môn cũng có những môn đồ trong quần chúng rộng rãi. Khao khát tìm hiểu vì sao họ lấy những quyết định “xấu” đến thế, người Mĩ đua nhau tìm đọc những cuốn sách như Blink của Malcolm Gladwell, Nudge của Thaler và Cass Sunstein hay Predictably Irrational của Ariely. Mặt khác, tác giả cuối này trả lời những câu hỏi tầm thường nhất của bạn đọc của tờ Wall Street Journal trong một mục có tựa là “Ask Ariely”.
Củng cố kho vũ khí để giựt dây và thao túng
Nếu trong những năm gần đây kinh tế học “trong trường hợp tốt nhất là vô ích một cách hoành tráng và trong trường hợp tồi tệ nhất là cực kì độc hại[4] thì các nhà kinh tế hành vi có giá trị gì hơn chăng các nhà kinh tế khác? Chấm dứt sự độc tài trí thức của Homo oeconomicus và khẳng định tính vô hiệu quả của các thị trường chắc chắn là một sự đoạn tuyệt đáng khích lệ. Nhưng khi lí thuyết trở thành thực hành thì lại là một chuyện hoàn toàn khác. Vì BE, không kém gì bậc đàn chị thống trị nó, tỏ ra có xu hướng đề nghị các doanh nghiệp, ngành tài chính hay các chính sách kinh tế sử dụng những dịch vụ của nó. Và những lần ứng dụng BE, trong trường hợp tốt nhất là khá thất vọng, thường gợi lên... sự hồ nghi.
Steven Levitt (1967-)
Trước hết, nhìn từ quan điểm của người làm công ăn lương và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, vốn từ những năm 1930 khai thác những nguồn lực của tâm lí học để phục vụ cho công tác tiếp thị và quảng cáo, nồng nhiệt chào đón những phát triển mới nhất của BE, các phát triển này củng cố kho vũ khí để giựt dây và thao túng khách hàng và nhân viên của họ. Công ti tư vấn nổi tiếng McKinsey đề xuất bốn kĩ thuật thực tiễn “phải có mặt trong bộ công cụ của tất cả nhân viên bán hàng[5]. Công ti nghiên cứu marketing MarketTools giải thích trên trang mạng của mình rằng BE hiệu quả hơn các cuộc điều tra để nhận diện mức giá mà nếu vượt quá sẽ khiến người tiêu dùng không mua sản phẩm đó nữa. Nói cách khác BE cho phép xác định những giá cao nhất có thể. BE cũng cung cấp chìa khóa để thúc đẩy khách hàng thanh toán hóa đơn đúng hạn. Trừng phạt người trả trễ hạn bằng một khoản tiền tỏ ra không hiệu quả bằng cách tác động vào xu hướng tự so sánh của khách hàng với những người khác qua một bức thư cho biết “Bạn là một trong số hiếm cư dân trong vùng chưa thanh toán hóa đơn”.
Ernst Fehr (1956-)
Roland Fryer (1977-)
Còn Fehr Advice, một công ti tư vấn Đức do Ernst Fehr, một trong những nhân vật quan trọng của BE sáng lập, đề nghị dạy cho các chủ doanh nghiệp cách sử dụng BE để thương thảo với nhân viên, đặc biệt là về tiền lương. Trong thực tế, BE chứa đầy những bài học về lĩnh vực này. Nhận thấy rằng biện pháp động viên tài chính cổ điển, tức lời hứa thưởng cuối năm cho các giáo viên trong trường hợp học sinh đạt kết quả tốt, không có tác dụng nên các nhà kinh tế hành vi thích khai thác việc là các cá nhân nhạy cảm với những mất mát hơn là những phần thưởng: Steven Levitt và Roland Fryer[6] đã trao tiền thưởng ngay từ đầu năm và đe dọa sẽ thu lại vào cuối năm nếu kết quả tỏ ra không thỏa đáng. Đòi hỏi người làm công ăn lương hoàn trả một phần lương của mình vào cuối năm: đây là một kĩ thuật động viên nhân viên hứa hẹn có tương lai.
Nhưng điều nghịch lí là chính trong ngành tài chính, lĩnh vực bị những “khám phá” của BE đặt thành vấn đề nhất, mà những đề xuất của BE lại được đánh giá cao nhất. Chỉ cần gạn lọc: loại bỏ những kết luận dứt khoát về tính không hiệu quả của các thị trường và giữ lại những kết luận, tiềm tàng hái ra tiền, về hành vi của các tác nhân. Như vậy “tài chính hành vi” trở thành “bổ sung cho việc quản lí cổ điển danh mục đầu tư”, theo trang mạng của Inseec, một cơ sở đào tạo thương mại đã đưa “trường mới của tài chính” này vào chương trình MBA của mình.
James Montier
Một số quỹ đã áp dụng các nguyên tắc này từ lâu, như JP Morgan Asset Management bắt đầu ngay từ năm 1993 hay ở Pháp là CCR Asset Management. Cụ thể, thực hành tài chính hành vi có nghĩa là các nhà đầu tư cố gắng nhận diện và chính sửa các thiên lệch (nhận thức – ND) của chính họ và/hoặc khai thác thiên lệch của người khác. Minh họa cho trường hợp đầu, James Montier hứa hẹn giúp các nhà đầu tư “làm chủ cảm xúc của mình” và củng cố “cơ bắp của sự bình tĩnh[7]. Cách tiếp cận khác, có tính chiến lược hơn, đặc biệt được Russell Fuller[8] phát triển, nhằm phát hiện những chứng khoán có giá niêm yết không tốt, do phản ứng quá mạnh/yếu của những nhà đầu tư khác.
Có thể các chiến lược này cho phép một số nhà đầu tư thắng nhiều hơn nhưng, trong mọi trường hợp không giải quyết vấn đề tính hiệu quả của các thị trường. Trong thực tế, như lí thuyết kinh tế (thật sự) phi chính thống đã chỉ rõ[9], cách duy nhất để ngăn các thị trường tài chính, vốn bản chất là không ổn định, làm rối loạn nền kinh tế là quyết liệt điều tiết chúng, nghĩa là hạn chế những đòn bẫy vay nợ của các bên tham gia, tách biệt các hoạt động thị trường với hoạt động tín dụng, giới hạn những chuyển động của vốn, v.v..
Nhưng điều kì lạ là không có bất kì biện pháp nào trong số trên có mặt trong những đề xuất về chính sách công của các nhà kinh tế hành vi. Như vậy Thaler, vị giáo hoàng của bộ môn này, tư vấn cho ê-kíp kinh tế của tổng thống Mĩ Barak Obama cũng như cho chính phủ David Cameron của Vương quốc Anh: tất nhiên ông có thể bỏ nhỏ vào tai họ rằng sẽ là xác đáng khi đưa các thị trường tài chính vào khuôn phép nếu muốn tránh những rung chuyển mới. Nhưng vấn đề là Thaler không chỉ là giáo sư kinh tế học tại University of Chicago Booth School of Business. Cùng với Fuller, ông còn lãnh đạo một quỹ đầu tư chuyên về tài chính hành vi...
Kent Daniel
Trên nhiều bản lí lịch nghề nghiệp của các nhà kinh tế hành vi, các đại học và ngân hàng thường đứng cạnh nhau. Kent Daniel, hiện là giáo sư tài chính tại Columbia University, từng là giám đốc của bộ phận phân tích kinh tế của Goldman Sachs Asset Management. Ông cũng là thành viên của hội đồng khoa học của Kepos Capital và của Allianz Global Investors. Ông nói gì về sự điều tiết? “Cho dù các nhà đầu tư không hoàn toàn duy lí và giá các chứng khoán không được niêm yết tốt đi nữa thì các chính trị gia cũng phải tỏ ra tôn trọng các giá thị trường[10]. Nói cách khác là bất luận các thị trường làm gì đi nữa thì chúng cũng đáng để chúng ta tôn trọng chúng.  
Thật vậy, Daniel nói tiếp, “sự phi lí tính và ích kỉ làm ô nhiễm quá trình chính trị”. Và bằng phép đũa thần này, luận chứng về tính phi lí (của các thị trường tài chính - ND) bị quay ngược nhắm vào những đại diện của công quyền. Do đó không gì ngạc nhiên khi khám phá ý tưởng lớn của Montier: “Những ai trong chúng ta làm việc trong ngành tài chính phải tuyên thệ một kiểu lời thề Hippocrate là không được làm điều ác[11]. Tại sao phải nhọc công pháp điển hóa khi chỉ cần các nhà giao dịch chứng khoán hứa rằng họ sẽ giữ gìn đức hạnh?    
Louis Brandei (1856-1941)
Trong tác phẩm mới đây của họ, Thaler và Sunstein còn bảo vệ cả các khoản vay dưới chuẩn (subprime): “Những tín dụng thế chấp theo lãi suất khả biến, ngay cả những khoản với lãi suất khởi động (teaser rate), tự bản thân chúng không phải là điều xấu”. Và ủng hộ mệnh lệnh của Louis Brandei, cựu cố vấn của Woodrow Wilson: “Ánh sáng ban ngày là chất tẩy trùng tốt nhất”. Dịch nghĩa là: giải pháp chính là sự minh bạch, chứ không phải là sự điều tiết. Các nhà tân cổ điển sẽ không nói khác hơn.
Đâu là điểm chung của các đề xuất trên? Chúng đều tôn trọng hoàn toàn thế thượng phong của thị trường và, do đó, nghi ngờ sự điều tiết. Tâm thế này tạo nên tính chặt chẽ cho một quan điểm rất tổng quát về chính sách công mà Thaler và Sunstein tóm tắt bằng ý tưởng nudge[12]. Nudge là “cú hích”, cú thúc cùi chõ thân thiện khai thác những thiên lệch nhận thức của các cá nhân để nhẹ nhàng khuyến khích họ có những lựa chọn phù hợp với quyền lợi riêng lẫn quyền lợi chung, và do đó tránh mang tính “phán đoán hay gây mặc cảm tội lỗi” như một báo cáo của Hội đồng phân tích chiến lược của Pháp (CAS) nhấn mạnh.
Thế giới tuyệt diệu của “lương tri”
Thaler và Sunstein chấp nhận là “chúng tôi chống các cấm đoán”. Viện đến một đạo luật cấm một số chất gây ô nhiễm, họ viết: “triết lí của kiểu giới hạn này giống một cách khó chịu với triết lí của những kế hoạch năm năm xô viết”. Do đó, đối với các tác giả tự nhận mình là những nhà “gia trưởng tự do triệt để” (“paternalistes libertariens”) thì BE là một “con đường thứ ba” giữa các nhà friedmanian và keynesian: giữa sự tự do kinh doanh hoàn toàn của các nhà tự do và những can thiệp nặng nề của Nhà nước có một chỗ “không ở phía tả cũng không ở phía hữu” cho “chính sách cú hích” đáng yêu và phải chăng.
Đó là con đường vô hại mà tổng thống Obama đã chọn ngay từ nhiệm kì đầu. Không chỉ Thaler được mời tư vấn cho ê-kíp kinh tế của ông mà Sunstein còn lãnh đạo trong gần bốn năm Office of Information and Regulatory Affairs, cơ quan mấu chốt cố kết bộ máy liên bang về điều tiết, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, nhà ở và môi trường. Theo Center for Progressive Reform, kết quả là trong số cả trăm dự án được văn phòng các bộ đệ trình cho ông, Sunstein đã giảm nhẹ hai phần ba số dự án đó theo chiều hướng có lợi cho các nhóm vận động hành lang của các tập đoàn công nghiệp[13].
Không phải là điều ngạc nhiên khi các nghị sĩ đảng bảo thủ Anh thích triết lí này và năm 2009 họ đã thuê cũng chính ngay Thaler để đứng đầu một... Nudge Unit. Nhiệm vụ của đơn vị này là: “đạt được những mục tiêu cấp tiến một cách tương hợp với việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ và việc giảm chi phí của sự điều tiết đối với doanh nghiệp và xã hội[14]”.
Augustin Landier (1974-)
David Thesmar (1972-)
Nước Pháp cũng không vô cảm trước sự quyến rũ của nudge. Năm 2011, CAS đã tìm hiểu bằng cách nào có thể huy động “nhiều đòn bẫy hành vi, như tầm quan trọng của sự so sánh với người khác hay sức ì trước sự thay đổi để mời gọi công dân chọn những lối sống tôn trọng môi trường hơn”. Trong một báo cáo năm 2012 về việc bảo vệ người tiêu dùng cho Hội đồng phân tích kinh tế, các nhà kinh tế cực kì chính thống là David Thesmar và Augustin Landier chỉ đích danh các “thiên lệch tâm lí-nhận thức của các hộ gia đình” và kêu gọi hệ thống hóa, đặc biệt là các sản phẩm tiết kiệm từ lương, “một tùy chọn mặc định là lựa chọn tốt cho phép định hướng người tiêu dùng lơ đãng đến với lựa chọn tốt này mà vẫn không tước bỏ quyền tự do lựa chọn của người tiêu dùng năng động”.  
Khuyến khích người dân lựa chọn theo chiều hướng của lợi ích chung, đó chính là mục tiêu của nudge. Bớt làm ô nhiễm hành tinh chắc chắn là một mục tiêu đồng thuận. Nhưng có thể nói như thế chăng khi các nhà kinh tế thiết kế các “cú hích” để dẫn dắt người Mĩ làm công ăn lương gửi tiết kiệm nhiều hơn vào các quỹ hưu? Thật vậy, một phần quan trọng các công trình BE ở Hoa Kì được dành cho việc phát triển, và thậm chí để bắt buộc thiết lập, những chương trình như thế trong các doanh nghiệp lớn. Gia tăng tiết kiệm tài chính hóa: đó chắc chắn là điều tương ứng với tầm nhìn của nền công nghiệp tài chính về lợi ích chung... nhưng ít tương ứng hơn với tầm nhìn kinh tế vĩ mô, vốn đôi lúc đòi hỏi là các cá nhân đừng tiết kiệm nhiều nữa mà tiết kiệm ít hơn để thúc đẩy cầu bằng tiêu dùng. Hơn nữa ưu tiên cho mục tiêu này là loại bỏ cuộc tranh luận về các mô hình hưu trí khác nhau có thể vì điều này giả định rằng hệ thống hưu trí theo cơ chế kinh doanh vốn là tốt nhất[15].
Frank Ferudi (1947-)
Nudge không thích chính trị và tự bằng lòng đắm mình trong ảo tưởng rằng nó diễn ra bên ngoài chính trị, trong thế giới tuyệt diệu của “lương tri” và của “thực tế của các sự kiện”. Chẳng hạn, Thaler đề nghị “gác sang một bên vấn đề nên hay không nên tăng thuế”, một vấn đề “thiên vị” đáng ghê tởm gây giận dữ vô ích để “tập trung vào việc thu thuế tốt hơn đã[16]. Nudge xóa bỏ mọi sự tương tác dân chủ giữa nhân dân và những đại diện được bầu. Theo Frank Ferudi, nhà xã hội học thuộc đại học Kent ở Anh, những người ủng hộ nudgengầm giả định rằng thử thuyết phục cử tri về cơ sở hành động của chính phủ là một điều vô vọng. Thay vì một cuộc tranh luận dân chủ, họ chọn những kĩ thuật thao túng dưới chuẩn[17].
Tất nhiên các nhà kinh tế tân cổ điển là độc hại khi chủ trương phi điều tiết hóa, tư nhân hóa và lương khắc khổ. Nhưng ít ra họ chỉ phát biểu một ý kiến, có thể tranh luận và chống đối công khai. Còn các nhà kinh tế hành vi bỏ qua cuộc “tranh luận dân chủ”. Tự tin biết rằng lợi ích chung là gì, họ áp đặt lợi ích này bằng một âm mưu điều kiện hóa tác động trực tiếp đến hành vi của mỗi cá nhân. Phó thủ tướng Anh Nick Clegg hồn nhiên vui mừng rằng cơ quan Nudge Unit “có thể làm thay đổi cách suy nghĩ của người dân[18]. Liệu chúng ta có phải vui mừng cùng ông ấy không?
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn:Pire que l’autre, la nouvelle science économique”, Le Monde diplomatique, Juillet, 2013




[1] Xem Renaud Lambert, “Les économistes à gages sur la sellette”, Le Monde diplomatique, mars 2012; xem thêm Charles Ferguson, Inside Job, phim tư liệu, 2010, và sách, Oneworld, Oxford, 2012.

[2] Dan Ariely, “Irrationality is the real invisible hand (Phi lý trí mới thật sự là bàn tay vô hình)”, danariely.com, 20 avril 2009.

[3] George Akerlof et Robert Shiller, Animal Spirits, Princeton University Press, 2009.

[4] Paul Krugman, hội thảo tại London School of Economics, juin 2009.

[5] A marketer’s guide to behavioral economics”, mckinsey.com, février 2010.

[6] Roland G. Fryer Jr, Steven D. Levitt, John List et Sally Sadoff, “Enhancing the efficacy of teacher incentives through loss aversion: A field experiment” (PDF), Working Paper, National Bureau of Economic Research, n°18237, Cambridge, juillet 2012.

[7] James Montier, The Little Book of Behavioral Investing, John Wiley and Sons, Hoboken (New Jersey), 2010.

[8] Russell Fuller, “Behavioral finance and the sources of Alpha” (PDF), Journal of Pension Plan Investing, vol. 2, n°3, New York, Winter 1998.

[9] Les Economistes atterrés, Changer d’économie!, Les Liens qui libèrent, Paris, 2012.

[10] Kent Daniel, David Hirshleifer et Siew Hong Teoh, “Investor psychology in capital markets: Evidence and policy implications” (PDF), n°49, Journal of Monetary Economics, université de Rochester (New York), 2002.

[11] Interview: James Montier on value investing”, Investment Postcards from Cape Town, 11 mars 2010.

[12] Richard Thaler et Cass Sunstein, Nudge. La méthode douce pour inspirer la bonne décision, Vuibert, Paris, 2010.

[13] Behind closed doors at the White House: How politics trumps protection of public health, worker safety, and the environment” (PDF), Center for Progressive Reform, Washington, DC, november 2011.

[14] Allegra Stratton, ““Nudge” economist Richard Thaler joins conservative camp”, The Guardian, Londres, 6 october 2009.

[15] Đọc François Chesnais, “Demain, les retraites à la merci des marchés”, Le Monde diplomatique, avril 1997.

[16] Richard Thaler, “Geek squad”, Foreign Policy, Washington, DC, janvier-février 2013.

[17] Frank Ferudi, “Don’t wink at the nudge plan”, The Australian, Sydney, 5 octobre 2012.

[18] Patrick Wintour, “David Cameron’s “nudge unit” aims to improve economic behaviour”, The Guardian, 9 septembre 2010.

Print Friendly and PDF