TẠI SAO CÁC NHÀ BẢO THỦ NÊN ĂN MỪNG GIẢI THƯỞNG NOBEL CỦA THALER
Lý thuyết "cú hích" của Thaler thường được các nhà tự do tán dương, nhưng việc ứng dụng nó thì phổ biến ở cánh hữu.
Tyler Cowen
Một cú hích lên ngón tay của bạn. Nhiếp ảnh gia: Jay Directo/AFP/Getty Images |
Richard Thaler, người được trao giải thưởng về kinh tế học năm 2017 để tưởng nhớ Nobel, thường không được coi là một nhà tư tưởng thuộc cánh trung hữu. Tuy nhiên, ý tưởng chính của ông về “Nudge [Cú hích]”, đồng tác giả với Cass Sunstein, đồng nghiệp của tôi như là cộng tác viên của trang Bloomberg View, lại là một đóng góp có ý nghĩa nhất đối với tư duy bảo thủ trong một thế hệ.
Khi cuộc tranh luận được tiến hành như thường lệ, những người ủng hộ cú hích kêu gọi chính phủ cấu trúc “kiến trúc lựa chọn” để đưa ra những quyết định đúng đắn hơn. Nếu bạn ký một kế hoạch hưu trí với người sử dụng lao động, thì lựa chọn mặc định có lẽ nên là đóng góp tối đa cho một kế hoạch tiết kiệm; ngược lại, người tham gia [kế hoạch hưu trí] phải kiểm tra một khung [trong bản kế hoạch] để có được một lựa chọn khác. Sự lựa chọn vẫn còn đấy, nhưng người sử dụng lao động (hoặc chính phủ) gợi ý rằng người ta nên thực hiện một lựa chọn đặc biệt. Những cách làm như vậy đã trở nên phổ biến, và chính phủ Anh đã tạo ra hẳn một “đơn vị cú hích.”
Richard Thaler (1945-) |
Cass Sunstein (1954-) |
Khi cuộc tranh luận này được tiết lộ ra, thì nhiều nhà bảo thủ và nhà tự do vô chính phủ đã kịch liệt chỉ trích Thaler và Sunstein. Họ mô tả cú hích như là một sự thao túng, và có lẽ là một bước thụt lùi đến một tương lai theo kiểu của Orwell [chỉ sự lừa gạt công khai, theo dõi ngầm và thao túng quá khứ bởi nhà nước toàn trị – ND] dựa trên sự giám sát và kiểm soát hành vi một cách tinh vi. Thế nhưng, khi nhìn lại xung quanh, tôi thấy hầu hết ý tưởng về cú hích đang phục vụ cho các mục đích của những người bảo thủ xã hội. (Đọc thêm vấn đề này để biết một cuộc khảo sát rộng hơn về những đóng góp của Thaler trong lĩnh vực kinh tế.)
Hãy thử xem hôn nhân như là một hình thức đã có từ lâu của ý tưởng về cú hích. Dĩ nhiên, ly hôn là điều có thể xảy ra, nhưng chính phủ của chúng ta không cho phép các hợp đồng kết hôn được tự động hết hiệu lực sau 5 năm, hoặc 10 năm. Đó là một cú hích thúc đẩy mọi người kết hôn lâu dài, và đa phần là một hôn nhân tốt đẹp. Có quá nhiều kiểu hợp đồng kết hôn có thể sẽ làm cho người ta bối rối, và hầu như chắc chắn sẽ không dẫn đến những quyết định tốt hơn sống đời với nhau. Tuy nhiên, nếu con người thực sự không chịu đựng nổi một cuộc hôn nhân thì họ cũng có thể chấm dứt nó. Công chúng vẫn có thể tiếp tục tranh luận về việc làm cho cuộc ly hôn trở nên dễ hơn hay khó hơn.
Có một mô thức chung ở đây: Xã hội không muốn phải sử dụng đến sự cưỡng bức công khai, trực tiếp, hoặc bắt con người phải kết hôn hoặc bắt con người không được nhập cảnh bất hợp pháp. Trong thực tế, chúng ta không có đủ nguồn lực để làm điều đó, cũng không muốn cam chịu để cho bạo lực diễn ra. Vì vậy, chính sách xã hội bảo thủ được tái sinh dưới hình thức một cú hích, bởi vì đó là những gì giống như những hạn chế trong một xã hội không thích bạo động.
Một cú hích đặc biệt bảo thủ và gây tranh cãi là tất cả các bước triển khai của một chính sách và các hạn chế về quy định và các mức cắt giảm tài chính làm cho phụ nữ khó phá thai. Ngày nay, có rất nhiều người Mỹ phải vượt qua một chặng đường dài đáng kể để tìm đến một bác sĩ phá thai đủ điều kiện, trong một số trường hợp chặng đường đó có thể lên đến hàng trăm dặm. Chi phí thật nản lòng. Và sự phiền phức này càng lớn hơn khi khoảng cách thời gian càng tăng từ lúc quyết định đến kết cục cuối cùng, có thể làm cho một số phụ nữ thay đổi ý định hoặc đơn giản từ bỏ kế hoạch giữa chừng. Tuy nhiên, vẫn còn có thể phá thai được, dù với nỗ lực lớn hơn.
Đây không phải là nơi để tranh luận về việc liệu điều này đúng hay sai, nhưng đây là vấn đề sử dụng cú hích vì các mục đích bảo thủ về mặt xã hội. Một lần nữa, tôi không tin, ngay cả với một Tòa án tối cao thiên về đảng Cộng hòa hơn, rằng Hoa Kỳ sẽ chưa muốn cấm phá thai ngay và sẽ phải đối mặt với tất cả các thế lưỡng nan phải tuân thủ có thể có.
Tôi thấy đập vào mắt rằng các nhà lý thuyết về cú hích thường quảng cáo ý tưởng bằng cách sử dụng các ví dụ có tính tương đối “tự do”, chẳng hạn như cải thiện các dịch vụ công. Mức độ xem cú hích như là một công cụ tăng cường tự do hoặc như là một hành động thao túng nham hiểm có thể phụ thuộc vào bối cảnh mà cú hích được đặt vào. Không có người bảo thủ nào và cũng chẳng có người tự do nào nhanh chóng lên án hoặc chấp nhận cú hích vì tự thân nó.
Thật vậy, chúng ta cũng có thể xem đối chọn xác đáng về mặt chính trị cho cú hích là bạo lực, chứ không phải là sự tự do lựa chọn. Điều đó có xu hướng làm cho ý tưởng về cú hích trông tốt đẹp hơn, mặc dù có thể không phải theo cách mà các nhà tự do xã hội cảm thấy hoàn toàn thoải mái.
Liệu điều này có gây ấn tượng không khi một ý tưởng bảo thủ tiềm tàng như vậy xuất phát từ hai nhà tư tưởng, tuy theo quan niệm chiết trung, nhưng lại có tư duy chính trị thiên về cánh tả hơn là cánh hữu? Có lẽ các nhà bảo thủ cần phải bị hích một cú mới tiến tới những đổi mới nhiều hơn về mặt trí tuệ của chính bản thân họ.
Tyler Cowen (1962-) |
Mục này không nhất thiết phản ánh quan điểm của ban biên tập hoặc của Bloomberg LP và chủ sở hữu của nó.
Tyler Cowen là một nhà bình luận của Bloomberg View. Ông là giáo sư về kinh tế học tại Đại học George Mason và viết bài cho blog Marginal Revolution. Ông là tác giả của cuốn "The Complacent Class: The Self-Defeating Quest for the American Dream [Tầng lớp tự mãn: Truy tìm sự thất sách của giấc mơ Mỹ]".
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Why Conservatives Should Celebrate Thaler's Nobel, Bloomberg, October 9, 2017.