11.10.17

Trừ phi bạn là nhân vật Spock, thì những điều không phù hợp lại có ý nghĩa trong hành vi kinh tế



TRỪ PHI BẠN LÀ NHÂN VẬT SPOCK, THÌ NHỮNG ĐIỀU KHÔNG PHÙ HỢP LẠI CÓ Ý NGHĨA TRONG HÀNH VI KINH TẾ
Richard H. Thaler
Trong buổi đầu sự nghiệp giảng dạy của tôi, tôi xoay sở sao cho hầu hết các sinh viên trong lớp của mình điên tiết vì tôi. Một kỳ thi giữa kỳ đã gây ra vấn đề.
Qua kỳ thi, tôi muốn phân loại những sinh viên giỏi, những sinh viên trung bình và những sinh viên yếu kém, vì vậy bài kiểm tra phải khó và các điểm số phải có một độ phân tán rộng. Tôi đã thành công khi soạn một bài kiểm tra như vậy, nhưng khi các sinh viên biết được điểm bài thi, họ đã phản ứng dữ đội. Khiếu nại chính của họ là điểm số trung bình chỉ là 72 trên tổng số 100.
Điều lạ lùng của phản ứng này là tôi đã giải thích rằng điểm trung bình dưới dạng số của bài kiểm tra hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự phân phối của điểm dưới dạng chữ. Chúng tôi sử dụng một đường cong, theo đó điểm trung bình là điểm chữ B+, và chỉ có một số ít sinh viên được chấm thấp hơn điểm chữ C. Tôi đã nói với lớp về điều đó, nhưng chẳng có tác động gì đến tâm trạng của sinh viên. Họ vẫn ghét bài kiểm tra của tôi, và họ cũng không thích tôi. Là một giáo sư trẻ tuổi, lo lắng cho việc giữ được việc làm của mình, tôi không biết phải làm gì.
Cuối cùng, tôi nảy ra một ý tưởng. Trong kỳ thi tiếp theo, tôi nâng các điểm sẵn có lên một mức hoàn hảo là 137. Bài kiểm tra này còn khó hơn bài kiểm tra đầu tiên. Sinh viên chỉ trả lời đúng có 70% nhưng điểm trung bình dưới dạng số là 96 điểm. Sinh viên rất đổi vui mừng!
Tôi chọn 137 là điểm số tối đa vì hai lý do. Thứ nhất, nó tạo ra một điểm số trung bình khá tốt vào khoảng 90, và có một số sinh viên được chấm điểm trên 100, tạo ra một phản ứng đạt gần tới mức ngất ngây. Thứ hai, do chia cho 137 không phải là điều dễ tính trong đầu, tôi hình dung rằng hầu hết các sinh viên sẽ không chuyển đổi điểm số của mình ra phần trăm.
Đấu tranh cho sự minh bạch hoàn toàn, trong những năm tiếp theo tôi đã đưa ra tuyên bố sau trong đề cương bài giảng của tôi: "Tổng số điểm các bài kiểm tra là 137 thay vì thông thường là 100. Hệ thống chấm điểm này không ảnh hưởng đến thứ hạng của sinh viên trong khóa học, nhưng có vẻ như nó làm cho sinh viên hạnh phúc hơn.” Và, quả thật vậy, sau khi thực hiện sự thay đổi đó, tôi không bao giờ bị khiếu nại rằng bài thi của tôi là quá khó.
Trong mắt của một nhà kinh tế học, sinh viên của tôi đang "hành xử sai trái (misbehaving)". Điều đó có nghĩa là hành vi của sinh viên không phù hợp với mô hình lý tưởng tưởng nằm ở trung tâm của phần lớn kinh tế học. Một cách duy lý, không ai có thể vui với điểm số 96 trên 137 (70 phần trăm) so với 72 trên 100, nhưng sinh viên của tôi thì có vui đấy. Và khi nhận ra điều này, tôi đã có thể soạn thảo kiểu bài kiểm tra mà tôi muốn mà không làm cho sinh viên phải phàn nàn.
Điều này minh hoạ một vấn đề quan trọng với lý thuyết kinh tế truyền thống. Các nhà kinh tế học không coi trọng bất kỳ nhân tố nào không ảnh hưởng đến suy nghĩ của một con người duy lý. Những nhân tố này được cho là không phù hợp. Nhưng điều không may cho lý thuyết là có quá nhiều nhân tố được cho là không phù hợp gì đó lại có ý nghĩa quan trọng.
Các nhà kinh tế học tạo ra vấn đề này với việc nhất quyết nghiên cứu những sinh vật huyền thoại thường được gọi là con người kinh tế [Homo economicus]. Tôi thích gọi họ là các "Econs” – những sinh vật rất thông minh, có khả năng giải những bài toán phức tạp nhất, nhưng lại hoàn toàn thiếu cảm xúc. Hãy nghĩ đến nhân vật ông Spock trong phim truyền hình "Star Trek". Trong thế giới các Econs, có nhiều thứ trên thực tế là không xác đáng.
Không có Econ nào sẽ mua một lượng lớn những thứ sẽ được phục vụ trong bữa ăn tối vào đêm Thứ ba, bởi vì anh ta đói khi đi mua sắm vào ngày Chủ nhật. Cơn đói vào ngày Chủ nhật không phù hợp cho việc lựa chọn quy mô của bữa ăn vào đêm Thứ ba. Một Econ sẽ không chén hết bữa ăn khổng lồ đó vào đêm Thứ ba, cho dù anh ta không còn đói, chỉ vì anh ta đã chi tiền cho bữa ăn đó. Đối với một Econ, chi phí đã trả cho một mặt hàng trong quá khứ không thích hợp với việc đưa ra quyết định về việc phải ăn bao nhiêu ngay bây giờ.
Ảnh bản quyền: Emily Cross
Một Econ sẽ không mong đợi nhận một món quà vào ngày mà cô ấy đã kết hôn, hoặc được sinh ra trong năm. Những ngày võ đoán này tạo ra sự khác biệt gì? Trên thực tế, các Econs sẽ bị rối bởi ý tưởng về quà tặng. Một Econ sẽ cho rằng tiền mặt là món quà khả dĩ tốt nhất; nó cho phép người nhận nó mua bất cứ thứ gì mà người đó cho là tối ưu. Nhưng trừ phi bạn kết hôn với một nhà kinh tế học, tôi không khuyên bạn nên tặng tiền mặt vào ngày kỷ niệm sắp tới của bạn. Hãy thử suy nghĩ về điều đó, ngay cả khi vợ hoặc chồng của bạn là một nhà kinh tế học, thì đây không phải là một ý tưởng tuyệt vời.
Tất nhiên, đa số các nhà kinh tế học đều biết rằng những người mà họ tương tác không giống các Econs. Trên thực tế, trong những khoảnh khắc riêng tư, các nhà kinh tế học thường vui mừng thừa nhận rằng hầu hết những người mà họ quen đều không biết gì về những vấn đề kinh tế. Nhưng trong nhiều thập kỷ qua, sự nhận thức này không ảnh hưởng đến cách thức mà hầu hết các nhà kinh tế học đã làm công việc của họ. Họ có một biện minh: thị trường. Đối với những người bảo vệ kinh tế học chính thống, thì thị trường được cho là có sức mạnh kỳ diệu.
Có một phiên bản của lập luận về thị trường kỳ diệu này mà tôi gọi là cái vẫy tay vô hình (hand wave). Nó nói lên một cái gì đó giống như thế này. "Vâng, đúng là vợ hoặc chồng tôi và sinh viên của tôi và các đại biểu Quốc hội không hiểu gì về kinh tế học, nhưng khi họ phải tương tác với thị trường...." Chính vào thời điểm này, cái vẫy tay xuất hiện. Những từ và cụm từ, chẳng hạn như các mức tiền cược cao, sự tập huấn và mua bán song hành, được ném ra ngoài để gợi ý một số cách thức mà thị trường có thể làm điều kỳ diệu của nó, nhưng tuyên bố của tôi là không ai có thể kết thúc lập luận với hai tay còn lại không làm gì.
Cái vẫy tay là điều cần thiết bởi vì không có điều gì trong cách vận hành của các thị trường có thể biến con người bình thường thành những Econs. Ví dụ, nếu bạn chọn nhầm nghề, lựa chọn sai tài sản thế chấp hoặc thất bại trong việc tiết kiệm để về hưu, thì thị trường sẽ không sửa chữa những sai sót đó. Trong thực tế, khá nhiều điều ngược lại thường xảy ra. Người ta dễ kiếm tiền hơn bằng cách phục vụ những thành kiến của người tiêu dùng hơn là cố gắng sửa chữa chúng.
Có lẽ vì sự chấp nhận trái lẽ các lập luận về cái vẫy tay vô hình, mà các nhà kinh tế học đã bỏ qua các nhân tố được cho là không phù hợp, được trấn an bởi kiến thức cho rằng trong thị trường các nhân tố này sẽ chẳng có gì quan trọng. Than ôi, cả hai lĩnh vực kinh tế học và xã hội đều sai lầm nhiều về điều này. Các nhân tố được cho là không thích hợp, hay các SIFs [Supposedly Irrelevant Factors], có ý nghĩa rất lớn, và nếu các nhà kinh tế học thừa nhận tầm quan trọng của chúng, thì chúng ta có thể làm tốt hơn công việc của mình. Kinh tế học hành vi, trong một chừng mực lớn, là kinh tế học chuẩn đã được điều chỉnh để tích hợp các nhân tố được cho là không phù hợp.
Các nhân tố được cho là không phù hợp [SIFs] có ý nghĩa trong các lĩnh vực quan trọng hơn là giữ cho sinh viên hài lòng với điểm số bài kiểm tra. Hãy thử xem xét các kế hoạch đóng góp tiền hưu, chẳng hạn như chương trình 401(k). Các Econs sẽ không gặp khó khi tính toán cần tiết kiệm bao nhiêu để nghỉ hưu và làm thế nào để đầu tư số tiền đó, nhưng những con người nhỏ bé có thể thấy điều đó khá khó. Vì vậy, những người sử dụng lao động có hiểu biết đã kết hợp 3 nhân tố được cho là không phù hợp [SIFs] khi thiết kế kế hoạch đóng góp tiền hưu của họ: họ tự động ghi danh các nhân viên (nhân viên có thể chọn không tham gia), họ tự động nâng mức tiết kiệm hàng năm lên, và họ cho nhân viên một lựa chọn đầu tư mặc định thận trọng như quỹ TDF (Target Date Fund). Những tính năng này cải thiện đáng kể thu hoạch của những người tham gia chương trình, nhưng đối với các nhà kinh tế học đó là các nhân tố được cho là không phù hợp vì các Econs chỉ cần hiểu điều cần làm mà không cần đến chúng [các SIFs].
Các kế hoạch nghỉ hưu này cũng có một nhân tố được cho là xác đáng: Các khoản đóng góp và tăng giá vốn đều không phải chịu thuế cho đến khi nghỉ hưu. Việc miễn thuế này được tạo ra để khuyến khích mọi người tiết kiệm nhiều hơn. Nhưng hãy thử đoán xem: Một nghiên cứu gần đây, sử dụng các dữ liệu của Đan Mạch, đã so sánh tính hiệu quả tương đối của các nhân tố được cho là không phù hợp [SIFs] với một khoản trợ cấp thuế tương tự ở Đan Mạch. Các tác giả cho rằng chỉ có 1 phần trăm tiền tiết kiệm xuất phát từ các kế hoạch [nghỉ hưu] của Đan Mạch là nhờ miễn thuế. 99% còn lại xuất phát từ các tính năng tự động.
Họ kết luận: "Nói tóm lại, những phát hiện của nghiên cứu của chúng tôi đặt ra vấn đề liệu các khoản trợ cấp thuế có phải là chính sách hiệu quả nhất để tăng tiền tiết kiệm hưu trí không. Các chính sách ghi danh tự động hoặc mặc định, nhằm thúc đẩy các cá nhân tiết kiệm nhiều hơn, có thể có những tác động lớn hơn lên chính sách tiết kiệm của quốc gia với chi phí xã hội thấp hơn. Quả thực không phù hợp!
Xin lưu ý rằng các tính năng không phù hợp của thiết kế tạo nên được tác dụng, về cơ bản là miễn phí, trong khi một khoản miễn thuế lại khá tốn kém. Uỷ ban Kinh tế Hỗn hợp ước tính rằng chính sách miễn giảm thuế của Hoa Kỳ sẽ làm cho chính phủ tiêu tốn 62 tỷ US$ vào năm 2015, một con số được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng. Hơn thế nữa, hầu hết các khoản trợ cấp thuế này đều đổ dồn vào những người nộp thuế giàu có.
Đây là một ví dụ khác. Vào những năm đầu của chính quyền Obama, Quốc hội đã thông qua một đạo luật miễn giảm thuế tạm thời cho người nộp thuế và chính quyền phải quyết định cách thức để thực hiện nó. Liệu người nộp thuế sẽ được cấp cho một số tiền gộp trả một lần, hoặc số tiền phụ trội sẽ được trải đều trong năm qua các kỳ lương định kỳ?
Trong thế giới các Econs, sự lựa chọn này là không xác đáng. Tác động đối với tiêu dùng của một số tiền gộp trả một lần trị giá 1,200 US$ cũng giống như các kỳ lương hàng tháng được cộng thêm 100 US$. Nhưng trong khi hầu hết những người đóng thuế thuộc tầng lớp trung lưu phải chi gần như toàn bộ số tiền lương hàng tháng, thì nếu được cấp một số tiền gộp trả một lần, họ có nhiều khả năng tiết kiệm một phần hoặc dùng số tiền đó để trả hết nợ. Khi mục đích của việc miễn giảm thuế là nhằm kích thích chi tiêu, tôi tin rằng chính quyền đã đưa ra một sự lựa chọn khôn ngoan trong việc trải đều số tiền đó trong năm.

Lĩnh vực kinh tế học hành vi đã xuất hiện từ hơn ba thập niên qua, nhưng việc áp dụng những phát hiện của nó vào các vấn đề xã hội mới chỉ bắt đầu gần đây thôi. Điều may mắn là các nhà kinh tế học cởi mở với cách suy nghĩ mới đang tìm ra những cách mới để sử dụng các nhân tố được cho là không thích hợp nhằm làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn.
RICHARD H. THALER là giáo sư về kinh tế học và khoa học hành vi tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago. Ông là tác giả cuốn "Misbehaving: The Making of Behavioral Economics [Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính]", mà dựa vào đó bài viết này được phỏng theo, và sẽ được NXB W. W. Norton xuất bản trong tháng này.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF