17.10.17

Giải Nobel kinh tế học: học thuyết hành vi của các quyết định kinh tế và bí mật của nó

GIẢI NOBEL KINH TẾ HỌC: HỌC THUYẾT HÀNH VI CỦA CÁC QUYẾT ĐỊNH KINH TẾ VÀ BÍ MẬT CỦA NÓ
Richard Thaler (1945-)
David F. Ruccio
Rất nhiều người đã hỏi tôi về tầm quan trọng của cái gọi là Giải thưởng về kinh tế học [để tưởng nhớ] Nobel đã được trao cho Richard Thaler hôm [9/10/2017] qua.
Họ quan tâm vì họ đã đọc hoặc nghe về danh mục lớn các trường hợp ngoại lệ đối với quy luật [của kinh tế học] tân cổ điển về việc ra quyết định duy lí đã được Thaler và các nhà kinh tế học về hành vi khác tổng hợp.
Một trong những mục yêu thích của tôi là “trò chơi tối hậu thư”[1], trong đó người chơi đầu tiên đề xuất phân bổ một khoản tài trợ (5$) và người chơi thứ hai có thể chấp nhận hoặc từ chối đề xuất này. Nếu đề xuất được chấp nhận, mỗi người chơi được nhận khoản tiền như theo đề xuất của mình; nếu đề xuất bị từ chối, cả hai người chơi không có gì cả. Điều mà Thaler và các đồng nghiệp của ông phát hiện là hầu hết những người chơi ở vị trí thứ hai sẽ từ chối những đề xuất phân bổ cho họ ít hơn 25% khoản tài trợ - mặc dù, một cách duy lí, họ sẽ có lợi hơn với một khoản tiền trong khoản đề xuất ban đầu. Nói cách khác, nhiều người sẵn sàng chịu thiệt (nghĩa là không nhận được gì) để trừng phạt những cá nhân đưa ra đề xuất “không công bằng” với họ. Một khái niệm về sự công bằng như thế là sự thờ ơ đối với kiểu tư lợi (self-interested), ra quyết định duy lí mà chúng chính là trọng tâm của lí thuyết kinh tế học tân cổ điển.
Các trường hợp ngoại lệ khác bao gồm “hiệu ứng sở hữu“ (vì các cá nhân có xu hướng đánh giá cao các mặt hàng chỉ vì họ sở hữu chúng), lí thuyết “kế toán cảm tính” (mental accounting) (theo đó các cá nhân có thể khắc phục những hạn chế về nhận thức bằng cách đơn giản hóa môi trường kinh tế một cách có hệ thống, chẳng hạn như sử dụng các quỹ riêng biệt cho các khoản chi tiêu khác nhau của hộ gia đình), mô hình nhà hoạch định – nhà hành động (trong đó các cá nhân đều là những nhà hành động “cận thám” [có tầm nhìn gần] ra các quyết định ngắn hạn và các nhà hoạch định “viễn thám” [có tầm nhìn xa] cho các quyết định có những hệ quả lâu dài) và tất cả đều có hệ quả trên nhiều hành vi và thể chế kinh tế, từ tiêu dùng đến thị trường tài chính.
Vì vậy, tầm quan trọng của cách tiếp cận kinh tế học của Thaler là gì?
Như tôi thấy, có thể kể về kinh tế học hành vi theo 3 câu chuyện. Câu chuyện đầu tiên là câu chuyện chính, như cách của ủy ban Nobel, bắt đầu từ mệnh đề cho rằng “kinh tế học liên quan đến hiểu biết về hành vi con người trong các tình huống ra quyết định kinh tế và trong các thị trường”. Tuy nhiên, vì “con người là những sinh vật phức tạp” và mặc dù mô hình [kinh tế học] tân cổ điển “cung cấp các giải pháp cho các vấn đề kinh tế quan trọng và phức tạp”, các công trình của Thaler (đứng tên tác giả một mình và đứng tên tác giả chung với các đồng nghiệp khác) đã góp phần mở rộng và chắt lọc sự phân tích kinh tế bằng cách xem xét các đặc điểm tâm lí có ảnh hưởng một cách hệ thống đến các quyết định kinh tế - do đó, tạo ra một “khu vực nghiên cứu đang phát triển mạnh mẽ” và cung cấp cho “các nhà kinh tế học một bộ công cụ phân tích và thực nghiệm phong phú hơn để hiểu và dự đoán hành vi con người”.
Yahya Madra

Câu chuyện thứ hai do Yahya Madra cung cấp (trong Contending Economic Theories [Các lí thuyết Kinh tế học đang tranh luận] của Richard Wolff và Stephen Resnick): kinh tế học hành vi là một phần của cái mà ông gọi là “lí thuyết [kinh tế học] tân cổ điển muộn” (late neoclassical theory) vừa đặt ra những câu hỏi quan trọng về con người kinh tế học tân cổ điển (neoclassical homo economicus) vừa đe dọa vượt qua giới hạn của lí thuyết [kinh tế học] tân cổ điển bằng cách đưa ra “một tầm nhìn hoàn toàn mới về cách thức xác định hành vi kinh tế của các cá nhân”. Do đó, dựa vào những khám phá tâm lí học, kinh tế học hành vi đang phải đối mặt với một sự lựa chọn: liệu nó vẫn là một lĩnh vực nghiên cứu chỉ đơn thuần xếp loại những thiếu sót khác nhau của mô hình [kinh tế học] tân cổ điển và hành vi con người hay nó sẽ tách rời khỏi lí thuyết [kinh tế học] tân cổ điển để hình thành một lí thuyết mới về hành vi con người?
Câu chuyện thứ ba bắt nguồn từ sự thừa nhận rằng kinh tế học hành vi thách thức một số khía cạnh của kinh tế học tân cổ điển bằng cách chỉ ra có nhiều cách thức các cá nhân được dẫn dắt bởi các hình thức ra quyết định vốn vi phạm quy luật về tính duy lí tư lợi (self-interested rationality) được các nhà kinh tế học tân cổ điển giả định — và vẫn còn nằm trong quan điểm khắt khe của kinh tế học tân cổ điển — bằng cách tập trung vào hành vi cá nhân và sử dụng việc ra quyết định duy lí làm mục tiêu.
Do đó, công trình của Thaler và các nhà kinh tế học hành vi tập trung vào các giới hạn về tính duy lí cá nhân [tức tính duy lí hạn chế] chứ không phải vào những sự khuyến khích ngược (perverse incentives)[2] và cấu trúc [thể chế] vốn đang hủy hoại chủ nghĩa tư bản đương thời. Không đề cập đến cách mà các cá nhân giàu có và các tập đoàn lớn, chính vì thu nhập và lợi nhuận cao của họ, có thể đưa ra những quyết định duy lí riêng lẻ — như trong sự sụp đổ [khủng hoảng tài chính toàn cầu - ND] năm 2007 - 2008 — vốn gây ra những hệ quả tiêu cực về mặt xã hội cho mọi người. Cũng không có cuộc thảo luận về các loại tính duy lí khác nhau ngầm ẩn trong những cách thức tổ chức khác nhau của nền kinh tế. Như tôi đã viết hồi năm 2011, “liệu có sự khác biệt nào giữa các nhà tư bản (những người chiếm hữu thặng dư mà không làm gì cả) và công nhân (những người thực sự sản xuất thặng dư) có thể quyết định phân phối thặng dư cho người khác?”
Hơn nữa, trong khi kinh tế học hành vi đã tổng hợp một danh sách dài các trường hợp ngoại lệ đối với tính duy lí tân cổ điển (neoclassical rationality), họ vẫn sử dụng [mô hình] lí tưởng tân cổ điển (neoclassical ideal) như là đường chân trời [ranh giới] của công việc của họ. Điều này có thể thấy trong công trình có lẽ là nổi tiếng nhất của Thaler (viết cùng với đồng nghiệp Cass Sunstein), ý tưởng về “chủ nghĩa gia trưởng tự do” (libertarian paternalism). Theo quan điểm này, “những thay đổi có lợi trong hành vi có thể đạt được bằng các chính sách xâm lấn tối thiểu (minimally invasive policy) thúc đẩy con người đưa ra các quyết định đúng đắn cho chính họ”. Ví dụ, Thaler đề xuất thay đổi lựa chọn mặc định trong kế hoạch hưu trí được xác định trước từ việc tích cực tham gia kế hoạch (dẫn tới kết quả dưới mức tối ưu [suboptimal]) sang việc kết nối tự động với kế hoạch tại một vài tỉ lệ tiết kiệm mặc định và trong một số chiến lược đầu tư mặc định (tương đương với việc ra quyết định duy lí).
Vấn đề là, không có thảo luận về ý tưởng rằng người lao động sẽ được hưởng lợi từ một đối chọn thay thế cho kế hoạch đóng góp được xác định trước — dù đối chọn ấy là các kế hoạch lợi ích được xác định trước hay mở rộng An Sinh Xã Hội. Trong mọi trường hợp, tất cả đều xem cấu trúc thể chế như là có sẵn, thông qua việc thiết kế các cơ chế thích hợp, và chỉ cần “hích” các cá thể để đưa ra các loại quyết định duy lí vốn được giả định trong kinh tế học tân cổ điển.
Học theo lối diễn giải của một nhà phê phán kinh tế chính trị thế kỉ XIX [Karl Marx], chúng ta có thể nói rằng việc ra quyết định kinh tế, ngay từ cái nhìn đầu tiên, là một điều rất tầm thường, và dễ hiểu. Việc phân tích nó cho thấy rằng, trên thực tế, đó là một điều rất kì dị, bao trùm trong những điều tinh tế có tính siêu hình và những chi tiết thần học. Chúng ta có thể thừa nhận vai trò của Thaler và các nhà kinh tế học hành vi khác vì đã có một bước đi tiên phong trong việc thách thức cách trình bày [kinh tế học] tân cổ điển truyền thống về việc ra quyết định duy lí. Tuy nhiên, họ ngừng nghiên cứu những biện pháp khuyến khích phản tác dụng được đưa vào hệ thống kinh tế hiện tại hoặc những tính duy lí thay thế khác có thể làm nền tảng cho một cách thức tổ chức cuộc sống về mặt kinh tế và xã hội khác. Và, xét về mặt lí thuyết kinh tế học, họ dường như không thể tưởng tượng được một cách tư duy khác về nền kinh tế, như là một quá trình không có chủ thể (process without an individual subject).
Tuy nhiên, việc thực hiện bất kì bước đi nào như trên cũng sẽ không bao giờ được công nhận bằng một giải thưởng về kinh tế học [để tưởng nhớ] Nobel đâu.
Về tác giả David F. Ruccio
Ông là giáo sư Kinh tế học tại Đại học Notre Dame (Mỹ). Ông là cựu tổng biên tập tạp chí Rethinking Marxism: Journal of Economics, Culture, and Society (Tư duy lại chủ nghĩa Marx: một Tạp chí Kinh tế học, Văn hoá và Xã hội). Ông còn là tác giả của rất nhiều sách, bài báo, và chương sách về lí thuyết Marxian, kinh tế chính trị quốc tế và phương pháp luận kinh tế học.
Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: Nobel economics: the behaviorism of economic decisions and its secret, Real-World Economics Review Blog, Oct.12 2017.




[1] Trò chơi tối hậu thư

Trong cuộc sống, nhiều khi hành vi con người không hoàn toàn hợp lí dưới góc nhìn thuần túy về lợi ích kinh tế. Một ví dụ nổi tiếng là trò chơi tối hậu thư “Ultimatum Game” của Ariel Rubinstein, nhà kinh tế người Israel. Giả định rằng có hai người tham gia trò chơi và được đưa một số tiền biết trước. Người thứ nhất (người đưa) có quyền quyết định sẽ đưa cho người thứ hai (người nhận) bao nhiêu tùy ý. Người thứ hai có quyền nhận hay từ chối số tiền được đưa. Cả hai sẽ chỉ nhận được tiền nếu người nhận đồng ý với phương án chia tiền.

Nếu đứng trên góc nhìn thuần lí thì rõ ràng người đưa sẽ đề nghị phương án chia có lợi ích tối đa về phía mình, người nhận cũng sẽ chấp nhận bất kì số tiền nào. Vì nếu không chấp nhận thì anh ta cũng chẳng được gì. Tuy nhiên, thí nghiệm thực tế của ba nhà kinh tế Werner Güth, Rolf Schmittberger và Bernd Schwarze đã cho những kết quả hoàn toàn khác.

Thống kê cho thấy trung bình người đưa đề nghị cho người nhận 37% số tiền. Các nghiên cứu tiếp tục còn đưa ra con số nằm ở mức 40-50%. Khoảng một nửa số người tham gia thí nghiệm từ chối nhận tiền khi được đề nghị con số thấp hơn 30%.

Những kết quả thực tế từ trò chơi này và các biến thể của nó thể hiện rằng con người có bản năng về sự công bằng. Hành vi của chúng ta không chỉ dựa trên so sánh kinh tế về được mất, mà còn rất nhiều giá trị khác được đưa vào trong các tính toán tối ưu.

Đọc thêm: http://tuoitre.vn/thu-phi-va-tro-choi-toi-hau-thu-481453.htm

[2] Sự khuyến khích ngược (Perverse incentive) là một sự khuyến khích có kết quả không như mong muốn, nó trái với lợi ích của các những người tạo ra khuyến khích. Nó cũng chính là một loại hiệu ứng rắn hổ mang (cobra effect).

Đọc thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/Perverse_incentive

Print Friendly and PDF