24.10.17

Trung Quốc: cuộc điều tra rộng lớn các mạng WeChat, Weibo và Baidu vì những “nội dung trái phép”

TRUNG QUỐC: CUỘC ĐIỀU TRA RỘNG LỚN CÁC MẠNG WECHAT, WEIBO VÀ BAIDU VÌ NHỮNG “NỘI DUNG TRÁI PHÉP”

Bên trái và bên phải màn hình của một điện thoại thông minh Trung Quốc, là biểu tượng của các ứng dụng nhắn tin Wechat và QQ của tập đoàn Tencent, và ở giữa, là ứng dụng tiểu blog Weibo của tập đoàn Sina. (Ảnh bản quyền: Da qing/Imaginechina/via AFP)
Làm thế nào để kiểm soát hoàn toàn thứ không kiểm soát được, cụ thể là không gian mạng [cyberspace]? Một vài tháng trước Đại hội Đảng lần thứ 19, một thời điểm có tính quyết định đối với việc duy trì quyền lực của Tập Cận Bình, chính phủ Trung Quốc đã không còn nương tay. Vào hôm Thứ sáu, ngày 11 tháng 8, chính phủ đã mở một cuộc điều tra ba tập đoàn mạng: WeChat, Weibo và Baidu bị cáo buộc phổ biến những “nội dung trái phép” và “gây nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia”.
Đây là một chiến dịch lớn về sự kiểm duyệt trực tuyến. Vào hôm Thứ sáu này, chính phủ đã mở một cuộc điều tra ba mạng xã hội phổ biến nhất ở Trung Quốc: mạng tin nhắn WeChat, mạng Weibo (Twitter của Trung Quốc) và công cụ tìm kiếm Baidu. Những cáo buộc chính? Cả ba đã vi phạm luật mới về an ninh mạng qua việc xuất bản những nội dung trái phép gây nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia, theo tường thuật của báo South China Morning Post [Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng]. Luật [mới] này có hiệu lực vào ngày 1 tháng 6 [năm 2017] vừa qua: Nó cho phép các cơ quan thẩm quyền truy tố mọi cá nhân hoặc pháp nhân xuất bản những thông tin được cho là có hại cho chế độ. Cuộc điều tra đã bắt đầu ở Bắc Kinh và Quảng Châu khi nhận được những tin nhắn từ người dùng thông báo những điều được gọi là “nội dung trái phép”, theo lời khẳng định của một quan chức chính quyền Trung Quốc về an ninh mạng trong một tuyên bố ngắn gọn. Ví dụ, các an ninh không gian mạng đã phát hiện một số người dùng Internet đã sử dụng ba nền tảng để phổ biến những thông tin bạo lực và những tin đồn bẩn thỉu”, gây nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia, an toàn công cộng và trật tự xã hội.
Người ta sẽ không thể hiểu được cuộc điều tra rộng lớn này nếu không lồng vào bối cảnh chính trị ở Trung Quốc trong thời gian nửa năm nay. Bắt đầu là viễn cảnh của Đại hội Đảng lần thứ 19, được tổ chức vào mùa thu. Trong đại hội này, Tập Cận Bình đánh cược quyền lực gần như tuyệt đối và tương lai chính trị của ông trong dài hạn. Đối với ông, sẽ không có vấn đề để cho không gian mạng được tự do tranh luận công khai. Trước đây, chính phủ đã phải cố gắng hết sức để dập tắt những bình luận ​​về cái chết của Lưu Hiểu Ba: nhà hoạt động vì nhân quyền và là người được trao giải Nobel năm 2010, đã qua đời vào ngày 13 tháng 7 [năm 2017] trước khi hết hạn án 11 năm tù. Một sự kiện nhạy cảm khác vài ngày trước đó: ngày 1 tháng Bảy, ngày kỷ niệm 20 năm trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc. Cơ hội để chủ tịch Trung Quốc tái khẳng định việc ông từ chối bất kỳ cuộc đối thoại nào về sự độc lập hoặc dân chủ hoá cựu thuộc địa này của Anh.
Cuộc điều tra đối với ba tập đoàn kỹ thuật số Trung Quốc chỉ là hồi cuối của một loạt các biện pháp mới được quyết định. Vào cuối tháng Sáu, tập đoàn Weibo đã bị Bắc Kinh nhắm đến khi quyết định cấm tuyến tải trực tiếp trên Internet, do việc phát video trực tuyến là điều quá khó để kiểm duyệt, theo lời của trang web chuyên ngành Techcrunch. Khi đó, lệnh cấm được biện minh bởi sự thiếu vắng một giấy phép phát các chương trình truyền thanh và truyền hình trên Internet, và việc xuất bản một số chương trình bình luận với nội dung vi phạm các quy định của chính phủ, theo tiết lộ của Weibo trong một thông cáo. Theo đó, vào tháng Sáu, an ninh không gian mạng đã đóng hàng chục tài khoản giải trí trực tuyến trên các mạng Weibo, Tencent và Baidu.
Đồng thời, công cụ khóa không gian mạng [cyberlock] cũng được yêu cầu khóa bất cứ điều gì mà trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra những thứ có tính lật đổ trên các nền tảng này. Ví dụ, vào ngày 03 tháng 8 [năm 2017], mạng Tencent đã phải gỡ bỏ hai ứng dụng “chatbot” của họ, những phần mềm được lập trình để mô phỏng một cuộc trò chuyện, theo tờ Telegraph. Đó là phần mềm “BabyQ” của công ty Turing Robot ở Bắc Kinh, và phần mềm “Xiaobing” của Microsoft. Chúng đã vi phạm điều gì? Vì đã đặt lại vấn đề của Đảng và đã viết những bình luận có tính “phản quốc”. Đối với câu hỏi Bạn có thích Đảng Cộng sản không?BabyQ đã trả lời: Không”. Còn đối với Xiaobing, nó cũng đã vượt qua lằn ranh đỏ. Đối với tin nhắn Đảng Cộng sản muôn năm, thì một phần mềm chatbot phản động khác đã trả lời như sau Liệu bạn có tin rằng một chính sách thối nát và bất lực như vậy có thể tồn tại được bao lâu?
Iliana Pradelle
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF