ĐỐI VỚI KINH TẾ HỌC LẠI THÊM MỘT SỰ NGẠC NHIÊN KHÁC VỀ GIẢI THƯỞNG ĐỂ TƯỞNG NHỚ NOBEL
NEW HAVEN – Người đoạt giải thưởng về Khoa học Kinh tế [để tưởng nhớ Nobel] năm nay, Richard Thaler của Đại học Chicago (Mỹ), là một sự lựa chọn gây tranh cãi. Thaler được biết đến nhờ vào việc theo đuổi suốt đời kinh tế học hành vi (và cả phân ngành của nó, tài chính hành vi), đây là ngành nghiên cứu về kinh tế học (và tài chính) từ góc độ tâm lí. Đối với một số người trong nghề, ý tưởng rằng việc nghiên cứu tâm lí nên là một phần của kinh tế học đã tạo nên sự thù địch trong nhiều năm.
Tôi không thuộc nhóm trên. Tôi thấy thật là tuyệt vời khi Quỹ Nobel chọn Thaler để trao giải. Giải thưởng về kinh tế học [để tưởng nhớ] Nobel đã được trao cho một số người có thể gọi họ là các nhà kinh tế học hành vi, bao gồm George Akerlof, Robert Fogel, Daniel Kahneman, Elinor Ostrom và tôi. Tính cả Thaler, cho đến bây giờ có khoảng 6% trong tổng số giải thưởng về kinh tế học [để tưởng nhớ] Nobel đã trao các nhà kinh tế học hành vi.
Robert W. Fogel (1926-2013) |
Robert Shiller (1946-) |
Nhưng nhiều người trong lĩnh vực kinh tế học và tài chính vẫn tin rằng cách tốt nhất để mô tả hành vi con người là tránh tâm lí học và thay vào đó mô hình hoá hành vi con người như là sự tối ưu hóa toán học bởi các cá nhân riêng biệt và triệt để ích kỉ, phải chịu những ràng buộc về ngân sách. Tất nhiên, không phải tất cả các nhà kinh tế học, hay đa số họ, đều gắn bó chặt chẽ với quan điểm này, bằng chứng là cả Thaler và tôi đều được bầu làm chủ tịch, trong những năm liên tiếp, của Hiệp hội Kinh tế học Hoa Kì (American Economic Association), tổ chức chuyên môn chính thức của các nhà kinh tế học Hoa Kì. Nhưng không nghi ngờ gì là nhiều đồng nghiệp của chúng tôi còn gắn bó với quan điểm trên.
Lần đầu tiên tôi gặp Thaler vào năm 1982, khi ông làm giáo sư tại Đại học Cornell (Mỹ). Tôi đã đến thăm Cornell một thời gian ngắn, anh và tôi cùng nhau đi bộ vòng quanh khuôn viên trường, và cả hai chúng tôi đã khám phá ra rằng chúng tôi có những ý tưởng và mục tiêu nghiên cứu tương tự nhau. Trong 25 năm, bắt đầu từ năm 1991, Thaler và tôi cùng nhau tổ chức nhiều hội thảo về kinh tế học hành vi, dưới sự bảo trợ của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kì.
Merton H. Miller (1923-2000) |
Elinor Ostrom (1933-2012) |
Tuy nhiên, trong suốt những năm đó, đã có sự phản đối – và ngay cả còn tỏ ra là đối kháng thực sự – nhắm tới chương trình nghiên cứu của chúng tôi. Thaler từng nói với tôi rằng Merton Miller, người đã giành được giải thưởng về Kinh tế học [để tưởng nhớ] Nobel năm 1990 (ông này mất vào năm 2000), thậm chí còn không thèm nhìn ông khi đi ngang qua hành lang ở Đại học Chicago (Mỹ).
Miller đã giải thích lí lẽ của ông (nếu không phải là hành vi của ông) trong một bài viết được trích dẫn rộng rãi năm 1986 có tên gọi là “Behavioral Rationality in Finance“ (Tính duy lí về hành vi trong tài chính). Merton Miller đã nhân nhượng rằng đôi khi con người là nạn nhân của tâm lí học, nhưng ông lại khẳng định rằng những câu chuyện về những sai lầm như thế là “gần như hoàn toàn không liên quan gì” đến tài chính. Nhiều người ngưỡng mộ ông hay trích dẫn câu kết luận từ bài phê bình này: “Chúng tôi bỏ qua tất cả các câu chuyện này trong việc xây dựng mô hình của mình không phải vì những câu chuyện không hấp dẫn mà là vì chúng quá thú vị và do đó làm chúng tôi phân tâm khỏi các lực của thị trường có mặt khắp nơi vốn phải là mối quan tâm chính của chúng ta.”
Stephen A. Ross (1944-2017) |
Stephen A. Ross của MIT, một lí thuyết gia về tài chính khác có thể sẽ được ủy ban Nobel bình chọn trong tương lai nếu ông không đột ngột qua đời vào tháng 3 năm nay, cũng có suy nghĩ như vậy. Trong cuốn sách Neoclassical Finance (Tài chính Tân cổ điển) năm 2005, ông cũng tránh tâm lí học, thích xây dựng một “phương pháp luận về tài chính như là hệ quả của việc vắng mặt của việc định giá chênh lệch (arbitrage)”. Nói cách khác, ta có thể học được rất nhiều về hành vi của con người chỉ từ việc quan sát để thấy rằng không có bất kì tờ 10$ nào nằm trên vỉa hè công cộng. Tuy nhiên, bất luận thiên hướng tâm lí của một số người là như thế nào đi nữa, có thể đặt cược rằng họ sẽ nhặt tiền lên ngay khi nhìn thấy ra tờ bạc.
Cả Miller và Ross đã có những đóng góp tuyệt vời cho lí thuyết tài chính. Nhưng kết quả của họ không phải là mô tả duy nhất về các lực của kinh tế và tài chính mà ta nên quan tâm, và Thaler có đóng góp lớn cho một chương trình nghiên cứu hành vi đã chứng minh điều này.
Hersh Shefrin (1948-) |
Shlomo Benartzi |
Ví dụ, năm 1981, Thaler và Hersh Shefrin của Đại học Santa Clara (Mỹ) đã đưa ra “lí thuyết kinh tế học về tự kiểm soát (self-control)” mô tả các hiện tượng kinh tế bằng sự bất lực của con người trong việc kiểm soát xung lực của mình. Chắc chắn, mọi người không gặp khó khăn trong việc có động lực khiến bản thân cúi xuống lượm một tờ 10$ mà mình nhìn thấy trên vỉa hè. Không có vấn đề tự kiểm soát trong trường hợp này. Nhưng họ sẽ gặp khó khăn trong việc chống lại xung lực tiêu tiền. Do đó, kết quả là hầu hết mọi người đều tiết kiệm quá ít cho những năm nghỉ hưu.
Cass Sunstein (1954-) |
Các nhà kinh tế học cần biết về những sai lầm như thế mà mọi người thường xuyên phạm phải. Trong một sự nghiệp lâu dài sau đó, có những công trình với Shlomo Benartzi của UCLA [Đại học California tại Los Angeles (Mỹ) - ND] cùng những người khác, Thaler đã đề xuất các cơ chế, như trong quyển sách của ông và Cass Sunstein Nudge (Cú hích), thay đổi “kiến trúc lựa chọn” (choice architecture) của những quyết định này. Một người, cũng có các vấn đề tương tự về tự kiểm soát, có thể được tạo điều kiện thuận lợi để ra các quyết định tốt hơn.
Việc cải thiện hành vi tiết kiệm của con người không phải là vấn đề nhỏ hoặc không đáng kể. Ở một mức độ nào đó, đó là vấn đề của sự sống hay cái chết, và, ở phạm vi rộng hơn, nó quyết định liệu ta có thể đạt được sự trọn vẹn và hài lòng trong cuộc sống hay không.
Richard Thaler đã cho thấy trong nghiên cứu của mình cách thức để tập trung vào sự điều tra kinh tế một cách dứt khoát hơn về các vấn đề thực tế và quan trọng. Chương trình nghiên cứu của ông ẩn chứa lòng trắc ẩn và có nền tảng thực tế, và ông đã thiết lập một quỹ đạo nghiên cứu cho các học giả trẻ và kĩ sư xã hội (social engineer), đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc cách mạng khoa học thực sự và bền vững. Tôi không thể hài lòng hơn về ông – hay về giới kinh tế học chúng tôi.
Robert J. Shiller là người được giải thưởng về kinh tế học [để tưởng nhớ] Nobel năm 2013. Ông là Giáo sư Kinh tế học tại Đại học Yale và đồng tác giả của Chỉ số Case-Shiller về giá nhà ở Mỹ (Case-Shiller Index of US house prices). Ông là tác giả của quyển Irrational Exuberance (Sự hồ hởi phi lí trí), ấn bản thứ 3 được phát hành vào tháng 01/2015, và gần đây là quyển Phishing for Phools: The Economics of Manipulation and Deception (Thả mồi câu cá ngáo: Kinh tế học của sự thao túng và mánh khóe lừa bịp), viết cùng với George Akerlof.
Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: Another Nobel Surprise for Economics, project-syndicate, Oct 10 2017.