1.9.21

Chuyên gia y tế công cộng: Tại sao tôi không còn nghĩ rằng chúng ta có thể loại bỏ COVID?

CHUYÊN GIA Y TẾ CÔNG CỘNG: TẠI SAO TÔI KHÔNG CÒN NGHĨ RẰNG CHÚNG TA CÓ THỂ LOẠI BỎ COVID?

Các hạn chế nghiêm ngặt nhằm loại bỏ hoàn toàn virus ở Úc đang kiểm nghiệm khả năng phục hồi của cộng đồng. Ảnh: James Ross / EPA-EFE

Tác giả: Andrew Lee

Trên khắp thế giới, các quốc gia đang phải cân bằng giữa số trường hợp nhiễm COVID-19 và những ràng buộc. Ở Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, số ca mới nhiễm hàng ngày lên đến hàng nghìn, nhưng các ràng buộc và giới hạn đang được dỡ bỏ. Ngược lại, New Zealand đã bắt đầu phong tỏa quốc gia trong thời gian ngắn chỉ để ngăn chặn một số ít các trường hợp bị nhiễm.

Trong 20 tháng qua, New Zealand, Úc và một số quốc gia Đông Á khác đã và đang theo đuổi các chính sách cứng rắn nhằm tiêu diệt hoàn toàn COVID-19. Điểm nổi bật của các phương pháp tiếp cận “không COVID” (“zero COVID”) này là kiểm soát biên giới nghiêm ngặt và sắp xếp cách ly cũng như sớm áp dụng các biện pháp phong tỏa khi phát hiện ra các trường hợp bị nhiễm.

Cho đến nay, các cách tiếp cận trên đã giúp giảm thiểu số ca nhiễm virustử vong. Tác động kinh tế mà các quốc gia áp dụng các cách tiếp cận này phải trải qua cũng ít nghiêm trọng hơn so với các quốc gia không áp dụng chúng. New Zealand cho biết họ dự định tiếp tục chiến lược diệt trừ COVID-19 vô thời hạn.

Cách làm này có bền vững không? Trong một thế giới lý tưởng, việc loại bỏ hoàn toàn COVID-19 là điều mà tất cả các quốc gia đều hướng tới, và trước đó trong đại dịch, tôi đã ủng hộ chiến lược này. Nhưng bây giờ đại dịch đã tiến triển, nên cách tiếp cận này ít có ý nghĩa hơn.

Một giấc mơ không thể thực hiện được?

Nhiều quốc gia hiện có mức độ virus lây lan cao và không có mục tiêu phải tiêu diệt hoàn toàn virus này. Và dường như các quốc gia có ít trường hợp bị nhiễm, chẳng hạn như New Zealand hoặc Úc, không thể tiếp tục kìm giữ vô thời hạn không cho COVID-19 lây lan trong một thế giới mà virus đang lây lan.

Sẽ luôn có nguy cơ bị du nhập virus bởi những du khách bị nhiễm từ các khu vực khác đến. Và trong một thế giới toàn cầu hóa, việc cô lập một quốc gia khỏi hầu hết các quốc gia khác về lâu dài có thể sẽ quá tốn kém và không được người dân ưa chuộng để có thể duy trì. Hơn nữa, nó đòi hỏi một mức độ may mắn. Việt Nam, Thái Lan và Hàn Quốc, từng được kể là những nước thành công về việc tiêu diệt hoàn toàn COVID, đã phải vật lộn để ngăn chặn virus khi nó được du nhập mặc dù đã có nhiều biện pháp khác nhau về kiểm soát biên giới.

Thực tế là virus đang đột biến có thể giải thích lý do tại sao họ thấy khó kìm giữ được virus hơn. Virus đang trở nên giỏi hơn trong việc lây lan ở người. Biến thể alpha có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 50% đến 100% so với virus gốc xuất hiện vào cuối năm 2019, và biến thể delta lại có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 50% so với alpha. Virus càng trở nên lây lan, thì ta càng phải làm nhiều việc để ngăn chặn.

Cũng có những yếu tố khác để xem xét. Virus có thể lây nhiễm cho cả động vật nuôi lẫn động vật hoang dã. Nếu con người truyền virus cho động vật, như vậy các ổ chứa virus mới được tạo ra, sau đó virus có khả năng tràn trở lại vào con người sau khi bị ngăn chặn.

Trên hết, một tỷ lệ lớn các trường hợp nhiễm trùng ở người không có triệu chứng. Những trường hợp nhiễm này rất khó phát hiện sớm và do đó có khả năng lây lan. Cả hai yếu tố đều làm tăng khả năng COVID-19 lây lan trở lại vào một thời điểm nào đó - trừ khi bền bỉ duy trì mức độ ràng buộc cao ở các quốc gia tiêu diệt hoàn toàn COVID.

Niềm tin của công chúng vào các quyết định của các nhà lãnh đạo Úc đang giảm sút. Ảnh: Dan Himbrechts / EPA-EFE

Nhưng mọi người sẽ tiếp tục ủng hộ cách tiếp cận tiêu diệt hoàn toàn COVID trong bao lâu nếu nó có nghĩa là phải phong tỏa định kỳ để xử lý một số lượng nhỏ các trường hợp bị nhiễm? Ở Úc, mọi người tỏ ra ngày càng mệt mỏi với những ràng buộc lặp đi lặp lại, đặc biệt là khi virus dường như vẫn đang tiếp tục tồn tại. Niềm tin vào sự đáp trả COVID-19 của chính phủ đang suy yếucăng thẳng đang gia tăng. Nói xong điều ấy rồi thì, vẫn còn sự ủng hộ đối với phương pháp tiếp cận nghiêm ngặt của New Zealand.

Vai trò của vắc xin

Có một quan điểm trái chiều quan trọng là các quốc gia như Úc và New Zealand vẫn có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin thấp. Việc nới lỏng các chính sách hiện hành có thể khiến virus lây lan nhanh chóng và gây ra một lượng lớn những gián đoạn, các trường hợp bệnh và tử vong mà lẽ ra đã có thể tránh được.

Và mặc dù các chính sách không COVID là tốn kém, một điều mà đại dịch này đã dạy cho chúng ta rằng trong ngắn hạn, việc áp dụng một cách tiếp cận nghiêm ngặt dẫn đến ít thiệt hại nhất cho sức khỏe và sự giàu có của xã hội. Ở các quốc gia có mức độ lây nhiễm thấp và tỷ lệ tiêm chủng vắc xin thấp, đó là trường hợp rất tốt để tiếp tục ngăn chặn tối đa.

Nhưng chưa rõ giải pháp dài hạn tối ưu là gì. Virus vẫn chưa ở yên trong môi trường sinh thái của nó, vì vậy vẫn chưa rõ cuối cùng nó sẽ có những hành vi nào. Có thể có nhiều kết quả khác nhau, và những kết quả này phụ thuộc vào mức độ tiêm chủng vắc xin để ngăn chặn con người không bị nhiễm và lây lan virus, trái ngược với kết quả là chỉ đơn giản ngăn cản cho họ không bị bệnh.

Nếu vắc xin bảo vệ đủ tốt để chống lại sự nhiễm virus, và có đủ lượng dân số đã được tiêm chủng, thì các trường hợp bệnh sẽ giảm xuống mức thấp. Sau đó, có thể đạt được việc loại trừ COVID-19 trên hầu hết thế giới thông qua chủng ngừa, giống như đối với bệnh sởi. Vẫn còn có nguy cơ virus được tái nhập từ những khu vực có số ca mắc bệnh cao hơn hoặc virus vẫn tồn tại trong các nhóm chưa được chủng ngừa - đó chính là hành vi của bệnh sởi ngày nay.

Tuy nhiên, không biết khả năng bảo vệ của vắc xin để tránh lây nhiễm sẽ kéo dài bao lâu và sự không công bằng đáng kể trong phân phối vắc xin toàn cầu là một rào cản đáng kể đối với việc kìm giữ COVID-19 trên diện rộng. Càng ngày, quan điểm của các chuyên gia y tế công cộng càng cho rằng miễn dịch cộng đồng là không thể đạt được vào thời điểm hiện tại.

Tiêm chủng cho ta một con đường thoát khỏi nguy cơ bị tổn thương cao đối với COVID, nhưng có lẽ không phải là con đường dẫn đến tiêu diệt hoàn toàn COVID. Ảnh: Dan Himbrechts / EPA-EFE

Có một khả năng khác là vắc xin không đủ khả năng ngăn chặn sự lây lan của virus. Trong trường hợp này, virus sẽ tiếp tục lây lan, nhưng các trường hợp bệnh nặng, số người nhập viện và tử vong có giảm. Chúng ta sẽ thấy các đợt bùng phát định kỳ và có thể là dịch theo mùa, tương tự như với bệnh cúm. Đây là kịch bản có nhiều khả năng hơn. Thế thì ta sẽ tập trung ít hơn vào việc cố gắng ngăn chặn sự lây lan của virus mà sẽ tập trung nhiều hơn vào việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương bằng cách tiêm chủng.

Chấp nhận rằng COVID-19 sẽ trở thành bệnh mạn tính - như nhiều quốc gia đã chấp nhận - và chuẩn bị cho tình huống đó rốt cuộc có thể là chiến lược thực tế và duy nhất kết thúc trò chơi cho tất cả các quốc gia.

Do đó, các quốc gia có mức độ lây nhiễm thấp và khả năng miễn dịch thấp, như Úc và New Zealand, nên khẩn trương tiêm chủng cho người dân của họ. Đây là chìa khóa nếu họ muốn tránh được tỷ lệ đáng kể về tử vong và bệnh tật do COVID-19 đã từng được ghi nhận ở châu Âu và châu Mỹ.

Andrew Lee

Nhưng một khi điều này được thực hiện, việc tiếp tục có các đợt phong tỏa tái diễn có thể vừa gây bất ổn về mặt kinh tế xã hội vừa là thách thức để duy trì sự ủng hộ của công chúng. Cùng với việc virus dễ lây lan hơn, gần như không thể hoàn toàn đóng cửa biên giới trong thời gian dài và thực tế là các quốc gia khác không theo đuổi chiến lược tiêu diệt hoàn toàn COVID, những yếu tố này có thể sẽ khiến việc loại bỏ hoàn toàn virus là không thể thực hiện được.

Vài nét về tác giả

Andrew Lee là biên tập viên đọc bản thảo của Tạp chí Global Public Health (Y tế Công cộng Toàn cầu), Đại học Sheffield. Trước đây ông đã nhận được tài trợ nghiên cứu từ National Institute for Health Research (Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia) của Vương quốc Anh. Ông là thành viên của Khoa Y tế Công cộng Vương quốc Anh và Hiệp hội Y tế Công cộng Hoàng gia.

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn:Why I no longer think we can eliminate Covid – public health expert”, The Conversation, 19.8.2021.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF