18.9.21

Khoa học Mở và Covid-19: Một cơ hội để dân chủ hóa tri thức?

KHOA HỌC MỞ VÀ COVID-19: MỘT CƠ HỘI ĐỂ DÂN CHỦ HÓA TRI THỨC?

Bernard Rentier[1]Marc Vanholsbeeck[2]

Truy cập tự do các kết quả khoa học giúp đấu tranh chống đại dịch. Viện Ung thư quốc gia, Unsplash, CC BY

Hàng ngày các nam nữ chuyên viên nghiên cứu của chúng tôi phải đối mặt với thế lưỡng nan sau đây, đại dịch đã để lộ ra cho công chúng: “Làm thế nào để toàn bộ xã hội được hưởng lợi từ những kết quả nghiên cứu được tài trợ bởi các nguồn quỹ công cộng và chúng liên quan đến những vấn đề quan trọng hàng đầu của nhân loại, trong khi những nhà xuất bản lớn lại muốn chiếm giữ những công trình này?

Từ đầu thế kỷ này, một mô hình mới đã nổi lên để phá vỡ những rào cản đang giam giữ tri thức, đó là khoa học Mở (Open Science), minh bạch và mọi người đều tiếp cận được. Cách tiếp cận đổi mới sáng tạo này, nhờ tính thích đáng của nó, đã thuyết phục được nhiều nhà nghiên cứu và những người ra quyết định, đứng đầu là Liên minh châu Âu, khoa học Mở đang tạo thành trụ cột của Không gian nghiên cứu châu Âu (ERA - The European Research Area -).

Khoa học Mở còn chinh phục được cả những nhà xuất bản khổng lồ như Elsevier hay Springer, họ biến đổi mô hình kinh tế của họ và từ nay yêu cầu các tác giả trả phí cho những công bố được truy cập tự do của họ. Tại Pháp và vào năm 2017, trung bình các phí này đã lên đến 1754 euro cho mỗi bài báo – tính chung cho tất cả các nhà xuất bản –.

Tuy nhiên, cũng có thể có những mô hình kinh tế khác, từ khâu nạp các bài báo vào các danh mục kỹ thuật số đến khâu tài trợ công cho xuất bản trên Open Access (vẫn lấy ví dụ tại Pháp là Open Education). Khoa học Mở, nhất là khi nó không đưa vào phục vụ các nhà xuất bản và lợi nhuận của họ, cho phép dân chủ hóa tri thức, khắc phục được những bất bình đẳng trong tiếp cận tri thức, và đặc biệt là đối với những quốc gia và thể chế nghèo nhất, đồng thời gia tăng việc sử dụng những bằng chứng khoa học để hỗ trợ cho việc ra quyết định chính trị.

Đối mặt với đại dịch

Từ tháng 1 năm 2020, quang cảnh của xuất bản khoa học đã biến đổi ngày càng nhanh, ngày càng rời xa mô hình truyền thống về tiếp cận tri thức hạn chế và có điều kiện.

Đáp lại lời kêu gọi của các lãnh đạo khoa học của 12 nước và sự cổ vũ của Liên Hiệp Quốc, UNESCO, Tổ chức Y tế thế giới và của Ủy ban châu Âu, phần lớn các nhà xuất bản thương mại cung cấp sẵn cho các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới những bài báo liên quan đến Covid-19 và virus corona từ trước tới nay. Thời hạn giữa lúc nộp và lúc chấp nhận bài báo đã được rút ngắn rất nhiều, trung bình từ 100 ngày xuống còn 6 ngày trong 12 tuần đầu tiên của đại dịch! Tuy nhiên, đó là một động tác thương mại chứ không hẳn là một sự chuyển hướng bền vững nghiêng về mở rộng truy cập tự do thông tin khoa học, bởi vì phần lớn các nhà xuất bản này tiếp tục áp đặt các phí xuất bản không ngừng gia tăng đối với các tác giả.

Trong bối cảnh này, càng ngày ta càng nhận thấy các nhà nghiên cứu hướng đến những giải pháp công bố mà họ không phải nhượng quyền tác giả cho các nhà xuất bản, những kết quả có thể được truy cập miễn phí và phí công bố, nếu có, phản ánh chi phí sản xuất thực.

Chấp nhận “tiền ấn phẩm” nhanh

Ngày nay, một tác giả có thể nạp vào một máy chủ một bản thảo hoàn chỉnh ngay cả trước khi các đồng sự tiến hành xem xét nó và trước khi công bố nó trên một tạp chí có hội đồng biên tập. “Tiền ấn phẩm” (preprint) giúp các tác giả xác nhận một ý tưởng là của mình, xác định ngày và thúc đẩy nhanh việc phổ biến miễn phí công trình của mình. Tiền ấn phẩm này có thể được thay đổi hay cập nhật, được các nhà chuyên môn bình luận và được lưu giữ trên máy chủ ngay cả khi sau này nó được công bố trên một tạp chí. Các tiền ấn phẩm có thể được trích dẫn và được lập chỉ mục và là đối tượng của một sự quan tâm ngày càng tăng trong truyền thông thông tin và trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, xu hướng công bố trước phải được đi kèm với một sự cảnh giác lớn về tính liêm chính khoa học và khả năng các nhà nghiên cứu khác lặp lại các kết quả, nếu không, độ tin cậy của quy trình sẽ bị đặt lại vấn đề. Cũng quan trọng là báo chí tổng quát, những người ra quyết định và công chúng cần hiểu tình trạng bấp bênh và tạm bợ của những thông tin được chứa đựng trong các tiền ấn phẩm này, vốn đang chờ đợi một sự củng cố, thậm chí một sự xác nhận.

Nghiên cứu y sinh học cần có những dữ kiện tiếp cận được. Christine Sandu/Unsplash, CC BY

Tiên phong cho các nền tảng của tiền ấn phẩm là arXiv, ra đời năm 1991 và được các nhà vật lý và toán học dùng phổ biến từ gần 30 năm nay. Mới hơn, có medRxiv và bioRxiv, Research Square hay preprints.org đã chứng kiến số bài báo nộp vào gia tăng một cách thần kỳ trong đại dịch Covid-19.

Thành công này xác nhận rằng, khi sự khẩn cấp trở nên nổi trội, thì chính là các công cụ nhanh chóng này mà các nam nữ chuyên viên nghiên cứu ưu tiên tìm đến, vừa để lấy thông tin vừa để thông tin. Các tiền ấn phẩm cũng thúc đẩy nhanh hơn việc thực hiện các hợp tác quốc tế giúp sưu tập nhanh chóng một khối lượng lớn những thông tin về dịch tễ học và điều động một số lượng khổng lồ các dữ liệu được tích lũy bởi rất nhiều nhà khoa học.

Mở đường truy cập các dữ liệu

Xa hơn việc truy cập các bài báo, đại dịch đã nhấn mạnh sự khẩn cấp được truy cập các dữ liệu bộ gen, lâm sàng, và cả địa lý và kinh tế. Ngay từ tháng 1 năm 2020, các nhà nghiên cứu đã tải về trình tự bộ gen gốc của SARS-CoV-2 trong một cở sở dữ liệu được truy cập tự do. Cũng rất nhanh, nền tảng các dữ liệu châu Âu về Covid-19 đã cho tiếp cận các dữ liệu xuất phát từ những trung tâm dữ liệu y sinh lớn tại châu Âu và những nơi khác. Do đó, những thông tin chính yếu về virus, những biến thể, tính lây nhiễm, sự nhạy cảm của nó với các thuốc hiện có, thể địa di truyền của các nạn nhân đã tức thì được mở ra cho tất cả các nhà nghiên cứu có quan tâm. Nếu không có sự chia sẻ dữ liệu ở giai đoạn đầu tiên, thì các phương pháp truy vết cũng như vắc xin đã không được triển khai nhanh chóng như vậy.

Chất lượng và độ tin cậy của một bài báo khoa học đăng trên một tạp chí hay dưới dạng tiền ấn phẩm ngoài ra còn dựa trên chất lượng và khả năng tiếp cận các dữ liệu hỗ trợ và chúng phải được kiểm chứng. Việc rút lại một bài báo trên tờ báo y khoa nổi tiếng The Lancet về tính không công hiệu của thuốc hydroxychloroquine đối với điều trị Covid-19 là một chứng minh ngược lại: không tiếp cận được các dữ liệu được phát hiện là gian lận. Do đó, phải khuyến khích các nhà khoa học quản lý các dữ liệu của mình phải chú ý nhiều hơn nữa khi công bố các bài báo: bảo đảm tính khoa học của chúng – hiện nay thường là quá yếu -, nhập chúng vào các danh mục kỹ thuật số được chứng nhận và có khả năng tương tác, theo những tiêu chuẩn của ngành chuyên môn liên quan. Hiện nay, chỉ một số rất ít các bài báo dành nói về Covid-19 có sẵn trên cơ sở dữ liệu thư mục của Open Access PubMed Central là có cho tiếp cận các dữ liệu ngầm.

Sự can dự của các khoa học nhân văn

Cuối cùng, đại dịch cũng như những thách thức xã hội khác cần một sự hợp tác giữa các ngành chuyên môn. Đành rằng các khoa học y sinh có một vị trí cao, nhưng việc quản lý truyền thông và các chính sách y tế cũng như các tác động của khủng hoảng đối với tâm lý, kinh tế và văn hóa đòi hỏi một cách cấp thiết sự chia sẻ các tri thức sản sinh từ các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Khủng hoảng y tế đã gây nên nhận thức và những nỗ lực quan trọng đã được thực hiện để làm hiện rõkết nối các sáng kiến cho đến lúc đó vẫn còn tản mác.

Các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cũng tham gia vào cuộc thảo luận công cộng. 120 học giả Bỉ đã công bố trên Open Access những đề nghị đã được tranh luận về việc ra khỏi cách ly một cách bền vững đồng thời lưu ý đến những yêu cầu về công bằng xã hội và những quan tâm về môi trường. Những suy nghĩ của một vài người trong số họ đã được tiếp nối qua trung gian của các thời luận được công bố và truy cập tự do trên báo chí truyền thống, đặc biệt là góp phần đưa sức khỏe tâm thần và chiều kích tâm lý xã hội của cuộc khủng hoảng vào chương trình nghị sự của những người ra quyết định chính trị, cho dù các hội đồng chuyên gia được ủy nhiệm vẫn tiếp tục dành ưu thế cho những nhận định lâm sàng và dịch tễ học.

Như vậy, một cách độc lập với chuyên ngành, chính là toàn bộ cộng đồng khoa học có cơ hội được giải phóng khỏi tình trạng lệ thuộc vào các tạp chí có “chỉ số ảnh hưởng cao” (impact factor) và thúc đẩy nhanh sự truyền bá tri thức trong xã hội. Mong rằng những biến đổi do đại dịch gây nên sẽ thúc đẩy các nhà nghiên cứu tham gia dứt khoát hơn vào một lộ trình mà sự mở rộng và chia sẻ sẽ trả lại cho khoa học và nghiên cứu chức năng nguyên thủy của chúng: phục vụ lợi ích của mỗi người và của tập thể.

_________

Bài viết trên nằm trong loạt bài “Những câu chuyện đẹp v khoa học” được truy cập tự do và có sự hỗ trợ của Bộ Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới. Để biết thêm chi tiết, xem trang Ouvrirlascience.fr.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Science ouverte et Covid19: une opportunité pour démocratiser le savoir”, The Conversation, 22.8.2021.




Chú thích:

[1] Viện trưởng danh dự (Emeritus), giáo sư danh dự (Emeritus) về virus học và miễn dịch học virus, Đại học Liège.

[2] Tiến sĩ khoa học truyền thông, Đại học tự do Bruxelles (ULB).

Print Friendly and PDF