28.9.21

Những công việc vô ích

NHỮNG CÔNG VIỆC VÔ ÍCH

Bàn về: David Graeber, Bullshit Jobs (Những công việc nhảm nhí), Nhà xuất bản Les liens qui libèrent

Christine Erhel

Ta biết về hiện tượng “những công việc nhảm nhí”, những công việc vô ích này ngày càng nhiều, gây thiệt thòi cho những người thực hiện chúng, và thực sự không cần thiết cho sản xuất; tác phẩm mới đây của David Grarber đề ra những lời giải thích – về các phương diện cá nhân, kinh tế và xã hội, chính trị và văn hóa.

David Graeber (1961-2020)

Tác phẩm của David Graeber mở ra với một nghịch lý đã được trình bày trong một bài báo được tác giả công bố vào năm 2013 trên STRIKE Magazine: Trái ngược với dự báo của Keynes trong Lý thuyết Tổng quát, tiến bộ công nghệ không kéo theo mức giảm đáng kể của thời gian làm việc mà hơn nữa lại phát triển những công việc vô ích, dựa trên nhận định của những người làm các công việc ấy trong mọi trường hợp. Theo hai cuộc thăm dò được dẫn ra trong tác phẩm, 37% người Anh và 40% người Hà Lan đang làm việc quả thật đã cho rằng công việc của họ không có đóng góp hữu ích gì cho thế giới. Do vậy, tác phẩm cho rằng đã nêu ra một hiện tượng không hài lòng sâu sắc đối với công việc, và nêu ra nhiều ví dụ và minh chứng hỗ trợ cho sự tồn tại của những công việc vô ích này, được gọi là “những công việc nhảm nhí” trong suốt tác phẩm. Tuy nhiên, David Graeber có tham vọng đi xa hơn sự tố cáo và luận chiến. Tham vọng ấy còn là chính trị; theo ông, đó là đặt lại vấn đề một xã hội được xây dựng dựa trên công việc, bất kể nó có tính chất gì, kể cả không sản xuất sinh lợi. Mặt khác, như nhan đề nêu ra, nội dung cũng bao gồm một ý đồ lý thuyết: đó là nhận diện những cơ chế góp phần vào sự phát triển các công việc nhảm nhí, trở nên mâu thuẫn với logic sản xuất của chủ nghĩa tư bản.

Thế nào là một công việc vô ích?

Trước tiên tác giả đề nghị một định nghĩa và sau đó là phân loại các công việc nhảm nhí. Đó là những việc làm có lương có vẻ vô ích, không cần thiết, sự biến mất của chúng hoàn toàn không được nhận ra… Tuy vậy, chúng thường được trả lương cao và có những điều kiện làm việc tốt… Với tính chất này, chúng khác với những “công việc chết tiệt” (“shit jobs” - “emplois de merde”), lương thấp và điều kiện làm việc vất vả – nhưng thường là cần thiết (ví dụ như công việc lau chùi, quét dọn). Trái với một định kiến và những phê phán kiểu tân tự do đối với Nhà nước, ta gặp những công việc nhảm nhí cả trong những doanh nghiệp tư nhân lẫn trong các cơ quan hành chính công cộng. Chúng đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực tài chính và bất động sản. Nhưng vấn đề có tác động đến tất cả các loại việc làm, bao gồm cả trong những ngành nghề mà sự ích lợi xã hội của chúng không thể bị bác bỏ (ví dụ như các y tá, hay thậm chí các nhà nghiên cứu, các giáo sư, nam cũng như nữ), họ thấy bùng lên thời gian dành cho những công việc hành chính thuần túy. Do đó, ngoài khoảng chừng hơn 40% các công việc nhảm nhí (những công việc có thể biến mất mà không ai để ý), Graeber ước lượng trong các công việc có ích thì phần vô ích chiếm đến 50%, đến nỗi tổng hợp lại thì tỷ lệ các công việc nhảm nhí được thực hiện vượt hơn phân nửa khối lượng các việc làm…

Sau đó, tác giả phân biệt năm loại công việc nhảm nhí trong tập hợp này. Sự phân loại này là kết quả của một công trình phân tích các cuộc thảo luận truyền thông diễn ra tiếp theo sau sự công bố bài báo năm 2013, và 250 lời chứng trực tuyến nhận được sau một đề nghị trên Twitter, phát đi chủ yếu từ các nước anglo-saxon nhưng cũng có từ một vài vùng địa lý khác. Những kẻ “tôi tớ” cho phép tôn vinh các cấp trên của mình trong hệ thống hay tổ chức đang sử dụng họ (ví dụ những người gác cổng hay những người phụ tá của bộ phận nguồn nhân lực). Những “cận vệ” đáp ứng mục tiêu thị uy vũ lực trong một bối cảnh có xung đột (các lực lượng vũ trang, nhưng kể cả truyền thông…). Những kẻ “vá víu” làm việc để giải quyết những vấn đề là hậu quả của những trục trặc của tổ chức và của sự thiếu vắng những công nghệ thích hợp. Những người “đánh dấu các ô” điền các bảng hỏi và thu thập thông tin nhưng không được sử dụng. Cuối cùng, các “trưởng nhóm” phân phối công việc cho những người khác và theo dõi những cố gắng của họ bằng cách dùng những công cụ kiểm soát, ngay cả đối với những công việc vô ích.

Các chương tiếp theo phân tích “bạo lực tinh thần” mà những người, nam cũng như nữ, làm công việc nhảm nhí phải chịu đựng. Thực vậy, phần lớn những nhân viên ăn lương làm những công việc nhảm nhí đều nói rằng họ thấy khổ sở, mặc dù lương bổng và điều kiện làm việc là rất tốt. Qua nhiều ví dụ và những dẫn chứng về tâm lý, tác giả nhấn mạnh đến sự rối loạn tinh thần như là hậu quả của một công việc vô ích, bởi vì con người có nhu cầu tác động (có ý nghĩa) đến thế giới thông qua những hoạt động của mình. Nỗi khổ vốn bắt nguồn từ đó có thể trở nên quá mức chịu đựng, cho dù công việc này giúp họ có cuộc sống đàng hoàng… Về phương diện này, tác giả hoàn toàn bác bỏ quan điểm kinh tế về sự đánh đổi giữa công việc và nghỉ ngơi giải trí, dựa trên sự tính toán về chí phí và lợi ích, và cuối cùng một cá nhân duy lí có thể lựa chọn làm việc để có lương cao cho dù nội dung công việc không lý thú hay vô ích. Tác giả cũng đặt sự phát triển của những việc làm này trong lịch sử của lao động, trong mối liên hệ với sự phát triển của chế độ làm công ăn lương và quá trình hình thức hóa dần dần quan niệm đạo đức về thời gian: nhằm giải phóng thời gian cho đời sống gia đình và cho nghỉ ngơi giải trí, các phong trào xã hội và các yêu sách đã dần dần đưa đến việc xác định một thời gian dành cho công việc, được áp đặt cho nam và nữ nhân viên ăn lương ngay cả khi họ gần như không có việc gì làm. Tuy nhiên, đối diện với bạo lực của công việc vô ích, các cá nhân có thể phát triển những chiến lược đi đường vòng, phần nào gắn với môi trường xã hội xuất thân của họ: dùng thời gian một cách khác (đối với những hoạt động nghỉ ngơi giải trí) bất kể là ở nơi làm việc hoặc ở bên ngoài bằng cách gia tăng những lần vắng mặt, tăng cường mạng lưới nghề nghiệp của họ để đạt được một công việc thú vị hơn.

Chịu khổ để được thừa nhận

Đâu là những nhân tố giải thích sự bùng nổ những công việc nhảm nhí? Theo tác giả, cần thiết có ba mức độ giải thích: một mức độ cá nhân (tại sao các cá nhân chấp nhận những công việc này?), một mức độ kinh tế và xã hội (những cơ chế nào đã tạo thuận lợi cho chúng phát triển?), một mức độ chính trị và văn hóa (tại sao không xem những công việc nhảm nhí là một vấn đề?). Về phương diện cá nhân, đó là sự bó buộc về tài chính và một sự định hình xã hội nào đó, ví dụ được ưu đãi bởi các cuộc thực tập cho giới trẻ, điều này giải thích tại sao người ta chấp nhận làm một công việc vô ích. Về phương diện kinh tế, chính những gia tăng về hiệu suất ghi nhận được từ năm 1947 đã không những giúp làm giàu cho các nhà đầu tư và tầng lớp quản lý, mà còn tạo ra những vị trí quản trị viên mới nhưng vô ích, được sắp xếp theo một hệ thống thứ bậc làm sản sinh ra những thủ tục hành chính cũng vô ích luôn. Quá trình này, được xem là “chế độ phong kiến quản lý” (“féodalisme managérial”) thách thức logic của chủ nghĩa tư bản và thậm chí đi đến làm chậm tiến bộ khoa học: ví dụ, vì các nhiệm vụ hành chính trở nên nặng nề, các nam, nữ chuyên viên nghiên cứu ngày càng dành ít thời gian cho nghiên cứu… Về phương diện văn hóa và chính trị, diễn biến này đã có thể xảy ra do lịch sử của quan niệm về lao động ở phương Tây, và do sự phát triển của một truyền thống thần học về sự tôn vinh giá trị của lao động cho chính nó, và như là nền tảng của phẩm cách và lòng tự trọng. Hơn nữa, khía cạnh cứng ngắc và khắc khổ kết hợp với truyền thống này làm ta có thể chấp nhận sự tách rời giữa giá trị xã hội và giá trị tiền tệ của lao động. Những công việc ích lợi nhất về mặt xã hội và được trang bị một nội dung thú vị thường bị trả lương thấp (nam, nữ giáo viên, nghiên cứu viên…) trong lúc đó lương cao ngất cho những công việc vô ích và bản thân chúng không lý thú (ví dụ như trong lĩnh vực tài chính). Hơn nữa, trong giai đoạn gần đây, việc tranh đấu chống lại thất nghiệp biện minh cho một mục tiêu tạo việc làm, bất kể tính chất của những việc làm này và lợi ích xã hội của chúng. Rốt cuộc, xã hội trong toàn thể của nó được xây dựng trên một nền đạo đức về sự chịu khổ trong công việc như là nền tảng của sự thừa nhận.

Để kết luận, Graeber đề ra nguyên tắc hoài nghi đối với chính trị nói chung, mà ông nhận thức như là niềm tin vào năng lực của một giới tinh hoa (điển hình là các thành viên của chính phủ) về quyết định và áp đặt một biện pháp hay một thiết chế. Tuy nhiên, trong số các cuộc thảo luận hiện nay, ông thấy việc giảm giờ làm việc có vẻ là một viễn cảnh khó xảy ra, bởi lẽ còn khó đạt được một sự ủng hộ rộng rãi cho giải pháp này. Ngược lại, ông tuyên bố ủng hộ mức lương căn bản phổ quát, khả dĩ tạo được sự an toàn giúp cho nam, nữ nhân viên ăn lương thoát ra khỏi những mối quan hệ thống trị mà họ phải chịu trong công việc, và từ đó giảm số việc làm vô ích (và sự chịu khổ do chúng gây nên).

Một nhận định có thể gây tranh luận

Ngoài ngồn ngộn những ví dụ và năng lực gợi ý của chúng, tác phẩm của David Graeber nêu ra vấn đề địa vị của lao động trong một xã hội mà các thao tác sản xuất do con người thực hiện ngày càng ít, một xu hướng sẽ được tăng cường trong thập niên sắp tới với những tiến bộ của robot tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Mặt khác, ông có lý khi nhấn mạnh nguy cơ mất ý nghĩa của lao động trong một bối cảnh hình thức hóa và kiểm soát ngày càng gia tăng: mặc dù có cơ khí hóa một số công việc, sự tự chủ không vì thế mà tiến bộ hơn, và phần các nam nữ nhân viên làm công ăn lương phải tuân thủ những gò bó về nhịp độ hay về những động tác lặp đi lặp lại vẫn tiếp tục gia tăng[1]. Cuối cùng, ông đi đến chú ý chất lượng của việc làm mà người làm công ăn lương cảm nhận, theo những xu hướng hiện hữu trong các công trình học thuật mới đây và những sáng kiến chính trị hiện hữu (phát triển một chỉ số cuộc sống tốt hơn do OCDE thực hiện (Oraganisation de coopération et de développement économique – Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế), bao gồm các chỉ báo về chất lượng của việc làm, hay sự bắt buộc các doanh nghiệp phải thương lượng về chất lượng cuộc sống trong lao động từ năm 2016 tại Pháp).

Tuy nhiên, ông đã không thể thuyết phục về nhận định ban đầu, do sự yếu kém của những chứng cứ thực nghiệm được nêu ra. Thực vậy, ngoài những vấn đề chênh lệch liên quan đến các nguồn được sử dụng (hai cuộc thăm dò, những lời chứng “tự nguyện” được đề nghị trên twitter), phân tích này hoàn toàn không biết đến những cuộc điều tra lớn hiện hữu về lao động (và được xây dựng dựa trên những mẫu đại diện). Vậy mà những điều tra này cho thấy phần lớn những người được hỏi đều nhận định rằng công việc của họ là có ích. Như vậy, theo cuộc Điều tra châu Âu về các Điều kiện làm việc được thực hiện bởi Fondation de Dublin (Quỹ Dublin) vào năm 2015, 85% nam nữ người châu Âu đã nói rằng họ có “cảm nghĩ họ làm một công việc luôn luôn hay một phần lớn thời gian là có ích” (88% người Pháp, nam và nữ, Vương Quốc Anh nằm ở một mức độ thấp hơn, 80%): như vậy là rất xa với tỷ lệ 40% việc làm được cho là vô ích theo các cuộc thăm dò mà tác giả dẫn ra. Hẳn là khoảng cách này liên quan đến cách đặt câu hỏi, chưa kể các vấn đề thiết kế mẫu, cách đặt câu hỏi (trong cuộc thăm dò Yougov, người ta hỏi những người được phỏng vấn là công việc của họ “có đem lại một đóng góp đáng kể cho thế giới không”, điều này đặt tính ích lợi ở vị trí cao).

John M. Keynes (1883-1946)

Ngoài ra, nhận định có vẻ rất gắn chặt với bối cảnh anglo-saxon, ở đó thời gian làm việc vẫn ở mức cao, cho dù nó đã được giảm bớt[2], trong lúc đó nó ở mức thấp hơn (và đã giảm nhiều hơn) trong bối cảnh các nước châu Âu lục địa hay Bắc Âu. Điều này chủ yếu là kết quả của tầm quan trọng của chế độ nghỉ phép có lương, và sự tồn tại của các cơ chế điều tiết thời gian làm việc (thời gian hợp pháp hay được thương lượng ở mức độ các ngành nghề) mà ta không quan sát thấy tại các nước anglo-saxon. Như vậy, năm 2017, thời gian làm việc trung bình trong năm là 1780 giờ tại Mỹ, so với chỉ 1514 giờ tại Pháp và 1433 giờ tại Hà Lan. Khoảng cách cũng được thấy ở mức độ hàng tuần, với thời gian làm việc trung bình là 42,6 giờ đối với nam nữ lao động ăn lương toàn thời gian tại Vương Quốc Anh (và một tỷ lệ rất cao những thời gian làm việc rất dài), so với 40,8 giờ tại Hà Lan và 40,5 giờ tại Pháp. Thực ra sự giảm thời gian làm việc rõ ràng đã xảy ra, cho dù không phải với những tỷ lệ mà Keynes đã thông báo; nhưng sự giảm này bao hàm các thể chế và một sự điều tiết tập thể tạo điều kiện cho người làm công ăn lương có thể thương lượng về vấn đề này.

Cuối cùng, mặc dù phê phán chủ nghĩa tân tự do, tác phẩm hàm chứa trong nó một tầm nhìn tích cực về việc làm độc lập, nó được trình bày như điều kiện của con người tự do trong thời Cổ Đại, trong lúc đó chế độ làm công ăn lương lại có nghĩa tiêu cực hơn, được hiểu như là hoàn cảnh các nô lệ ở Hy Lạp Cổ Đại hay trong thời Trung Cổ, như là một hình thức việc làm đi cùng sự phát triển của một quan niệm kế toán thời gian lao động – như vậy là tạo thuận lợi cho sự gia tăng các công việc nhảm nhí. Từ thực tế đó, tác phẩm đi theo hướng một diễn ngôn thuận lợi cho sự độc lập và sự phát triển của nó tại một số nước. Thế nhưng, về phương diện nội dung công việc, ta không thấy sự khác biệt giữa luật sư làm việc độc lập cho riêng mình và người luật sư làm việc cho một doanh nghiệp với tư cách là nhân viên ăn lương, vả lại, với việc làm độc lập, có rủi ro lớn là các điều kiện làm việc và lương bổng bị sa sút đối với những ngành nghề ít chuyên môn nhất, biến chúng thành những công việc “chết tiệt”, nói theo thuật ngữ của David Graeber.

David Braeber, Bullshit Jobs (Những công việc nhảm nhí), Elise Roy dịch từ tiếng Anh. Nhà xuất bản Les liens qui libèrent, 416 trang.

Người dịch: Thái Thị Ngoc Dư

Nguồn:Les emplois inutiles”, La vie des idées, 2.9.2019.

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[1] Ví dụ, xem các kết quả cuối cùng của cuộc Điều tra về các Điều kiện làm việc, DARES Analyses, số 82, tháng 12/2017.

[2] Tại Mỹ, thời gian làm việc trung bình trong năm đã giảm 200 giờ từ 1950 đến 2017, trong lúc nó giảm đến hơn 600 giờ tại Pháp (Nguồn: OCDE).

Print Friendly and PDF