3.9.21

Hãy giải phóng vắc-xin!

HÃY GIẢI PHÓNG VẮC-XIN!

Christian Chavagneux

Sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ trong việc dỡ bỏ hiệu lực các bằng sáng chế vắc-xin ngừa Covid không được các công ty dược phẩm lẫn châu Âu tán thành, khi lập luận của họ không có cơ sở vững chắc.

“Chính phủ có niềm tin vững chắc vào các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch này, [chính phủ] hậu thuẫn việc tạm thời dỡ bỏ hiệu lực các biện pháp bảo hộ đó đối với vắc-xin ngừa Covid-19.”

Charles Michel (1975-)
Katherine Tai (1974-)

Kể từ khi bà Katherine Tai, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế của Joe Biden, tuyên bố vào ngày 5 tháng 5, sẽ là nhẹ nhàng khi nói rằng phát biểu ngắn gọn trên lại có tác dụng như một quả bom! Dĩ nhiên là các công ty dược phẩm đã la toáng lên. Điều đáng ngạc nhiên hơn là đã có nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, từ Angela Merkel đến Emmanuel Macron, đã theo gót họ trong những ngày sau đó trong cuộc họp không chính thức các nguyên thủ quốc gia diễn ra vào các ngày 7 và 8 tháng 5.

Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, đã tóm tắt quan điểm của Châu Âu: “Chúng tôi không tin việc tạm thời dỡ bỏ hiệu lực các quyền sở hữu trí tuệ là một chiếc đũa thần, nhưng chúng tôi sẵn sàng đàm phán về chủ đề này ngay khi có một đề xuất cụ thể.” Có những tuyên bố nhiệt tình hơn nhiều...

Đồng ý với vấn đề

Không ai tranh cãi rằng tổ chức tiêm chủng toàn cầu hiện nay đặt ra một vấn đề thực sự về tính công bằng. Chính phủ các nước trên thế giới đã mua 8,9 tỷ liều vắc-xin, nhưng các nước nghèo (các nước nghèo nhất và các nước có thu nhập trung bình thấp) sẽ nhận được 28% tổng số vắc-xin trong khi họ lại đại diện cho một nửa dân số thế giới. Và hơn nữa, các dữ liệu tổng quát nói trên che giấu những bất bình đẳng không thể chịu đựng được. Canada sẽ có 10 liều vắc-xin trên đầu người, Hoa Kỳ 8, Liên minh Châu Âu 4,7.

Có thể hiểu, do tính bất định về khả năng có sẵn và hiệu quả của vắc-xin và nhu cầu tiêm liều vắc-xin bổ sung sắp diễn ra vào năm 2022, thì cần phải đặt hàng nhiều hơn ba liều vắc-xin cho mỗi người. Nhưng điều đó sẽ phải trả giá bằng một sự mất cân bằng khổng lồ: ở Nam Phi, có 0,7 liều vắc-xin trên đầu người và 0,01 liều ở Senegal.

Từ nhiều tháng trước rồi, các nhà dịch tễ học đã giải thích rằng ngày nào mà vi rút vẫn còn lưu hành ở đâu đó, thì nó có thể quay trở lại và buộc các nền kinh tế phải đóng cửa nhiều lần hơn nữa. Việc phân phối vắc-xin trên toàn thế giới là một mệnh lệnh về đạo đức, y tế và kinh tế. Vậy bây giờ làm thế nào đây?

Nếu không có thanh kiếm Damocles về bằng sáng chế, thì có thể có nhiều nhà máy sản xuất [dược phẩm] đi vào hoạt động vào tháng 10 [Twitter]

Giải pháp của Joe Biden là tạm thời dỡ bỏ hiệu lực các quyền sở hữu trí tuệ về vắc-xin, để tất cả những ai có khả năng sản xuất vắc-xin trên thế giới đều sản xuất được, mà không phải trả bất cứ khoản nào và không lo ngại những vụ kiện kéo dài và tốn kém từ phía các phòng thí nghiệm đã tìm ra vắc-xin.

Người châu Âu đã tỏ ra khó chịu trước quan điểm nói trên, như việc Tổng thống Pháp lập luận rằng nếu thế giới thiếu vắc-xin, thì trước hết đó là lỗi của “người Anglo-Saxon”, người Mỹ và người Anh, được coi như cùng một giuộc, những người đã từ chối xuất khẩu vắc-xin và các thành phần dược liệu cần thiết để sản xuất vắc-xin. “Ngày nay, 100% vắc-xin được sản xuất tại Hoa Kỳ sẽ được cung cấp cho thị trường Mỹ”, theo lời của Emmanuel Macron. Điều đó không sai.

Với những điều kiện gì? Chúng ta không biết. Hoa Kỳ đã đặt vấn đề lên bàn và từ nay đó sẽ là chủ đề đàm phán trong nội bộ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhưng nguyên tắc đặt ra thì rất vững chắc: vắc-xin là một nguồn lực chung toàn cầu, ngày nào mà đại dịch chưa kết thúc, số lượng vắc-xin có sẵn và do đó giá vắc-xin không thể được định đoạt bởi ba hoặc bốn nhà máy dược phẩm tư nhân.

Albert Bourla (1961-)
Stéphane Bancel (1972-)

Một ngày sau tuyên bố của chính phủ Mỹ, Stéphane Bancel, Tổng giám đốc công ty Moderna, đã cho biết điều đó đã “không hề làm cho ông mất ngủ một phút nào cả.” Vì sao? Bởi vì trong mắt ông, cũng như trong mắt của Albert Bourla, chủ sở hữu công ty Pfizer, việc giải phóng các bằng sáng chế sẽ không giúp sản xuất được nhiều vắc-xin hơn. Lý do là vì thế giới thiếu năng lực sản xuất, nguyên liệu, nhân lực có trình độ và bí quyết. Việc có được công thức nấu ăn của một đầu bếp giỏi không phải là tất cả, nếu không có nhà bếp, không thể mua nguyên liệu và không có kỹ năng nấu nướng, thì sẽ là điều rất khó để làm ra một món ăn ngon!

Điều bất khả? Đã làm rồi!

Loạt lập luận này không khỏi khiến người ta ngạc nhiên. Bởi vì những gì được mô tả như là điều bất khả… thì chính là những gì mà các công ty Moderna và Pfizer vừa làm!

Vào mùa hè năm 2020, Moderna vẫn còn là một công ty khởi nghiệp nhỏ không có năng lực sản xuất. Sau đó, công ty đã cầu cứu đến công ty dược phẩm Lonza của Thụy Sĩ, để chuyển hai nhà máy của họ thành dây chuyền sản xuất RNA thông tin [RNAm] nhờ vào sự chuyển giao công nghệ do Moderna cung cấp. Hai tháng sau – chỉ hai tháng thôi! –, những liều vắc-xin đầu tiên đã được xuất xưởng và đến cuối tháng 12, đã sản xuất được 20 triệu liều. Về phần công ty Pfizer, họ đã chuyển đổi dây chuyền sản xuất của Novartis thành dây chuyền sản xuất vắc-xin ngừa Covid chỉ trong bảy tháng.

Như vậy, các công ty dược phẩm đã đi từ công suất bằng 0 sang sản xuất hàng tỷ liều vắc-xin trong một thời gian ngắn, và tuyên bố từ nay sẽ cung cấp ngày càng nhiều vắc-xin hơn trong những quý sắp tới. Nhưng, đùng một cái, khi được cho biết các công ty dược phẩm khác cũng có thể sản xuất vắc-xin, thì họ lại nói đó sẽ là điều bất khả!

Sau nỗ lực ban đầu, liệu các công ty dược phẩm đó có quyết định hạn chế năng lực cung cấp vắc-xin để giữ giá cao hay không? Lý do là vì những dữ liệu công khai tài chính đầu tiên của họ, được tổ chức Oxfam international phân tích, cho thấy các công ty Pfizer, Johnson & Johnson và AstraZeneca đã chi ra 26 tỷ US$ để trả cổ tức và mua lại cổ phiếu[1]. Ở đây chúng ta thấy là các công ty này có tiền để đầu tư vào các đơn vị sản xuất.

Do họ không làm, thì sẽ có người khác có thể làm thay họ. Há chẳng có nhà máy khác trên thế giới có khả năng trở thành nhà sản xuất vắc-xin nếu các phòng thí nghiệm chuyển giao bí quyết cho họ hay sao? Ngay cả khi tất cả các đơn vị sản xuất hiện tại không phù hợp, các chuyên gia của tổ chức phi chính phủ Mỹ PrEP4ALL đã chứng minh cho thấy – xin lỗi bỏ qua các chi tiết kỹ thuật – có thể xây dựng các đơn vị sản xuất siêu vô trùng để tránh rủi ro lây nhiễm, theo tiêu chuẩn ISO Class 7, hoặc Class C theo tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu, trong vòng chưa đầy ba tháng và, nếu muốn có mức bảo vệ tối đa, thì xây dựng các đơn vị mô-đun sản xuất theo tiêu chuẩn ISO Class 5, hoặc Class A theo tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu, trong vòng chưa đầy sáu tháng[2]. Nếu không có thanh kiếm Damocles về bằng sáng chế, điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều nhà máy sản xuất [dược phẩm] đi vào hoạt động vào tháng 10 tới.

Liệu có thiếu nguyên liệu hay không? Cũng các chuyên gia đó đã chỉ ra rằng đó không phải là điều tiên nghiệm. Đó là điều mà Emmanuel Macron đã giả định khi chỉ ra cho thấy các thành phần dược liệu đều có sẵn ở Hoa Kỳ. Khi cần, có thể tìm thấy nguyên liệu cần thiết ở các sản phẩm khác. Điều tối thiểu nhất là cần có một môi trường minh bạch về chủ đề này.

Amy Kapczynski
Christopher Garrison

Ngay cả khi có khả năng sản xuất thì cũng cần biết cách sản xuất, theo đáp trả của các công ty dược phẩm, và đó là điều rất khó bởi vì nó rất phức tạp. Bà Amy Kapczynski, luật gia người Mỹ, đã nhắc lại rằng họ đã sử dụng chính lập luận tương tự, từng tỏ ra là sai, khi tìm ra được thuốc kháng retrovirus giúp chống lại căn bệnh AIDS…[3] Nhà nghiên cứu Christopher Garrison thì quay trở lại một ví dụ cũ hơn, nhưng theo cùng hướng đó: trong Thế chiến thứ hai, khi một lập luận tương tự được sử dụng về việc sản xuất penicillin, chính phủ Mỹ đã áp đặt việc chia sẻ bí quyết.[4] Hơn nữa, ngoài công thức sản xuất, các phòng thí nghiệm buộc phải chia sẻ kỹ năng của họ.

Một cú hãm đối với sáng tạo đổi mới?

Vẫn còn một lập luận mang tính cấu trúc hơn. Giải phóng vắc-xin khỏi mọi quyền sở hữu trí tuệ là giết chết động cơ sáng tạo đổi mới. Phải tự tin quá mức đến độ ngạo mạn các công ty dược phẩm mới đưa ra một lý lẽ như thế!

Công ty Moderna đã xuất xưởng vắc-xin đầu tiên sau sáu tuần. Phải chăng bằng một cái búng tay, từ con số 0? Chắc chắn là không. Nghiên cứu công cộng của Mỹ là cội nguồn của hai sáng tạo làm cơ sở cho các loại vắc-xin hiệu quả nhất.

RNA thông tin là một sáng tạo đổi mới của Đại học Pennsylvania, rồi giao cho một công ty công nghệ sinh học ở Wisconsin nhiệm vụ làm cho bằng sáng chế sinh lãi, mỗi công ty BioNTech và Moderna chỉ trả 75 triệu US$ để được quyền sử dụng bằng sáng chế đó.

Sáng tạo đổi mới thứ hai, gắn với protein “gai” (“spike”) nổi tiếng cho phép vắc-xin hoạt động hiệu quả, xuất phát từ các công trình nghiên cứu của Đại học Texas và National Institutes of Health (NIH, Viện Chăm sóc Y tế Quốc gia). Một nghiên cứu công cộng miễn phí, mới vừa được cấp phép sử dụng chỉ vài tuần trước, mà dường như chỉ có công ty Pfizer là đã trả tiền [sử dụng bằng sáng chế], chứ không phải Moderna hành xử không đúng luật theo lời của Amy Kapczynski.

Sáng tạo đổi mới phục vụ con người có nguồn gốc từ công chúng. Trên cơ sở này, những tiến bộ của công ty Moderna đã được trả bằng nguồn tiền công của Mỹ. Phải chăng công ty Pfizer không muốn điều đó? Có chứ, nhưng sáu tỷ US$ đặt hàng vắc-xin trước từ chính phủ Mỹ, chưa kể những đơn đặt hàng từ chính phủ các nước khác, đã là một đảm bảo cho hoạt động kinh doanh không rủi ro. Nhưng không phải là không vì lợi nhuận: theo một nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Imperial, chi phí sản xuất vắc-xin RNA thông tin dao động từ 60 xu đến 2 US$. Chúng ta được biết vào ngày 10 tháng 5 rằng Pfizer đã cam kết cung cấp vắc-xin cho Liên minh Châu Âu với đơn giá 19,50 euro… Lợi nhuận đi trước vấn đề chăm sóc y tế. Và đó là điều không chia sẻ.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Libérez les vaccins!, Alternatives-economique.fr, ngày 06/01/2021

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[1] Pharmaceutical Giants shell out Billions to Shareholders as World confronts Vaccine Apartheid [Các tập đoàn dược phẩm khổng lồ đã trả hàng tỷ USD cho cổ đông khi Thế giới đối đầu với Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vắc-xin]”, ngày 22 tháng 4 năm 2021.

[2] Hit Hard, Hit Fast, Hit Globally. A model for Global Vaccine Access [Đánh mạnh, đánh nhanh, đánh toàn cầu. Một mô hình tiếp cận vắc-xin toàn cầu]”, ngày 19 tháng 3 năm 2021.

[3] How to vaccinate the World, part 1 & 2 [Làm thế nào để tiêm chủng cho Thế giới, phần 1 & 2]”, ngày 30 tháng 4 và ngày 4 tháng 5 năm 2021.

[4] Ensuring that Intellectual Property Rights aren’t a Barrier to scaling-up: the Remarkable Example of Penicillin Production in the United States during World War II [Đảm bảo Quyền sở hữu trí tuệ không phải là rào cản để mở rộng quy mô doanh nghiệp: Ví dụ nổi bật về việc sản xuất Penicillin ở Hoa Kỳ trong Thế Chiến II]”, trang mạng Medicines Law & Policy, tháng 4 năm 2021.

Print Friendly and PDF