8.9.21

Trung Quốc đã thoát khỏi liệu pháp sốc như thế nào: Cuộc tranh luận về cải cách thị trường

TRUNG QUỐC ĐÃ THOÁT KHỎI LIỆU PHÁP SỐC NHƯ THẾ NÀO: CUỘC TRANH LUẬN VỀ CẢI CÁCH THỊ TRƯỜNG

Tác giả: Isabella Weber, Dịch giả: Lucas Gourlet

“Công cuộc cải cách của Trung Quốc đã diễn ra giống như trò chơi rút gỗ [game of Jenga]: chúng ta chỉ rút những thanh gỗ nào có thể sắp xếp lại được một cách linh hoạt mà không gây hại đến sự ổn định của khối tổng thể, trong khi các khoảng trống để lại đã được thị trường lấp đầy. Nhờ quá trình này, khối tổng thể đã được điều chỉnh một cách cơ bản.”

Chúng tôi trích đăng những trang phù hợp từ cuốn sách then chốt của Isabella Weber về quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Trung Quốc.

Isabella Weber, How China Escaped Shock Therapy. The Market Reform Debate [Trung Quốc đã thoát khỏi liệu pháp sốc như thế nào. Cuộc tranh luận về cải cách thị trường], Londres, Routledge, “Routledge Studies on the Chinese Economy [Các nghiên cứu của NXB Routledge về nền kinh tế Trung Quốc]”, 2021, 358 trang, ISBN 9781032008493

Trung Quốc đương đại đã hội nhập sâu vào chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Thế nhưng, sự tăng trưởng chớp nhoáng của Trung Quốc đã không dẫn đến một sự hội tụ đầy đủ và tuyệt đối về thể chế với chủ nghĩa tân tự do,[1] đi ngược lại sự đắc thắng thời hậu chiến tranh lạnh, vốn đã dự đoán “thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa tự do kinh tế và chính trị” trên toàn thế giới (Fukuyama, 1989, 3).[2] Nếu thời đại cách mạng đã thực sự kết thúc vào năm 1989 (Wang, 2009), thì điều đó đã không dẫn đến sự phổ cập hóa được mong đợi của mô hình kinh tế “phương Tây”. Hóa ra sự thương mại hóa từng bước đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc trỗi dậy về mặt kinh tế mà không dẫn đến một sự đồng hóa đại trà. Sự căng thẳng giữa sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự đồng hóa từng phần đó xác định thời điểm hiện tại, và có nguồn gốc từ cách mà Trung Quốc tiếp cận cuộc cải cách thị trường. Cuốn How China Escaped Shock Therapy [Trung Quốc đã thoát khỏi liệu pháp sốc như thế nào] làm sáng tỏ các nền tảng trí tuệ của Trung Quốc khi hội nhập vào thị trường, và từ đó giúp chúng ta hiểu được hành trình cải cách riêng biệt của Trung Quốc từng khai sinh một hệ thống kinh tế mới.

Tài liệu về các cuộc cải cách của Trung Quốc rất to lớn và đa dạng. Các chính sách kinh tế mà Trung Quốc đã áp dụng trong quá trình biến đổi chủ nghĩa xã hội Nhà nước đã được nhiều người biết đến, kể cả trong giới nghiên cứu. Tuy nhiên, nhiều người đã bỏ qua thực tế là quá trình thương mại hóa từng bước của Trung Quốc – do Nhà nước dẫn đầu – là bất cứ điều gì ngoại trừ một kết luận tất yếu hay một lựa chọn “tự nhiên” được xác định trước bởi sự ngoại lệ Trung Quốc. Trong suốt thập kỷ “cải cách và mở cửa” đầu tiên dưới thời Đặng Tiểu Bình (1978-1988), phương thức hội nhập thị trường của Trung Quốc là chủ đề một cuộc tranh luận gay gắt. Những nhà kinh tế học ủng hộ quá trình tự do hóa theo kiểu “liệu pháp sốc” đã xung đột về vấn đề tương lai của Trung Quốc với những nhà kinh tế học ủng hộ quá trình tự do hóa từng bước, bắt đầu từ các rìa của hệ thống kinh tế. Đã hai lần, Trung Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc cải cách “to lớn” [big bang] về giá cả. Đã hai lần, họ đã quyết định không thực hiện vào phút cuối.

Joseph Stiglitz (1943-)

Những thách thức của cuộc tranh luận về cải cách thị trường ở Trung Quốc được minh họa bởi sự đối lập giữa sự tương phản của Trung Quốc và sự sụp đổ kinh tế của Nga (Nolan, 1995). Liệu pháp sốc – tinh tuý của chính sách tân tự do – đã được áp dụng ở Nga, một gã khổng lồ khác của chủ nghĩa xã hội Nhà nước (Jessop, 2002, 2018). Người được trao giải Nobel Joseph Stiglitz (2014, 37) đã chứng minh có “mối liên hệ nhân quả giữa các chính sách của Nga với hoạt động kém hiệu quả của nước này”. Vị thế của Nga và Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đã bị đảo ngược kể từ khi họ triển khai các phương thức hàng hóa hóa khác nhau. Tỷ trọng của Nga trong GDP toàn cầu đã giảm gần một nửa, từ 3,7% vào năm 1990 xuống còn khoảng 2% vào năm 2017, trong khi tỷ trọng của Trung Quốc đã tăng gần sáu lần, từ chỉ có 2,2% lên khoảng 1/8 sản lượng thế giới. Nên nhớ rằng vào thời kỳ đầu cuộc cải cách và mở cửa, Trung Quốc vẫn là một nước rất nghèo: năm 1980, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc thấp hơn Haiti hoặc Sudan. Khi Trung Quốc trở thành “công xưởng” điển hình của chủ nghĩa tư bản thế giới, Nga đang trải qua một quá trình phi công nghiệp hóa thảm hại.[3] Thu nhập bình quân thực tế của 99% người dân Nga vào năm 2015 thấp hơn so với năm 1991, trong khi ở Trung Quốc, mặc dù tình trạng bất bình đẳng tăng nhanh, nhưng con số đó đã tăng hơn gấp bốn lần trong cùng thời kỳ, vượt qua Nga vào năm 2013[4]. Tiếp sau liệu pháp sốc, Nga đã chứng kiến một sự gia tăng tỷ lệ tử vong lớn hơn bất kỳ trải nghiệm nào trước đây của một nước công nghiệp hóa trong thời bình (Notzon và cộng sự, 1998).[5]

Với trình độ phát triển thấp của Trung Quốc so với Nga vào buổi bình minh của cuộc cải cách, liệu pháp sốc hẳn sẽ gây đau khổ cho người dân trên một quy mô còn khác thường hơn nữa. Nó sẽ làm xói mòn, nếu không muốn nói là phá hủy, những nền tảng trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc. Thật khó để tưởng tượng chủ nghĩa tư bản toàn cầu ngày nay sẽ như thế nào nếu Trung Quốc cũng đi theo con đường tương tự như Nga.

Dani Rodrik (1957-)

Mặc dù có những hậu quả nghiêm trọng, vai trò then chốt của cuộc tranh luận kinh tế về cuộc cải cách thị trường Trung Quốc đã rất nhiều khi bị bỏ qua. Nhà kinh tế học nổi tiếng về phát triển của đại học Harvard, Dani Rodrik, đại diện cho ngành kinh tế học trên bình diện rộng hơn, khi trả lời câu hỏi của chính mình, là liệu “có ai đó [có thể] nêu tên những nhà kinh tế học (phương Tây) nào hoặc những công trình nghiên cứu nào đã dóng vai trò quyết định trong cuộc cải cách của Trung Quốc”, và khẳng định rằng “nghiên cứu kinh tế, ít nhất như cách chúng ta thường hiểu” đã không đóng “một vai trò có ý nghĩa nào cả” (Rodrik, 2010, 34).

Trong cuốn How China Escaped Shock Therapy [Trung Quốc đã thoát khỏi liệu pháp sốc như thế nào], tôi quay trở lại bối cảnh những năm 1980 và xem xét các nền tảng trí tuệ đã giúp Trung Quốc thoát khỏi liệu pháp sốc. Bằng cách xem xét lại cuộc tranh luận về cải cách thị trường Trung Quốc, chúng tôi tìm thấy những cơ chế kinh tế đang hoạt động và nguồn gốc các mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường Trung Quốc.

Sự chệch hướng của Trung Quốc so với lý tưởng tân tự do không nằm ở quy mô Nhà nước Trung Quốc, mà nằm ở bản chất điều hành kinh tế của Nhà nước này. Nhà nước tân tự do không nhỏ cũng không yếu, nhưng mạnh (ví dụ: Bonefeld, 2013, 2017; Chang, 2002; Davies, 2018). Mục tiêu của Nhà nước tân tự do là củng cố thị trường; theo thuật ngữ đơn giản nhất, có nghĩa là bảo vệ sự tự do giá cả như một cơ chế kinh tế trung tâm. Ngược lại, Nhà nước Trung Quốc sử dụng thị trường như là một công cụ để theo đuổi những mục tiêu phát triển tổng thể lớn hơn của họ. Theo đó, họ bảo lưu một mức độ chủ quyền kinh tế nhất định, bảo vệ nền kinh tế Trung Quốc trước thị trường thế giới, như các cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và thế giới năm 2008 đã chứng minh một cách mạnh mẽ. Việc xóa bỏ hình thái cô lập kinh tế” này từ lâu đã là một mục tiêu đối với những người theo chủ nghĩa tân tự do, và công việc quản trị toàn cầu hiện tại của chúng ta được thiết kế để chấm dứt sự bảo hộ quốc gia trước thị trường toàn cầu (Slobodian, 2018, 12). Thực tế Trung Quốc thoát khỏi liệu pháp sốc có nghĩa là Nhà nước vẫn giữ được khả năng cô lập các đỉnh cao của nền kinh tế – những lĩnh vực thiết yếu nhất cho sự ổn định và tăng trưởng kinh tế – trong khi vẫn tự hội nhập vào nền kinh tế tư bản toàn cầu.

Logic của liệu pháp sốc

Liệu pháp sốc nằm ở trọng tâm của “học thuyết chuyển tiếp đồng thuận Washington (Stiglitz, 1999, 132), được phổ biến bởi các định chế của Bretton Woods ở các nước đang phát triển, ở Trung Âu và Đông Âu, và Nga (Amsden và cộng sự, 1998; Klein, 2007). Nhìn bề ngoài, đây có vẻ như là một tập hợp hoàn chỉnh các chính sách được triển khai cùng một lúc nhằm chuyển đổi các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường (Åslund, 1992; Kornai, 1990; Sachs và Lipton, 1990; Sachs, 1992 a, b). Gói chính sách này bao gồm việc tự do hoá đồng thời tất cả giá cả, tư nhân hóa, tự do hóa thương mại, và một sự ổn định hóa dưới hình thức các chính sách tài khóa và tiền tệ nghiêm ngặt. Một phân tích sâu hơn cho thấy gói chính sách này, có khả năng được triển khai cùng một lúc, tóm lại là một sự kết hợp sự tự do hóa giá cả cộng với một chính sách thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt. Ngay cả những nhà trị liệu sốc hăng hái nhất cũng công nhận rằng quá trình tư nhân hóa cần có thời gian. Một cuộc cải cách to lớn về tự do hóa giá cả được coi là điều kiện của quá trình tư nhân hóa và tự do hóa thương mại và tạo thành “cú sốc” của liệu pháp sốc.

Những gì được trình bày như là một tập hợp hoàn chỉnh các cải cách hóa ra là một chính sách cực kỳ thiên lệch, ưu tiên cho một yếu tố duy nhất của nền kinh tế thị trường: sự định giá bởi thị trường. Tuy nhiên, thiên kiến này không phải là kết quả đơn thuần của tính khả thi. Lý do sâu xa của thiên kiến này đối với sự tự do hóa giá cả nằm ở khái niệm tân cổ điển về thị trường với tư cách là một cơ chế giá cả không quan tâm đến các thực tế mang tính thể chế (Chang, 2002; Stiglitz, 1994, 102, 195, 202, 249-250). Từ quan điểm rộng hơn của những người theo chủ nghĩa tân tự do, thị trường là cách duy nhất để tổ chức nền kinh tế một cách hợp lý, và sự vận hành của các thị trường phụ thuộc vào sự tự do giá cả (Weber 2018, 2022).

Bản chất và cấu trúc của các thể chế thống trị cấu thành nền kinh tế thị trường mới đã không nhận được nhiều quan tâm từ phía các “nhà trị liệu sốc”. Chuỗi các biện pháp được khuyến nghị không “tạo lập” một nền kinh tế thị trường. Đúng hơn, người ta hy vọng sự phá hủy nền kinh tế chỉ huy tập trung sẽ tự động sản sinh nền kinh tế thị trường (Burawoy, 1996; Hamm và cộng sự, 2012). Đây là một công thức mang tính phá hủy, chứ không phải mang tính xây dựng. Một khi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã bị “sốc chết”, người ta mong chờ vào “bàn tay vô hình phát huy tác dụng và tạo điều kiện, bằng một cách kỳ diệu ít nhiều nào đó, cho việc xuất hiện một nền kinh tế thị trường hiệu quả.

Adam Smith (1723-1790)

Đây là điều làm thoái hoá ẩn dụ nổi tiếng của Adam Smith. Smith, một nhà quan sát nhạy bén về cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra trước mắt mình, đã nhìn thấy “thiên hướng của con người muốn bán, đổi chác và trao đổi một thứ gì đó để lấy một thứ khác”, “nguyên lý dẫn đến sự phân công lao động” (Smith, [1776] 1999, 117), nhưng ngay lập tức ông cũng cảnh báo thực tế nguyên lý này “bị giới hạn bởi phạm vi của thị trường” (sđd, 121). Theo Smith, thị trường phát triển dần dần cùng với sự phát triển của các định chế tạo điều kiện cho việc trao đổi hàng hóa (sđd, 121-126). Trong quá trình này, bàn tay vô hình chỉ có thể phát huy tác dụng từng bước, và cùng với nó là cơ chế giá cả. Ngược lại, logic liệu pháp sốc khiến chúng ta tin rằng một quốc gia có thể “nhảy bổ vào nền kinh tế thị trường” (Sachs, 1994a).

Sự phá hủy được kê đơn bởi liệu pháp sốc không dừng lại ở hệ thống kinh tế. Còn phải đáp ứng một điều kiện khác: theo lời của Lipton và Sachs (1990, 87), “sự sụp đổ của chế độ cộng sản độc đảng là điều tất yếu [sine qua non] của quá trình chuyển tiếp hiệu quả sang nền kinh tế thị trường”. Thực vậy, cần có sự sụp đổ của Nhà nước Xô-viết và chế độ cộng sản độc đảng vào tháng 12 năm 1991, trước khi có thể triển khai một cuộc cải cách to lớn. Sự sụp đổ của chế độ cộng sản độc đảng hóa ra là ‘điều kiện tất yếu [sine qua non]’ của một cuộc cải cách to lớn, nhưng cuộc cải cách to lớn đã thất bại trong quá trình chuyển đổi hiệu quả sang nền kinh tế thị trường.” Thay vì các mức giá tăng theo đúng thời gian dự kiến​​, nước Nga đã bước vào một thời kỳ lạm phát rất cao và kéo dài, cùng với mức sản lượng thấp và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp (xem hình 0.3). Hầu như tất cả các nước thời hậu xã hội chủ nghĩa từng áp dụng phiên bản liệu pháp sốc, đều trải qua một thời kỳ suy thoái sâu và kéo dài (xem, ví dụ, Kornai, 1994; Popov, 2000, 2007; Roland và Verdier, 1999).[6]

Các nền tảng trí tuệ của quá trình thương mại hóa từng bước và thoát khỏi liệu pháp sốc của Trung Quốc

Thay vì phá hủy hệ thống giá cả và kế hoạch hóa hiện hữu với hy vọng sẽ xuất hiện một nền kinh tế thị trường, bằng cách này hay cách khác, từ “đống đổ nát”, Trung Quốc đã đi theo cách tiếp cận thực nghiệm, sử dụng các thực tế thể chế có sn để xây dựng một hệ thống kinh tế mới. Nhà nước đã từng bước tái tạo các thị trường trên rìa của hệ thống kinh tế cũ. Như tôi đã khẳng định trong cuốn sách, các cuộc cải cách của Trung Quốc đã diễn ra từng bước, không chỉ về mặt nhịp độ, mà còn về mặt chuyển dịch từ rìa của hệ thống công nghiệp cũ sang khu vực cốt lõi. Bằng cách kích hoạt động thái tăng trưởng và tái công nghiệp hóa, quá trình thương mại hóa từng bước cuối cùng đã chuyển đổi được toàn bộ nền kinh tế chính trị, trong khi Nhà nước vẫn giữ quyền kiểm soát các cơ quan chỉ huy. Biểu hiện nổi bật nhất trong cách tiếp cận cải cách của Trung Quốc là hệ thống hai giá, đối lập với liệu pháp sốc. Thay vì tự do hoá đồng thời tất cả giá cả, trước tiên Nhà nước đã tiếp tục kế hoạch hóa khu vực công nghiệp cốt lõi của nền kinh tế và định giá các mặt hàng thiết yếu, trong khi giá cả của sản xuất thặng dư và hàng hóa không thiết yếu được lần lượt tự do hóa. Kết quả là giá cả đã được thị trường xác định từng bước một.

Hệ thống hai giá không đơn giản là một chính sách giá cả, mà đúng hơn là một quá trình tạo lập và điều tiết thị trường thông qua sự tham gia của Nhà nước. Trước cuộc cải cách, toàn bộ nền kinh tế công nghiệp được xem là được tổ chức như một công xưởng duy nhất với các đơn vị sản xuất trực thuộc. Hệ thống hai giá đã chuyển đổi các đơn vị sản xuất xã hội chủ nghĩa thành các doanh nghiệp vì mục đích lợi nhuận và đã tạo ra một không gian cho sự bùng nổ các mối quan hệ thị trường, với tất cả các hệ quả xã hội và môi trường. Sự chuyển đổi hệ thống kinh tế đã được Nhà nước dẫn dắt ở từng giai đoạn. Trái lại, cuộc cải cách to lớn về tự do hóa giá cả trong khuôn khổ của liệu pháp sốc đã gây ra sự tan rã các mối liên kết sản xuất hiện hữu, mà vẫn không vì thế thay thế chúng bằng các mối quan hệ thị trường. Trong khoảng trống này, không có cấu trúc chỉ huy cũ nào và không có mối quan hệ thị trường cũ nào được duy trì.

Vào cuối những năm 1970, Trung Quốc đã từ bỏ phần lớn các tham vọng cách mạng của chủ nghĩa Mao muộn màng. Vấn đề mang tính quyết định của những năm 1980 không phải là liệu có nên cải cách hay không – như phương án thay thế nhị nguyên thường thấy của phe bảo thủ chống lại phe cải cách đã nhấn mạnh – mà là làm thế nào để cải cách: bằng cách phá hủy hệ thống cũ hay bằng cách phát triển hệ thống mới từ cái cũ?

Thử lấy một phép ẩn dụ để dễ hiểu, nếu liệu pháp sốc đề xuất phá hủy toàn bộ ngôi nhà và xây mới lại từ đầu, thì cuộc cải cách ở Trung Quốc đã diễn ra giống như trò chơi rút gỗ [game of Jenga]: chúng ta chỉ rút những thanh gỗ nào có thể sắp xếp lại được một cách linh hoạt mà không gây hại đến sự ổn định của khối tổng thể, trong khi các khoảng trống để lại đã được thị trường lấp đầy. Nhờ quá trình này, tòa nhà đã được điều chỉnh một cách cơ bản. Giống như bất kỳ những ai đã chơi trò chơi rút gỗ đều biết, sẽ không được rút một số thanh gỗ nào đó, nếu không muốn làm toàn khối sụp đổ. Nhưng vì các khoảng trống đã được lấp đầy và không để trống, nên toàn khối chưa đến điểm phá vỡ, như đó là điều phải xảy ra một lúc nào đó khi chơi trò chơi rút gỗ.

Trung Quốc đã suýt áp dụng động thái phá hủy của liệu pháp sốc, bằng cách gạt bỏ sớm các biện pháp kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu, trong thập kỷ cải cách mang tính quyết định đầu tiên (1978-1988); nhưng cuối cùng đã quyết định không thực hiện vào phút cuối. Công cuộc cải cách từng bước đã đưa Trung Quốc vào con đường bắt kịp [các nước phát triển], tái công nghiệp hóa và tái hội nhập chủ nghĩa tư bản toàn cầu, đồng thời kéo theo là sự hội tụ về mặt thể chế giữa Trung Quốc với biến thể của chủ nghĩa tư bản tân tự do vẫn chưa hoàn toàn. Như trong trò chơi rút gỗ, tòa tháp mới đã được tạo hình trên nền tảng cấu trúc của tòa tháp cũ. Đây là lý do vì sao cần thoát khỏi liệu pháp sốc, vì sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như vì sự đồng hóa từng phần về mặt thể chế của họ.

Liệu pháp sốc được củng cố bởi kinh tế học tân cổ điển, từng cấu thành một cầu nối trí tuệ giữa các nhà kinh tế học truyền thống của phương Tây và các nhà xã hội học thị trường của phương Đông (Bockman, 2011, 2012). Ngược lại, chúng ta biết rất ít về kinh tế học nào đã tạo điều kiện cho Trung Quốc thoát khỏi liệu pháp sốc – kinh tế học thương mại hóa từng bước của Trung Quốc. Trong cuốn sách của mình, tôi đã đề xuất một tường thuật mang tính lịch sử và phân tích về cuộc tranh luận cải cách thị trường ở Trung Quốc vào những năm 1980, và chứng minh cho thấy cách thức mà hệ thống hai giá đã được lý thuyết hóa, tranh cãi và bảo vệ chống lại liệu pháp sốc.

Cách tiếp cận của cuốn sách

Mục tiêu của tôi là phân tích cuộc đấu trí giữa các nhà kinh tế học muốn cải cách theo logic liệu pháp sốc, với các nhà kinh tế học bảo vệ cách thực nghiệm từng bước và hệ thống hai giá. Tôi phân tích nhiều tiếng nói khác nhau về cải cách ở Trung Quốc theo cách riêng của họ, để xem xét sâu hơn bản chất, nguồn gốc và logic cơ bản các lập luận kinh tế do các nhà kinh tế học cải cách cạnh tranh nhau trình bày, đồng thời đặt các lập luận đó vào bối cảnh của chúng. Tôi tập trung vào một vấn đề trọng tâm của cuộc cải cách: vấn đề mang tính quyết định về cải cách giá cả và tạo lập thị trường. Tuy nhiên, khi xác định nhiều lập trường khác nhau về vấn đề lớn này của cuộc cải cách kinh tế, thì một cuộc đối đầu rộng lớn hơn đã trở nên hiển nhiên, giữa các cách tiếp cận đối lập nhau một cách cơ bản về chính sách kinh tế và kinh tế học.

Cuốn sách này là quan điểm của một người ngoài cuộc, khi nhìn lại cuộc tranh luận về cải cách thị trường ở Trung Quốc, hơn là lời kể của một người trong cuộc. Cuốn sách dựa trên một phổ rộng lớn các nguồn tài liệu sơ cấp của Trung Quốc, đã xuất bản hoặc chưa xuất bản, và các cuộc phỏng vấn trực tiếp mang tính lịch sử với các nhà kinh tế học, những người đã tham gia hoặc chứng kiến ​​cuộc tranh luận về cải cách thị trường ở Trung Quốc trong những năm 1980. Mục tiêu của tôi qua các cuộc phỏng vấn là làm nổi bật quan điểm của các bên liên quan về quá trình cải cách, hơn là áp đặt một cấu trúc định sẵn trước [các nội dung]. Ngoài những tham chiếu trực tiếp đến các cuộc phỏng vấn đó, xuyên suốt chiều dài cuốn sách, suy nghĩ và phân tích của riêng tôi về thập kỷ cải cách đầu tiên của Trung Quốc đã được định hình bởi nhiều quan điểm và diễn giải cạnh tranh khác nhau, do những người đối thoại với tôi trình bày. Các cuộc phỏng vấn là sự kiện bản lề trong hành trình trí tuệ của tôi trong nỗ lực tìm hiểu cách thức mà Trung Quốc đã thoát khỏi liệu pháp sốc. Tuy nhiên, để nêu bật mức độ thích đáng rộng hơn của những ý tưởng phát sinh từ các cuộc đối thoại đó và từ các nguồn tài liệu sơ cấp, phần đầu của cuốn sách lùi lại một bước và đặt cuốn sách này trong một bối cảnh rộng lớn hơn của các phương thức xác đáng của việc tạo lập thị trường trong lịch sử.

Để khái niệm hóa mối quan hệ Nhà nước-thị trường, xuất hiện trong hệ thống hai giá, tôi đề xuất một quan điểm dài hạn thừa nhận di sản thể chế khác biệt của Trung Quốc trong việc điều tiết giá cả thông qua sự tham gia của Nhà nước vào thị trường. Mục đích của tôi không phải là gợi ý một dạng tiếp diễn nguyên khối hoặc thậm chí một sự phát triển tuyến tính từ thời cổ đại cho đến tụ điểm của những năm 1980. Ngược lại, tôi sử dụng các khái niệm truyền thống về điều tiết giá cả và tạo lập thị trường như một góc phân tích mới để làm sáng tỏ cuộc tranh luận ở Trung Quốc vào những năm 1980. Khác xa với việc xem cuộc cải cách của Trung Quốc như đã được định trước bởi bản chất xã hội hoặc văn hóa của họ, tôi chứng minh rằng cách tiếp cận cải cách của Trung Quốc là kết quả của những cuộc đấu trí thực sự. Cuộc tranh cãi trí tuệ này cộng hưởng với các cuộc tranh luận về cách Nhà nước vận hành hiệu quả thị trường đã được lặp đi lặp lại xuyên suốt lịch sử của Trung Quốc.

John K. Galbraith (1908-2006)
Alec Cairncross (1911-1998)

Tôi không đề xuất đối lập nước Trung Quốc với phương Tây, hoặc nền kinh tế Trung Quốc với nền kinh tế phương Tây. Đúng hơn, tôi gợi ý một cách tiếp cận về kinh tế học – một cách tiếp cận mang tính quy nạp, thể chế và thực dụng hơn so với cách tiếp cận của kinh tế học tân cổ điển – vốn đã bị tranh cãi gay gắt nhưng đã tỏ ra chiếm ưu thế vào thời điểm mang tính quyết định của thập kỷ cải cách đầu tiên của Trung Quốc. Loại hình kinh tế học này, trong mọi trường hợp, không phải chỉ riêng cho Trung Quốc. Thực tế này được minh họa trong cuốn sách bằng phân tích của tôi về các cuộc tranh luận liên quan đến việc tạo lập thị trường thời hậu chiến ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Tây Đức. Những người mà tôi phỏng vấn cũng đã tham chiếu nhiều trải nghiệm thời hậu chiến ở các nước trên. Quá trình chuyển tiếp từ nền kinh tế chiến tranh kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường đã đặt ra những thách thức tương tự như những thách thức gặp phải sau này trong quá trình chuyển đổi của chủ nghĩa xã hội. Các nhà kinh tế học Mỹ và châu Âu đã tranh luận gay gắt về câu hỏi làm thế nào để phi quy định hoá giá cả và tái lập thị trường thời hậu chiến. Phép màu Erhard”, từng tự do hóa giá cả bán buôn ở Tây Đức, đã cung cấp một bằng chứng quan trọng mang tính giai thoại ủng hộ liệu pháp sốc trong cuộc tranh luận cải cách ở Trung Quốc (Weber, 2020b, 2021). Một số nhà kinh tế học hàng đầu theo trường phái thể chế, chẳng hạn như John Kenneth Galbraith ở Hoa Kỳ và Alec Cairncross ở Vương quốc Anh, đã biện hộ cho một sự giảm kiểm soát từng bước có một số điểm tương đồng với cuộc cải cách thị trường của Trung Quốc. Cairncross và Galbraith đã trở thành những người tham chiếu quan trọng cho các nhà cải cách từng bước của Trung Quốc.

Cấp độ thứ ba trong cuộc thảo luận của tôi về các phương thức tạo lập thị trường gắn trực tiếp với cuộc tranh luận về cải cách của những năm 1980: cuộc đấu tranh của người cộng sản trong những năm 1940 để bình ổn giá cả. Trái ngược với các khái niệm cũ về điều tiết giá cả thông qua quá trình tham gia thị trường, trải nghiệm của những năm 1940 đã ảnh hưởng trực tiếp và rõ ràng đến cách thức mà các nhà kinh tế học và nhà cải cách Trung Quốc đã nghĩ về việc tạo lập thị trường trong kỷ nguyên cải cách. Nhiều nhà cải cách và nhà kinh tế học nổi tiếng nhất của Trung Quốc những năm 1980 đã tham gia trong cuộc chiến tranh cách mạng. Khuất phục siêu lạm phát và tái hội nhập nền kinh tế là chìa khóa của cơ sở vật chất của cuộc đấu tranh cách mạng của người cộng sản. Người cộng sản đã sử dụng chiến lược chiến tranh kinh tế, dựa trên việc tái lập thị trường thông qua quá trình giao dịch thương mại của Nhà nước để khôi phục giá trị của tiền tệ. Các kỹ thuật chiến tranh kinh tế tương tự như các yếu tố của thực hành truyền thống về điều tiết giá cả, và đã được phát động lại trong giai đoạn đầu cuộc cải cách kinh tế như một phần của nỗ lực thương mại hóa từng bước trong suốt những năm 1980.

Dựa trên cuộc thảo luận của tôi về các phương thức tạo lập thị trường, phần hai của cuốn sách trình bày một phân tích sâu cuộc tranh luận về cải cách thị trường ở Trung Quốc trong những năm 1980. Tôi đặt bối cảnh với cái nhìn tổng quan về mô hình phát triển và hệ thống giá cả trong kỷ nguyên Mao để làm sáng tỏ thách thức mà việc đưa các cơ chế thị trường vào nền kinh tế đặt ra. Để giúp người đọc hiểu rõ điểm khởi đầu của cuộc tranh luận, tôi xem xét lý do vì sao Trung Quốc lại quay sang cải cách vào cuối những năm 1970. Tôi giải thích bằng cách nào sự định hướng lại lý tưởng cách mạng muộn màng của chủ nghĩa Mao về cách mạng liên tục lại hướng tới sự tiến bộ kinh tế như mục tiêu chung của cải cách đã dẫn đến việc tái lập kinh tế học, sau khi bộ môn này đã bị cấm như là một dự án mang tính tư sản trong cuộc Cách mạng Văn hóa.

Milton Friedman (1912-2006)

Trong bối cảnh đó, tôi đi sâu vào giai đoạn đầu cuộc tranh luận về cải cách thị trường ở Trung Quốc. Tôi truy lại các nguồn gốc trí tuệ của sự tự do hóa giá bán buôn, đặt chúng vào các cuộc trao đổi giữa các nhà kinh tế học hàn lâm ở Trung Quốc với các nhà kinh tế học di cư từ Đông Âu, với Ngân hàng Thế giới và với các nhà kinh tế học khách mời khác của nước ngoài, trong đó có Milton Friedman. Cách tiếp cận cuộc cải cách này giống nhiều với logic liệu pháp sốc và đã được gọi là “cải cách toàn diện” trong cuộc tranh luận của Trung Quốc. Cũng như trong các bối cảnh khác, nó dựa trên kinh tế học tân cổ điển, thuộc kiểu xã hội chủ nghĩa và lẫn kiểu tân tự do.

Tôi phát triển sự tương phản giữa cải cách toàn diện và quan điểm của giới trí thức trẻ và các quan chức lớn tuổi, những người đã thành lập một liên minh vì mối quan tâm chung đối với công cuộc cải cách nông thôn. Liên minh này đã đóng vai trò then chốt trong việc nghiên cứu, lý thuyết hóa và bảo vệ quá trình thương mại hóa từng bước từ rìa, vốn đã xuất hiện từ các thử nghiệm trên thực địa. Cách tiếp cận này đã vận dụng một kinh tế học liên ngành, mang tính thể chế và quy nạp, sử dụng những phương pháp phát sinh từ các khoa học xã hội.

Các chương cuối của cuốn sách cho thấy hai cách tiếp cận cuộc cải cách – tự do hóa thương mại bán buôn và thương mại hóa từ rìa – đã xung đột như thế nào, khi Trung Quốc đã thoát khỏi liệu pháp sốc. Năm 1986, các nhà kinh tế học ủng hộ cuộc cải cách từng bước, vốn đã bác bỏ ý tưởng về một cuộc cải cách to lớn, đã thuyết phục được Thủ tướng Triệu Tử Dương rút ​​lại sáng kiến ​​tự do hóa toàn diện. Năm 1988, Đặng Tiểu Bình đã đích thân kêu gọi một cuộc cải cách to lớn. Các kế hoạch của ông đã bị đảo lộn khi, vào mùa hè năm đó, Trung Quốc chứng kiến thời kỳ lạm phát phi mã đầu tiên kể từ những năm 1940. Đặng đã sẵn sàng để tiến lên một quá trình thương mại hóa trên quy mô rộng lớn, nhưng không phải với cái giá làm suy yếu khả năng của Nhà nước trong việc duy trì chế độ kiểm soát xã hội và nền kinh tế.

Isabella Weber

Năm 1988, Trung Quốc, lần thứ hai, đã thoát khỏi liệu pháp sốc. Vào thời điểm đó, công cuộc cải cách thị trường đã gây ra một sự gia tăng nhanh tình trạng bất bình đẳng và một sự phát triển mạnh nạn tham nhũng. Thời kỳ hoàng kim của cải cách” trong những năm đầu, khi mọi người dường như đều được hưởng những quyền lợi như nhau, đang mờ nhạt dần. Năm 1988, triển vọng một cuộc cải cách thị trường triệt để hơn đã làm lung lay các nền tảng của xã hội Trung Quốc. Phong trào xã hội năm 1989 đã kết thúc với cuộc đàn áp trên Quảng trường Thiên An Môn. Công cuộc cải cách đã tạm thời dừng lại. Khi Trung Quốc tiếp tục quá trình thương mại hóa vào năm 1992, chương trình liệu pháp sốc chưa hẳn đã biến mất. Ngược lại, trong những năm 1990, người ta đã chứng kiến ​​những thắng lợi to lớn của phe tân tự do ở Trung Quốc. Tuy nhiên, phương thức cơ bản của sự thương mại hóa mang tính từng bước và thực nghiệm đã được thiết lập vào những năm 1980. Mặc dù đã được đàm phán lại, bị phản bác và điều chỉnh trong những thập kỷ sau đó, nhưng nó vẫn không thể bị lật đổ.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Comment la Chine a échappé à la thérapie de choc: le débat sur la réforme du marché, Le Grand Continent, ngày 10/06/2021.




Chú thích:

[1] Xem Weber (2018, 2020a) để thảo luận sâu hơn về điểm này.

[2] Tất cả các tham chiếu được viết tắt trong ngoặc đơn đều quy chiếu về phần “Thư mục” trong công trình của Isabella Weber.

[3] Theo Observatory of Economic Complexity [OEC, Đài quan sát Phức hợp Kinh tế] (2018), 75% kim ngạch xuất khẩu của Nga là dưới dạng khoáng sản và kim loại trong năm 2017, trong khi Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu thế giới chủ yếu nhờ vào khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực chế tạo.

[4] Xem Novokmet, Piketty và Zucman (2017) để biết một phân tích dài hạn về bất bình đẳng ở Nga, cũng như một so sánh với các nước Đông Âu và Trung Quốc.

[5] Đối với các nghiên cứu về mối liên hệ giữa sự sụt giảm rõ rệt về tuổi thọ với các hậu quả xã hội của liệu pháp sốc, xem Leon và Shkolnikov (1998); Murphy và cộng sự. (Năm 2006); và Stuckler và cộng sự. (2009).

[6] Một trường hợp có thể được coi là thách thức nhận định trên là Việt Nam, nước mà vào năm 1989 đã áp đặt một cải cách to lớn về tự do hóa giá cả, mà không bị siêu lạm phát hoặc suy thoái sâu (Wood, 1989). Tuy nhiên, với các bằng chứng nỗi trội nhất từ thực tế các nước khác ngoài Việt Nam, thì người ta không biết bằng cách nào Trung Quốc đã có thể tái tạo lại được kết quả đó. Việt Nam và Trung Quốc thường được coi là có điểm khởi đầu tương tự nhau về mức độ GDP, công nghiệp hóa và bản chất các cuộc cải cách cho đến năm 1989 (ví dụ, Popov, 2000, 2007). Tuy nhiên, có hai nhân tố quan trọng tạo nên sự khác biệt giữa Việt Nam với Trung Quốc; miền Nam Việt Nam chỉ mới hội nhập vào nền kinh tế trung ương vào năm 1976, và do vậy đã bắt đầu quá trình tự cải cách trước khi mô hình kinh tế mới được thể chế hóa hoàn toàn (Wood, 1989). Cũng cần lưu ý đến điều quan trọng là, mặc dù có mức GDP ban đầu tương tự nhau, nhưng mức tăng trưởng bình quân đầu người của Trung Quốc tính theo đồng US$ so sánh năm 2010, đã liên tục vượt qua mức tăng trưởng GDP trên đầu người của Việt Nam trong giai đoạn 1990-2018, đôi khi còn đạt mức tăng trưởng gấp đôi (Ngân hàng Thế giới, 2019).

Print Friendly and PDF