19.9.21

Sự khác biệt giữa khoa học dấn thân và hệ tư tưởng: bài học từ Bourdieu

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA KHOA HỌC DẤN THÂN VÀ HỆ TƯ TƯỞNG: BÀI HỌC TỪ BOURDIEU

Gisèle Sapiro[1]

Gisèle Sapiro (1965-)

Giữa cuộc tranh cãi về chủ nghĩa Hồi giáo cánh tả cực đoan (islamo-gauchisme), sự xuất bản cuốn Lao động và người lao động ở Algéria/Travail et travailleurs en Algérie của Pierre Bourdieu, chưa từng được tái bản kể từ năm 1963, nhắc nhở chúng ta rằng một nền khoa học xã hội dấn thân không phải là biểu hiện của một hệ tư tưởng. Nhà xã hội học khai triển một suy nghĩ về thực hành của mình với tư cách là một nhà điều tra trong bối cảnh thuộc địa, và cho thấy rằng đối với các nhà dân tộc học hay xã hội học vấn đề không phải là trở thành người phát ngôn được người bị trị hay kẻ thống trị ủy quyền, mà là thu thập lời nói của họ, là “nhà văn công cộng”, bằng cách mô tả lại lời nói này trong một hệ thống khách quan của các quan hệ quyền lực.

===================================================

Cuộc tranh cãi nổ ra – một cách chính đáng – do những cáo buộc gần đây của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Frédérique Vidal về chủ nghĩa Hồi giáo Cánh tả cực đoan, chống lại các nhà nghiên cứu trong ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Pháp đã đưa vào lại chương trình nghị sự vấn đề về mối quan hệ giữa khoa học và hệ tư tưởng.

Frédérique Vidal (1964-)
Pierre Bourdieu (1930-2002)

Bà bộ trưởng, một nhà sinh học, coi việc sử dụng các khái niệm về “chủng tộc” và “giới tính” cũng như về “tính giao kết (intersectionnalité)” là biểu hiện của một hệ tư tưởng hơn là một cách tiếp cận khoa học. Dù không quay trở lại cuộc tranh cãi và các nghiên cứu về việc sử dụng khái niệm này về chủ nghĩa Hồi giáo Cánh tả cực đoan (đặc biệt là công trình của David Chavalarias, người đã cho thấy việc cánh hữu đã công cụ hóa chính trị nó để chống lại phong trào La France Insoumise/Nước Pháp không chịu phục tùng - một phong trào tả khuynh - ND), ở đây, chúng tôi đề nghị suy nghĩ về những gì tạo nên một khoa học dấn thân và về việc nó được phân biệt với một hệ tư tưởng như thế nào, bằng cách dựa vào việc đọc lại Lao động và người lao động ở Algéria (Mouton, 1963), mà phần thứ hai, do Pierre Bourdieu soạn thảo, đã được NXB Raisons d’agir tái bản trong một ấn bản được Amín Peréz thiết lập kỹ càng mà viễn cảnh được xác lập với những tài liệu phụ và lời bạt của Tassadit Yacine.

Trong lời mở đầu của cuốn sách, Bourdieu trở lại các điều kiện của một nghiên cứu được thực hiện trong hoàn cảnh thuộc địa. Theo ông, ý tưởng rằng nghiên cứu như vậy nhất thiết sẽ bị “tác động bởi sự ô nhiễm chủ yếu” thuộc về lãnh vực ý thức hệ. Vì mục đích này, ông trích dẫn Michel Leiris là người quan niệm rằng ngành dân tộc học, thậm chí hơn các ngành khác, đã bị sự ô nhiễm này làm cho hoen ố vì nó nhận nhiệm vụ của nó từ Nhà nước thực dân, và chính việc này cấm đoán nhà dân tộc học loại bỏ hệ tư tưởng.

Michel Leiris (1901-1990)

Đó là chính trường hợp, Leiris giải thích trong cuốn “L’ethnographe devant le colonialisme/Nhà dân tộc học đứng trước chủ nghĩa thực dân” vào năm 1950, khi ông phải làm việc ở các thuộc địa lệ thuộc vào nguyên quán của mình, ngay cả khi không nhận được tài trợ trực tiếp từ chính phủ, bởi vì những người được hỏi chỉ có thể đồng hóa ông với chính quyền thuộc địa. Và Bourdieu nhận xét: “Người ta thường đối lập khoa học ‘thuần túy’ với hệ tư tưởng dấn thân phục vụ quyền lực này hoặc quyền lực khác hoặc trật tự đã được thiết lập. Và người ta nói thêm rằng ý định trong sáng làm khoa học thuần túy nhất thiết phải nhận thất bại”. Vì vậy, “cội nguồn lịch sử - văn hóa là nền tảng của một sự đồng lõa, và do đó, của một tội lỗi không thể tẩy sạch được” của nhà dân tộc học.

Đối với Bourdieu, vấn đề không phải là phủ nhận rằng hành động của nhà dân tộc học “mang một ý nghĩa từ bối cảnh trong đó nó được thực hiện”. Nhưng liệu chúng ta có nên kết luận từ điều này rằng dân tộc học “thuần túy” nên được thực hành bởi “người bản xứ”, những người sẽ được hưởng “đặc quyền về đạo đức và nhận thức luận”?

Câu hỏi mà Bourdieu đặt ra vào đầu những năm 1960 đã trở thành một lĩnh vực đối đầu chủ yếu trong giới các nhà nghiên cứu ở các nước Phương Nam và đang dần lan sang cuộc tranh luận của các nhà nghiên cứu ở các nước Phương Bắc. Đáp án kép mà Bourdieu bắt đầu mang lại và sau đó được ông phát triển, cho đến bài giảng cuối cùng của ông tại Collège de France năm 2001, Science de la science et réflexivité/Khoa học về khoa học và tính phản tư, xuất bản năm 2002, nằm trong các khái niệm về tính phản tư và tính tự chủ tương đối của trường khoa học, chưa xuất hiện trong hình trạng này, mà nền tảng được ông đặt trong lời nói đầu này.

Trước hết Bourdieu phác thảo một suy nghĩ về vị trí của nhà dân tộc học, phụ thuộc dù không muốn vào một “hình thái xã hội có trước anh ta, mà anh ta không tạo ra, mà anh ta phải chịu đựng ngay cả khi không đồng ý hoặc cố gắng tách khỏi nó, mà anh ta được hưởng lợi, ngay cả trong nghề dân tộc học của mình”, vì mối quan hệ giữa người điều tra và người được phỏng vấn không thể thoát khỏi “mối quan hệ thống trị được thiết lập một cách khách quan giữa xã hội thực dân và xã hội thuộc địa”.

Cụ thể, điều dẫn đến sự suy nghĩ về mối quan hệ giữa điều tra viên và người được phỏng vấn, chẳng hạn như về lựa chọn ghép các điều tra viên “Pháp” và “Algeria” cho các cuộc phỏng vấn (điều tra viên “Pháp” có thể hỏi những câu hỏi ngây ngô có vẻ không phù hợp đối với người Algéria, giống như câu hỏi về lao động của phụ nữ đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ một người được phỏng vấn: “‘Sao! bây giờ ông lại hỏi tôi tin tức về vợ tôi?’).

Quyền tự chủ phải được thể hiện chính trong thực tiễn khoa học phản tư và được kiểm soát

Vượt qua việc thiết kế cuộc khảo sát, tính phản tư sẽ dẫn nhà dân tộc học đến việc xem sự tự phân tích xã hội và lịch sử xã hội của các khoa học xã hội như là hai điều kiện thiết yếu cho thực hành xã hội học, như ông giải thích vào năm 1975, trong hội thảo “Dân tộc học và chính trị ở Maghreb”: khoa học xã hội về “khoa học” “thực dân” đối với ông là “một trong những điều kiện để thực sự phi thực dân hóa khoa học xã hội về một xã hội mới bị thuộc địa hóa”, nếu không, các phạm trù tư tưởng của kẻ thực dân có nguy cơ bị áp đặt vào khoa học này - thông qua sự vô thức về mặt nhận thức luận của nó. -, về phía những kẻ thống trị cũng như những người bị trị.

Đ diễn tả với ngôn từ của Bourdieu, người ta có thể nói tính phản tư phê phán này về các điều kiện không trong sạch của một khoa học vốn muốn được xem là thuần khiết có một đối xứng là sự suy nghĩ về các điều kiện của một thực hành khoa học tự chủ. Vì không phải chỉ cần giương cao tính tự chủ của khoa học như một lý lẽ đầy uy quyền để xóa bỏ mọi nghi ngờ về sự đồng lõa về mặt ý thức hệ với hệ thống thuộc địa, hay nói chung với hệ thống thống trị của chính nước mình.

Thật vậy, theo Bourdieu, bản chất của “sự đồng lõa nguyên thuỷ” này không khác gì với sự đồng lõa “gắn kết nhà xã hội học với giai cấp của mình khi nghiên cứu xã hội của chính mình”. Như vậy, chính là ý thức hệ thống trị mà các nhà nghiên cứu có nguy cơ truyền tải, dù không ý thức, do vị trí xã hội của họ và các phương thức tài trợ nghiên cứu. Và chính trong thực hành khoa học phản tư và được kiểm soát, quyền tự chủ phải được thể hiện.

Mệnh lệnh tuyệt đối đầu tiên mà Bourdieu rút ra từ kinh nghiệm này, và không thuộc lãnh vực đạo đức mà thuộc lãnh vực khoa học, là không một hành vi, thái độ hay hệ tư tưởng nào có thể được hiểu ngoài mối liên hệ với “hoàn cảnh tồn tại này của người thuộc địa”. Bourdieu viết: “Theo một kiểu gian lận bất chính mang tính bản thể học, làm khác đi sẽ là che giấu những gì tạo nên bản chất của tình huống, cụ thể là hệ thống “các quan hệ được quy định, cần thiết và độc lập với các ý chí cá nhân”, những tham chiếu dựa vào đó các thái độ và các cách cư xử được tổ chức”. Đây là cách trách nhiệm thực sự của nhà dân tộc học được xác định dưới cái nhìn của ông.

Jean-Paul Sartre (1905-1980)

Quan niệm này về trách nhiệm đối lập với quan niệm mang tính đạo đức do Leiris phát triển, theo bước chân của Sartre, mà Bourdieu chỉ trích, đặc biệt khi đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân. Do đó, trách nhiệm khoa học được Bourdieu định nghĩa khá xa với ý thức hệ thống trị cũng như với sự dấn thân chính trị, một sự dấn thân chính trị, theo ông, xuất phát từ “chủ nghĩa duy đạo đức về ý định thuần khiết” của nhà dân tộc học, người đã biến ““sứ mệnh” của mình thành một cuộc thập tự chinh ngược chiều”. Bourdieu khuyến nghị nên tách biệt “các vấn đề của khoa học và các mối lo âu của lương tâm”. Ông đưa ra ví dụ về sự tập hợp lại dân số ở Algeria được Quân đội Pháp trin khai, dù khơi dậy “sự lên án sâu kín”, vẫn thật sự tạo thành “một đối tượng nghiên cứu hay, chỉ vì từ nay ta không thể hiểu được xã hội nông thôn Algeria mà không xem xét đến biến động khác thường và không thể đảo ngược mà các cuộc tập hợp này đã gây ra”.

Đối với Bourdieu, mệnh lệnh thứ hai là nhà dân tộc học “phải cố gắng trả lại cho những người khác ý nghĩa của hành vi của họ, mà hệ thống thuộc địa, trong bao nhiêu thứ khác, đã tước đoạt”. Ngay cả khi lời chứng của mình không mang lại ích lợi nào lẫn cho bất cứ ai - điều này dẫn ta ngược về tư thế vô vị lợi của nhà khoa học, nơi Leiris suy nghĩ về tính hữu ích cụ thể của công việc của mình đối với người thuộc địa – nhà dân tộc học có “nghĩa vụ bắt buộc phải công bố những gì những con người đã nói với mình, bởi vì họ phải nói điều đó, chứ không phải để anh ấy nói lên điều đó”. Do đó, nhiệm vụ này khác với nhiệm vụ được Leiris giao cho nhà dân tộc học, nghĩa vụ của “người bênh vực” các xã hội mà ông nghiên cứu, các nguyện vọng của chúng, nghĩa vụ thông tin, phê phán, tố cáo.

Do đó, đối với các nhà dân tộc học hoặc xã hội học, vấn đề không phải là trở thành người phát ngôn được ủy quyền bởi kẻ thống trị hoặc người bị trị, mà là thu thập lời nói của họ - Bourdieu sử dụng thuật ngữ “nhà văn của công chúng” - bằng cách ghi nó lại trong một hệ thống tương quan quyền lực khách quan. Đó là những gì ông đã làm trong suốt nghiên cứu này, bằng cách đặt nguyên văn lời nói vào bối cảnh của sự áp đặt mô hình kinh tế duy lý mang lại ý nghĩa cho lời nói và hành vi của họ, ngay cả khi họ chỉ có nhận thức mù mờ về nguyên nhân của sự khốn khổ của họ và về các điều kiện cấu trúc quyết định hoàn cảnh của họ. Sự thể hiện phương pháp luận của mệnh lệnh kép này là sự kết hợp giữa các phương pháp định lượng và định tính (phỏng vấn và quan sát), thực sự là không bình thường trong dân tộc học, và dựa trên sự hợp tác chưa từng có với các nhà thống kê.

Cách tiếp cận của Bourdieu minh họa những lợi ích của cách tiếp cận giao kết, cho dù thuật ngữ này chưa có vào thời điểm đó.

Chúng tôi sẽ đưa ra hai ví dụ về cách tiếp cận của Bourdieu có vẻ đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các cuộc tranh luận hiện nay.

Frantz Fanon (1925-1961)

Ví dụ đầu tiên liên quan đến vấn đề nổi dậy. Ông cho thấy cách một phương pháp tiếp cận khoa học có thể mang tính đấu tranh và nuôi dưỡng sự suy nghĩ về các hình thức vận động mà không vi phạm các yêu cầu về tính khách quan. Bourdieu khảo sát các lý thuyết cạnh tranh của Liên Xô và Trung Quốc về giai cấp cách mạng - giai cấp vô sản hoặc nông dân - bằng cách chuyển cuộc tranh luận thành một vấn đề khoa học. Cuộc điều tra thực nghiệm do đó cho phép Bourdieu đặt câu hỏi về luận điểm của Frantz Fanon trong Những kẻ khốn khổ trên trái đất/Les Damnés de la Terre (1961), theo đó, không phải giai cấp vô sản, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào hệ thống thuộc địa, mà là giai cấp nông dân sẽ tạo thành một lực lượng cách mạng trong các nước thuộc địa - một luận điểm lặp lại luận điểm của những người Maoít. Việc chuyển đổi câu hỏi thành một vấn đề khoa học đòi hỏi phải nghiên cứu mối quan hệ với thời gian, điều này dẫn đến việc phân biệt cuộc nổi dậy với dự án cách mạng.

Trong một bài viết về xã hội truyền thống được xuất bản trên tạp chí Sociologie du travail năm 1962, dựa trên một cuộc khảo sát được thực hiện trước đó vào năm 1958 ở Kabylia, Bourdieu đối lập quan điểm học thuật uyên bác của các nhà dân tộc học về những fellahs (nông dân) bị nhốt trong hiện tại và không thể tự phóng chiếu vào tương lai với việc là ông đã thấy họ trữ đồ cho mùa đông, dấu hiệu của một loại tâm thế lo xa được ghi nhận trong một thời gian mang tính chu kỳ. Tuy nhiên, mối quan hệ này với thời gian khác với sự phóng chiếu vào một tương lai tuyến tính trừu tượng và được xây dựng. Để phân biệt hai mối quan hệ này, Bourdieu sử dụng các phạm trù của Husserl vốn phân biệt xu hướng tự phóng chiếu vào một cái-sắp-tới đã-có-mặt (à-venir déjà là) với một dự án hướng tới tương lai được nhận định với tư cách như thế.

Cuộc điều tra thống kê đô thị năm 1960 cho thấy người lao động Algeria bị chia thành những người lao động thường xuyên và những người có việc làm không liên tục, vấn đề có được một việc làm ổn định và an toàn tạo ra sự tách biệt triệt để giữa hai nhóm này. Trong xã hội đang chuyển đổi từ nền kinh tế tiền tư bản sang nền kinh tế tư bản chủ nghĩa này, cơ hội điều chỉnh cho giai đoạn sau sẽ giảm khi chúng ta chuyển từ những người giàu có nhất (cũng thường là dân thành thị có học thức) sang những người nghèo nhất, cụ thể là những người vô sản lớp dưới bị mất gốc. Ngược lại, khoảng cách giữa kỳ vọng chủ quan và cơ hội khách quan tăng lên khi chúng ta chuyển từ người giàu có nhất sang người nghèo nhất.

Vì họ hoàn toàn không có khả năng khách quan đảm bảo tương lai của mình một cách hợp lý (tiết kiệm, cho con đi học, v.v.), tầng lớp vô sản lớp dưới “buộc phải ở trong tình trạng không thể lo xa và phải từ bỏ như là một định mệnh, biểu hiện của sự thiếu tin tưởng hoàn toàn vào tương lai, với ý thức là không thể làm chủ được cái hiện tại”, như Bourdieu giải thích trong một bài báo đăng trên Les Temps Modernes (số 199) vào năm 1963. Sự thiếu kiểm soát này tạo thuận lợi cho sự diễn giải mang tính ma thuật hơn là một cách giải thích hợp lý về thế giới, nơi mà “sự gửi gắm” có chức năng là “vị thần” và những giấc mơ thế chỗ cho tương lai. Được thể hiện trong khuôn khổ của hệ thống và được nuôi dưỡng bằng sự phẫn uất, cuộc nổi dậy của họ (cũng giống như những nguyện vọng hay những đòi hỏi của họ), hoàn toàn không phải là sự biểu hiện của một ý thức cách mạng chân chính mà chỉ là mặt trái của “sự từ bỏ cam chịu”.

Như vậy, cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng không thể đồng hoá cuộc nổi dậy của những người vô sản lớp dưới với ý thức cách mạng, bởi vì nó không đặt ra câu hỏi về trật tự vốn là nguồn gốc của cái ác bị tố cáo là cố ý: “Cảm nhận lệ thuộc, phát sinh ra những thái độ không rõ ràng, thay cho ý thức về sự tha hóa vốn dẫn tới một thái độ cách mạng”, ông giải thích trong Lao Động và người lao động ở Algérie. Cách tiếp cận của Bourdieu minh họa những lợi ích của cách tiếp cận giao kết, dù rằng thuật ngữ này chưa có vào thời điểm đó.

Đối với Bourdieu, chủ nghĩa tả khổ, giống như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, là một “thuyết bản chất”. Chỉ có ước mơ mới cho phép thành phần vô sản lớp dưới thoát khỏi “kiếp đày ải của hiện tại” và áp lực của nhu cầu kinh tế cản trở quá trình nhận thức vốn đòi hỏi xác định một khoảng cách. Do đó, những người lao động thường xuyên trong lĩnh vực hiện đại, được đảm bảo về việc làm, là những người có thể phát triển một dự án cá nhân và tập thể và những dự báo hợp lý. Theo Bourdieu, những lợi thế mà nền kinh tế hiện đại mang lại cho họ không phải là trở ngại cho việc hình thành ý thức cách mạng, bởi vì “chỉ những cá nhân được cung cấp một hệ thống cố kết về nguyện vọng và yêu sách, có khả năng tự định vị trong cái logic của sự tính toán và dự báo vì các điều kiện sống của họ cho phép họ được như vậy” mới có thể tự phóng chiếu vào một tương lai tập thể và thực hiện các hy sinh liên quan.

Émile Durkheim (1858-1917)

Thêm vào đó có thực tế là “quen phục tùng những đòi hỏi hợp lý và nghiêng về tính thực tế do chính bản chất của hoạt động hàng ngày của họ, những người vô sản, trong tất cả những người lao động, là những người ít bị những lời dụ dỗ của chính sách mị dân mê hoặc, Bourdieu viết, gần như lặp lại câu nói nổi tiếng của Durkheim về sự sáng suốt của trí thức trong vụ án Dreyfus[2] (“Do việc thực hành phương pháp khoa học làm cho họ quen với việc bảo lưu phán đoán của họ chừng nào họ không cảm thấy đủ sáng suốt, thì tất nhiên họ không dễ dàng bị quần chúng và uy thế của quyền lực khuất phục, như Durkheim viết trong bài “Chủ nghĩa cá nhân và trí thức/L’individualisme et les intellectuels, được đăng trên La Revue bleue năm 1998).

Vượt qua sự đóng góp của mình cho sự suy nghĩ về hành động tập thể, Bourdieu, sau đó đã khái quát hóa vấn đề của mối quan hệ giữa hy vọng chủ quan và cơ hội khách quan, và áp dụng nó cho xã hội Pháp. Một cách đặt vấn đề vẫn tiếp tục - ngày nay hơn bao giờ hết - có ý nghĩa quyết định đối với sự suy nghĩ về các thái độ chính trị.

Ví dụ thứ hai về cách thực hành khoa học của Bourdieu, lần này minh họa khoảng cách với hệ tư tưởng thống trị. Trái ngược với những gì thường được giả định, Bourdieu lưu ý rằng việc áp đặt phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, vốn chỉ thừa nhận công việc được trả công, đã khiến phụ nữ mất đi chức năng kinh tế và xã hội vốn có của họ trong xã hội truyền thống Algeria, trong khi vai trò nội trợ mới của họ không thực sự được coi trọng, bởi vì chỉ có mô hình kinh tế được du nhập, mà không có tư tưởng gia đình chủ nghĩa vốn giao cho phụ nữ một chức năng trong quá trình tái sản xuất xã hội:

“Sự phụ thuộc kinh tế của phụ nữ gia tăng, ngay cả khi tiến trình đô thị hóa dẫn đến sự giải phóng ở các lĩnh vực khác, và hơn thế nữa khi việc áp dụng (thậm chí một phần và vô thức) các mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa dẫn đến việc giảm giá trị hoạt động của phụ nữ do chỉ coi việc làm mang lại thu nhập bằng tiền mới là việc làm đích thực. Nó đã chấm dứt vai trò kinh tế và xã hội mà truyền thống đã tạo cho nó. Không thể làm việc bên ngoài, phụ nữ đảm nhiệm công việc nội trợ và thường hoàn toàn không có tác động nào đối với quyết định kinh tế quan trọng, ngay cả ở những tầng lớp ưu đãi nhất, thậm chí đôi khi còn không biết chồng mình kiếm được bao nhiêu. Chừng nào hệ tư tưởng thích hợp để biện minh và nâng cao chức năng mới của họ chưa được hình thành, người phụ nữ tự thấy mình bị giam hãm trong một vai trò và một cấp bậc thấp hơn một cách tàn bạo và toàn diện hơn so với trước đây, bởi vì thế giới kinh tế và xã hội mới có xu hướng tước bỏ những chức năng mà xã hội cũ đã công nhận nơi họ.”

Đoạn trích dẫn trên, dựa trên một quan sát thực nghiệm chặt chẽ, gạt bỏ những định kiến ​​để xác lập sự đối xứng giữa các giá trị của xã hội truyền thống và của xã hội tư bản, mà không coi tính duy lý kinh tế là điểm xuất phát, thậm chí cũng không cho nó đặc quyền mang tính phương pháp luận hay thể hiện sự ưa thích ngầm, ngược lại đã có tác dụng làm bộc lộ ý thức hệ làm nền tảng cho tổ chức xã hội của các xã hội tư bản phương Tây và những giả định về tính duy lý kinh tế, vốn dựa trên sự bóc lột và sự vô hình hóa công việc nội trợ của phụ nữ.

Max Weber (1864-1920)

Do đó, so với xã hội truyền thống, sự giải phóng do sự hiện đại mang lại trong các lĩnh vực khác có thể đi kèm với sự hạ thấp giá trị của “vị thế/statut” của người phụ nữ trong hoàn cảnh thuộc địa, - một thuật ngữ mà Bourdieu dùng, từ thuật ngữ status trong tiếng Anh để dịch khái niệm Stand của Weber, một thuật ngữ dẫn đến sự kính trọng, hoặc điều mà Bourdieu sẽ sớm gọi là vốn biểu tượng. Cách tiếp cận này minh họa, điều này xứng đáng được nêu lên, những lợi ích của cách tiếp cận dựa trên tính giao kết, ngay cả khi thuật ngữ này chưa có vào thời điểm đó.

Cách tiếp cận như vậy cũng còn thấy được trong phân tích của ông về lao động của phụ nữ: những người giúp việc trong gia định (42% phụ nữ có việc làm) được tuyển dụng từ những tầng lớp thiệt thòi nhất, trong khi những phụ nữ thuộc nhóm có vốn kinh tế và giáo dục cao nhất, đặc biệt là những người trẻ tuổi, được tiếp cận với những “việc làm cao quý” (22% phụ nữ có việc làm là nhân viên hoặc cán bộ điều hành).

Để kết luận, các bài học rút ra từ việc đọc lại này là: khoa học xã hội dấn thân được phân biệt cả với hệ tư tưởng thống trị lẫn với các hệ tư tưởng phản kháng bằng khoảng cách phê phán của nó và việc khách quan hóa các hình thức thống trị giai cấp, giới tính và “chủng tộc” (ở đây là các quan hệ thuộc địa liên sắc tộc), dựa trên một phương pháp luận chặt chẽ, và cả trên cách lắng nghe và khôi phục quan điểm của các cá nhân, được đặt trong hệ thống các ràng buộc đè nặng lên họ. Không phải là một ý thức hệ, một khoa học như vậy không có gì là trung tính cả.

BBT: Pierre Bourdieu, Travail et travailleurs en Algérie, première édition; édition revue et actualisée, Raisons d’Agir, 2021/Lao động và người lao động ở Algeria, ấn bản đầu tiên, Mouton, 1963; phiên bản sửa đổi và cập nhật, Raisons d´Agir, 2021.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:La distinction entre science engagée et idéologie: les leçons de Bourdieu, AOC, 30.02.2021.

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[1] Nhà xã hội học, Giám đốc nghiên cứu ở Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia (CNRS) và ở Trường Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội Cao Cấp (Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales/EHESS).

[2] Vụ án Dreyfus, kéo dài 12 năm (1894-1906) là một vụ án đã làm rúng động xã hội Pháp, đặc biệt về phương diện chính trị và trí thức, với những dư âm còn có thể nhận thấy trong xã hội Pháp ngày nay. Với những bằng chứng phạm tội giả mạo, đại uý Dreyfus (một người gốc Do Thái) đã bị tố làm gián điệp cho Đức và bị kêu án chung thân khổ sai. Trong bối cảnh đặc biệt, với nỗi hận bị thua trận trước quân đội Đức trong cuộc chiến tranh 1870-1871 và với một tinh thần bài Do Thái một cách sâu đậm trong cánh cực hữu, vụ án Dreyfus đã sớm trở thành một cuộc đối đầu toàn diện và dữ dội giữa cánh hữu (những người chống Dreyfus/anti-dreyfussas) và cánh tả (những người ủng hộ Dreyfus/dreyfussas) được định hình từ lúc đó. Ngoài ra, đối với Bourdieu, vụ án Dreyfus còn đánh dấu sự xuất hiện của người trí thức dấn thân mà Émile Zola là tiêu biểu qua bài Tôi tố cáo/J’accuse đăng trên nhật báo Aurore, tức là người trí thức lấy những giá trị của bản thân và của thành phần xã hội của mình để đánh giá và phê phán hoạt động của các nhóm và đảng phái chính trị (ND).

Print Friendly and PDF