20.9.21

Miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19? Điều đó sẽ không diễn ra, vậy tiếp theo là gì?

MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG ĐỐI VỚI COVID-19? ĐIỀU ĐÓ SẼ KHÔNG DIỄN RA, VẬY TIẾP THEO LÀ GÌ?

Shabir A. Madhi

Hy vọng tốt nhất để đánh bại đại dịch là tiêm chủng cho nhiều người càng sớm càng tốt. Luca Sola / AFP qua Getty Images

Bất kỳ niềm tin nào rằng COVID-19 sẽ tồn tại chỉ trong vài tháng đã bị đặt sai chỗ rất nhiều vào năm 2020. Đặc biệt là sau khi người ta nhận ra là virus SARS-CoV-2 phần lớn phát tán qua đường không khí, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy nó sẽ gây ra từng đợt sóng lặp đi lặp lại. Đây là những gì đã diễn ra trong dịch cúm năm 1918.

Thêm vào đó rất ít nhà khoa học dự đoán rằng chúng ta sẽ nhìn thấy các loại đột biến xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Điều này đã dẫn đến kết quả là virus trở nên dễ lây truyền hơn và có nhiều khả năng hơn để tránh được các phản ứng của hệ miễn dịch.

Sự tiến hóa của virus nhanh đến mức biến thể Delta, hiện đang thống trị thế giới, có khả năng lây truyền ít nhất là gấp đôi so với chủng virus thế hệ trước vốn đang lưu hành.

Điều này có nghĩa là miễn dịch cộng đồng không còn là một cuộc thảo luận mà thế giới nên có. Chúng ta nên bắt đầu tránh sử dụng thuật ngữ ấy trong bối cảnh của SARS-CoV-2, bởi vì nó sẽ không thành hiện thực - hoặc không có khả năng thành hiện thực - trong suốt cả cuộc đời của chúng ta.

Khi các chính trị gia và những người khác nói về miễn dịch cộng đồng, thật không may, họ đang có quan niệm sai lầm rằng các công cụ hiện tại mà chúng ta có là đủ để loại bỏ virus. Đó không phải là những gì chúng ta nắm trong tay ngay lúc này.

Thay vì vậy chúng ta nên nói về việc làm thế nào để sống chung với virus. Thành công khổng lồ đã được hiện thực hoá với các vaccine COVID-19 cho phép chúng ta làm điều này mà không cần thực sự đạt đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng.

Việc quảng bá rộng rãi khái niệm miễn dịch cộng đồng tạo ra một quan niệm sai lầm rằng chúng ta đang thực sự đi đến một giai đoạn mà virus này sẽ bị loại bỏ. Điều đó khó có khả năng diễn ra. Nó sẽ tiếp tục lưu hành.

Có một số nguy cơ khi tiếp tục khiến mọi người tin rằng điều này (miễn dịch cộng đồng) là khả dĩ.

Thứ nhất, nó có thể làm giảm niềm tin vào vaccine. Ngay cả khi Nam Phi đạt được mục tiêu 67% dân số được tiêm chủng - như Bộ Y tế đã đề ra - thì vẫn sẽ có những sự bùng phát COVID-19. Kết quả là mọi người bắt đầu nghi ngờ về những lợi ích của việc được tiêm chủng. Ngoài ra, đối với biến thể Delta hiện đang thống trị, khả năng miễn dịch chống lại sự lây nhiễm (chứ không chỉ là bệnh COVID-19) sẽ cần khoảng chừng 84% dân số được tiêm chủng để đạt đến ngưỡng “miễn dịch cộng đồng”.

Thứ hai, việc không đối mặt với thực tế là chẳng thể nào đạt được miễn dịch cộng đồng sẽ có nghĩa là những nước như Nam Phi tiếp tục tin rằng các biện pháp giới hạn sinh hoạt đang thực hiện sẽ giúp họ đạt đến ngưỡng đó. Điều đấy sẽ gây nguy hại cho cuộc sống của người dân trên nhiều phương diện - bao gồm cả giáo dục và sinh kế.

Miễn dịch cộng đồng là gì?

Miễn dịch cộng đồng là khi một người nào đó bị lây nhiễm bởi virus, trung bình, sẽ không lây nhiễm cho một người khác. Từ đó bạn đạt đến một trạng thái mà khả năng miễn dịch trong dân số chống lại sự lây nhiễm bởi virus lên đến mức có rất ít người trong môi trường có sự lây truyền liên tục tiếp nối đến những người khác.

Điều này là do họ đã phát triển khả năng miễn dịch chống lại việc bị lây nhiễm, hoặc ít nhất đã phát triển khả năng miễn dịch ở mức độ mà ngay cả khi họ đã bị lây nhiễm, họ vẫn có thể diệt sạch virus rất nhanh và không thể lây truyền nó cho những người khác.

Vì vậy, miễn dịch cộng đồng về bản chất có nghĩa là bạn mang lại một sự ngăn chặn tuyệt đối chuỗi lây truyền của virus trong dân số ngay cả khi không có các biện pháp can thiệp khác cũng vẫn có thể ngăn chặn sự lây truyền của virus, chẳng hạn như đeo khẩu trang.

Nhưng vài thay đổi đã thúc đẩy một sự biến chuyển trong suy nghĩ của chúng ta về miễn dịch cộng đồng. Bây giờ nó được xem như là một khát vọng hơn là mục tiêu thực tế.

Điều gì đã thay đổi

Thứ nhất, quá trình tiến hóa của virus và các đột biến đã xuất hiện.

Một tập hợp các đột biến đã làm cho virus dễ lây truyền hoặc dễ lây nhiễm hơn. Biến thể Delta chỉ là một ví dụ như vậy. Ban đầu chúng ta nghĩ rằng tỷ lệ sinh sôi nảy nở của SARS-CoV-2 là từ 2,5 đến 4. Nói cách khác, trong một cộng đồng dân cư có khả năng phơi nhiễm hoàn toàn, cứ một người bị lây nhiễm thì trung bình sẽ lây nhiễm cho khoảng từ 2,5 đến 4 người khác. Nhưng biến thể Delta có khả năng lây truyền nhiều hơn ít nhất là gấp hai lần. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ sinh sôi nảy nở của biến thể Delta có lẽ là xấp xỉ sáu chứ không phải là ba.

Sự thay đổi thứ hai là virus đã cho thấy một khả năng có các đột biến làm cho nó chống lại hoạt động trung hòa của kháng thể được tạo ra do nhiễm bệnh trong quá khứ từ con virus khởi thuỷ, cũng như phản ứng của kháng thể do hầu hết các vaccine COVID-19 hiện tại tạo ra.

Vấn đề lớn thứ ba tập trung vào tính lâu bền của sự bảo vệ. Hiện tại, các phản ứng của bộ nhớ [của hệ miễn dịch] của chúng ta đang kéo dài trong ít nhất là sáu đến chín tháng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng sẽ bảo vệ chúng ta chống lại sự lây nhiễm từ các biến thể đang tiến hoá, ngay cả khi các phản ứng như vậy hỗ trợ làm giảm diễn biến lâm sàng của sự lây nhiễm dẫn đến bệnh COVID-19 ít nghiêm trọng hơn.

Vấn đề thứ tư chống lại khả năng chúng ta có thể sớm đạt đến ngưỡng miễn dịch cộng động là sự phân phối vaccine bất bình đẳng trên toàn thế giới, việc tiếp nhận chậm chạp và triển khai [tiêm chủng] trì trệ. Thật không may, điều này tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự tiến hóa liên tục của virus.

Không quốc gia nào sẽ khóa biên giới của mình vĩnh viễn. Điều này có nghĩa là toàn bộ dân số toàn cầu cần đạt cùng một loại ngưỡng [miễn dịch cộng đồng] trong cùng một khoảng thời gian. Hiện tại, chỉ 1% dân số ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm chủng. Và 27% dân số toàn cầu.

Với biến thể Delta, chúng ta sẽ cần phải đạt được xấp xỉ 84% dân số toàn cầu được bảo vệ chống lại sự lây nhiễm (trong trường hợp không có các biện pháp can thiệp không dùng thuốc) trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể.

Các bước tiếp theo

Giải pháp bền vững duy nhất là học cách sống chung với virus.

Điều này đòi hỏi phải đảm bảo rằng chúng ta tiêm chủng cho đa số các cá nhân, đặc biệt là người lớn và cụ thể là những người có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nặng và tử vong càng nhanh càng tốt. Theo tôi, điều này có thể đạt được ở Nam Phi khi 20 triệu người được tiêm chủng - không phải là mục tiêu 40 triệu mà chính phủ đã đặt ra. Nhưng 20 triệu [người] sẽ cần bao gồm 90% những người trên 60 tuổi và 90% những người trên 35 tuổi mắc các bệnh nền.

Nếu Nam Phi đạt được cột mốc quan trọng này, họ có thể trở lại cuộc sống tương đối bình thường ngay cả khi virus tiếp tục lưu hành và thỉnh thoảng bùng phát. Điều này cũng sẽ bảo đảm một ngưỡng mà chắc chắn là hệ thống chăm sóc y tế của họ sẽ không bị quá tải và sẽ không có những số lượng lớn các ca tử vong.

Chúng ta chỉ đơn giản là sẽ phải cảm thấy thoải mái với ý tưởng rằng SARS-CoV-2 sẽ giống như một trong nhiều loại virus khác vốn đang lưu hành và gây bệnh đường hô hấp mỗi ngày. Thông thường là các bệnh truyền nhiễm dạng nhẹ, và không thường xuyên gây ra một bệnh nặng.

Vì vậy, thật không may, người ta sẽ tiếp tục tử vong vì COVID-19, nhưng chắc chắn không phải ở mức độ như chúng ta đã được chứng kiến ​​trong 18 tháng qua. Mt bước tiến ln s là để COVID-19 không còn nghiêm trng hơn nhng gì thường thy trong mi mùa cúm (10.000 đến 11.000 ca tử vong) ở Nam Phi.

Kinh nghiệm của Vương quốc Anh là nơi chúng ta nên hướng tới. Đó là trở lại lối sống tương đối bình thường, với điều kiện là chúng ta đã có đủ số lượng người được tiêm chủng, và cụ thể là những người có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng.

Vương quốc Anh hiện có xấp xỉ 85% người lớn đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Kết quả là họ có thể tháo bỏ hầu hết tất cả các biện pháp giới hạn sinh hoạt.

Vương quốc Anh đang chứng kiến mt s gia tăng s trường hp ca biến thể Delta. Nhưng họ chỉ có những thay đổi rất nhỏ khi nhìn vào số trường hợp nhập viện và tử vong. Đại đa số (97%) những người cuối cùng vẫn phải nhập viện và tử vong vì COVID-19 ở Vương quốc Anh là những người đã quyết định không tiêm chủng.

Shabir A. Madhi

Về tác giả

Shabir A. Madhi

Trưởng Khoa Khoa học Sức khỏe và Giáo sư về Khoa học phát triển vắc xin tại Đại học Witwatersrand; và Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Phân tích Bệnh truyền nhiễm và Vắc xin SAMRC, Đại học Witwatersrand.

Tuyên bố công khai

Shabir A. Madhi nhận tài trợ từ BMGF, SAMRC và Novavax liên quan đến các nghiên cứu COVID-19. Tất cả tài trợ đều được chuyển đến đơn vị của anh ấy.

Nguyễn Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: COVID-19 herd immunity? It’s not going to happen, so what next?, The Conversation, ngày 3 tháng 8 năm 2021.

----                      

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF