17.4.22

Nghĩ về tính phức hợp: từ giấc mơ về một thế giới đơn giản đến cơn ác mộng của chủ nghĩa đơn giản hóa thái quá

NGHĨ VỀ TÍNH PHỨC HỢP: TỪ GIẤC MƠ VỀ MỘT THẾ GIỚI ĐƠN GIẢN ĐẾN CƠN ÁC MỘNG CỦA CHỦ NGHĨA ĐƠN GIẢN HÓA THÁI QUÁ

Tác giả: Laurent Bibard[*]

Càng có quyết tâm làm chủ thực tại, ta càng làm cho cuộc sống trở nên quá tải với các quy trình và các chủ nghĩa hình thức.

Trong một thế giới phức hợp, bất kỳ điều gì đều có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Điều tốt nhất cũng như điều xấu nhất. Trong toán học ta gọi đó là “hiệu ứng bươm bướm”. Điều ấy có thể làm ta sợ hãi, vì đúng là bất kỳ một điều gì đó có thể đột nhiên xảy đến. Từ một biến cố nhỏ bé không đáng kể, tất cả đều có thể trở nên quan trọng và quyết định toàn bộ cuộc sống của một tập thể. Và những dấu hiệu yếu ớt của sự xuất hiện của một điều gì đó lại có thể liên quan đến những sự kiện tuyệt vời cũng như những mối đe dọa lớn nhất. Chính là liên quan đến những mối đe dọa này khi bàn về những sự đơn giản hóa thái quá thực tại đến độ ngây ngô, cực đoan.

Tất cả chúng ta đều cần sự đơn giản. Thậm chí ta có thể nói rằng ta không hiểu gì về tính phức hợp nếu ta không thừa nhận tất cả tầm quan trọng của nó đối với nhu cầu con người của chúng ta về sự đơn giản, một nhu cầu trọng yếu, không khoan nhượng. Và sự phức hợp thực sự không chỉ gắn với chính sự phức hợp - và ta sẽ thấy, cùng với những điều khác, sự phức hợp này bao hàm điều mà ta có thể gọi là sự bất định -, mà còn là mối liên hệ giữa sự thừa nhận tính phức hợp và nhu cầu chính đáng và không khoan nhượng về sự đơn giản.

Hiện nay, nhu cầu về sự đơn giản tại Pháp được biểu lộ qua đủ loại mong ước được diễn đạt dưới hình thức tiêu cực: thuế nhiều quá, quá nhiều thủ tục hành chính, quá phức tạp trong đời sống tập thể, sự hiện diện tai hại của châu Âu mạnh quá, quá nhiều vấn đề quốc tế giáng xuống chúng ta như các hiện tượng di dân, quá nhiều khủng hoảng tác động đến toàn thế giới như khủng hoảng khí hậu, mà ta mơ ước nó không liên quan đến nước Pháp, v.v.. Ta sẵn sàng mơ ước rằng, như chính phủ đã từng nói vào lúc đó, những mây đen phóng xạ của Tchernobyl dừng lại ở biên giới nước Pháp: điều tương đương với những đám mây Tchernobyl, hiện nay chính là đủ loại vấn đề như đã được nêu ra ở trên.

Đòi hỏi một thế giới đơn giản

Một phần lớn người Pháp mơ ước về một thế giới đơn giản, hòa hoãn, ở đó ta vui sống, không lo âu, không phức tạp. Và đó là điều bình thường. Bình thường đến nỗi trở thành phổ quát. Chúng ta mang trong lòng ước mơ về một cuộc sống êm đềm, an toàn và thanh bình, ở đó mọi sự đều diễn ra như chúng ta mong muốn. Ước mơ đó là phổ quát, vì một lý do đơn giản là mối quan hệ cấp bậc trên dưới với những người bảo vệ chúng ta là mối quan hệ cổ xưa đầu tiên mà tất cả chúng ta, nam cũng như nữ, đã biết đến từ thuở ấu thơ. Cuộc sống và sự sống còn của những em bé sơ sinh chủ yếu lệ thuộc vào cha mẹ chúng -cha mẹ ruột hay không-. Không có sự bảo vệ của cha mẹ sẽ không có sự bền vững. Thế giới “đơn giản” mà tất cả chúng ta mơ ước sẽ là một thế giới như thế. Một thế giới với những người đỡ đầu sẽ đơn giản hóa cuộc sống của chúng ta.

Ta có thể cho rằng vấn đề là chúng ta không còn là những em bé. À không, còn phức tạp hơn thế. Bây giờ ta biết rằng mọi trẻ sơ sinh, vừa mới được sinh ra, đều biết – một cách tiềm năng – là nó hoàn toàn tự lập hay trưởng thành. Về mặt này, y học lâm sàng phương Tây gặp lại y học Đạo Lão của Trung Hoa cổ xưa: một bé trai nhỏ xíu (tất nhiên là theo nghĩa chủng loại) thì ngay lập tức là một “quan điểm” vê thế giới (Shen), hoàn toàn tự lập, tự chủ, có khả năng tạo mối quan hệ ngang hàng với những người khác. Nhưng nó phải chờ đợi cả một thời gian được giáo dục để thể hiện mình thực sự, một cách đầy đủ.

Tất cả thời gian giáo dục là một quãng thời gian được đặc trưng bởi tính hai mặt giữa đòi hỏi được bảo vệ của đứa trẻ đang lớn, và đòi hỏi được tự lập: ta phải đ nó làm tất cả những gì nó muốn. Bổn phận của cha mẹ hoàn toàn bị quy định bởi yêu cầu kép đó: phải đưa ra những quy tắc ấn định khuôn khổ của một cuộc sống an toàn, một quá trình xã hội hóa cần thiết, và đồng thời phải để cho trẻ có những thử nghiệm, mạo hiểm. Bởi nếu không như vậy, nó sẽ không bao giờ trở nên tự lập và tự chủ - nó sẽ trở nên người trưởng thành theo lẽ tự nhiên.

Trưởng thành, là có khả năng, ngang hàng cùng với những người khác, đối mặt với những bất trắc gắn liền với cuộc sống. Tất cả chúng ta đều mang hoài bão trở nên trưởng thành với ý nghĩa chính xác nhất, bất kể trình độ học vấn, môi trường xã hội, văn hóa, trải nghiệm cá nhân của chúng ta. Và đồng thời, tùy theo hoàn cảnh, tất cả chúng ta, nam cũng như nữ, bằng cách này hay cách khác, bị cuốn vào những mối liên hệ cấp bậc trên dưới, mà chúng ta mong ước tham gia vào và đóng vai con cái hay cha mẹ.

Chúng ta đóng ba vai trò trong suốt cuộc đời, tùy theo hoàn cảnh và những mối liên hệ mà chúng ta duy trì, như là công dân, cha mẹ, chuyên viên nghiệp vụ, bạn bè v.v.. Nhưng đòi hỏi của trẻ con là đòi hỏi về một thế giới đơn giản. Sẽ nảy sinh vấn đề khi đòi hỏi này trở nên đơn giản hóa thái quá.

Biết rằng ta không biết gì cả

Đặc trưng của “chủ nghĩa đơn giản hóa thái quá”, là giả định rằng không có sự phức hợp. Là giả định một thế giới ở đó không có cơ hội để trở nên “trưởng thành” vì sẽ không có sự phức hợp. Một bên sẽ chỉ có các bậc cha mẹ. Thậm chí chỉ có duy nhất cha hoặc mẹ, vì một thế giới đơn giản được giả định là nhất quán, không có mâu thuẫn. Lúc đó sẽ có một chân lý duy nhất, độc quyền, do một người hiểu biết nêu ra, một người mà tất cả mọi người đều tin tưởng tuyệt đối, thậm chí mù quáng. Và phía bên kia là các trẻ em.

Chủ nghĩa đơn giản hóa thái quá hàm ý mơ ước rằng các cấp lãnh đạo chính phủ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho chúng ta. Lãnh đạo phải bảo đảm rằng chúng ta không còn liên quan đến các vấn đề toàn cầu, như Francis Cabrel đã diễn đạt rất hay trong bài hát của ông Le pays d’à côté (Nước láng giềng). Thế nhưng điều đó là sai. Ta không còn có thể làm như thể ta sống trong một nước cô lập với phần còn lại của thế giới. Đó không những là sai mà còn trái với mong đợi và thậm chí là nguy hiểm: kinh nghiệm cho thấy rằng khi ta muốn làm như thể thế giới chỉ là đơn giản trong khi nó không phải như vậy, thì ta đã thêm một sự phức hợp vô cùng tai hại vào tính phức hợp không khoan nhượng của hiện thực.

Francis Cabrel, “Le pays d’à côté” (2015).

Ý chí muốn làm như thể thế giới là đơn giản, bằng cách tin rằng ta có thể “thu hẹp” tính phức hợp được đặc biệt biểu thị qua ý chí muốn kiểm soát các tổ chức. Dù đó là ý chí muốn kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân hay bộ máy hành chính. Và ý chí kiểm soát để làm chủ thực tại càng cao thì ta càng làm cho cuộc sống bị quá tải bởi các quy trình, các chủ nghĩa hình thức hóa chỉ khiến cho mọi người mất thì giờ và hao tốn năng lượng.

Một cách nghịch lý, một khía cạnh của giải pháp là rất đơn giản: chỉ đơn giản là chấp nhận nhận định cho rằng thế giới bị bão hòa bởi những điều bất trắc, lạ lùng, vô minh. Một nhận xét quan trọng đầu tiên: nếu ta tin rằng ta biết, hay ta kiểm soát được tất cả, thì ta không lắng nghe gì nữa, không học hỏi được gì nữa từ thực tế. Trong khi trái lại, tỏ ra rất sáng suốt về điều thế giới thực ra là hoàn toàn xa lạ với chúng ta - như triết gia Socrate đã từng nói, chỉ biết một điều là ta không biết gì cả -, điều này có nghĩa là ở trong tư thế học hỏi không ngừng. Và học hỏi không ngừng chính là lắng nghe thế giới, lắng nghe những người khác. Chính là, với tư cách người trưởng thành, cùng đối mặt với tính phức hợp của các nhiệm vụ của chúng ta.

Tất cả chúng ta, nam cũng như nữ đã biết qua một ví dụ cụ thể về hiểu biết phong phú về sự dốt nát của chúng ta là trong các xung đột gia đình. Khi ta sống với cùng một người trong một quãng thời gian nhất định, ta tin rằng ta biết nằm lòng người đó, “như thể ta tạo ra họ”, người ta nói thế. Thế là, khi nổi lên cảm xúc về một sự bất hòa, một xung đột, ta tin rằng ta biết trước điều mà người ấy sắp nói hay sắp làm. Và một cách hỗ tương.

Sự bất trắc như là một cơ may

Vấn đề là khi cứ bám vào những lập trường và xác tín của mình bằng cách tin rằng mình là người duy nhất đúng so với người kia, khi xung đột nổ ra, thì ta sẽ chỉ lặp lại những xung đột cũ, và không còn thấy rằng người kia cũng có thể không lầm lẫn về tình hình, mặc dù có ý kiến trái ngược thậm chí mâu thuẫn với ý kiến của chúng ta. Lúc đó, trong tình trạng căng thẳng tột độ của xung đột gia đình, ta không nói với người đang đối diện chúng ta bây giờ, mà nói với kinh nghiệm ta đã có với người đó trong quá khứ, bằng cách giữ khư khư niềm tin vững chắc rằng ta đúng. Lúc đó ta có thể nói đến những “trò chơi tồi” về tâm lý.

Một lời khuyên: nếu bạn muốn mối quan hệ của bạn được bền vững, thì khi bạn cảm thấy đang dâng lên cảm xúc về một sự bất hòa có khả năng biến thành một cuộc xung đột, nhất thiết bạn hãy tự nhủ một mặt là bạn không biết người đang đối diện bạn, và mặt khác, ngay cả khi người ấy có một ý kiến hoàn toàn trái ngược với ý kiến của bạn về đối tượng của sự tranh chấp, thì có thể người ấy cũng có lý như bạn.

Làm chủ sự phức hợp bằng sự đơn giản: phỏng vấn Laurent Bibard trên kên XERFI (2019).

Thực tại thì phức tạp, đầy dẫy bất trắc và mâu thuẫn: không thể tránh khỏi là sớm muộn gì các ý kiến của chúng ta về cùng một sự việc sẽ khác nhau, nhưng điều đó không có nghĩa là người này hoặc người kia sai. Nói cách khác, ngay giữa các cuộc xung đột, vẫn luôn luôn mở ra khả năng có những hành vi, lời nói, giải pháp cho vấn đề đang gặp phải, mà không ai có khả năng tưởng tượng ra trước. Đó chính là sự bất trắc, được hiểu như một cơ may.

Laurent Bibard

Ví dụ trên đây về các xung đột gia đình không chỉ là thật ở mức độ đời sống riêng của chúng ta. Nó cũng là thật ở mức độ những cuộc thương lượng chính trị gay go nhất. Biết rằng chúng ta không biết nhau lại tăng cường các mối liên hệ giữa chúng ta. Tin rằng chúng ta biết nhau hay ta biết những người khác lại làm ta xa nhau. Ta có những cơ may thoát ra khỏi các cuộc xung đột, khỏi sự lặp lại các vấn đề, sự phức hợp của thế giới chỉ bằng cách vẫn ý thức rằng chúng ta không biết rõ nhau, rằng những mâu thuẫn của chúng ta là một phần của tính phức hợp của các sự vật. Và không chỉ là một vấn đề, sự bất trắc vốn có của loài người chúng ta và của thế giới biểu thị một không gian cho các giải pháp khả dĩ, không thể hình dung ra trước được.

Trái lại khi ta tin rằng ta biết những người khác, và ta xây dựng những chính sách đơn giản hóa thái quá không bao gồm tất cả mọi người, bao gồm những sự loại trừ, điều đó có thể gây ảo tưởng vì nó nuôi dưỡng những giấc mơ của những đứa trẻ là chúng ta, nhưng đó là cội nguồn làm trầm trọng thêm những khó khăn. Và nói như vậy là một uyển ngữ. Sự đơn giản, đồng ý. Trong truyền thông và trong lắng nghe. Còn chủ nghĩa đơn giản hóa thái quá thì không!

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Penser la complexité: du rêve d’un monde simple au cauchemar du simplisme”, The Conversation, 30.9.2011.




Chú thích:

[*] Giáo sư quản trị học, giữ ghế giáo sư mang tên “Edgar Morin de la complexité”, ESSEC (École supérieure des sciences économiques et commerciales)

Print Friendly and PDF