13.4.22

Cuộc chiến ở Ukraine phá hỏng mối quan hệ học thuật giữa Nga với phương Tây

CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE PHÁ HỎNG MỐI QUAN HỆ HỌC THUẬT CỦA NGA VỚI PHƯƠNG TÂY

Tác giả: Arik Burakovsky

Các trường đại học Hoa Kỳ đang cắt đứt quan hệ với các đối tác Nga, chẳng hạn Đại học Quốc gia Moscow, trong ảnh này. Ảnh Alexander Nemenov/AFP via Getty Images

Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, các trường đại học trên khắp châu Âu và Hoa Kỳ đã lên án chiến tranh và cắt đứt quan hệ hoàn toàn với Nga. Trong phần Hỏi & Đáp sau đây, Arik Burakovsky, một chuyên gia về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga, đã làm sáng tỏ về tương lai hợp tác giữa Nga và phương Tây trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Những loại quan hệ nào đã tồn tại giữa các trường đại học phương Tây và Nga?

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991, các cơ sở giáo dục đại học của phương Tây và Nga đã hình thành hàng trăm quan hệ đối táchợp tác về các sáng kiến ​​khác nhau. Các hoạt động này bao gồm trao đổi học thuật, phát triển chương trình giảng dạy, các khóa học trực tuyến chung và các dự án nghiên cứu hợp tác.

Nga đã nỗ lực trong hai thập kỷ qua để làm cho các trường đại học của mình trở nên uy tín hơn. Chính phủ Nga đã quốc tế hóa và cập nhật hệ thống giáo dục đại học của mình. Điều này có nghĩa là phải rời xa truyền thống của Liên Xô và áp dụng các tiêu chuẩn giáo dục đại học của Châu Âu, đặc biệt là chuyển đổi từ văn bằng “chuyên gia” một bậc, được đào tạo trong 5 năm sang hệ thống “cử nhân-thạc sĩ” hai bậc.

Với mong muốn có được khả năng cạnh tranh toàn cầu, các trường đại học Nga đã xây dựng các khu học xá chi nhánh quốc tế trên khắp các nước thuộc Liên Xô cũ. Họ cũng tạo cơ hội cho sinh viên Nga du học và thu hút nhiều sinh viên quốc tế hơn. Số lượng sinh viên nước ngoài ở Nga tăng gần gấp ba lần, từ 100.900 trong năm học 2004-2005 lên 282.900 một thập kỷ sau đó.

Các trường đại học Nga đã mở thêm các khóa học giảng dạy bằng tiếng Anh và thiết lập các chương trình liên kết và cấp bằng kép với các trường đại học phương Tây ở nhiều ngành học khác nhau. Ví dụ: Trường Khoa học Xã hội và Kinh tế Moscow cấp bằng cử nhân và bằng cao học chung với Đại học Manchester ở Vương quốc Anh.

Những mối quan hệ này đã tạo ra điều gì?

Sinh viên phương Tây và Nga đã tìm hiểu về văn hóa, ngôn ngữ và xã hội của nhau. Các nhà khoa học Nga và phương Tây đã cùng nhau thực hiện các dự án nghiên cứu liên quan đến khám phá ngoài không gian, vật lý hạt, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học ở Bắc Cực và ở nhiều khu vực khác.

Tuy nhiên, khi căng thẳng địa chính trị gia tăng theo thời gian, chính quyền Nga trở nên e ngại về những gì họ tin là nỗ lực “giáo dục thanh niên theo cách thân phương Tây, hình thành một bộ phận cử tri đối kháng và khắc sâu một hệ tư tưởng thù địch”. Sau đó, Putin bắt đầu bóp nghẹt các mối quan hệ học thuật quốc tế bằng cách áp đặt các giới hạn đối với các quan hệ này.

Nga đã loại bỏ các mối quan hệ học thuật với phương Tây thông qua luật về cái gọi là “các tác nhân nước ngoài” và “các tổ chức không mong muốn”. Chính phủ tăng cường giám sát các nguồn tài trợ nước ngoài và đặt ngoài vòng pháp luật hàng chục tổ chức tư vấn, tổ chức từ thiện và trường đại học phương Tây trước đây đã từng làm việc ở Nga. Các tổ chức bị cấm này bao gồm Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn các vấn đề quốc tế phi đảng phái ở Washington, D.C., và Bard College, một trường cao đẳng nghệ thuật tự do tư nhân ở bang New York.

Năm 2021, Nga cấm tất cả các hoạt động giáo dục không được chính phủ phê duyệt. Lệnh cấm này bao gồm việc hợp tác với các trường đại học nước ngoài. Trước khi các học giả Nga gặp gỡ các học giả nước ngoài, họ phải thông báo cho chính phủ.

Trong công việc của tôi tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts từ năm 2017, tôi đã quản lý hợp tác giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học thuật với các trường đại học và các tổ chức tư vấn ở Moscow, St. Petersburg và Vladivostok. Tôi đã thấy sinh viên và chuyên gia ở hai nước hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề quốc tế bằng cách chia sẻ các quan điểm đa dạng và học hỏi lẫn nhau.

Những tương tác này đã được chính thức kết thúc bởi trường đại học nơi tôi làm việc vào ngày 15 tháng 3 năm 2022, vì các tương tác này hiện được coi là “không thể chấp nhận được về mặt đạo đức”.

Các trường đại học phương Tây đã lên án các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Ảnh: Sergey Bobok/AFP via Getty Images

Việc Nga xâm lược Ukraine có đe dọa những mối quan hệ này không?

Có. Chính phủ Ukraine đã kêu gọi tẩy chay học thuật đối với Nga. Nhiều trường cao đẳng đã rút sinh viên ra khỏi Nga. Họ cũng đã tạm dừng hợp tác khoa học, cắt đứt quan hệ tài chínhtăng cường giám sát các khoản tài trợ từ Nga. Những động thái này đều thuộc một phần trong làn sóng lên án toàn cầu chống lại cuộc xâm lược.

Trong khi nhiều nhà lãnh đạo học thuật kêu gọi thận trọng về việc thay đổi quá nhanh, một số trường đại học Mỹ và châu Âu đã đóng băng hoàn toàn mối quan hệ với Nga. Các trường đại học ở EstoniaBỉ đã quyết định đình chỉ mọi quan hệ với Nga.

Viktor Vekselberg (1957-)

Viện Công nghệ Massachusetts đã kết thúc hợp tác giảng dạy và nghiên cứu công nghệ cao với Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo ở Moscow vào ngày 25 tháng 2. Mối quan hệ hợp tác này, bắt đầu vào năm 2010, đã được củng cố bằng việc gia hạn thêm 5 năm và trị giá nhiều triệu đô la tài trợ vào năm 2019. Tuy nhiên, chương trình đã vấp phải tranh cãi kể từ năm 2018 về sự tài trợ từ nhà tài phiệt bị trừng phạt Viktor Vekselberg.

Nhiều chính phủ châu Âu, chẳng hạn như Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Phần Lan, Ba Lan, Na Uy, Latvia và Lithuania, đã yêu cầu các trường đại học của họ cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Nga. Ngày 27/3 Vương quốc Anh thông báo sẽ ngừng tài trợ hàng chục triệu bảng Anh cho tất cả các dự án nghiên cứu có liên kết với Nga.

Những lý do nào được đưa ra cho việc cắt đứt quan hệ và chống lại cắt đứt quan hệ?

Chris Philp (1976-)

Những người ủng hộ tuyên bố những hành động này là cần thiết để có lập trường đạo đức chống lại Putin. Họ cũng nói rằng họ có mục đích chống tham nhũng, giảm nguy cơ gián điệp, chặn bộ máy tuyên truyền của Putin và ngăn ngừa hành vi trộm cắp công nghệ. Chris Philp, Bộ trưởng Công nghệ và Kinh tế kỹ thuật số của Vương quốc Anh, nói rằng ông không thấy làm cách nào mà “bất kỳ ai có ý thức đạo đức lại có thể cộng tác với các trường đại học Nga”.

Những người phản đối cho rằng bằng cách cấm cửa đối với giới học thuật Nga, phương Tây đang cô lập các sinh viên và học giả Ngatạo tiền lệ xấu cho việc hợp tác học thuật quốc tế nói chung. Họ giữ vững ý kiến rằng sự cởi mở về mặt khoa học thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, giúp chống lại thông tin sai lệch bên trong nước Nga và khuyến khích giải quyết xung đột.

Lawrence Bacow (1951-)

Lawrence Bacow, chủ tịch Đại học Harvard, nhấn mạnh giá trị của ngoại giao học thuật. Ông nêu lên rằng “các cá nhân không nhất thiết phải chịu trách nhiệm về các chính sách của chính phủ.” Vào ngày 9 tháng 3, Trung tâm Nghiên cứu Nga và Á-Âu Davis của trường đại học này đã đình chỉ mối quan hệ với các trường đại học Nga có cấp lãnh đạo bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến tranh.

Mối quan hệ bị cắt đứt này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giáo dục đại học ở Nga?

Bằng cách đóng các đường dây liên lạc với Nga, các trường đại học phương Tây có thể vô tình hỗ trợ các nỗ lực của Putin nhằm cô lập các sinh viên và học giả Nga. Putin muốn thuyết phục những người trẻ tuổi và giới học thuật, những người có xu hướng thân phương Tâychống độc tài hơn phần còn lại của những người dân, rằng không có hy vọng nào khi họ chỉ có một mình.

Các nhà nghiên cứu Nga cho biết họ ngày càng cảm thấy mất kết nối với phương Tây và không hài lòng về tương lai của khoa học Nga. Chính phủ Nga tuyên bố vào ngày 22 tháng 3 rằng họ sẽ cấm các nhà nghiên cứu tham gia các hội nghị quốc tế.

Các học giả Nga có được tự do lên án cuộc xâm lược không?

Một bầu không khí sợ hãi bao trùm lên những người phản đối chiến tranh ở Nga. Một luật mới ra trừng phạt việc cố tình phát tán thông tin “giả mạo” về quân đội với mức án lên đến 15 năm tù. Trong bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 16 tháng 3, Putin tuyên bố sẽ tẩy sạch khỏi nước Nga những “cặn bã và những kẻ phản bội” thân phương Tây, tạo tiền đề cho một cuộc đàn áp nghiêm trọng trong nước.

Các học giả Nga không được quyền chỉ trích cuộc xâm lược và họ có nguy cơ bị chấm dứt việc làm, bị phạt tiền và án tù. Đại học Quốc gia Saint Petersburg đã trục xuất 13 sinh viên bị giam giữ tại các cuộc biểu tình chống chiến tranh. Trong khi hơn 700 hiệu trưởng các trường đại học Nga do chính phủ bổ nhiệm đưa ra tuyên bố ủng hộ “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, gần 8.000 học giả Nga đã lên tiếng phản đối cuộc chiến trong một bức thư ngỏ lên án các hành động chiến sự.

Arik Burakovsky

Hàng trăm nghìn thành viên của giới trí thức tự do và phe đối lập chính trị ở Nga đã bỏ trốn khỏi đất nước sau chiến tranh. Họ sợ bị đàn áp chính trị và bắt đi quân dịch. Khi không gian tự do ngôn luận nhanh chóng đóng lại, một số trường đại học ở nước ngoài đã mở các vị trí giảng dạy và nghiên cứu tạm thời cho các học giả Nga tìm nơi tị nạn.

Vài nét về tác giả

Arik Burakovsky Trợ lý Giám đốc, Chương trình Nga và Á-Âu, Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts. Ông làm việc tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts. Ông nhận tài trợ từ Tập đoàn Carnegie của New York.

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn:The war in Ukraine ruins Russia’s academic ties with the West”, The Conversation, ngày 01.04.2022

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF