25.4.22

Những nước duy trì quan hệ nghiên cứu với Nga bất chấp cuộc chiến tranh ở Ukraine

NHỮNG NƯỚC DUY TRÌ QUAN HỆ NGHIÊN CỨU VỚI NGA BẤT CHẤP CUỘC CHIẾN TRANH Ở UKRAINE

Nhiều quốc gia phương Tây đang cắt đứt các kết nối khoa học – nhưng ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi thì đó lại là một câu chuyện khác.

Smriti MallapatyT. V. PadmaEmiliano Rodríguez MegaRichard Van Noorden & Ehsan Masood

Một lò phản ứng nghiên cứu tại Viện Vật lý Hạt nhân Konstantinov của Nga gần St Petersburg. Ảnh: Peter Kovalev/ITAR-TASS/Alamy

Có phải việc Nga xâm lược Ukraine đang vẽ lại bản đồ hợp tác khoa học quốc tế? Trong khi châu Âu và Hoa Kỳ đang nhanh chóng cắt đứt các mối quan hệ lâu đời, các chính phủ Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi vẫn tiếp tục duy trì kết nối.

Họ là thành viên của BRICS, một nhóm năm quốc gia – bao gồm Brazil và Nga – cùng hợp tác để thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế, và một chương trình hợp tác khoa học đang hoạt động. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu từ 5 quốc gia đã tổ chức khoảng 100 cuộc họp dưới sự bảo trợ của BRICS trong nhiều lĩnh vực bao gồm thiên văn học, khí hậu và năng lượng, sức khỏe và y học.

Vắc-xin là một trọng điểm quan trọng. Ấn Độ và Nam Phi đang dẫn đầu một chiến dịch sửa lại quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin COVID-19 trong đại dịch. Tháng trước, cả 5 chính phủ đã công bố mối quan hệ đối tác mới về nghiên cứu và phát triển vắc-xin tại một sự kiện ra mắt vào ngày 22 tháng 3 với sự tham dự của các bộ trưởng khoa học và y tế. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Nga, Mikhail Murashko, cho biết sáng kiến ​​này sẽ dựa trên những vắc-xin COVID-19 đầu tiên, được phát triển và thử nghiệm ở các nước BRICS. Nga đã phê duyệt vắc-xin coronavirus đầu tiên vào tháng 8 năm 2020.

Mikhail Murashko (1967-)

Và vào ngày 26–27 tháng 4, viện hàn lâm khoa học quốc gia của 5 quốc gia sẽ tổ chức cuộc họp nhằm chia sẻ dữ liệu về đa dạng sinh học, khí hậu và an ninh lương thực như một phương tiện để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc [United Nations Sustainable Development Goals].

Các nhà lãnh đạo nghiên cứu của Brazil đã công khai tuyên bố họ chống lại cuộc xâm lược. Họ cũng đã thành lập một quỹ cho các nhà khoa học đang chạy trốn khỏi Ukraine, Nga và các khu vực xung đột khác để đến Brazil. Cũng có sự phản đối từ các nhà nghiên cứu ở Nam Phi, nhưng để xác định các nhà khoa học ở Trung Quốc và Ấn Độ nghĩ gì thì khó hơn. Trong số những người được tiếp xúc, không ai đồng ý bình luận cho bài viết này. Một số nhà nghiên cứu ở Ấn Độ và Nam Phi đã công bố những bức thư ngỏ lên án cuộc xâm lược. Chính phủ Nam Phi đang khuyên răn các tổ chức nghiên cứu – mặc dù không phải là các nhà khoa học – không được phát biểu về cái mà họ gọi là các khía cạnh chính trị” của cuộc chiến.

Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi không đơn độc trong việc giữ mối quan hệ với Nga. Comstech, một tổ chức có trụ sở tại Islamabad, đại diện cho các bộ trưởng khoa học từ các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (Organisation of Islamic Cooperation – OIC) gồm 57 thành viên, đang thảo luận về một thỏa thuận hợp tác khoa học dài hạn với Nga, vốn là một quốc gia quan sát viên của OIC.

Nguồn: Scopus.

Hành động cân bằng Đông – Tây của Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc cho biết họ duy trì “lập trường trung lập” về cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và cơ quan tài trợ không đưa ra tuyên bố công khai, nhưng không có dấu hiệu cho thấy sự hợp tác sẽ bị ảnh hưởng.

Alexander Sergeev (1955-)

Thập kỷ qua đã chứng kiến ​​sự gia tăng đều đặn các ấn phẩm nghiên cứu với các tác giả từ hai quốc gia (xem ‘Xu hướng hợp tác khoa học của Nga’), dù vậy điều này cũng phù hợp với sự tăng cường nghiên cứu giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia khác. Khoa học vật lý nổi lên như là lĩnh vực phổ biến giữa các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc và Nga – đặc biệt là vật lý và thiên văn học, cũng như khoa học vật liệu và kỹ thuật.

Trung Quốc và Nga đã chỉ định 2020–21 là năm đổi mới khoa học và công nghệ, với các kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, nghiên cứu COVID-19 và toán học, bên cạnh các lĩnh vực khác. Alexander Sergeev, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga tại Moscow, cũng là một trong những phó chủ tịch của Liên minh các tổ chức khoa học quốc tế (Alliance of International Science Organizations – ANSO), mạng lưới 67 thành viên gồm các tổ chức nghiên cứu trên khắp thế giới do Trung Quốc thành lập vào năm 2018.

Qasim Jan (1944-)
Malcolm Davis

Qasim Jan, nhà địa chất tại Đại học Peshawar ở Pakistan và là cựu phó chủ tịch ANSO, dự đoán: “Các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga sẽ ít hoặc không ảnh hưởng đến hoạt động của ANSO. Bởi vì, theo ông, “Trung Quốc chu cấp hầu hết các khoản tài trợ của ANSO”. Năm tổ chức đang tham gia vào một dự án ANSO để nghiên cứu các cơ hội kinh tế xanh liên quan đến Trung Quốc, Mông Cổ và Nga.

Các nhà nghiên cứu dự đoán, có thể thời cơ đã chín muồi để hợp tác nhiều hơn về chính sách không gian, nếu Nga tách rời vĩnh viễn khỏi các hợp tác không gian quốc tế do Mỹ và châu Âu dẫn đầu. Vào năm 2021, các cơ quan vũ trụ của Nga và Trung Quốc đã đồng ý hợp tác xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng. Malcolm Davis, nhà nghiên cứu chính sách không gian tại Viện Chính sách Chiến lược Úc [Australian Strategic Policy Institute] ở Canberra, cho biết hiện việc này có thể được “đẩy nhanh và có khả năng mở rộng”.

Łukasz Kobierski
Murad Ali

Và bởi vì các ngân hàng Nga được chọn hiện đã bị cấm tham gia vào nền tảng giao dịch tài chính quốc tế SWIFT, các khoản thanh toán giữa Nga và Trung Quốc có khả năng sẽ dùng đồng tiền tương ứng của mỗi quốc gia. Murad Ali, trưởng khoa khoa học chính trị tại Đại học Malakand ở Chakdara, Pakistan, nhà nghiên cứu tài chính quốc tế của Trung Quốc, cho biết có hơn 20 quốc gia có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ tương tự như Trung Quốc.

Năm 2015, Trung Quốc cũng đưa ra một giải pháp thay thế cho SWIFT được gọi là Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới [Cross-Border Interbank Payment System – CIPS]. Łukasz Kobierski, nhà nghiên cứu các mối quan hệ quốc tế tại Viện châu Âu Mới [Institute of New Europe] ở Warsaw, cho biết khoảng 49 tỷ đô la Mỹ trong các giao dịch hằng ngày đã sử dụng hệ thống này. So với 5 nghìn tỷ đô la được chuyển qua SWIFT hằng ngày, theo kho bạc Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đang diễn ra đối với Nga có thể khiến việc sử dụng CIPS tăng lên.

Futao Huang
Isak Froumin

Isak Froumin, một nhà nghiên cứu giáo dục đại học tại Trường Đại học Kinh tế tại Moscow, hiện đang nghỉ phép ở Boston, Massachusetts, giải thích rằng một số mối quan hệ khoa học giữa Trung Quốc và Nga bắt đầu ít nhất là từ những năm 1950. Đó là khi nước Trung Quốc cộng sản mới ra đời áp dụng mô hình của Liên Xô là tập trung nghiên cứu trong các học viện khoa học do nhà nước tài trợ và do nhà nước chỉ đạo. Mối quan hệ giữa hai bên đã trải qua một thời kỳ hỗn loạn và Trung Quốc bắt đầu hướng về phương Tây để hợp tác khoa học sau khi Liên Xô sụp đổ, Froumin cho biết thêm.

Một số nhà quan sát cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không muốn gây nguy hại cho nhiều mối quan hệ đối tác khoa học hiện có của họ với châu Âu và Hoa Kỳ. Futao Huang, nhà nghiên cứu giáo dục đại học tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản, cho biết cộng đồng khoa học Trung Quốc không muốn bị cô lập khỏi phương Tây.

Vladimir Putin, Narendra Modi và Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2019 ở Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Mikhail Svetlov/Getty

Kế hoạch khoa học Modi–Putin

Trong vài thập kỷ qua, Ấn Độ có ít hợp tác khoa học với Nga hơn so với châu Âu và Hoa Kỳ. Nhưng vào tháng 12 năm 2021, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý tăng cường kết nối khoa học giữa hai nước.

Rakesh Sharma (1949-)

Các nhà lãnh đạo đã đồng ý về một danh sách dài các lĩnh vực mà hai bên mong muốn hợp tác nhiều hơn. Trong đó bao gồm: nông nghiệp và thực phẩm và khoa học và công nghệ, kinh tế biển, khí hậu, khoa học dữ liệu, năng lượng, y tế và y học, nghiên cứu địa cực, công nghệ lượng tử và nước.

Việc này sẽ bổ sung cho các mối quan hệ hiện có trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và không gian. Nga đã cung cấp cho Ấn Độ các lò phản ứng hạt nhân và nhiên liệu, và hợp tác vũ trụ của hai nước bắt đầu từ những năm 1970. Năm 1984, Rakesh Sharma, một phi công không quân Ấn Độ, tham gia chuyến thám hiểm Soyuz T-11 của Liên Xô, trở thành người Ấn Độ đầu tiên du hành vào vũ trụ.

Jagannath P. Panda

Jagannath Panda, người đứng đầu Trung tâm Stockholm về các vấn đề Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Thụy Điển, cho biết kế hoạch khoa học Modi-Putin mới sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược Ukraine. New Delhi có lợi ích nhất định trong việc đảm bảo sự hợp tác như vậy với đối tác lâu năm [Nga] vẫn tiếp tục bất chấp sự gián đoạn.”

Lần cuối cùng hai nước mở rộng các dự án chung là năm 1987–90, khi họ thành lập tám trung tâm hợp tác, bao gồm một số trung tâm về khoa học vật liệu, máy tính tiên tiến và y học ayurvedic.

Các đối tác nghiên cứu lớn nhất của Ấn Độ (được đo lường bằng các ấn phẩm chung) là ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu có kiến ​​thức về cách chính phủ Ấn Độ tổ chức khoa học nói với Nature rằng họ không dự kiến là những mối quan hệ nghiên cứu này sẽ thay đổi.

D. Raghunandan

Tuy nhiên, D. Raghunandan, chủ tịch Diễn đàn Khoa học Delhi, một tổ chức khoa học-chính sách phi lợi nhuận, dự đoán rằng các lệnh trừng phạt quốc tế cuối cùng sẽ có tác động nghiêm trọng hơn đến các hoạt động hợp tác nghiên cứu của Ấn Độ. Ông nói, các biện pháp trừng phạt thương mại chống lại Nga có nghĩa là các nhà nghiên cứu ở Ấn Độ và Nga có thể không thể chuyển tài liệu nghiên cứu giữa các nước. Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt ngân hàng có khả năng ngăn chặn việc chuyển tiền bằng các ngân hàng quốc tế.

Để giải quyết vấn đề này, Ấn Độ và Nga được cho là đang thảo luận về giao dịch với nhau bằng đồng rupee và đồng rúp thay vì bằng đô la Mỹ. Tuy nhiên, Raghunandan cảnh báo có nguy cơ các lệnh trừng phạt có thể mở rộng sang lệnh cấm các công nghệ có thể được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự.

“Các biện pháp trừng phạt tiền tệ có thể được giải quyết,” Raghunandan nói, nhưng ông dự đoán sẽ gặp rắc rối đối với các nhà khoa học Ấn Độ nếu châu Âu và Mỹ quyết định mở rộng các biện pháp trừng phạt để áp dụng đối với các quốc gia có quan hệ với Nga. Sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học sẽ phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của Mỹ và châu Âu để thực hiện các lệnh trừng phạt. Chúng tôi không biết tương lai sẽ diễn ra như thế nào.

Brazil cảnh báo về ‘hậu quả nghiêm trọng’ đối với sự hợp tác

Không giống như Trung Quốc và Ấn Độ, Brazil dự kiến ​​sẽ hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng đối với các dự án chung của họ do các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế chống lại Nga, một số nhà nghiên cứu của Brazil nói với Nature. Đồng thời, các nhà khoa học và các cơ quan tài trợ đang tổ chức để hỗ trợ các đồng nghiệp cần phải chạy trốn khỏi Ukraine hoặc Nga.

Ricardo Galvão (1947-)

Trước cuộc xâm lược, Ricardo Galvão, một nhà vật lý năng lượng nhiệt hạch tại Đại học São Paulo, đã mong đợi bắt đầu hợp tác với hai viện vật lý lớn nhất của Nga, Viện Ioffe ở St Petersburg và Viện Kurchatov ở Moscow. Dự án nhằm mục đích đo năng lượng và chuyển động quay trong plasma bên trong tokama - lò phản ứng nhiệt hạch hình bánh rán với nam châm cực mạnh.

“Những kế hoạch đó cũng bị phá hủy bởi tên lửa của cuộc chiến này,” Galvão nói. Ông nói thêm: Ít nhất, sẽ có sự chậm trễ và tăng chi phí. Trong những tuần đầu tiên sau khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, đồng rúp đã mất 20% giá trị so với đồng real của Brazil.

Các nhà lãnh đạo nghiên cứu của Brazil “rõ ràng là chống lại chiến tranh”, Jerson Silva, một nhà hóa sinh tại Đại học Liên bang Rio de Janeiro và giám đốc cơ quan tài trợ khoa học của bang, FAPERJ, nói. FAPERJ đã phát động một cuộc gọi tài trợ cho các nhà nghiên cứu ở Rio de Janeiro, những người muốn tiếp nhận các nhà khoa học đang chạy trốn khỏi Ukraine, Nga và các khu vực xung đột khác.

Chương trình trị giá 2 triệu đô la Mỹ, bắt đầu vào ngày 24 tháng 3, sẽ cung cấp vé máy bay đến Rio, bảo hiểm du lịch và trợ cấp hàng tháng là 9.000 reais (khoảng 1.900 đô la Mỹ) trong tối đa một năm. Một số trong số 25 cơ quan tài trợ khoa học khác của Brazil, bao gồm FAPESP ở São Paulo, cũng đang khởi động các cuộc quyên góp tương tự.

Theo nhà hóa sinh Vânia Paschoalin, điều phối viên về quan hệ quốc tế của FAPERJ, mục tiêu là cho phép các nhà nghiên cứu Ukraine và Nga tiếp tục công việc của họ. Xung đột rồi cũng kết thúc,” cô nói. Khoa học thì không. Khoa học luôn sống động”.

Một số người cũng không đồng tình với áp lực cắt liên kết khoa học với Nga. Paulo Artaxo, một nhà vật lý khí quyển tại Đại học São Paulo, nói: “Bạn không thể loại trừ các nhà khoa học Israel, Nam Phi hoặc Nga, bởi vì họ không chịu trách nhiệm về các hành động của chính phủ [của họ].”

Chủ tịch Hội Vật lý Brazil Débora Peres Menezes cũng phản đối việc tẩy chay. Peres Menezes, một nhà vật lý hạt nhân tại Đại học Liên bang Santa Catarina ở Florianópolis, cho biết vật lý là một khoa học hợp tác và một số sinh viên của cô đã được hưởng lợi khi đến thăm các cơ sở nghiên cứu ở Nga. Không nên để bản thân các nhà khoa học trả giá cho chiến tranh”.

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-022-00945-3

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: The countries maintaining research ties with Russia despite Ukraine, Nature, Apr 6, 2022.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF