NHÀ KINH TẾ VĨ MÔ VỚI
TƯ CÁCH LÀ NHÀ KHOA HỌC VÀ NHÀ KỸ SƯ
N. Gregory Mankiw
NBER Bài báo khoa học số 12349, tháng 6 năm 2006.
|
Gregory Mankiw (1958-) |
Dùng lý thuyết kinh tế
vào việc gì? Giờ thì không còn để tác động đến nội dung của các chính sách kinh
tế nữa. Khi đó là phát biểu của N. Gregory Mankiw, giáo sư tại Đại học Harvard
và là cựu cố vấn của George W. Bush, thì lập luận vẫn có sức nặng của nó.
Đối với Mankiw, các ý
tưởng kinh tế là sản phẩm của hai loại nhà kinh tế vĩ mô: “nhà kỹ sư” và “nhà
khoa học”. Nhà khoa học muốn tìm hiểu cách thức thế giới hoạt động như thế nào.
Nhà kỹ sư muốn hành động để thay đổi nó. Sau Thế chiến thứ hai, Keynes và các nhà keynesian
đã thống trị kinh tế học. Họ là những kỹ sư được thúc đẩy bởi việc giải quyết
các vấn đề của thời đại của họ và có mục tiêu là có thể ứng dụng các ý tưởng
kinh tế của họ vào thực tế.
Kể từ cuối những năm
60, sự đồng thuận ủng hộ các ý tưởng keynesian bị rạn nứt và một dạng nhà kinh
tế học khác, mang tính khoa học nhiều hơn, bắt đầu thống trị ngành này. Làn
sóng thứ nhất của sự thay đổi được thực hiện bởi chủ nghĩa trọng
tiền của Milton Friedman. Làn sóng thứ hai nối
tiếp là những dự kiến duy lý của Robert Lucas, Robert Barro, Thomas
Sargent và Neil Wallace. Làn sóng thứ ba phát sinh từ các công trình của Finn
Kydland và Edward Prescott về các “chu kỳ thực tế”, phủ nhận mọi vai trò cho
chính sách tiền tệ khi giải thích các biến
động kinh tế.
|
Edward C. Prescott (1940-) |
|
Finn E. Kydland (1943-) |
Ba cách tiếp cận này đã
làm cho kinh tế học vĩ
mô trở thành một lĩnh vực phân tích chặt chẽ hơn, theo lời bình
của Mankiw, và liên kết nhiều hơn với các công cụ của kinh tế học vi
mô. Vào lúc mà tất cả các “nhà cổ điển mới” trên bắt đầu thống
trị tư tưởng kinh tế, thì mục tiêu của họ không chỉ là tố giác những gì họ coi
là sai lầm của kinh tế học vĩ mô keynesian, mà còn là thay thế nó như là một công
cụ ra quyết định thực tiễn. Mankiw khẳng định: nếu họ đã thành công trong mục
tiêu thứ nhất, thì họ phải thừa nhận rằng họ chưa bao giờ thành công trong việc
biến lý thuyết thành thực tiễn. Thế nên các “nhà keynesian mới” đã phản ứng lại,
cố gắng làm cho cách tiếp cận của mình chặt chẽ hơn, mà không làm mất đi tính
thực tiễn. |
Ben S. Bernanke (1953-) |
|
Larry Summers (1954-) |
Mankiw nói, có một điều
rõ ràng là: không có nhà lãnh đạo nào theo cách tiếp cận của các nhà kinh tế học cổ
điển mới từng giữ các chức vụ công. Trong khi đó, Larry Summers, Joseph Stiglitz, Ben Bernanke và bản
thân Mankiw, trong số các nhà keynesian mới, đã phải làm việc vất vả. Hai người đầu phục vụ [cho chính quyền] Bill Clinton,
hai người sau giúp [cho chính quyền] George W. Bush. Vì vậy, sự khác biệt giữa
hai cách tiếp cận không phải về bản chất chính trị, mà là giữa những người vui
thích trong thế giới tưởng tượng của họ và những người muốn tác động đến nền
kinh tế. Kể từ đó, lý thuyết kinh
tế đã tiến hóa theo hướng một “tổng hợp tân cổ điển mới”. Theo Mankiw, thẳng thắn mà nói, thay vì là một tổng hợp, chúng
ta nên nói về một “thỏa thuận đình chiến giữa các chiến binh trí thức, sau đó
là một cuộc rút lui của hai bên để giữ thể diện”! Các nhà kinh tế học ủng hộ
cách tiếp cận cổ điển đã phải chấp nhận ý tưởng
giá cả cứng nhắc mà những nhà keynesian luôn bảo vệ, qua đó thừa nhận sự thất bại
của cuộc chiến trí tuệ mà họ đã tiến hành trong bốn mươi năm qua. Đổi lại, các
nhà keynesian đã phải chấp nhận xây dựng các mô hình lý thuyết ngày càng trừu
tượng hơn. Và ngày càng ít hữu ích hơn đối với những người ra các quyết định
chính trị. Toàn bộ phần cuối của bài báo cho thấy, ở Hoa Kỳ nói chung, các quyết
định thiết yếu về chính sách tài khóa và tiền tệ không còn quan tâm đến các kết
quả của một khoa học kinh tế quá xa rời với kinh tế học vĩ mô thực tiễn.
|
John M. Keynes (1883-1946) |
|
Paul Samuelson (1915-2009) |
Ngoài ra, Mankiw kết luận,
khi mà Paul Samuelson nhanh chóng tích hợp
các kết quả phân tích keynesian vào cuốn sách giáo khoa kinh tế của mình từng
bán được hàng triệu bản trong thời hậu chiến, thì trong những cuốn sách giáo
khoa bán chạy nhất hiện nay, người ta chỉ chú ý đến những kết quả không đáng kể
của các nhà kinh tế khoa học. Tuy thế, trong một cuộc thăm dò gần đây, sinh
viên kinh tế tại các trường đại học lớn của Mỹ đã ngày càng bày tỏ sự không
quan tâm đến chính sách kinh tế, nhưng lại thích các nghiên cứu kỹ thuật, kinh
tế vi mô hơn, nơi mà họ không bắt buộc phải có chính kiến. Như vậy, bằng cách bỏ
qua các cuộc tranh luận xã hội, cách tiếp cận kinh tế có nguy cơ sớm không còn đánh thức thiên chức kinh tế trong giới trẻ nữa. Christian
Chavagneux
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: The
Macroeconomist as Scientist and Engineer, Alternatives Economiques.