8.4.22

Mặc dù có vụ thảm sát ở Boutcha, người châu Âu gặp khó trong việc trừng phạt khí đốt Nga

MẶC DÙ CÓ VỤ THẢM SÁT Ở BOUTCHA, NGƯỜI CHÂU ÂU GẶP KHÓ TRONG VIỆC TRỪNG PHẠT KHÍ ĐỐT NGA

Liên minh châu Âu có vẻ như đã sẵn sàng hành động chống lại sự phụ thuộc vào than và dầu của Nga, nhưng với khí đốt thì chưa.

Marie Terrier

VIA ASSOCIATED PRESS. Liên minh châu Âu muốn nặng tay trừng phạt Nga sau vụ thảm sát ở Boutcha, nhưng họ đang gặp khó để tìm được sự đồng thuận, đặc biệt xoay quanh vấn đề khí đốt.

NĂNG LƯỢNG – Đây là một bước ngoặt trong cuộc chiến ở Ukraine. Sau vụ thảm sát ở Boutcha, nơi hàng chục xác thường dân đã được tìm thấy sau khi lực lượng Nga rút lui, các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới, đặc biệt Liên minh châu Âu, đã kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng tay mới đối với Moscow, vốn phủ nhận nguồn gốc các vụ lạm sát.

Thomas Pellerin Carlin
Ursula von der Leyen(1958-)

Vào hôm Thứ Ba, ngày 5 tháng 4, bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất cấm mua than của Nga, đóng cửa các cảng châu Âu đối với các tàu thuyền do người Nga vận hành, hoặc mở rộng lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn. Bà cũng chỉ ra việc Ủy ban châu Âu đang nghiên cứu “các biện pháp trừng phạt bổ sung, đặc biệt đối với vấn đề nhập khẩu dầu”.

Các thông báo nửa vời nói trên có vẻ khác xa với những hứa hẹn vào cuối tuần. Một hành động nặng tay như cấm vận khí đốt vẫn bị loại trừ. Thomas Pellerin Carlin là giám đốc Trung tâm Năng lượng thuộc Viện Jacques Delors, một tổ chức think tank ủng hộ việc châu Âu nghiên cứu những thách thức lớn của lục địa. Ông đã giải thích cho Huffpost lý do vì sao vẫn còn những rào cản việc phong tỏa.

Vì sao mục tiêu xuất khẩu năng lượng lại quan trọng?

Nền kinh tế Nga rất yếu. Trước chiến tranh, GDP của Nga nằm ở khoảng giữa GDP của Tây Ban Nha và Ý. Với dự kiến suy thoái vào năm 2022, GDP của Nga sẽ thấp hơn Tây Ban Nha. Trong nền kinh tế Nga, trọng tâm của Vladimir Putin là xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch. Đó là một lựa chọn, ông ấy đã chọn không phát triển các lĩnh vực khác, mặc dù nước này có tiềm năng đáng kể về bí quyết công nghệ.

Lệnh cấm vận sẽ tấn công vào nền tảng của hệ thống kinh tế Nga. Nếu tước đi các phương tiện tài chính của Putin, thì ông ấy sẽ phải đàm phán hòa bình nhanh hơn nhiều, và điều đó sẽ cứu người dân Ukraine. Thomas Pellerin-Carlin

Để hiểu rõ hơn, tôi sẽ cung cấp cho bạn nhiều số liệu. GDP của Nga ở mức 1500 tỷ euro. Trong đó, tỷ trọng của nhiên liệu hóa thạch (khí đốt, dầu hỏa, than đá) ở mức cao đáng kể: 800 triệu euro mỗi ngày. Cuối cùng, ngân sách cho quân đội là 50 tỷ euro mỗi năm. Lập luận đơn giản: một lệnh cấm vận năng lượng sẽ tấn công vào nền tảng của hệ thống kinh tế Nga. Nếu tước đi các phương tiện tài chính của Putin, thì ông ấy sẽ phải đàm phán hòa bình nhanh hơn nhiều, và điều đó sẽ cứu người dân Ukraine.

Các quan chức châu Âu đang muốn cấm mua than Nga, đang nghiên cứu việc cấm nhập khẩu dầu Nga, nhưng vấn đề khí đốt Nga vẫn bị loại trừ. Vì sao?

Vì lý do chính trị. Một biện pháp trừng phạt như thế [cấm vận khí đốt] sẽ có tác động đến các nước châu Âu, do đã có những lựa chọn chính trị tai hại trong nhiều thập kỷ qua. Trong 20 năm qua, quyết định của Putin đã khiến nước Nga phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhưng đồng thời người châu Âu cũng trở nên phụ thuộc vào các nguồn năng lượng này.

Ví dụ, ở Pháp, nguồn năng lượng hàng đầu được tiêu thụ là dầu hỏa. Nó chiếm 42% tổng mức tiêu thụ. Tiếp đến là khí đốt ở mức 22%, rồi đến các năng lượng tái tạo ở mức 18-19% và năng lượng hạt nhân ở mức 17%. Điều này giải thích thách thức cơ bản của dầu hỏa và khí đốt. Do áp lực về năng lượng này, châu Âu thích các hành động trừng phạt lên dầu hỏa và than đá, những thứ dễ thay thế hơn.

Làm thế nào để dễ bỏ qua than đá và dầu hỏa hơn so với khí đốt Nga?

25% dầu hỏa và than đá của châu Âu đến từ Nga. Nhưng đối với hai loại năng lượng này, thị trường mang tính toàn cầu và dễ tìm ở các nước khác. Có thể áp dung nhanh chóng một lệnh cấm vận hơn. Ngược lại, châu Âu tiếp nhận khí đốt qua các đường ống được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước để vận chuyển từ Nga đến châu Âu. Nếu áp đặt một lệnh cấm vận, thì đơn giản là khí đốt sẽ không còn đến từ Nga nữa. Đây sẽ là một sự thiếu hụt đáng kể vì khoảng 40% khí đốt của châu Âu đến từ Nga.

Không thể thay thế khí đốt Nga à?

Có, bằng khí đốt của Na Uy – vả lại chúng ta đã bắt đầu làm điều đó – nhưng nó chỉ chiếm một phần nhỏ. Ngoài ra còn có khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), chuyển từ trạng thái khí sang trạng thái lỏng thông qua quá trình làm lạnh. 600 lít khí ở trạng thái khí tương đương với một lít khí ở trạng thái lỏng, điều này cho phép vận chuyển khí LNG bằng tàu biển từ Hoa Kỳ, Úc hoặc Nigeria.

Nhưng khí LNG rất đắt. Và nó không giúp giải quyết vấn đề khí hậu, nó còn gây ô nhiễm nhiều hơn: chuyển từ nhiệt độ môi trường xung quanh ở mức –160° C để có được trạng thái lỏng đòi hỏi tiêu tốn rất nhiều năng lượng.

Chúng ta có đủ dự trữ khí đốt cho đến tháng 11, chúng ta phải nghĩ đến việc tiết kiệm sử dụng khí đốt khi cần, vào giữa mùa đông tới. Thomas Pellerin-Carlin

Cách dễ nhất để hành động và vượt khó là sự điều độ về năng lượng, bằng cách điều chỉnh mức tiêu thụ khí đốt của cá nhân và tập thể. Điều này đòi hỏi cần phải sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, cải tạo và sắp xếp lại các công trình xây dựng, triển khai sử dụng các nguồn năng lượng khác. Điều này cũng có nghĩa là chú ý đến các nguồn năng lượng tái tạo, như máy bơm nhiệt, hệ thống sưởi ấm sinh khối, hoặc thậm chí các tấm điện áp.

Nói một cách cụ thể, một lệnh cấm vận khí đốt Nga sẽ gây ra những hậu quả gì cho người châu Âu và người Pháp?

Trong ngắn hạn, điều này có nghĩa là giá bán buôn ở các thị trường sẽ tăng cao hơn, vốn đã ở mức cao lịch sử. Nhưng mục tiêu hiện tại là vượt qua mùa đông tới. Tuy lượng dự trữ khí đốt còn đủ cho đến tháng 11, thì cần phải nghĩ đến việc tiết kiệm khi cần sử dụng khí đốt vào giữa mùa đông tới. Có một rủi ro thực là khi chúng ta thiếu khí đốt và nếu đúng như vậy, thì hoặc là chúng ta triển khai một cuộc huy động toàn diện trong xã hội, hoặc là chúng ta phân phối có hạn định.

Chúng ta có thể phân phối có hạn định theo giá cả, nhưng người giàu nhất có thể tiếp tục dùng khí đốt, còn người nghèo thì không. Hoặc chúng ta có thể tổ chức hệ thống phân phối có hạn định, chẳng hạn bằng cách đàm phán cắt giảm khí đốt đối với một số nhà sản xuất. Các nhà sản xuất này sẽ phải cắt giảm sản lượng và đổi lại, họ sẽ nhận được tiền đền bù. Chúng ta có thể tránh tình hình đó nếu điều độ về năng lượng.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã nói “không thể thay thế nguồn cung khí đốt Nga” và việc làm gián đoạn nguồn cung đó “sẽ gây hại cho chúng ta nhiều hơn là đối với Nga”. Điều đó có đúng không?

Đây là một lời nói dối đơn giản và dễ hiểu. Vâng, các lệnh trừng phạt sẽ có tác động đến chúng ta, cùng với tình hình lạm phát, thậm chí có thể là suy thoái. Nhưng chúng ta có thể hạn chế điều đó, nếu điều độ về năng lượng, nếu sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Tác động [từ các lệnh trừng phạt] sẽ nặng hơn đối với Nga. Lindner đang bảo vệ lập trường của ông ấy, nói không sẵn sàng chấp nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, không sẵn sàng từ bỏ hai điểm % GDP để cứu sống mạng người...

Cần lưu ý là Ba Lan, nước phụ thuộc vào khí đốt Nga nhiều hơn Đức, trái lại đang thúc đẩy lệnh cấm vận! Ba Lan đã cảnh báo cần phải cảnh giác với Nga, đáng lẽ người châu Âu nên nghe lời của Ba Lan...

Điều quan trọng nhất là Vladimir Putin không còn tiền để tiến hành cuộc chiến. Thomas Pellerin-Carlin

Các lệnh trừng phạt về than và dầu sẽ có ý nghĩa gì đối với nước Nga của Vladimir Putin? Liệu chúng có thực sự hiệu quả?

Tác động [từ các lệnh trừng phạt] đối với than sẽ không lớn, nó chiếm 15 triệu euro mỗi ngày trong tổng số 800 triệu euro. Còn đối với dầu, tác động nhiều hơn thế, một phần ba doanh thu, một con số to lớn. Khoản thiệt hại về tiền bạc này có thể tương đương với ngân sách quân sự của Nga. Điều đó rất có ý nghĩa.

Putin đã cố tìm cách bán dầu cho các nước khác, nhưng với mức giá giảm. Một thỏa thuận đã được ký kết với Ấn Độ với mức chiết khấu 35 US$ mỗi thùng, đó là đại hạ giá

Điều quan trọng nhất là Vladimir Putin không còn tiền để tiến hành cuộc chiến. Ông ấy sẽ không bao giờ có thể tìm được một khách hàng nào tốt hơn người châu Âu vào lúc này, vì thế việc giảm giá bán cũng là một tác động. Tác động lớn nhất sẽ là địa chính trị. Vladimir Putin cho rằng người châu Âu là những kẻ đạo đức giả, những kẻ hèn nhát. Với lệnh cấm vận dầu hỏa, Putin nhận ra mình đã sai. Đó là thanh kiếm Damocles treo lơ lững trên đầu ông, có lẽ điều đó sẽ giúp ông ta trở nên duy lý hơn, và ông sẽ đồng ý ngừng bắn, đình chiến, thậm chí là chọn một nền hòa bình lâu dài.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Malgré Boutcha, les Européens peinent à sanctionner le gaz russe, Huffington Post, ngày 05/04/2022

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF