20.4.17

Tăng trưởng kinh tế



TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Economic Growth
® Giải Nobel: ALLAIS, 1988 FRISCH, 1969 HAAVELMO, 1989 HAYEK, 1974 HICKS, 1972 KLEIN, 1980 KOOPMANS, 1975 LUCAS, 1985 MODIGLIANI, 1985 SAMUELSON, 1970 SEN, 1998 SOLOW, 1987 TOBIN, 1981
Tăng trưởng thường được định nghĩa như gia tăng liên tục, trong một hay nhiều thời kì dài, của một chỉ báo chiều kích, tổng sản phẩm thực tế. Khái niệm tăng trưởng là hạn hẹp hơn khái niệm phát triển, một khái niệm chỉ toàn bộ những thay đổi kĩ thuật, xã hội và văn hoá đi kèm với tăng trưởng của sản xuất. Hơn nữa, tăng trưởng, một khái niệm không tương đương với sự tiến bộ lẫn với việc cải thiện phúc lợi, dường như là một hiện tượng tương đối mới.
Những chỉ báo chính
Chỉ báo thường được chọn là hoặc GDP (tổng sản phẩm trong nước) hoặc là GNP (tổng sản phẩm quốc gia) hay còn có thể là GDP (hay GNP) trên đầu người. GDP danh nghĩa, còn được gọi là theo giá hiện hành, không phải là biến thích đáng; thật thế, ta có được biến này bằng cách nhân những sản lượng của năm hiện hành với những giá cả của năm hiện hành. Do đó một gia tăng của tổng sản phẩm danh nghĩa có thể là do một gia tăng của giá cả cũng như là do một gia tăng của sản xuất. Để phân biệt giữa hai hiệu ứng này, cần phân biệt GDP danh nghĩa với GDP thực tế. Trong lúc GDP danh nghĩa được tính từ những giá bán thật sự thì GDP thực tế lấy những giá quan trắc trong một năm đặc biệt gọi là năm gốc làm giá qui chiếu. Như thế, mọi gia tăng của GDP thực tế tương ứng với một gia tăng khối lượng.
Tuy nhiên chỉ báo còn xa mới là hoàn hảo. Trước hết vì một số hoạt động không được tính đến (đặc biệt là lao động trong gia đình) và sai số còn xa mới là không đổi trong thời gian. Hơn nữa, việc cải tiến những sản phẩm hiện có, sự xuất hiện của những sản phẩm mới đôi lúc gây khó khăn cho việc xác định một số thành phần của sản phẩm thực tế. Phương thức đánh giá nêu trên đây dẫn đến việc xem những sản phẩm được sản xuất trong hai năm được xem xét, năm hiện hành và năm gốc, là tương dương. Có lẽ xấp xỉ hoá này là chấp nhận được dưới hai điều kiện: các sản phẩm không có những cải tiến công nghệ mạnh, khoảng cách giữa hai năm (năm hiện hành và năm gốc) là không quá lớn. Một máy tính năm 1996 và một máy tính năm 1986 phải chăng là cùng một sản phẩm? Một số tinh vi hoá nhất định phải được đưa vào để tính đến khó khăn này. Như vậy phải chọn năm gốc một cách thận trọng. Một năm gốc quá gần ngăn cản mọi so sánh; một năm gốc quá xưa cũng làm cho so sánh thành sai lạc vì giá cả của thời kì qui chiếu không còn quan hệ nào với giá cả của năm hiện hành; thế mà giá cả của năm gốc được dùng làm quyền số trong việc ước lượng GDP thực tế hiện hành. Ví dụ, lấy năm 1911 làm năm gốc sẽ không có ý nghĩa gì cả: vào thời đó không chỉ không có máy tính mà ngay cả xe ôtô cũng còn là một sản phẩm xa xỉ.
Do đó những ước lượng trong dài hạn đặt ra những vấn đề gai góc. Thế mà tăng trưởng là một hiện tượng dài hạn, cần phân biệt với sự bành trướng tư bản là một hiện tượng ngắn hạn hơn. Trong cả hai trường hợp này, tỉ suất tăng trưởng của đại lượng tổng gộp được xem xét là một yếu tố trung tâm; thường đó là một tỉ suất tăng trưởng hàng năm. Một tỉ suất tăng trưởng cao không nhất thiết kéo theo một gia tăng của mức sống vì tăng trưởng dân số có thể mạnh hơn tăng trưởng của sản xuất khiến cho mức sống giảm. Như thế, tỉ suất tăng trưởng của GDP trên đầu người, được định nghĩa như tỉ số của GDP trên dân số, là thích đáng hơn.
Jean Fourastié (1907-1990)
Thời kì tăng trưởng sau thế chiến thứ hai, đặc biệt là ở Tây Âu, được xem là một ngoại lệ, do đó có thuật ngữ ba mươi năm vinh quang (J. Fourastié). Tỉ suất tăng trưởng trung bình hàng năm của GDP là khoảng 5 % cho toàn bộ các nước của OECD; ở hai cực ta có Nhật Bản với tỉ suất tăng trưởng trung bình hàng năm là 11 % và Vương quốc Anh với tỉ suất này là 3 %, tỉ suất này của Pháp là khoảng 5,5 %. Những năm 1970 đánh dấu sự khởi đầu của điều mà ta có thể gọi là, để đối lập với những thập niên trước, hai mươi năm nhão nhẹt; trong thế giới tây phương sự đình đốn và lạm phát sống chung với nhau; lạm phát phát triển và những hình thức nghèo khác xuất hiện. Cuối thế XX được đặc trưng bằng một hiện tượng kép: bần cùng hoá trong những nước châu Âu và toàn cầu hoá của tăng trưởng mà minh hoạ hiển nhiên nhất là châu Á với trường hợp của bốn con rồng (Hong Kong, Hàn quốc, Singapore, Taiwan); và gần đây hơn, Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước đông dân nhất hành tinh, tăng trưởng với những tỉ suất lạ kì từ 7 % đến 10 % năm.
Thất nghiệp và không ổn định
Evsey Domar (1914-1997)
Roy F. Harrod (1900-1978)
Ở cội nguồn của những lí thuyết đương đại về tăng trưởng là những mưu toan của Harrod và Domar, hai tác giả ngay sau thế chiến thứ hai đã thử nối tiếp trong dài hạn những phân tích của Keynes vốn chỉ giới hạn ở những mất cân bằng trong ngắn hạn. Ý chung của những mô hình tạo lập này là xem trường hợp những nền kinh tế thị trường tăng trưởng đều đặn trong tình thế toàn dụng lao động là những ngoại lệ. Cách nhìn của những tác giả này gần với cách nhìn của Keynes; đối với Keynes do thiếu cầu thực tế nên thiểu dụng lao động là qui tắc chung và toàn dụng lao động là ngoại lệ. Đối với hai tác giả trên, đạt được tăng trưởng cân bằng toàn dụng lao động chỉ có thể là một ngoại lệ, một phép lạ. Nhưng còn hơn thế nữa: chế độ tăng trưởng cân bằng toàn dụng lao động không chỉ là ngoại lệ, đó còn là một chế độ không ổn định. Người ta nói đến cân bằng trong đường tơ kẽ tóc, mọi khoảng cách với chế độ đặc biệt này có xu hướng tăng lên một cách cộng dồn, dẫn hệ thống kinh tế được xem xét hoặc đến một bành trướng tăng tốc, hoặc đến một suy thoái ngày càng trầm trọng. Những công trình này được những tác giả tự nhận thuộc trường phái Cambridge mới (N. Kaldor, J. Robinson) tiếp nối, đặc biệt làm rõ tầm quan trọng của phân tích về phân phối bằng cách kết hợp những đóng góp của Kalecki và của Keynes: những quan hệ giữa lợi nhuận và tích luỹ tư bản, những cuộc đối đầu giữa những nhóm xã hội (người làm công ăn lương và các nhà tư bản), phân tích lạm phát nằm ở trung tâm của những mối quan tâm của họ.
Robert Solow (1924-)
James Tobin (1918-2002)
Một đổi mới quan trọng trong phân tích tăng trưởng xuất hiện vào giữa những năm 1950. Những cách tiếp cận tạo lập của Harod và Domar kết luận tính chất mất ổn định một cách cơ bản của những nền kinh tế thị trường bị xét lại. Cách đặt vấn đề chung bị thay đổi. Mô hình Solow (1956) một mô hình có thể xem là tiền thân của những mô hình tăng trưởng đương đại là một mô hình có một cương vị nhập nhằng: một cách điển hình nó thuộc về điều được gọi một cách qui ước là tổng hợp cổ điển-keynesian, cũng còn được minh hoạ bởi tên của những nhà kinh tế như Hicks, Hansen, Patinkin, Tobin, Modigliani, Samuelson, Klein. Trong những năm 1950-1960, toàn thể những tác giả này (và phương pháp của Solow là hoàn toàn đặc trưng cho họ) tìm cách hoà giải những đóng góp của Keynes với những đóng góp của phân tích tân cổ điển. 
Alvin Hansen (1887-1975)
Don Patinkin (1922-1995)
So với mô hình Harrod-Domar, có hai thay đổi được đưa vào làm thay đổi hoàn toàn động thái. Trong khi hai tác giả này sử dụng một hàm sản xuất với những nhân tố bổ sung nhau thì Solow, để đặc trưng hàm sản xuất kinh tế vĩ mô, viện đến một hàm sản xuất với những nhân tố thay thế cho nhau được. Hơn nữa, trong lúc mô hình tân keynesian dựa trên giả thiết một hàm đầu tư khác với hàm tiết kiệm thì mô hình của sự tổng hợp giả định rằng đầu tư bắt nguồn từ tiết kiệm. Đây là hai thay đổi duy nhất được đưa vào, những giả thiết khác là giống nhau.
Michal Kalecki (1899-1970)
Nicholas Kaldor (1908-1986)
Nhưng điều này đủ để thay đổi đáng kể logic của mô hình và động thái suy ra từ mô hình này. Những mô hình tân keynesian về cơ bản là những mô hình cầu: tăng trưởng chủ yếu bị chi phối bởi những hành vi tiêu dùng và đầu tư, tổng cung chỉ hiện ra như một giới hạn mà cầu có thể vấp phải. Ngược lại mô hình của tổng hợp có thể được đặc trưng như một mô hình cung trong đó những vấn đề tiêu trường không được đề cập đến; trong khuôn khổ này, qui luật Say theo giả thiết được kiểm chứng, cung không thể nào khác với cầu được. Còn trên thị trường lao động cân bằng được đảm bảo kể từ lúc ta viện đến một hàm sản xuất với những nhân tố thay thế cho nhau được với tính linh hoạt hoàn toàn của những thù lao. Trong những điều kiện này, cân bằng động, một cân bằng có thể được làm rõ, là một chế độ tăng trưởng cân bằng toàn dụng lao động hội tụ về (dưới một số giả thiết) một tình thế ổn định, một chế độ tăng trưởng theo tỉ suất không đổi. Bởi thế cách nhìn chung đã bị thay đổi một cách sâu sắc.
Dự kiến và tối ưu hoá liên thời gian
Maurice Allais (1911-2010)
Edmund Phelps (1933-)
Vấn đề tối ưu hoá, tìm kiếm chế độ tăng trưởng tốt nhất có thể đã được M. Allais, P. Desrousseaux và E. Phelps đề cập gần như đồng thời vào đầu những năm 1960; các tác giả này làm rõ qui tắc vàng của sự tích luỹ. Chế độ thường xuyên tăng trưởng cân bằng toàn dụng lao động được định nghĩa như chế độ cho phép có được mức tiêu dùng trên đầu người cao nhất; để đạt đến chế độ này người ta chứng minh là năng suất cận biên thuần của tư bản, và do đó lãi suất, phải bằng với tỉ suất tăng trưởng; đó là qui tắc vàng của tích luỹ, từ đó sinh ra điều kiện bằng nhau của tỉ suất tiết kiệm của cộng đồng với tỉ trọng của những thu nhập không phải là lương trong thu nhập quốc gia. Tầm quan trọng của qui tắc này có vẻ là hạn chế: thật thế qui tắc được xác lập trong khuôn khổ của việc tìm kiếm chế độ thường xuyên tốt nhất có thể, và do đó không tính đến một động thái thật sự. Nhiều nghiên cứu tinh vi hơn được tiến hành kể từ giữa những năm 1960 trong khuôn khổ của một tối ưu hoá liên thời gian, đặt lên hàng đầu việc tính đến những dự kiến.
Frank Ramsey (1903-1930)
Tjalling Koopmans (1910-1985)
Hướng thứ nhất đã được D. Cass và T. Koopmans đồng thời vận dụng vào năm 1965. Hai tác giả này nối tiếp những công trình tạo lập của F. Ramsey (1928) bằng cách sử dụng những công cụ toán học mới với nguyên lí cực đại do Pontryagin làm rõ vài năm trước đó cung cấp. Những tác giả này hình dung một tác nhân tiêu biểu tìm cách tối ưu hoá trên một chân trời xác định (hữu hạn hay vô hạn) tổng hiện tại hoá những lợi ích thu được từ mức tiêu dùng của tác nhân này: do đó, một phần của thu nhập từ nỗ lực sản xuất được tiêu dùng, phần kia được tiết kiệm và do đó được đầu tư. Dưới những giả thiết chuẩn (lợi ích cận biên dương và giảm dần, hàm sản xuất có hành vi tốt, tăng trưởng của dân số theo tỉ suất không đổi), chế độ tăng trưởng được làm rõ có những đặc tính lí thú. Trong khi với những mô hình trước đây (dù cho đó là mô hình Solow hay những mô hình tân keynesian) khuynh hướng tiêu dùng là cố định thì trong trường hợp này khuynh hướng này bắt nguồn từ một lựa chọn liên thời gian xác định tại mỗi thời điểm một lựa chọn tối ưu giữa tiêu dùng và đầu tư.
Lev Pontryagin (1908-1988)
Joan Robinson (1903-1983)
Như thế chế độ động hiện ra là rất đặc biệt: đây là một cân bằng điểm yên ngựa, có nghĩa là từ một kho tư bản nhất định, chỉ có một mức tiêu dùng duy nhất cho phép nền kinh tế hội tụ về một tình thế tăng trưởng cân bằng với tỉ suất không đổi. Bất kì lựa chọn nào khác sẽ kéo nền kinh tế trôi dạt hoặc về một tiêu dùng bằng không, hoặc về một kho tư bản bằng không. Do đó tối ưu hoá liên thời gian đã vinh danh trở lại chủ đề mất ổn định động (một chủ đề đã ít nhiều biến mất khỏi những mối quan tâm kể từ khi có mô hình Solow) nhưng trong một bối cảnh khác xa với bối cảnh của Harrod. Mặc dù ở đây có cân bằng trên thị trường sản phẩm lẫn trên thị trường việc làm, thì vẫn có khả năng mất ổn định động trừ khi các tác nhân lựa chọn một cách tự phát quĩ đạo tốt (độc nhất) dẫn họ đến chế độ thường xuyên. Lợi ích của kiểu cân bằng này hiện ra dưới một góc độ mới kể từ lúc giả thiết dự kiến duy lí được đưa vào trong phân tích kinh tế; thật thế, sự hội tụ đến chế độ thường xuyên tăng trưởng cân bằng với tỉ suất không đổi chỉ có thể được biện minh bằng cách giả định là các tác nhân có những dự kiến duy lí khi họ biết (do có những dự kiến duy lí) là mọi chênh lệch với quĩ đạo sẽ đưa họ rời xa khỏi trạng thái tối ưu. Cần thêm rằng trạng thái tối ưu này được đặc trưng bằng qui tắc vàng mở rộng, khi mà lãi suất bằng với tổng của tỉ suất tăng trưởng của nền kinh tế và của tỉ suất hiện tại hoá.
Paul Samuelson (1915-2009)
Peter Diamond (1940-)
Một cách nhìn đối chọn là cách nhìn của những thế hệ đan chéo, do P. Diamond đề xuất (1965), lấy lại những phân tích trước đó của P. A. Samuelson (1958) và M. Allais (1947). Ta giả định là mỗi tác nhân sống qua hai thời kì (thời kì hoạt động và hưu trí); tác nhân lao động và sản xuất trong thời kì đầu; một phần thu nhập của tác nhân được tiêu dùng, phần còn lại được tiết kiệm và đầu tư; trong thời kì thứ hai, tác nhân tiêu dùng tiết kiệm đã tích luỹ được chi trả theo lãi suất. Tác nhân tối đa hoá tổng hiện tại hoá của những lợi ích thu được từ việc tiêu dùng trên hai thời kì. Lần này chân trời là hữu hạn, bị giới hạn bởi tuổi thọ trung bình của tác nhân tiêu biểu (tác nhân này, trong những phiên bản tinh vi hơn, để lại di sản và thừa hưởng gia tài); tác nhân này san bằng tiêu dùng của bản thân trên hai thời kì, tiết kiệm (nhằm về hưu) và đầu tư tiết kiệm hợp thành kho tư bản. Đây là một mô hình có cân bằng trên thị trường sản phẩm lẫn trên thị trường việc làm. Tên gọi mô hình thế hệ đan chéo là do ở mỗi thời kì có sự hiện diện đồng thời của hai loại tác nhân, hai thế hệ, người trẻngười già, người hoạt động và người không hoạt động. Và khi một thế hệ trẻ trở nên già thì được thay thế bằng một thế hệ trẻ mới trong lúc thế hệ già trước đó biến mất. Động thái của mô hình là khá đơn giản: dưới những giả thiết chuẩn, cũng như trong mô hình của sự tổng hợp, ta hội tụ về một chế độ thường xuyên tăng trưởng cân bằng toàn dụng lao động, với tính ổn định của sản phẩm trên đầu người; nghịch lí là chế độ thường xuyên này, thu được tiếp sau việc tối ưu hoá liên thời gian, đôi lúc được đặt trưng bằng một tính không hiệu quả động (đây không tất yếu là một tối ưu Pareto).
Lí thuyết chu kì cân bằng
J. Schumpeter (1883-1950)
Robert Lucas (1937-)
Tối ưu hoá liên thời gian và việc tính đến những dự kiến đã có một vai trò trung tâm trong mưu toan hợp nhất những chu kì với tăng trưởng nảy sinh từ những công trình của Lucas và của trường phái cổ điển mới trong những năm 1970. Tất nhiên những nguồn gốc của cách tiếp cận này đã có từ lâu; năm 1939, J. Schumpeter từng làm rõ tầm quan trọng của những đợt đổi mới lớn trong việc giải thích những chu kì dài, những chu kì Kondratieff của hoạt động kinh tế; ngay từ 1933, Frisch đã thử minh hoạ cách giải thích ngoại sinh những chu kì bằng một ngụ ngôn rất đơn giản tuy vô cùng ấn tượng: Nếu bạn đánh một con ngựa bập bênh bằng một cây gậy đánh golf, thì chuyển động của con ngựa sẽ rất khác với chuyển động của cây gậy. Những phát triển gần đây lấy lại sự phân biệt nổi tiếng này giữa xung lượng và truyền tải trong cách nhìn của những chu kì cân bằng theo đó giá cả có một vai trò tín hiệu trung tâm. Thật thế, trong cách tiếp cận này, những vấn đề tiêu trường, cầu thực tế không được đặt ra; những biến động bắt nguồn từ phản ứng của các tác nhân trước những cú sốc ngoại sinh. Việc qui chiếu về thị trường việc làm cho phép minh hoạ việc thay đổi cách tiếp cận: nếu trong cách biểu trưng truyền thống sụt giảm của việc làm dẫn đến một sụt giảm (hay một gia tăng chậm hơn) của lương thì trong cách nhìn của lí thuyết chu kì cân bằng có một sự đổi chiều của tính nhân quả: việc làm giảm vì, khi lương giảm, các tác nhân kinh tế chọn làm việc ít hơn. 
Những cú sốc có thể có nguồn gốc tiền tệ: đó là mưu toan của Lucas muốn giải thích các chu kì trên cơ sở của những hiệu ứng bất ngờ và thay thế liên thời gian tiếp sau một cú sốc tiền tệ. Vào đầu những năm 1980, điều được nhấn mạnh là những cú sốc thực tế; lí thuyết những chu kì kinh doanh thực tế (real business cycles) hình dung một khuôn khổ thống nhất để hiểu hiện tượng tăng trưởng lẫn hiện tượng biến động. Khuôn khổ phân tích này lấy mô hình Solow năm 1956 làm điểm qui chiếu với ba đổi thay. Thứ nhất, tỉ suất tiết kiệm không được ấn định một cách tiên nghiệm như trong mô hình Solow nhưng do tác nhân tiêu biểu chọn từ một qui hoạch tối ưu hoá liên thời gian lợi ích của tác nhân này. Tiếp đến tăng trưởng của cung lao động ở đây cũng phụ thuộc vào lựa chọn của tác nhân; cuối cùng những tiến bộ năng suất, thay vì được thể hiện đều đặn dưới dạng một hàm mũ trong những phân tích truyền thống về tiến bộ kĩ thuật ngoại sinh, nay là không liên tục, ngẫu nhiên.
Một đặc điểm của kiểu mô hình này là thường không thể giải chúng bằng giải tích. Nhiều phần mềm mô phỏng đã được phát triển, vận dụng mạnh mẽ vi tính. Người ta đã triển khai nhiều kiểu mô hình kinh trắc mới vận dụng nhiều việc nghiên cứu những chuỗi thời gian (mô hình VAR, có nghĩa là mô hình vectơ tự hồi qui). Có nhiều phát triển và phê phán đương đại có tính kích thích: bên cạnh những cú sốc năng suất, còn tính thêm những cú sốc ngân sách, sốc tài chính, sốc sở thích.
Cách hợp nhất những chu kì vào trong lí thuyết tăng trưởng vẫn trung thành với truyền thống thừa hưởng từ Frisch theo đó những chu kì được giải thích bằng những cú sốc ngoại sinh. Một sự đổi mới song song của phân tích chu kì xuất hiện cùng với việc đưa vào những công cụ mới (động thái phi tuyến tính, hỗn độn) cho phép tính đến sự tồn tại của những chu kì được gọi là nội sinh bắt nguồn, không từ những cú sốc bên ngoài, những cú sốc ngoại sinh, mà từ chính ngay hoạt động của nền kinh tế.
Tăng trưởng: nội sinh hay ngoại sinh?
Sự đối lập giữa cách giải thích nội sinhngoại sinh không chỉ liên quan đến lí thuyết chu kì, mà còn liên quan đến bản thân lí thuyết tăng trưởng. Theo truyền thống người ta phân biệt tăng trưởng theo chiều rộng, kết quả của việc gia tăng lượng nhân tố sản xuất được sử dụng (nhiều tư bản và nhiều người lao động cho phép sản xuất được một số lượng lớn hơn) và tăng trưởng theo chiều sâu, khi sự gia tăng sản xuất bắt nguồn từ việc sử dụng có hiệu quả hơn những nhân tố sản xuất hiện có, nói tóm lại là từ tiến bộ của năng suất. Đương nhiên là hai loại hiện tượng này không loại trừ nhau; ta có thể có vừa nhiều tư bản và lao động hơn được kết hợp với nhau một cách có hiệu quả hơn. Những ước lượng được tiến hành vào cuối những năm 1950, từ những công trình của Denison và Solow, đã thử lượng hoá tầm quan trọng tương đối của hai loại tăng trưởng này. Nhiều nghiên cứu so sánh cũng được tiến hành trên nhiều nước và nhiều thời kì khác nhau. Từ những công trình này nổi lên hai kết luận.
Thứ nhất, những quĩ đạo quốc gia và những lịch sử tăng trưởng hiện ra khá đa dạng. Như thế, trong những năm 1870-1914 và cho toàn thể các nước phát triển, tiến bộ kĩ thuật dường như có một vai trò ít quan trọng hơn những yếu tố của tăng trưởng theo chiều rộng, tư bản và lao động. Tương tự như thế, khoảng hai phần ba của tăng trưởng gần đây của Singapore là do tiết kiệm cực lớn mà chính phủ nước này đã huy động để phục vụ cho việc tích luỹ tư bản. Ngược lại, những ước lượng của Solow trong trường hợp của Hoa Kì cho thấy là tăng trưởng ghi nhận được trong thời kì 1909-1949 được qui cho tiến bộ kĩ thuật; cũng chính nhân tố này đóng góp đến khoảng 70 % vào sự tăng trưởng mạnh của Pháp từ 1950 đến 1973.
Thứ hai, những nghiên cứu được tiến hành dường như cho thấy là, trong hầu hết những nước phát triển, gia tăng của năng suất vào cuối những năm 1970 đã chậm lại một cách nghiêm trọng; trong trường hợp của Hoa Kì, đây là một sự sụp đổ thật sự mà phần lớn không giải thích được; trong trường hợp của Pháp, sự chuyển hướng của những tiến bộ của năng suất, vừa ít đậm nét và trễ hơn, chủ yếu đã đi sau, chứ không đi trước như ở Hoa Kì, sự chuyển hướng của tăng trưởng.
Kể từ những năm 1980, những công trình của R. Romer và R. Lucas đã đổi mới những cách tiếp cận; các tác giả này nhấn mạnh thiếu sót của những phân tích trước đây trong đó tăng trưởng được giải thích phần lớn bằng một hiện tượng ngoại sinh, tiến bộ kĩ thuật, một nhân tố tất nhiên có tính quyết định nhưng không rõ nguồn gốc. Để đối lập với cách tiếp cận này người ta nói đến tăng trưởng nội sinh; các tác giả trên đã thử cung cấp những giải thích khác nhấn mạnh đến khiá cạnh vai trò của những ngoại ứng, bị những phân tích trước đây coi nhẹ, vai trò của đổi mới công nghệ, thông qua việc đa dạng hoá sản phẩm cũng như vai trò của vốn con người. Vấn đề là giải thích tăng trưởng, và đặc biệt là tính chất tự nuôi dưỡng của tăng trưởng từ những đặc điểm nội bộ của hệ thống (hàm lợi ích, mức độ nóng ruột của các tác nhân, những đặc thù của hàm sản xuất). Một phần những công trình này cho phép tìm lại một số khiá cạnh đặc biệt lí thú của phân tích schumpeterian (huỷ hoại sáng tạo) và giải thích vì sao một sự tăng tốc của tăng trưởng không tất yếu kéo theo một sụt giảm của thất nghiệp. Hơn nữa, những phân tích này cung cấp những cách chiếu sáng mới, trong kinh tế học quốc tế, cho việc phân tích những vấn đề hội tụ (các nước phương Nam đuổi kịp các nước phương Bắc) và cung cấp những biện minh mới cho những chính sách công cộng.


ABRAHAM-FROIS G. Dynamique économique, Paris, Dalloz, 6è éd., 1995. AGHION Ph. & HOWITT, Endogenous Growth Theory, New York, McGraw-Hill, 1998. BARRO R. J. & SALA I. MARTIN X., Economic Growth, New York, McGraw-Hill, 1995. GAFFARD J.-L., Croissance et fluctuations économiques, Paris, Montchrestien, 2è éd., 1997. MUET P. A., Croissance et cycles, Paris, Économica, 1993. SCHUBERT K., Macroéconomie contemporaine et croissance, Paris, Vuibert, 1996.
Gilbert ABRAHAM-FROIS
Giáo sư đại học Nanterre (Paris 10)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Cân bằng; Dự kiến; Kinh tế học vĩ mô; Thất nghiệp; Tình thế kinh tế; Toàn cầu hoá và công ti đa quốc gia; Tối ưu hoá và phân tích nhiều mục tiêu; Tổng sản phẩm trong nước (GDP); Tư bản; Vốn con người
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001.
Print Friendly and PDF