10.10.21

Các công ty xếp hạng tín dụng đang trừng phạt các nước nghèo vì phải đầu tư nhiều hơn vào chăm sóc sức khỏe trong đại dịch

 

CÁC CÔNG TY XẾP HẠNG TÍN DỤNG ĐANG TRỪNG PHẠT CÁC NƯỚC NGHÈO VÌ PHẢI ĐẦU TƯ NHIỀU HƠN VÀO CHĂM SÓC SỨC KHỎE TRONG ĐẠI DỊCH

Ramya Vijaya

Ma rốc muốn chi nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe. Kết quả là, điểm xếp hạng tín dụng của nó đã bị giảm sút. Ảnh AP / Abdeljalil Bounhar

Việc phục hồi kinh tế từ đại dịch COVID-19 phụ thuộc vào đầu tư bền vững cho chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, trong khi các nước giàu có như Hoa Kỳ có thể vay và chi tiêu tương đối dễ dàng, thì các quốc gia thu nhập thấp phải đối mặt với một trở ngại lớn: các điểm xếp hạng tín dụng của họ.

Xếp hạng tín dụng (credit rating), giống như điểm tín dụng, là sự đánh giá khả năng trả nợ của tổ chức đi vay – cho dù đó là công ty hay chính phủ. Bị đánh giá có thứ hạng thấp làm tăng chi phí đi vay.

Mối đe dọa này đã khiến một số nước nghèo tránh khai thác các nhà đầu tư để có nguồn tài chính thiết yếu trong đại dịch, trong khi chính phủ của các quốc gia khác lên kế hoạch chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ công đã bị các công ty tư nhân hạ thấp điểm tín dụng.

Nghiên cứu sắp tới của tôi chỉ ra rằng khi điểm tín dụng sụt giảm, các quốc gia có xu hướng chi tiêu ít hơn đến chăm sóc sức khỏe. Đây là một nguyên nhân đáng lo ngại vì biến thể Delta của vi rút Corona làm tăng số lượng ca nhiễm trên toàn thế giới.

Bị phạt vì chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe

Khoảng cách lớn đã xuất hiện giữa các nước giàu và nghèo về số tiền họ chi tiêu để chống lại tác động của vi rút corona và củng cố cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe của họ.

Chính phủ các nước giàu đã cung cấp hàng nghìn tỷ đô la hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho nền kinh tế của họ, trung bình khoảng 24% tổng sản phẩm quốc nội của họ. Mặt khác, các nền kinh tế đang phát triển chỉ có thể chi một phần rất nhỏ trong số đó, trung bình khoảng 2% GDP của họ.

Nghiên cứu gần đây cho thấy điểm tín dụng của một đất nước là yếu tố lớn nhất quyết định việc chính phủ chi bao nhiêu cho khoản cứu trợ COVID-19. Nghĩa là, thứ hạng của một đất nước càng thấp bao nhiêu, thì đất nước đó càng ít có khả năng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác bấy nhiêu.

Ví dụ, Bờ Biển Ngà và Benin là hai nước duy nhất cận Sahara thuộc châu Phi có thể vay nợ trên thị trường quốc tế kể từ khi đại dịch bắt đầu. Những nước khác đã chọn không vay, ít nhất là một phần, có vẻ như vì lo ngại kết quả có thể là bị hạ điểm tín dụng. Điều này đã ngăn cản họ hỗ trợ tài chính cho những chi tiêu cần thiết.

Nỗi lo sợ là xác đáng. Các nước có kế hoạch tăng chi tiêu, chẳng hạn như Ma rốc và Ethiopia, đã bị trừng phạt vì điều này. Chẳng hạn, điểm tín dụng của Ma-rốc đã bị hai công ty xếp hạng tín dụng FitchStandard & Poor’s hạ xuống hạng đầu cơ hay còn gọi là “rác” (“junk”), vì họ có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ xã hội. Việc bị hạ điểm xếp hạng sẽ khiến việc vay vốn từ các nhà đầu tư quốc tế trở nên khó khăn và tốn kém hơn nhiều.

Và Tập đoàn các dịch vụ đầu tư Moody's đã hạ thứ hạng tín dụng của Ethiopia sau khi nước này tìm cách xóa nợ từ một chương trình mới của nhóm G20[*] để có thể chi tiêu nhiều hơn vào việc hỗ trợ cho nền kinh tế và cho người dân.

Nhìn chung, mặc dù chi tiêu ít hơn trong thời kỳ đại dịch, nhưng so với các nước giàu các nước nghèo có nhiều khả năng hơn bị 3 tổ chức xếp hạng tín dụng tư nhân lớn nhất thế giới gồm Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch, Công ty dịch vụ tài chính Standard & Poor's và Tập đoàn các dịch vụ đầu tư Moody's hạ các điểm tín dụng của họ.

Do đó, các nước có thu nhập thấp buộc phải lựa chọn giữa việc giữ ổn định các điểm tín dụng và tiến hành chi tiêu cho những dịch vụ xã hội quan trọng.

Trong nghiên cứu của riêng tôi, hiện đang được bình duyệt, tôi đã xem xét những thay đổi trong các điểm tín dụng của một nhóm 140 nước từ năm 2000 tới năm 2018. Tôi nhận thấy rằng việc bị hạ điểm tín dụng đã làm giảm chi tiêu công về chăm sóc sức khỏe.

Hệ thống xếp hạng của IMF

Ngay cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cơ quan toàn cầu chính giám sát tài chính phát triển, cũng sử dụng một hệ thống xếp hạng có xu hướng phạt các chính phủ vì bất kỳ sự gia tăng chi tiêu công nào. Việc này bao gồm chi tiêu đầu tư vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ.

IMF đánh giá mức độ tín nhiệm của các quốc gia thông qua một hệ thống mà họ gọi là khuôn khổ nợ bền vững (sustainability framework) của mình. Các quốc gia được phân loại thành 3 mức độ “năng lực tín dụng” |credit capacity| – mạnh, trung bình hoặc yếu.

Các nước yếu được coi là có khả năng thấp để xử lý thêm nợ dựa trên mức độ mắc nợ hiện tại của họ. Chẳng có sự phân biệt giữa nợ là kết quả của các khoản đầu tư dài hạn thiết yếu vào các dịch vụ xã hội như y tế và giáo dục và nợ do việc chi tiêu lãng phí. Các nước này sau đó được IMF yêu cầu cải thiện thứ hạng của họ như một điều kiện viện trợ, chẳng hạn như tập trung vào trả nợ, các mục tiêu kinh tế ngắn hạn và cắt giảm chi tiêu mọi mặt.

Một ý kiến trên diễn đàn tờ The Lancet đổ lỗi cho các chính sách thắt lung buộc bụng gây ra vào đầu những năm 2000 đã làm giảm chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe ở Guinea, Liberia và Sierra Leone, khiến các nước này dễ bị tổn thương bởi cuộc khủng hoảng dịch bệnh Ebola năm 2014. Ba nước này là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong một trận dịch kéo dài 2 năm và dẫn đến hơn 11.000 trường hợp tử vong.

Cải cách các hệ thống đánh giá

IMF gần đây đã công bố một quỹ dự phòng mà các nước thu nhập thấp có thể sử dụng để mua vắc xin và mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Mặc dù điều đó sẽ giúp nhiều nước không phải lựa chọn giữa điểm tín dụng và sức khỏe của người dân của họ trong đại dịch, nhưng đó chỉ là một giải pháp trong ngắn hạn.

Một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc thúc giục chính phủ, cho rằng họ thiếu trách nhiệm giải trình và khiến các nước nghèo khó thực hiện nghĩa vụ quyền con người của mình. Việc đề xuất tạm hoãn xếp hạng tín dụng của các quốc gia gánh nợ có chủ quyền trong thời gian khủng hoảng cũng giúp tạo ra một bước đệm.

Tuy nhiên, những thay đổi vĩnh viễn về cách IMF và các tổ chức xếp hạng tín dụng tư nhân đánh giá nợ có thể cần thiết để họ không phạt các nước khi đã đầu tư thiết yếu vào chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ công khác. Điều đó sẽ giúp các nước có thể xây dựng cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe của họ để không bị bất ngờ trước kỳ đại dịch tiếp theo.

[Các biên tập viên Chính trị + Xã hội của trang The Conversation chọn những câu chuyện cần biết. Đăng ký Politics Weekly.]

Ramya Vijaya

THÔNG TIN TÁC GIẢ

Giáo sư Kinh tế học, Đại học Stockton [Hoa Kỳ]

Tuyên bố công khai

Ramya Vijaya không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và không tiết lộ liên kết nào có liên quan ngoài cuộc hẹn học thuật của họ.

Hồ Thị Thu Hiền dịch

Nguyễn Việt Anh hiệu đính

Nguồn: Credit ratings are punishing poorer countries for investing more in health care during the pandemic, The Conversation, August 11, 2021.


[*] G20 là một diễn đàn liên chính phủ bao gồm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU). (ND)

Print Friendly and PDF