26.10.21

Khi lý thuyết trò chơi dẫn chúng ta đi bộ

KHI LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI DẪN CHÚNG TA ĐI BỘ

Gaëtan Fournier, Claire Lapique Aurore Basiuk

Theo lý thuyết trò chơi, cạnh tranh tự do không phải lúc nào cũng mang tính lý tưởng đối với xã hội. Với quan điểm này, các nhà kinh tế học Gaëtan Fournier và Marco Scarsini đã nghiên cứu sự cạnh tranh về không gian giữa nhiều người bán với nhau. Người bán sẽ chọn địa điểm bán hàng để tối đa hóa lợi nhuận của mình. Trong mô hình của các nhà nghiên cứu, việc theo đuổi lợi nhuận cá nhân dẫn đến những tình thế ổn định nhưng không mấy thuận lợi cho lợi ích chung.

Ảnh của nasa trên unplash

Vì sao tiệm những người thợ làm tóc luôn ở trên cùng một con phố? Có ích gì khi tất cả các nhà hàng và quán cà phê đều cùng tập trung quanh một nơi? Làm sao giải thích những giờ lang thang trên đường, và rồi, đột nhiên, xuất hiện đến ba cây xăng ở cùng một nơi? Ngoài sự cạnh tranh về giá cả hoặc chất lượng, còn có sự cạnh tranh về không gian. Khoảng cách trở thành nguồn lực được chia sẻ và địa điểm là đối tượng tranh chấp.

Nếu có nhiều người bán kem trên một bãi biển, thì họ sẽ chọn điểm bán hàng ở đâu? Chúng ta có thể giả định rằng mỗi người bán sẽ thu hút lượng người tiêu dùng nào ở gần mình nhất so với đối thủ cạnh tranh. Nhưng sự lựa chọn đó được đặt ra trong một tình thế không chắc chắn: họ không biết những người bán khác sẽ chọn điểm bán hàng nào. Làm thế nào để giải quyết câu đố này? Trong kinh tế học, lý thuyết trò chơi cho phép mô hình hóa những tình thế này, khi mà mỗi tác nhân không biết trước sự lựa chọn của các tác nhân khác.

Ổn định trong hỗn loạn

Sử dụng lý thuyết này, các tác giả đã tìm hiểu sự cạnh tranh về không gian giữa những người bán với nhau. Họ muốn biết liệu có giải pháp nào để sự cạnh tranh về địa điểm bán hàng có thể được ổn định lâu dài hay không. Để làm điều này, họ mô hình hóa một mạng lưới, giống như bản đồ của một thành phố, nơi mà nhiều người bán phải lựa chọn địa điểm của cửa hàng mình trong số rất nhiều con phố. Người mua sẽ tản bộ theo cách đồng nhất trên tất cả các con phố, còn người bán thì phải cạnh tranh: người bán càng có nhiều khách, thì lợi nhuận của họ càng tăng. Về phần mình, khách hàng sẽ mua hàng từ người bán nào gần nhất với mình. Trong mô hình của các tác giả, họ không xem xét sự cạnh tranh về giá cả hoặc chất lượng, mà chỉ xem xét sự cạnh tranh về vị trí địa lý. Trong tưởng tượng của họ, thì người bán áp đặt giá cả và sản phẩm, chẳng hạn như phương thức nhượng quyền của các công ty lớn hoặc các hiệu thuốc.

Liệu có tình thế nào khi mà tất cả người bán đều hài lòng và không muốn di dời [điểm bán hàng] hay không? Tình trạng cân bằng này (trong lý thuyết trò chơi, được gọi là cân bằng Nash) có tính ổn định trong thời gian, bởi vì không ai trong số những người bán có ý định thay đổi điểm bán hàng, khi tính đến sự lựa chọn của những người bán khác.

Trên bản đồ thành phố này, chúng ta có thể cho rằng sự cạnh tranh tự do làm cho sự bất ổn thống trị đến mức không có tình thế nào tồn tại với thời gian: tất cả người bán sẽ liên tục đấu tranh để giành một điểm bán hàng tốt hơn. Tuy nhiên, mô hình của các tác giả cho thấy nếu số lượng người bán đủ lớn,[1] thì sẽ có sự cân bằng. Ở điểm cân bằng này, có thể lập bản đồ điểm bán hàng của người bán và chúng ta biết điểm bán hàng đó sẽ cố định.[2] Đó là những gì các tác giả đã làm: họ làm rõ nét “cân bằng Nash” này. Chúng ta biết sự cân bằng này là ổn định, bởi vì không người bán nào sẽ một mình thay đổi điểm bán hàng: họ sẽ thua nếu thay đổi điểm bán hàng!

“Cái giá phải trả của tình trạng vô chính phủ”

Ngoài sự lựa chọn của người bán, còn phải tính đến phúc lợi của người tiêu dùng, điều mà cân bằng Nash không tính đến. Ở đây, đó là khoảng cách trung bình mà khách hàng phải thực hiện để mua một món hàng. Trong tình thế lý tưởng, khoảng cách trung bình càng thấp càng tốt, cho phép người mua đi lại ít nhất có thể. Tình thế này, được gọi là sự tối ưu xã hội, là trạng thái lý tưởng cho người tiêu dùng nhưng không phải là một cân bằng Nash: nó không ổn định. Để tồn tại, sự tối ưu này phải được một cơ quan công quyền bảo vệ. Ví dụ: thị trưởng sẽ phân bổ người bán theo cách đồng đều nhất có thể trên tất cả các con phố, để khoảng cách mà khách hàng phải di chuyển càng ngắn càng tốt.


Để biết có cần buộc người bán phải tôn trọng sự tối ưu xã hội hay không, thị trưởng phải biết “cái giá của tình trạng vô chính phủ”. Ở đây, công cụ này so sánh khoảng cách mà người tiêu dùng phải đi trong một tình thế lý tưởng với trạng thái cân bằng Nash xấu nhất.

Thật vậy, không có một tình thế cân bằng duy nhất. Sự lựa chọn của người bán trong cuộc cạnh tranh mở có thể dẫn đến nhiều kịch bản khác nhau. Thế nên việc phân bố người bán trên bản đồ có thể diễn ra hoàn toàn khác. Nhưng rồi, điều gì làm kịch bản cân bằng này được ưa thích hơn một kịch bản cân bằng khác? Trong kinh tế học, một chuyên ngành đặc biệt quan tâm đến câu hỏi này: lý thuyết trò chơi tiến hóa. Lý thuyết này tìm cách tìm hiểu động thái đã bị tác động như thế nào để hội tụ về một trạng thái cân bằng này hơn là một trạng thái cân bằng khác. Nhưng các tác giả không tìm cách dự đoán một trạng thái cân bằng cụ thể. Trong tưởng tượng của họ, người bán hành động như những tác nhân ích kỷ, và điều không may là trường hợp xấu nhất sẽ xảy ra: khi đó họ sẽ đánh giá “cái giá của tình trạng vô chính phủ”.

Trong trường hợp này, chi phí sẽ tăng gấp đôi: ở trạng thái cân bằng người mua phải đi xa hơn gấp đôi so với trạng thái tối ưu. Kết luận này chỉ ra mức độ chênh lệch giữa các kịch bản tồi tệ nhất của cạnh tranh tự do với các kịch bản lý tưởng. Nó nêu bật vấn đề vì sao việc theo đuổi lợi nhuận một cách ích kỷ không nhất thiết dẫn đến lợi ích chung. Trong khi sự hợp tác hoặc theo đuổi lợi ích tập thể có thể làm giảm chi phí xã hội của người tiêu dùng, thì sự cạnh tranh tự do, về phần nó, không phải lúc nào cũng giúp đạt được một lý tưởng xã hội.

Gaëtan Fournier

AMSE, Đại học Aix-Marseille, Khoa Kinh tế và Quản trị

Claire Lapique

AMSE, Đại học Aix-Marseille

Aurore Basiuk

AMSE, Đại học Aix-Marseille

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Quand la théorie des jeux nous fait marcher, Dialogues Economiques, ngày 28/10/2020.




Chú thích:

[1] Số lượng người bán cần thiết để hình thành nên một cân bằng Nash phụ thuộc vào cấu trúc của thành phố (số lượng và độ dài của các con phố...).

[2] Tất nhiên, mô hình không phải lúc nào cũng được xác minh trong các tình thế thực tế, vì nó không tính đến toàn bộ các tham số của thực tế. Ngoài ra, khái niệm cân bằng Nash giả định rằng người bán không thể cùng một lúc chuyển điểm bán hàng hoặc cùng nhau thống nhất về một giải pháp. Tuy nhiên, mô hình có thể giúp bộc lộ một số cơ chế kinh tế và làm nảy sinh những câu hỏi hữu ích cho xã hội.

Print Friendly and PDF