23.10.21

Cứu sống hay để chết – Thảm hoạ và y đức

Hồ sơ: Ý nghĩa của các thảm họa

CỨU SỐNG HAY ĐỂ CHẾT

Thảm họa và y đức

Tác giả: Frédérique Leichter-Flack[*]


Những điều kiện cực đoan trong tình huống thảm họa khiến không thể thực hành hoạt động y tế khẩn cấp giúp cho mỗi nạn nhân đều nhận được sự chăm sóc thích hợp. Lúc đó phải lựa chọn, phân loại sàng lọc, và đôi khi để chết. Bằng cách theo dõi những cuộc điều tra do Sheri Fink thực hiện tại Nouvelle Orléans (New Orleans) sau khi cơn bão Katrina đi qua, F. Leichter-Flack chỉ ra sự cần thiết phải chuẩn bị khía cạnh đạo đức trong thảm họa.

Frédérique Leichter-Flack (1974-)

“Chúng ta đã không sẵn sàng như lẽ ra có thể”, đó là kết luận của Anderson Cooper, phóng viên thường trú tại New Orleans đã bị tàn phá bởi cơn bão Katrina vào tháng tám năm 2005[1]. Có phải bài học chính của một thảm họa là phải chuẩn bị tốt hơn cho thảm họa tiếp theo? Giữa quy mô rộng lớn của thảm họa do cơn cuồng phong Katrina gây ra, tính dễ bị tổn thương xã hội trầm trọng hơn, vốn đã bị tích lũy và không được quan tâm từ nhiều năm qua, đã góp phần biến đổi, qua những diễn biến của điều bất ngờ và sự phơi nhiễm của con người, một hiện tượng tự nhiên thành thảm họa quốc gia – và phải tính đến những bài học của biến cố này. Nhưng thực ra chính là sự bất lực của các cơ quan Nhà nước – và đặc biệt là của FEMA (Federal Emergency Management Agency), Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang – trong việc quản lý các thảm họa và những cứu trợ khẩn cấp cốt yếu –, trong suốt “tuần thảm họa Katrina” đã bị lên án gay gắt[2].

Anderson Cooper (1967-)

Từ sự bất lực này, làm thế nào để rút ra những bài học đúng đắn xét về phương diện “chuẩn bị cho thảm họa”? Nền tảng của chuẩn bị sẵn sàng cho thảm họa là một ý tưởng trung tâm: thảm họa kế tiếp có thể xảy ra dưới rất nhiều hình thức (thảm họa có nguồn gốc tự nhiên, tai nạn công nghiệp, đại dịch nghiêm trọng, hay tấn công khủng bố sinh học), nhưng dù nó là như thế nào, nó sẽ xảy đến và ta có thể chuẩn bị đối phó theo cùng một cách. Tuy nhiên, cách tiếp cận theo rủi ro cũng không vì thế mà hoàn toàn biến mất: sự đầu tư mà một xã hội sẵn sàng dành cho sự chuẩn bị này có vẻ tùy thuộc vào những mô hình xác suất ghi nhận thảm họa sắp tới trong một tương lai tương đối gần. Ở đây chỉ giới hạn trong vấn đề quản lý thảm họa với phạm vi hạn chế trong thời khắc khủng hoảng và đổ vỡ, sự sụp đổ lan rộng của tất cả các cơ quan phụ trách, hỗn loạn và bất lực chung của tất cả cơ sở hậu cần, là những yếu tố đặc trưng cho cao điểm của khẩn cấp thảm họa[3]. Bên trong hệ hình này, chuỗi cấp cứu và chăm sóc là vấn đề mấu chốt đặc biệt để hạn chế phạm vi của thảm họa: làm thế nào để cứu các sinh mạng? Cứu nhiều người nhất có thể? Tiếp sau Katrina, nhất là sau những truy tố pháp lý do các gia đình nạn nhân của thảm họa phát động, bang Louisiana đã soạn thảo những quy trình khác nhau liên quan đến tiếp cận cấp cứu và nguồn lực y tế trong trường hợp thảm họa. Các bang khác cũng đi theo con đường này. Đáng chú ý là nhiều luật đã được thông qua để bảo đảm miễn trừ trách nhiệm pháp lý cho nhân viên y tế là những người sẽ tham gia trong những hoàn cảnh hết sức đặc biệt này[4]. Đại dịch cúm H1N1 lại còn tăng cường xu hướng lập luận về phương diện “chuẩn bị cho thảm họa”, và đã thấy gia tăng trên cả nước những kế hoạch được xây dựng dựa trên mô phỏng những kịch bản về các trường hợp xấu nhất, trực tiếp lấy ý từ kinh nghiệm các bệnh viện của New Orleans trong trận bão. Tiến trình tác nghiệp này thúc đẩy những thách thức to lớn về đạo đức. Khi nói về thảm họa thì phải hình dung ra những điều kiện cực đoan như sự rối loạn của công tác cấp cứu, bệnh viện quá tải, khan hiếm vật liệu y tế và thiếu nhân viên có năng lực: bấy nhiêu điều kiện khiến không thể thực hành một hoạt động y tế khẩn cấp dựa trên những nguyên tắc bình thường của sự phân loại dân sự là cung cấp cho mỗi nạn nhân những nguồn lực y tế phù hợp nhất với nhu cầu của họ. Thảm họa gợi ra ký ức về sự phân loại quân sự trên chiến trường: nên chăng phải giải quyết trước, theo những loại bệnh nhân đã được xác định trước khi xảy ra biến cố, ưu tiên và hạn chế tiếp cận các nguồn lực y tế đã được thấy rõ là thấp hơn nhu cầu trong thời gian thảm họa? Ưu tiên di tản những người bị thương nhẹ khả dĩ được cứu chữa nhanh chóng? Để dành việc cấp các nguồn lực y tế, nỗ lực và thời gian của những người chăm sóc cho những người có đủ cơ may sống sót để hưởng nó và chỉ cung cấp cho những người bị thương ít có hy vọng sống sót sự chăm sóc tạm thời cần thiết để giảm nhẹ đau đớn của họ? Nói cách khác, nên chăng phải quyết định trước – để bám vào khi cần, và không để cảm xúc hay sự tùy tiện quyết định – ai sẽ là người sẽ nhận được hay không nhận được một cơ may sống sót một khi các nguồn lực y tế không tránh khỏi bị thiếu hụt? Nhưng lúc đó, những tiêu chuẩn khác với tiên lượng y tế cần phải được tính đến không, để phân loại những nạn nhân cần được cứu? Về những viễn cảnh như thế, ta hiểu rõ rằng tại sao vấn đề trách nhiệm dân sự và hình sự của nhân viên y tế là một điều tiên quyết cần được làm rõ[5]. Những câu hỏi như vậy thật là kinh khủng: chúng động đến những vấn đề cấm kỵ (dành ưu tiên cho mạng sống nào so với mạng sống khác?) tiềm ẩn những thiệt hại cho mối liên hệ xã hội. Những vấn đề này có thực sự cần thiết không, và nếu cần, thì phải nêu chúng ra như thế nào? Có giao phó chúng cho các chuyên gia, hay được đảm nhận như thách thức của một cuộc tranh luận dân chủ tối cần thiết? Một xã hội dân chủ sẽ được gì, mất gì khi dành những nguồn lực của nó cho một sự chuẩn bị đạo đức như thế trong thảm họa?

Sheri Fink

Mối liên hệ giữa những bài học nhận được từ Katrina, và việc soạn thảo các quy trình đạo đức y tế cho thời gian thảm họa, thông qua việc cầu viện đến những kịch bản tưởng tượng về điều xấu nhất sẽ không đương nhiên như vậy. Chính về mối liên hệ này mà phóng viên Sheri Fink[6] đã quyết định phỏng vấn đồng thời dò tìm, trong một cuộc điều tra dài đã được giải thưởng Pulitzer năm ngoái về phóng sự điều tra, điều gì đã xảy ra tại bệnh viện Memorial ở New Orleans ngay sau cơn bão Katrina[7]. Vụ việc bệnh viện Memorial tạo nên một trường hợp đặc biệt khó khăn. Các thành viên của đội ngũ y tế bị cáo buộc, trong những giờ cuối cùng của việc di tản bệnh viện, bốn ngày sau khi cơn bão đi qua, đã cho bệnh nhân chết không đau đớn (an tử): trong số những người chết mà tòa án điều tra, một số rất lớn tuổi, ở giai đoạn cuối các bệnh nặng, không thể chuyển đi được; đối với những người khác thì ít rõ ràng hơn. Phải chăng các mũi tiêm morphine có mục đích giải phóng họ khỏi đau đớn, hay là cho bệnh nhân chết sớm ngay trước khi di tản, chấp nhận không bao gồm họ trong số bệnh nhân được di tản? Vụ kiện đã kết thúc, trước một đại bồi thẩm đoàn công dân được soi sáng bởi trình độ chuyên môn cao của các bác sĩ pháp y, bằng việc tha bổng các bác sĩ và y tá có liên quan – một bản án phù hợp với tình cảm chung của công luận lúc đó, vốn đã bị cuốn hút và xúc động trước câu chuyện bi thảm này.

Deadly choices at Memorial (Những lựa chọn chết người tại bệnh viện Memorial) tái hiện dòng sự kiện bốn ngày kinh khủng trong bệnh viện bị ngập nước, bị cô lập với thế giới chung quanh, và bị mất điện ngày hôm sau khi cơn bão Katrina đi qua. Câu chuyện kể dựa trên sự sắp xếp các trích đoạn những lời chứng được thu thập từ các nhân chứng và tác nhân của thảm kịch. Vẻ bề ngoài là cuộc điều tra này dường như tiếp nối cuộc điều tra ở nơi mà công lý đã dừng lại, lục lọi trong những vùng tối, làm cho các nhân chứng lên tiếng, nhiều năm sau đó, những nhân chứng này còn bị khiếp sợ bởi những điều họ đã trải qua. Tuy nhiên, khía cạnh chủ trương gây ấn tượng mạnh (trong những hoàn cảnh kinh khủng này, có phải các bệnh nhân đã được cho an tử mà họ không được biết?) chỉ có tác dụng đánh lừa. Nếu cô phóng viên không bao giờ quên đề cập đến các nguồn, hay nói rõ khi những lời được ghi lại bị những nhân chứng khác phản bác, thì không phải chỉ vì mối bận tâm về minh bạch trong nghĩa vụ nghề nghiệp. Bởi vì mục đích của cô không phải là đạt đến sự thật của các sự việc mà luật pháp đã không thể trưng ra được. Trong thực tế, cuộc điều tra không nhắm đến các sự việc mà nhắm đến những mối dây chằng chịt của các cảm nhận, biểu tượng và những câu chuyện nội tâm mà các tác nhân nhìn về thảm họa đã trải qua. Điều làm cho cuộc điều tra của Sheri Fink trở nên quí báu và mẫu mực chính là việc tái hiện những gì đã diễn ra ở đó đồng thời là một sự tháo gỡ tỉ mỉ cách mà sự trải nghiệm biến cố đã thay đổi dòng sự kiện trên một hiện trường tưởng tượng.

Câu chuyện kể đem tất cả các nguồn lực văn học phục vụ cho một không khí thảm họa được nuôi dưỡng từng giờ bởi sự tiến triển của điều xấu nhất: sự cô lập và cảm giác bị bỏ rơi, mệt mỏi và căng thẳng của nhân viên y tế bị huy động liên tục nhiều ngày đêm, mất điện, cụ thể có nghĩa là một sức nóng quá sức chịu đựng, thang máy bị hỏng (những bệnh nhân di tản bằng máy bay trực thăng đỗ trên mái nhà phải được mang đi qua nhiều tầng), và nhất là máy trợ thở nhân tạo ngưng hoạt động (không lâu sau đó sẽ có những người chết). Câu chuyện thuật lại được đồng cảm rộng rãi không phải để phán xét, nó còn làm tất cả những gì cần làm để ngưng lại phản xạ phán xét tự nhiên của độc giả bằng cách gia tăng những yếu tố thuộc về hoàn cảnh cần được tính đến. Mỗi quyết định của các bác sĩ đều được đặt lại trong bối cảnh của nó, không chỉ là tùy hoàn cảnh, mà còn là tâm lý: ví dụ tạm ngưng những chăm sóc không khẩn cấp mà một trong những bác sĩ trưởng ra lệnh cho các y tá, bởi lẽ họ đang bị kiệt sức vì căng thẳng và vì không được nghỉ ngơi. Để tiếp tục là người bảo vệ luật pháp, công lý đã tìm hiểu cặn kẽ sự việc, không kể đến những hạn chế có thể đè nặng lên sự việc ấy trong những hoàn cảnh cụ thể[8]; về phần mình, điều tra báo chí tìm hiểu quá trình tâm lý và tinh thần diễn ra lúc đó. Câu chuyện đi xa nhất có thể nhằm làm cho độc giả hiểu điều gì trong đầu của những người dường như đã thành thật tin rằng điều họ quyết định làm là điều nhân đạo nhất cần phải làm – vậy là đã góp phần chuyển dịch vấn đề về phương diện đạo đức.

Cô phóng viên tường thuật lại lời của một bác sĩ, ông kể rằng vào ngày thứ hai của thảm họa ông đã ra lệnh như thế nào để tăng liều morphine trong dịch truyền cho một nữ bệnh nhân nhằm mục đích được ông thú nhận là làm cho bệnh nhân chết sớm để có thể phân cho những y tá đang trực ở giường bệnh nhân[9] này những công việc khác: “Đối với tôi [ông kết luận] đó là một sự hiển nhiên, và cho đến nay điều tôi đã làm không có vấn đề gì”, ông nói với tôi như vậy. “Tôi đã cho bệnh nhân ấy thuốc để khỏi bận rộn với bà ấy nhanh hơn, và cho phép các y tá chuyển qua việc khác”[10]. Là vì bệnh nhân mà ông đề cập đến là một phụ nữ rất lớn tuổi, bị ung thư giai đoạn cuối, đã hôn mê dưới tác dụng của các thuốc giảm đau, và như thế tiên lượng sống không quá một, hai ngày. Về một trường hợp không đặt ra cùng những vấn đề mà công lý phải quan tâm, vị bác sĩ này nêu ra ba ý tưởng sẽ xuất hiện trong phần tiếp theo của bài báo: mối liên hệ bền vững qua việc sử dụng morphine giữa “giảm nhẹ” và “làm chết sớm”; tính thích đáng trong đánh đổi y tế của tiêu chuẩn vì lợi ích (vị lợi) khi sử dụng tối ưu các nguồn lực có sẵn; và ý tưởng rất mạnh về “mercy killing” (sự giết người bị bệnh không thể chữa được - để chấm dứt sự đau đớn kéo dài), ở đây, lần đầu tiên trong câu chuyện, được dựa theo phát biểu về một thế tiến thoái lưỡng nan sẽ được đào sâu thêm trong những giờ tiếp theo: làm điều gì là nhân đạo hơn, làm cho chết sớm hay bỏ rơi tại chỗ những bệnh nhân mà ta không thể cứu được?

Vụ kiện chỉ quan tâm đến điểm thứ nhất, nghĩa là sự khác nhau giữa “confort care” (chăm sóc giảm nhẹ) và “hastening death” (thúc đẩy chết sớm), một vấn đề mà bác sĩ pháp y cần phát biểu ý kiến. Tuy nhiên, cần xem xét hai điểm kia vì chúng mới là trung tâm của việc viện dẫn đến tính tiêu biểu của thảm họa đã qua nhằm chuẩn bị cho mọi thảm họa sắp tới: thế lưỡng nan về “mercy-killing” (an tử hay bỏ rơi không chăm sóc cho đến chết) đã nổi lên và được xác định như thế nào? Và theo những nguyên tắc nào mà sự đánh đổi về phân bổ các nguồn lực có sẵn được quyết định? Chính là trên hai vấn đề này mà câu chuyện về thảm họa thu hút sự chú ý của bạn đọc và mở lại hồ sơ.

Sự hình thành ý tưởng “mercy-killing

Bài báo cho thấy vấn đề mercy-killing nổi lên dần dần như thế nào, và với nỗi kinh sợ trong những trao đổi giữa các bác sĩ và y tá, về các bệnh nhân khác với tình trạng sức khỏe rất suy yếu.

“Cứu trợ đã không đến đủ nhanh chóng. Có rất nhiều người cần được di tản nhưng đã không được, ông nói, ông đã mô tả cho tôi điều ông đang có trong đầu vào lúc ấy. Đó là một tình trạng tuyệt vọng và ông thấy chỉ có hai lựa chọn: làm cho họ chết nhanh hoặc bỏ rơi họ (…). Thực vậy, đã đến độ bạn tự nhủ rằng bạn không thể chỉ để họ ở đó, rằng điều nhân đạo cần làm là chích cho họ một mũi thuốc”.[11]

Trang này qua trang khác, phát biểu về thế lưỡng nan này phát triển dần dần, căn cứ vào số bệnh nhân nặng được tập trung lại, ngay trên nền đất, trong góc “những người loại 3”, được xếp cuối cùng trong cuộc di tản. Vào ngày thứ tư, khi cảnh sát thông báo rằng bệnh viện phải di tản hoàn toàn trễ nhất là vào 17 giờ vì những bạo động đang dâng lên trong thành phố, áp lực của bảo đảm an toàn làm nghiêng cán cân: “Không thể để lại tại chỗ bất kỳ một bệnh nhân còn sống nào” (tiếng Anh: “the plan is not to leave any living patient behind” - kế hoạch là không để lại phía sau một bệnh nhân còn sống nào -). Lời chứng của một trong những bác sĩ xác định, trong khung cảnh tưởng tượng này, vai trò của sự khiếp sợ điều có nguy cơ xảy ra khi các bệnh nhân vẫn còn ở đó sau khi cảnh sát đã ra đi: “Ông đoán trước rằng những người bắn nhau ở bên ngoài, trong sự hỗn loạn của New Orleans – những “súc vật”, ông gọi họ như vậy – đột nhập bệnh viện và cướp thuốc men sau khi mọi người đã ra đi”[12]. Tái hiện về sau (ex-post) với mục đích tự bào chữa hay phục hồi những suy nghĩ của ông ấy ngay lúc đó? “Nhà Nước đã bỏ rơi chúng tôi, […] và rõ ràng là sẽ không có ai quan tâm đến những người này vào những giờ phút chót của họ”[13]. Lúc đó một nữ y tá khác tóm tắt lại; “Chúng tôi đã làm những gì có thể làm. Đó là điều tốt nhất cần làm trong hoàn cảnh đó” (“We did the best we could do. It was the right thing to do under the circumstances”).

Dường như không hề có dự tính về khả năng các bệnh nhân được thoát nạn mà không cần chăm sóc: không có chỗ nào cho phép lạ, cho ngẫu nhiên, cho số phận, điều này cũng có nghĩa là tinh thần trách nhiệm mà các bác sĩ này cảm nhận được bao hàm trong mắt họ tác động vào tình hình để hoàn toàn làm chủ dòng sự kiện. Điều còn lại là cần biết điều gì đã tác động chính xác vào lúc thế lưỡng nan dường như thiên về mercy-killing: có phải là lý lẽ về sự đau đớn, sợ hãi và khủng khiếp khi không chăm sóc các bệnh nhân bị bỏ rơi với đau đớn của họ? Nhưng thế thì có phải lý lẽ về sự đau đớn ngay chính nó luôn luôn là khá mạnh để phá tan mọi lập luận và quét sạch mọi phản kháng tinh thần? Hay đó là sự xấu hổ vì đã chạy trốn và bỏ lại đằng sau những bệnh nhân còn sống, sự bất lực của một bác sĩ phải chịu đựng, qua tưởng tượng, khi tự nhận ra hình ảnh của chính mình không tương thích với những đòi hỏi về y đức?[14]

Vậy là tất cả dường như thắt lại quanh một phương án các lựa chọn tiêu cực: điều gì là nhân đạo hơn, thúc đẩy nhanh cái chết của họ hay bỏ rơi họ tại chỗ, không chăm sóc, trong sức nóng, đau đớn và cô đơn? Một cách hiểu như vậy về tình hình có phải là hậu quả của một trường hợp bất khả kháng? Hay nó cũng là do, trong khung cảnh của trí tưởng tượng đang hoảng loạn, sự hình thành một bong bóng tâm lý không những có thể mà là phải được đặt lại vấn đề? Bác sĩ pháp y, người thừa hiểu rằng bản án của vụ kiện các bác sĩ bị buộc tội gây ra cái chết êm ái (euthanasie) tùy thuộc phần lớn vào trình độ chuyên môn của ông về tử thi, kể rằng ông đã do dự biết bao trước khi phát biểu thuận lợi cho sự hoài nghi: ông tiết lộ tự đáy lòng suy nghĩ của ông khi ông nói với cô phóng viên rằng trong trường hợp tương tự ông hình dung rằng ít nhất ông sẽ cố gắng cứu sống bệnh nhân mập phì mà chỉ vì trọng lượng cơ thể (quá nặng để có thể được mang lên mái nhà để di tản bằng máy bay) chứ không phải vì tình trạng sức khỏe đã ngăn trở việc di tản. Trước khi rút ra từ cảm giác về điều không thể tránh khỏi, một bài học kinh nghiệm cho những trường hợp tương tự trong tương lai, và xác định trước những bệnh nhân nào phải bị bỏ lại phía sau khi ta không thể cứu tất cả mọi người, nên chăng phải chất vấn phần của tưởng tượng trong việc hình thành lập luận này?

Khi tái hiện một cách tỉ mỉ bằng cách nào “thảm họa”, được trải nghiệm và cảm nhận bởi các tác nhân, đã dần dần được cấu trúc về mặt tinh thần quanh một thế lưỡng nan về đạo đức, bài báo tháo gỡ nút thắt của nó; như vậy chính phả hệ của thế lưỡng nan này mà câu chuyện về thảm họa tiến đến tìm hiểu. Thật vậy, hai dòng tường thuật cùng tồn tại trong suốt bài báo. Một bên là cảm thông, giúp ta trải nghiệm tức thì và từ bên trong, như thể chúng ta là một trong những bác sĩ phải đối mặt với những lựa chọn kinh khủng mà họ phải thực hiện: dòng kể chuyện này dùng tất cả các phương tiện của viễn tưởng văn học để tạo ra kết quả. Bên kia là kín đáo nhưng quả quyết, giữ khoảng cách với không khí của thảm họa để tìm hiểu sự hình thành của nó qua tất cả các giai đoạn, xoá tan những bong bóng suy diễn hay đạo đức. Ví dụ, chính dòng kể chuyện này làm chúng ta, một cách bi thảm, chú ý đến những sai lầm đã phạm phải do bối cảnh bất trắc[15], cũng chính nó báo hiệu cho chúng ta mỗi khi một lằn ranh đỏ bị vượt qua, cho dù lằn ranh này đã bị vượt qua vì những lý do tốt nhất thế giới và có thể là hoàn toàn thành thật[16]. Thế mà, một trong những lằn ranh đỏ đạo đức này, bị vượt qua dưới áp lực của “thảm họa” mà ta đang đi qua, ở ngay đầu nguồn của hành động y tế bị kết tội, lại liên quan đến quy trình phân loại đã được chấp nhận.

Phân loại và những tiêu chuẩn của nó: cố gắng cứu sống ai khi ta không thể cứu sống tất cả mọi người?

Thật vậy, vào ngày đầu tiên, khi một sự phân loại đầu tiên nhất phải được thực hiện trong khẩn cấp để quyết định những bệnh nhân nào sẽ di tản trên những chiếc trực thăng đầu tiên có sẵn lúc đó, đã quyết định rằng tất cả những bệnh nhân có trong hồ sơ bệnh án lệnh “Do Not Ressucitate order” (lệnh không hồi sức, DNR) sẽ là những người được di tản cuối cùng. Đến đoạn này, cô phóng viên lại lên tiếng với tư cách là người thuật lại câu chuyện, để nhấn mạnh sự diễn giải lệch lạc:

“Một bác sĩ ký lệnh không hồi sức làm việc đó hầu như luôn luôn với sự đồng ý, sau khi đã được thông tin đầy đủ của bệnh nhân hay của người thân bệnh nhân, và điều đó đơn giản có nghĩa là một bệnh nhân tim ngừng đập hay ngưng thở phải không được hồi sức. […] Nhưng nhân vật [X] đã hiểu khác, như ông đã giải thích cho tôi mới đây. Ông nói với tôi rằng, những bệnh nhân có y lệnh không hồi sức DNR, đang ở trong tình trạng cuối cùng hay không cứu chữa được, và ở bệnh viện Memorial, ông nghĩ rằng một cách logic là họ sẽ được di tản cuối cùng, bởi vì so với các bệnh nhân khác, họ sẽ là những người “bị thiệt hại ít nhất” nếu sự việc diễn biến xấu đi. Tại cuộc họp này, các bác sĩ khác cũng đồng ý như vậy. Chuyên viên chụp tia X thần kinh [Y] nói với tôi là ông đã nghĩ rằng những bệnh nhân không mong muốn kéo dài sự sống của họ bằng những biện pháp đặc biệt thì họ không thể mong muốn được cứu sống mà gây thiệt hại cho những người khác – ngay cả khi không có gì trong lệnh không hồi sức đề cập đến việc ấy. Trong tức thời, không ai trong những người tham dự buổi họp nghi ngờ rằng quyết định này có tính sinh tử: mọi người đều kỳ vọng rằng cấp cứu sẽ di tản toàn bộ bệnh nhân trong những giờ sắp tới”[17].

Như vậy, những bệnh nhân DNR, do một sự ngộ nhận, đã được đặt ra một bên trong suốt diễn tiến tiếp theo của các biến cố, như những người ít được ưu tiên nhất cho di tản, và điều này độc lập với đánh giá về tiên lượng đối với từng cá nhân trong ngắn hạn và trung hạn. Vào thời điểm thứ hai của sự phân loại nhằm để di tản được ứng biến trong những ngày tiếp theo, người ta dán những cái nhãn có mang các số 1, 2 hoặc 3 vào áo của những bệnh nhân nằm trên nền đất. Thế nhưng “người ta dễ dàng quên một sự đánh giá lại thường xuyên tình trạng của từng bệnh nhân một khi việc phân loại đã được quyết định”[18]. Giọng điệu của người kể chuyện trở nên ít đồng cảm hơn để lưu ý rằng không phải chỉ có sự lựa chọn vĩnh viễn của một sự đảo ngược các ưu tiên giữa những người bị thương nặng và bị thương nhẹ, mà chính là mối nguy hiểm liên quan đến tính cứng nhắc của một sự phân bố: trong những trường hợp thảm họa, sự phân bố này sẽ không được đánh giá lại như lẽ ra phải làm tùy vào diễn biến của tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân liên quan (ngay cả không nói đến sự không chắc chắn của tiên lượng đã được thiết lập), hay những nguồn lực sẵn có cho di tản. Chính là qua một loạt những ngộ nhận mà sự chuyển tiếp, lúc đầu là không cảm nhận rõ, rồi sau đó được khẳng định, từ một quy trình phân loại dân sự (những người bị thương nhẹ sẽ chờ) qua một quy trình phân loại theo phong cách quân sự (vì dành những phương tiện y tế có sẵn cho những người có nhiều cơ may phục hồi nhất, và tạo ra loại những người sắp chết – morituri – chỉ được nhận sự chăm sóc giảm nhẹ).

Vậy thì có cần phải đặt lại vấn đề khi xem “lý thuyết thảm họa” như là một sự cầu viện quá dễ chịu đến tình trạng ngoại lệ giúp gỡ bỏ mọi đắn đo? Không thể phê phán, từ bên ngoài, cách xa bối cảnh khẩn cấp, những quyết định lúc đó của các bác sĩ, mà lòng chân thành, vị tha và tận tâm của họ vốn không liên quan. Nhưng từ bên trong của chính sự tường thuật câu chuyện, phê phán lý thuyết thảm họa từng lúc lại nổi lên, thông qua nỗi kinh hãi được bày tỏ bởi một số nhân chứng vào lúc mà họ ý thức được rằng những tiêu chuẩn quy phạm y đức mới được ngầm thực hiện sẽ triệt tiêu những cơ may sống sót của những người thân của họ. Ví dụ, nỗi kinh hoàng của người phụ nữ khi bà cố gắng (một cách vô ích) làm thay đổi lệnh không hồi sức DNR dành cho mẹ bà khi bà hiểu rằng lệnh ấy sẽ cấm mẹ bà được di tản nhanh chóng, hay phản ứng của người đàn ông này, đã tìm được cách đi đến bệnh viện bị ngập nước trên một chiếc thuyền tạm bợ để cố gắng cứu người mẹ già của ông đang nằm bệnh viện, ông kinh hoàng phát hiện ra rằng bộ truyền dịch mà mẹ ông cần để khỏi bị mất nước đã bị lấy đi theo y lệnh, trong khuôn khổ của quy trình tiết kiệm các động tác y tế không thiết yếu: “Khi ông hỏi một người quản lý bệnh viện Memorial về lý do, thì ông này trả lời là bệnh viện đang ở trong phương thức sống còn, chứ không phải trong phương thức điều trị. Giận dữ, Mark LeBlanc đã hỏi: ‘A như vậy, chỉ cần búng ngón tay để bệnh viện từ bỏ các bệnh nhân?!’”[19]. Tất nhiên, phê phán này là bất công: nhưng nó làm nổi lên tai tiếng về đạo đức mà cách hiểu về “sự cần thiết” (phương thức sống còn, tình trạng khẩn cấp, tình trạng ngoại lệ của thảm họa) đã làm quên đi.

Tất cả những yếu tố này lại mở ra, chung quanh việc chuẩn bị cho thảm họa, một không gian thảo luận về đạo đức, mà lý lẽ của việc quay về những kinh nghiệm của các bác sĩ bị buộc tội muốn khép lại: có phải di tản những bệnh nhân nặng nhất cuối cùng không? Nên ưu tiên hệ thống phân loại nào? Làm thế nào để bảo đảm rằng một sự đánh giá lại thường xuyên các nguồn lực và tình trạng những người bị thương sẽ duy trì được mức độ công bằng cần thiết? Và nhất là, làm thế nào để tránh hiệu ứng khoá chặt những điều có thể làm được do chính lý thuyết thảm họa gây ra?

Được thiết lập để hướng dẫn hành động trong những điều kiện cực đoan, việc chuẩn bị những hướng dẫn y đức đặc thù cho những tình huống thảm họa chắc chắn là thành trì tốt nhất chống lại nguy cơ bất công vốn gắn liền với việc quản lý khẩn cấp theo cảm xúc, cậy thế hay độc đoán: khi không thể cứu tất cả mọi người, phải có các quy tắc mà mọi người đều biết và chấp nhận, có thể áp dụng khắp mọi nơi, để quyết định ưu tiên cứu ai. Sự cầu viện đến ý tưởng thảm họa như một sự pha trộn giữa tình trạng khẩn cấp và chế độ ngoại lệ có vẻ như là phương tiện duy nhất để bảo đảm huy động lâu bền nhân viên y tế bằng cách bảo đảm cho họ một sự bảo vệ, không những phòng vệ đối với những khiếu kiện pháp lý có thể xảy ra về sau, mà còn là đối phó với trách nhiệm cá nhân quá nặng nề mà họ phải đảm nhiệm. Nhưng có phải logic phân phối theo hạn định vốn bao gồm nhiều rủi ro là không thể tránh được? Hai phóng sự khác của Sheri Fink xem xét vấn đề này từ hai nghiên cứu trường hợp đưa ra những lựa chọn trái ngược nhau. Phóng sự thứ nhất liên quan đến Haïti trong những ngày tiếp theo trận động đất tháng 1 năm 2010[20]. Sheri Fink thực hiện phóng sự tại hiện trường, trong một bệnh viện do một tổ chức nhân đạo Mỹ đưa vào phục vụ, thu hút sự chú ý đến trường hợp một phụ nữ trẻ có vấn đề về tim gây khó thở mạn tính: bác sĩ phụ trách đơn vị, áp dụng những nhận định vị lợi trong bối cảnh thảm họa, nhận định rằng nên dùng lượng oxy ít ỏi mà đơn vị có được cho nhiều nạn nhân của động đất, mỗi người cần một ít và trong thời gian ngắn để hồi phục hơn là dành cho chỉ một người cần oxy lâu dài. “Chăm sóc một bệnh nhân có thể có nghĩa là từ chối chăm sóc nhiều người khác” (“Providing care for one patient may deny it for others”): cô phóng viên xác định rằng bác sĩ đã không gặp bệnh nhân bị từ chối cung cấp oxy mà bệnh nhân yêu cầu và chuyển cô đến một bệnh viện khác mà ông biết không có dự trữ oxy và bệnh nhân có thể chết vì không được điều trị. Như một phép lạ, câu chuyện đã kết thúc tốt đẹp: một toán nhân viên y tế khác, khi xe cấp cứu đến, đã tìm thấy oxy, người phụ nữ trẻ sống sót và tình trạng ổn định đến mức sự trợ thở trở nên thừa thải. Không chắc là có một bài học đạo đức được rút ra từ phóng sự này để nói về những lựa chọn khó khăn của những nhân viên cấp cứu được huy động ở Haïti, nhưng dù sao nếu cần rút ra một bài học đạo lý thì chỉ có thể là điều này: trước khi lập luận quá nhanh trong viễn cảnh một thế lưỡng nan về phân phối có hạn định các nguồn lực (ai sẽ sống và ai sẽ chết), không nên quên tự hỏi làm thế nào để gia tăng khối dự trữ các nguồn lực.

Và đó là điều bài báo khác làm sáng tỏ, trong bối cảnh đại dịch cúm H1N1 năm ngoái ở Ấn Độ[21]. Trong một bệnh viên nhi đồng được dùng làm trung tâm tập trung bệnh nhân H1N1, hàng ngày những bệnh nhi được đưa đến trong tình trạng khó thở; không có đủ máy trợ thở nhân tạo. Những hướng dẫn phân loại thảm họa khuyến nghị dành thiết bị có sẵn cho các bệnh nhi có nhiều cơ may sống sót nhất nếu được điều trị. Sheri Fink nêu lời một bác sĩ, bà kể với cô rằng thế lưỡng nan đã đến với bà như thế nào. Một em bé bị nhiễm bệnh rất nặng, và tiên lượng cho ít hy vọng đã được đưa đến khi bệnh viện chỉ còn sẵn một máy trợ thở. Bà lưỡng lự không muốn cấp cho bé này, vì trí tưởng tượng báo cho bà thấy trước nguy cơ sẽ có những bệnh nhi khác được đưa đến trong tình trạng ít tuyệt vọng hơn, và khi đó bà sẽ không thể chăm sóc chúng. Tuy nhiên bà chọn đem đến một cơ may cho em bé, cấp cho em máy trợ thở nhân tạo cuối cùng đang có sẵn. Như sự tưởng tượng của bà đã làm bà lo sợ, hai em bé khác được đưa đến trong vài giờ tiếp theo: tình trạng lâm sàng của chúng ít nghiêm trọng hơn, nhưng chúng cũng không thể hy vọng sống sót nếu không được trợ thở. Dưới áp lực của tình trạng khẩn cấp, bà đã thử với các phương tiện tạm bợ lắp ráp một thiết bị tạm bợ liều lĩnh để thay thế thiết bị trợ thở mà bà không có. Kỹ thuật ứng biến này hoặc có thể hoạt động được, hoặc là giết chúng chết. Nó sẽ cứu sống chúng. Trong những tuần tiếp theo, thiết bị tạm bợ (được mang biệt danh “bong bóng hy vọng” “bubbles of hope”), được áp dụng cho nhiều em bé và góp phần cứu nhiều sinh mạng. Về phần em bé đầu tiên với tình trạng có vẻ vô vọng cuối cùng đã hồi phục. Luân lý của câu chuyện, lần này được vị bác sĩ Ấn Độ rút ra một cách rõ ràng, đúc kết tầm quan trọng rất cốt yếu của việc dành một không gian cho trí tưởng tượng sáng tạo trong tình huống thảm họa.

Về trí tưởng tượng trong thời gian thảm họa

Kết thúc có hậu của câu chuyện Ấn Độ trên đây có thuyết phục được không về tầm quan trọng của việc “duy trì tính linh hoạt” ngay cả trong tình huống thảm họa? Có thể vì chuẩn bị quá kỹ để hành động trong tình trạng ngoại lệ về đạo đức mà thảm họa khiến chúng ta phải đối mặt nên ta đóng lại quá sớm phạm vi những điều khả dĩ và đóng lại cửa sổ của phép lạ? Nhưng làm thế nào để dành một không gian cho ứng biến, sáng tạo, thậm chí đánh cược, được xây dựng trên các quyền về cảm xúc, không tạo sức ép nhiều cho yêu cầu về công lý và công bằng đối với nền tảng của sự chuẩn bị cho thảm họa?

Vấn đề liên quan, vai trò của trí tưởng tượng trong thời gian thảm họa: chính tưởng tượng có thể mở ra những lối thoát cấp cứu ở bên lề, bằng cách chuyển dịch tính thích đáng của chế độ đạo đức đặc biệt mà thảm họa kêu gọi chúng ta giải quyết, nhưng cũng chính tưởng tượng, vượt qua những hạn chế của thực tại của nỗi kinh hoàng về điều xấu hơn nữa, thúc đẩy nhanh sự cầu viện đến tình trạng ngoại lệ. Vậy thì ta phải rơi vào “mức độ thảm họa” nào để những cách thực hành mới được xem là chấp nhận được về mặt đạo lý?[22] Vấn đề các “ngưỡng” của thảm họa là căn bản. Làm thế nào để tránh lạm dụng về mặt đạo lý khái niệm này? Có hay không một tiện nghi của thảm họa (confort de la catastrophe), có thể có một cách sử dụng khái niệm, tự nó khép kín, chỉ dùng để biện minh cho những quyết định đạo đức, nếu không thì không thể chấp nhận được? Một bước nhảy định tính, thảm họa không phải là vượt qua một ngưỡng được nhận diện một cách rõ ràng và khách quan, mà là trạng thái giới hạn của một quá trình liên tục, và có thể là sự phóng đại giả tạo những tình huống bình thường và thường nhật hơn ở đó những lựa chọn phân loại, phân bổ và phân phối theo hạn định các nguồn lực y tế, tuy được thực hiện, không được thảo luận công khai.

Một cách nghịch lý, có thể là chính lợi ích của thảo luận về các quy trình y đức cho thời gian thảm họa đã tạo thuận lợi cho một ý thức của công chúng về những thách thức của phân phối theo hạn định các nguồn lực y tế và một sự thủ đắc của công dân về những tiêu chuẩn đã được chấp nhận, bằng cách tạo cơ hội để các cuộc thảo luận này thoát ra khỏi lĩnh vực được dành riêng cho giới chuyên gia. Thực vậy, khi không dễ gợi ra cho công chúng những thách thức mà ngay chính các bác sĩ cũng thấy kinh sợ, thì chỉ với điều kiện đã được tham gia vào công việc thảo luận trước mà công chúng có thể, khi cần, chấp nhận, không phản kháng, xem như công bằng và đúng đắn nguyên tắc phân loại mà họ dựa vào đó để tự đánh giá. Điều này sẽ biện hộ cho một sự chia sẻ về mặt xã hội ý nghĩ về những tiêu chuẩn phân loại xác đáng.

Bởi vì các chuyên gia (dù họ là bác sĩ, nhà hoạch định chính sách hay chuyên gia về đạo đức) không nhất thiết là những người ở vị trí tốt nhất để quyết định cho công chúng là họ thấy được đối xử như thế nào là xác đáng trong trường hợp thảm họa. Để thừa nhận tính chính đáng, công chúng phải có thể tìm lại được những giá trị của mình trong các nguyên tắc hướng dẫn sự phân loại và các tiêu chuẩn chăm sóc trong tình huống thảm họa. Trường hợp một công trình huy động quần chúng rộng rãi tham gia vào những vấn đề này, được tổ chức tại Mỹ trong khuôn khổ một kịch bản chuẩn bị cho đại dịch cúm cho thấy sự đánh giá các tiêu chuẩn cần giữ lại cho các quy trình phân loại không hoàn toàn như nhau đối với công chúng và đối với các chuyên gia[23]. Công chúng, nhạy bén với mục tiêu tối đa hóa số lượng những sinh mạng được cứu sống, chấp nhận hạ thấp chất lượng của chăm sóc như một hậu quả dường như khó tránh khỏi của mục tiêu này, và tán đồng ý tưởng về một quy trình phân loại hợp lý và ổn định; công chúng sẵn lòng thừa nhận tầm quan trọng có tính quyết định của tiêu chuẩn các cơ may sống sót để dành ưu tiên cho tiếp cận các nguồn lực y tế và tin tưởng vào nhận định y tế để đánh giá tiên lượng này; công chúng bác bỏ với một mức độ quan trọng tiêu chuẩn lợi ích xã hội (trừ phần liên quan đến nhân viên y tế, họ được thừa nhận được dành ưu tiên), và tỏ ra đặc biệt quan tâm đến công bằng và không phân biệt đối xử, đáng chú ý là đối với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất.

Những cảm nhận có vai trò của chúng. Chuẩn bị cho thảm họa không chỉ là một việc của các chuyên gia. Do những thách thức về y đức, việc chuẩn bị này động đến trọng tâm của hợp đồng tin cậy lẫn nhau mà các công dân đã ký với nhau trong tinh thần dân chủ, cũng như giữa những công dân và những người mà họ giao phó sinh mạng. Và việc bảo tồn sự tin cậy này, để quản lý thảm họa trong trung hạn, có lẽ cũng quan trọng như tính hiệu quả của cứu trợ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, còn phải quyết định xem việc chuẩn bị đạo đức trong thảm họa, từ quan điểm đó, là thực sự có nhiều điều tốt hơn là điều xấu: tất nhiên, một suy nghĩ như vậy sẽ tạo thuận lợi cho “sẵn sàng và xác đáng” vào lúc cần thiết, nhưng nó có một cái giá về mặt xã hội và có thể có những tác động có hại đối với tập thể do tác động về mặt chuẩn tắc đối với giá trị của các mạng sống. Những bất trắc này chắc hẳn không xa lạ gì với các thảo luận công cộng hiếm hoi về các tiêu chuẩn trợ cấp-phân phối theo hạn định các nguồn lực y tế - một chủ đề thảo luận phần lớn dành cho các chuyên gia. Cuối cùng, ta cũng có thể tự hỏi có phải khung cảnh tưởng tượng mà ta đã thấy nó đóng một vai trò lớn như thế nào trong thời gian thảm họa có thể thực sự được huy động theo yêu cầu trong khuôn khổ những thực hành mô phỏng để hỏi về các phản xạ và cảm nhận về đạo đức của công chúng: đặc biệt là cảm xúc, một nhân tố mấu chốt nhưng đa nghĩa của hành vi trong tình huống thảm họa, có đoán trước được nó không? Chính xác, có phải nó được xác định, in situ (tại chỗ), như là điều luôn luôn làm tràn ngập mọi kế hoạch, và đào sâu dưới khuôn mẫu của trường hợp chung trách nhiệm cấp thiết của trường hợp luôn luôn đặc thù?

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Sauver ou laisser mourir - Catastrophe et éthique médicale”, La vie des idées, 25.4.2021.




Chú thích:

[1] Phóng sự này được đề cập đến trong bài báo của Andrew Lakoff, “Pour qu’un désastre ne tourne pas à la catastrophe: jusqu’où sommes-nous prêts? - Để một tai họa không trở thành thảm họa: chúng ta đã sẵn sàng đến đâu? – trong tạp chí Esprit, số tháng ba, 2008.

[2] Về thực trạng của thảo luận chung quanh sự quản lý tồi thảm họa Katrina, xem tổng hợp mới đây do Romain Huret trình bày, Katrina 2005. L’ouragan, l’État et les pauvres aux États-Unis, - Cơn bão, Nhà Nước và những người nghèo ở Mỹ - do EHESS xuất bản, 2010.

[3] Về phả hệ của khái niệm chuẩn bị cho thảm họa và sự gắn kết của nó vào lý thuyết về an ninh quốc gia ở Mỹ, xem bài báo đã dẫn của Andrew Lakoff.

[4] Xem Sheri Fink, “Rationing medical care: health officials struggle with setting standards” - phân phối theo hạn định sự chăm sóc y tế: nhân viên y tế chiến đấu vất vả để thiết lập các tiêu chuẩn -, trên trang web Propublica.

[5] Đặc biệt nên xem lập luận của “Committee for Disaster Medicine Reform” - Hội đồng cải cách y học thảm họa -: “Trong khi thảm họa do cơn bão Katrina ở New Orleans là một trường hợp biến cố thảm họa, nhiều vùng khác trong nước có thể đang bị động đất hay các tai họa thiên nhiên khác. Những tiềm ẩn của tấn công khủng bố bao gồm khủng bố sinh học, hóa học hay hạt nhân phải là một phần của sự chuẩn bị cấp quốc gia. Nếu một trong những tình huống này xảy ra và có nhiều nạn nhân, các bác sĩ phải đối mặt với những điều kiện phân loại trên “chiến trường”, và sẽ phải “cứu những người họ có thể cứu được”, chính là đặt các bệnh nhân khốn khó khác vào tình trạng rủi ro tăng thêm không được tính trước. Thực trạng của tình huống như vậy là sẽ có nhiều người chết, các gia đình đau buồn có thể khiếu kiện và các công tố viên có thể điều tra những xét đoán y tế trong các thảm họa này mà không có kinh nghiệm gì về y tế thảm họa. Nếu các bác sĩ và nhân viên y tế khác phải “trả lời cuộc gọi” đi hỗ trợ trong những thảm họa như thế này trong tương lai thì những biện pháp bảo vệ tăng thêm là cần thiết – không chỉ đơn thuần là “bảo vệ” các bác sĩ, mà để phục vụ tốt hơn các bệnh nhân tương lai trong cơn khủng hoảng như thế.”

[6] Sheri Fink là một nữ phóng viên Mỹ, là bác sĩ, nghiên cứu viên trong chương trình sáng kiến nhân đạo tại Đại học Harvard, là tác giả của War Hospital. Một câu chuyện thật về chữa bệnh và sống sót, một quyển sách nói về bệnh viện Srebrenica trong khi bị bao vây, và là tác giả của nhiều bài báo rất thu hút về y tế cấp cứu, về nhân đạo và những thách thức của y tế công cộng, đáng chú ý là trên trang web Propublica.org và chương trình PRI’s The World.

[7] Điều tra “Deadly choices at Memorial” - Những lựa chọn chết người ở bệnh viện Memorial- được công bố trên tạp chí New York Times và trên propublica.org.

[8] An tử là bất hợp pháp ở bang Louisiana, thực vậy, điều tra của pháp luật chỉ nhằm xác định có hay không ý hướng đem đến cái chết. Và điều này không kể đến những hoàn cảnh đặc biệt, những hạn chế có thể có liên quan đến bối cảnh, đến sự phức tạp của các thế lưỡng nan mà đội ngũ y tế phải đối mặt. Cuộc thảo luận cần được giải quyết - và nó chủ yếu đè nặng lên chuyên viên cảnh sát tư pháp - là cần biết các thuốc được tìm thấy trong cơ thể của nạn nhân và gây ra cái chết của những người này có tương ứng với toa thuốc cần thiết cho sự đau đớn của các bệnh nhân không (“confort care”), hay chúng là chứng cớ của ý đồ đẩy nhanh cái chết của các nạn nhân (kể cả dưới hình thức “mercy killing”).

[9] Ông này càng thoải mái nói về vấn đề này vì pháp luật đã không gây lo lắng gì cho chính ông, vì ông không có mặt tại chỗ vào lúc di tản cuối cùng của bệnh viện và của đợt gây chết được cho là cuối cùng mà vụ kiện truy tố.

[10] “To me, it was a no-brainer, and to this day I don’t feel bad about what I did, he told me. “I gave her medicine so I could get rid of her faster, get the nurses off the floor.

[11] “Help was coming too slowly. There were too many people who needed to leave and weren’t going to make it (…). [he] said, describing for me his thinking at the time. It was a desperate situation and he saw only two choices: quicken their deaths or abandon them. “It was actually to the point where you were considering that you couldn’t just leave them; the humane thing would be to put’em out.

[12] “He expected that the people firing guns into the chaos of New Orleans – ‘the animals’, he called them – would storm the hospital, looking for drugs after everyone else was gone. Cũng ông này tiếp tục: “Tôi đã hình dung rằng họ có thể làm gì, những người da đen điên rồ này nghĩ rằng họ đã bị người da trắng áp bức trong bao nhiêu năm nay? Ý tôi muốn nói rằng nếu họ có thể bắn vào một người nào đó, thì sao họ lại không có thể hãm hiếp họ, hay chặt tay chân họ? Cái gì ngăn ngừa họ làm những điều như vậy?”. Vấn nạn chủng tộc xuất hiện trong suốt cuộc điều tra, tương đối kín đáo để không độc quyền thu hút sự chú ý của độc giả, nhưng vai trò của nó không nhỏ.

[13] “We were abandoned by the government, (…) and clearly nobody was going to take care of these people in their dying moments”.

[14] Một vài điểm này được Sophie Crozier gợi ý cho tôi, bà ấy là bác sĩ thần kinh và chuyên gia về y đức, tôi cảm ơn bà đã giúp đọc lại, rất quý báu.

[15] Ví dụ nhân viên y tế, kiệt sức, từ chối đề nghị của các tàu bảo vệ bờ biển di tản thêm các bệnh nhân khác: “Trời đã tối khi những bệnh nhân cuối cùng của Memorial đã được chọn để di tản ngay đã rời đi. Về sau trong đêm đó, các tàu bảo vệ bờ biển đề nghị di tản thêm bệnh nhân, nhưng những người phụ trách tại Memorial từ chối. Đường băng cho máy bay trực thăng có ánh sáng yếu ớt và không có hàng rào an toàn, và nhân viên cần nghỉ ngơi.”

[16] Tuy nhiên sự thành thật này không thể được bảo đảm, với lý do tất cả các lời chứng đều được thu thập nhiều năm sau biến cố.

[17] “A D.N.R. order is signed by a doctor, almost always with the informed consent of a patient or health care proxy, and means one thing: A patient whose heartbeat or breathing has stopped should not be revived. (…) But [X] had a different understanding, he told me not long ago. He said that patients with D.N.R. orders had terminal or irreversible conditions, and at Memorial he believed they should go last because they would have had the ‘‘least to lose’’ compared with other patients if calamity struck. Other doctors at the meeting agreed with [X]’s plan. [Y], a neuroradiologist, told me he thought that patients who did not wish their lives to be prolonged by extraordinary measures wouldn’t want to be saved at the expense of others — though there was nothing in the orders that stated this. At the time, those attending the meeting didn’t see it as a momentous decision, since rescuers were expected to evacuate everyone in the hospital within a few hours.”

[18] “the importance of reassessing each person is easy to forget once a ranking is assigned.

[19] “When [he] asked a Memorial administrator why, the administrator told him that the hospital was in survival mode, not in treating mode. Furious, Mark LeBlanc asked: Do you just flip a switch and you’re not a hospital anymore?’”

[20]Doctors face ethical decisions in Haiti- Bác sĩ đối mặt với những quyết định về đạo đức, “PRI’s the world”

[21]India: rationing in disasters- Ấn Độ: phân phối có hạn định trong thảm họa -, trên “PRI’s the world”: http://rationinghealth.org/india-rationing-in-disasters

[22] Đó là một trong những câu hỏi đã được đặt ra bởi vị bác sĩ đứng đầu nhóm làm việc để thiết lập những hướng chủ đạo của y đức trong trường hợp thảm họa tại bang Louisiana. Xem bài Louisana Doctors Drafting Guidelines on Access to Critical Care During a Disaster.

[23] Tiêu chuẩn về số năm được cứu sống (tuổi của các nạn nhân) không thực sự thuyết phục, vả lại chỉ trở thành đồng thuận như tất cả các tiêu chuẩn khác. Xem báo cáo của “Public engagement project on medical service prioritization during an influenza pandemic, tháng 9, 2009, có thể truy cập trực tuyến) và báo cáo trên tạp chí trực tuyến Journal of Participatory Medicine): “bảng hướng dẫn hạn chế đang tồn tại đã không được trực tiếp thông tin bởi các ý kiến và giá trị của công chúng. Nhằm giải quyết thiếu sót này, Public Health – Seattle & King County (PHSKC) đã thúc đẩy công chúng hiểu rõ hơn giá trị và ưu tiên của họ liên quan đến cung ứng dịch vụ y tế và những dịch vụ này đã được phân bổ như thế nào trong một đại dịch cúm nghiêm trọng. Bằng cách để công chúng tham gia vào, PHSKC tìm cách thông tin cho các kế hoạch, chính sách và các hướng dẫn về việc sắp xếp ưu tiên các dịch vụ y tế được triển khai tại bang Washington căn cứ vào quan điểm về giá trị và đạo đức của những người dân sống trong vùng”.



[*] Tác giả là cựu sinh viên Trường Sư phạm Paris (ENS Ulm – École Normale Supérieure, Ulm), thạc sĩ văn học hiện đại, tiến sĩ văn học so sánh, cô là giảng sư được thừa nhận tư cách hướng dẫn các nghiên cứu, tại Đại học Paris Nanterre, sau khi đã giảng dạy các môn khoa học nhân văn tại trường Đại học Khoa học chính trị Paris (Sciences Po.) (ENS Ulm và Sciences Po. là hai trường đại học trọng điểm – grande école – của Pháp - ND -). Các công trình nghiên cứu của cô nằm ở vị trí trung gian kết nối giữa đạo đức, tư tưởng chính trị và văn học. Đáng chú ý cô là tác giả của tác phẩm La Complication de l’existence. Essai sur Kafka, Platonov et Céline (Classiques Garnier, 2010) – Sự phức tạp của hiện hữu. Tiểu luận về Kafka, Platonov và Céline, Nhà xuất bản Classiques Garnier, 2010 –, Le Laboratoire des cas de conscience (Alma, 2012; Prix Emile Perreau-Saussine 2013) – Phòng thí nghiệm những trường hợp lương tâm – Nhà xuất bản Alma, 2012; giải thưởng Prix Emile Perreau-Saussine 2013 – và Qui vivra qui mourra. Quand on ne peut pas sauver tout le monde (Albin Michel, 2015) – Ai sẽ sống, ai sẽ chết. Khi ta không thể cứu sống mọi người, Nhà xuất bản Albin Michel, 2015.

Print Friendly and PDF