PTKT: Nhà kinh tế Janos Kornai vừa qua đời hôm 18.10.2021 tại Budapest, ở tuổi 93. Chúng tôi đăng dưới đây bản dịch bài phỏng vấn ông trên tờ báo giấy Le Monde ngày 2.7.1996.
“HIỂU BIẾT VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI GIÚP THẤU HIỂU CHỦ NGHĨA TƯ BẢN”
Erik Izraelewicz phỏng vấn Janos Kornai
(Le Monde, 2 tháng 7 năm 1996)
Với sự sụp đổ của bức tường Berlin, “chuyển đổi học” (“transitologie”) đột ngột trở thành một bộ môn mới của khoa học kinh tế. Giáo sư đang thiết lập một lí thuyết tổng quát về hệ thống xã hội chủ nghĩa. Phải chăng như thế là hơi muộn và ít nhiều vô ích?
Chủ nghĩa cộng sản đã từng là một trong những thách thức chủ yếu của lịch sử thế kỉ XX. Tôi tin rằng có ít nhất ba lí do khiến cho ngày nay một hiểu biết tốt về hệ thống xã hội chủ nghĩa vẫn còn là điều cần thiết. Lí do thứ nhất là vì vẫn còn những nước do đảng cộng sản cầm quyền và do đó chủ nghĩa xã hội vẫn còn tồn tại. Đặc biệt, đó là trường hợp của Trung Quốc, một trong những cường quốc trên thế giới. Lí do thứ hai là để hiểu hay tác động đến sự chuyển đổi, cần phải biết điểm xuất phát. Cảm nhận về mục tiêu (chủ nghĩa tư bản), hướng muốn đi đến (nền kinh tế thị trường) là không đủ, còn phải biết mình từ đâu đến (chủ nghĩa xã hội). Lí do thứ ba là có một lí thuyết về chủ nghĩa xã hội cũng cho phép hiểu biết tốt hơn một số thách thức của chủ nghĩa tư bản hiện nay.
Từ mười lăm năm nay, tự do hóa kinh tế đã cho phép Trung Quốc thật sự cất cánh. Trung Quốc có còn là một nước xã hội chủ nghĩa không?Janos Kornai (1928-2021) |
Cho đến thời Đặng Tiểu Bình, Trung quốc là một hệ thống xã hội chủ nghĩa cổ điển – còn được gọi là hệ thống “xô-viết” hay “stalinian”. Kể từ cuối những năm 1970, một số cải cách kinh tế được đưa vào, với sự phát triển của sở hữu tư nhân trong nông nghiệp. Đó là những bước tới lui truyền thống đối với hệ thống xã hội chủ nghĩa cổ điển. Về cơ bản, trên bình diện chính trị, không có điều gì đã thật sự thay đổi. Đảng cộng sản vẫn nắm giữ độc quyền quyền lực. Mặc dù có những thay đổi trong nền kinh tế, Trung Quốc vẫn là một chế độ nhất nguyên. Thị trường không phải là không tương thích với một chế độ chính trị độc đoán. Singapore là một minh chứng. Nhưng trong dài hạn, một chế độ chính trị cộng sản với quyết tâm loại bỏ chủ nghĩa tư bản không tương thích với một nền kinh tế thị trường. Cũng giống như thể một Giáo hội công giáo muốn thiết lập một chế độ vô thần.
Đối với Trung Quốc, có thể là – đây là một giả thiết khác – Đảng cộng sản có thể vẫn giữ lại tên đảng nhưng trong thực tế dần dần trở thành một đảng “tư sản”, thiên tư bản chủ nghĩa và từ bỏ những dấu vết cuối cùng của một đảng bônsêvich. Và như thế nó sẽ tương thích với sự nổi lên và phát triển của chủ nghĩa tư bản.
Như vậy, “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, lí tưởng của Bắc Kinh, sẽ không có tương lai?
Không. Tôi tin là dù cho có độc ác, tàn bạo và không hiệu quả thì chủ nghĩa xã hội cổ điển, kiểu Staline, vẫn là một hệ thống chặt chẽ. Những khối khác nhau cấu thành hệ thống ấy nối khớp và bổ sung hoàn hảo cho nhau: độc quyền của Đảng, tư tưởng Mác-Lê, tính kỉ luật và sự đàn áp, sự tập trung hóa, sở hữu Nhà nước, sự phối hợp quan liêu, tăng trưởng bắt buộc, thiếu hụt kinh niên. Các cuộc cải cách đưa vào hệ thống những yếu tố ngoại lai gặm nhấm tính chặt chẽ của nó. Thay vì cải tiến hiệu quả của nền kinh tế, các cuộc cải cách này làm xói mòn và cuối cùng dẫn đến việc hệ thống sụp đổ.
Để gia nhập Liên minh châu Âu, các nước Trung Âu phải chứng minh là đã trang bị cho mình một “nền kinh tế thị trường hoàn toàn được xác lập”. Hiện nay các nước này đã đến đâu rồi?
Đây là một vấn đề thực tiễn và chính trị mà ta không thể có câu trả lời dựa trên những tiêu chí khoa học chặt chẽ được. Sự chuyển đổi là một quá trình từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa tư bản, giống như tuổi dậy thì là bước chuyển từ tuổi trẻ thơ sang tuổi trưởng thành. Không có một tiêu chí duy nhất cho phép nói rằng đứa trẻ đã trưởng thành. Tương tự như thế, trong kinh tế có nhiều chiều kích: tự do giá cả, chế độ sở hữu, việc tiếp cận thị trường, sự tồn tại của những cuộc phá sản …
Độc quyền của Đảng cộng sản biến mất là chưa đủ sao?
Có hai kiểu chuyển đổi lớn. Kiểu thứ nhất là sự chuyển đổi từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội, điều đã xảy ra trong hai mươi sáu nước. Mỗi lần như thế, quá trình bắt đầu bằng việc Đảng cộng sản nắm chính quyền và đưa vào sự độc quyền của đảng. Đây không chỉ là một điều kiện cần mà còn là điều kiện đủ cho việc thiết lập chủ nghĩa xã hội. Như vậy, có thể nói rằng Đảng cộng sản được cài sẵn một “chương trình di truyền” nhằm loại bỏ sở hữu tư nhân, thị trường và tạo ra một thứ bậc quan liêu.
Cho đến nay, chúng ta chưa rõ tất cả những đặc điểm của sự chuyển đổi theo hướng ngược lại, từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa tư bản. Việc loại bỏ độc quyền của Đảng cộng sản có thể là điều kiện đủ vì loại trừ cản trở chính đi đến nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên câu hỏi của bạn nhằm vào một vấn đề hạn chế hơn: đâu là những tín hiệu cho phép ước đoán chặng đường đã đi qua từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa tư bản? Ngoài việc thiết lập một chế độ dân chủ đa đảng, còn cần thiết hai thay đổi lớn nữa: phải chuyển từ một tình thế thống trị của sở hữu Nhà nước sang một tình thế mà sở hữu tư nhân lấn thế; và thay thế cho sự phối hợp quan liêu phải là sự phối hợp bằng thị trường.
Với việc người cộng sản quay lại chính quyền trong một số nước, có thể tự hỏi là sự chuyển đổi là không thể đảo ngược chăng …?
Sau khi hoàn tất ba sự đoạn tuyệt trên, tôi tin chắc rằng việc chuyển đổi dứt khoát dẫn đến nền kinh tế thị trường. Những chính quyền có quyết tâm có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này. Những chính quyền không hiệu quả, phản động hay ngu đần có thể làm chậm quá trình ấy nhưng không thể đảo ngược chiều hướng của Lịch sử.
Tôi tin rằng Ba Lan, Cộng hòa Séc , Slovakia , Slovenia và Hungari đã có những nét cơ bản của một nền kinh tế thị trường nhưng chúng chưa vận hành như những nền kinh tế có truyền thống lâu đời về những cơ chế thị trường.
Thời đầu chuyển đổi, người ta nói nhiều rằng chủ nghĩa xã hội củng cố thêm nơi con người những hành vi đặc biệt – lười biếng, dối trá, lách luật. Hệ thống này có sản sinh ra những hành vi không? Đối mặt với “Homo economicus” có chăng một “Homo sovieticus”?
Homo economicus, Homo sovieticus là những khái niệm không chuyển tải được điều gì. Với một mô hình lí thuyết về con người bạn có thể giải thích mọi điều và cả những điều ngược lại. Tôi nghĩ rằng hành vi của thiên hạ bị hệ thống nhào nặn, nhưng hành vi ấy còn chịu sự chi phối của nghề nghiệp, cương vị xã hội và chính trị, các truyền thống quốc gia và của nhiều nhân tố khác nữa. Thật vậy, tôi tìm cách phát hiện và giải thích những điểm bất biến trong các hành vi con người. Chẳng hạn tôi đã nghiên cứu hành vi các nhà quản lí trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Họ có nhiều động cơ. Đó không chỉ là nỗi sợ bị trừng phạt hành chính hay kì vọng được thưởng nếu hoàn thành kế hoạch.
Họ còn muốn được tôn trọng về mặt xã hội, muốn làm tốt công việc của mình. Họ có những mục tiêu sự nghiệp, những quan tâm tài chính. Ta tìm thấy tất cả các điều này trong chủ nghĩa tư bản. Nhưng tất nhiên là với những liều lượng và trong những điều kiện khá khác biệt.
Trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp kinh niên khát khao đầu tư. Họ luôn tìm những phương tiện mới và dồn hết sức để thuyết phục các cấp trên về lợi ích các dự án của họ. Trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, các tổng giám đốc có những động cơ trái ngược nhau. Một mặt, họ cũng bị cuốn hút bởi sự phát triển liên tục, tìm kiếm thêm nguồn lực để cải tiến sản phẩm hay công nghệ. Nhưng mặt khác, họ luôn lo ngại rằng sẽ bị trừng phạt nếu đầu tư của mình không tạo ra lợi nhuận. Điều này dẫn đến những chu kì mà các nước tư bản đều trải nghiệm.
Người ta nói rằng chủ nghĩa xã hội giết chết các “bản năng động vật”: óc kinh doanh, sáng kiến, tưởng tượng …
Chữ “giết chết” là quá nặng. Chủ nghĩa xã hội có lẽ đã làm dịu bớt … hay đã chuyển hướng “bản năng động vật”. Người dân thường vận dụng các phẩm chất này vì những mục đích cá nhân. Nhiều người chây lười trong công việc chính thức nhưng rất năng nổ trong nền kinh tế ngầm. Cũng phải cần có sức tưởng tượng cao và sáng kiến để được cung cấp hàng hóa trong một nền kinh tế thiếu hụt. Thật ra ngày nay chúng ta thấy vẫn có những doanh nhân ở các nước Trung Âu.
Bằng cách nào kinh tế chính trị học về chủ nghĩa xã hội có thể giúp ta hiểu biết một số vấn đề của chủ nghĩa tư bản?
Trước tiên giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản có một số điểm tương đồng. Điều đặc trưng cho chủ nghĩa xã hội là ràng buộc ngân sách “mềm”: các doanh nghiệp có thể tích lũy lỗ lã, luôn luôn biết rằng cuối cùng họ sẽ được Nhà nước cứu trợ. Trong chủ nghĩa tư bản “thuần túy”, ràng buộc ngân sách là “cứng”: lỗ lã dẫn đến phá sản và biến mất khỏi thị trường.
Trong thực tế, không bao giờ có chủ nghĩa tư bản thuần túy: đôi lúc ràng buộc ngân sách là “mềm”: đó là trường hợp của một số khu vực, như trong nông nghiệp từ lâu rồi hay như ngày nay trong khu vực ngân hàng. Tương tự như thế đối với việc phân bổ một số sản phẩm công cộng – y tế, giáo dục, v.v.. Trong các khu vực này, giá rất thấp do được trợ giá và ta quan sát được một số hội chứng điển hình của chủ nghĩa xã hội: thiếu hụt kinh niên, xếp hàng chờ đợi, chất lượng kém, người bán nhục mạ người mua, … Điều này không có nghĩa là phải áp đặt ràng buộc ngân sách cứng ở mọi nơi, nhưng nó cho phép soi sáng các lựa chọn.
Ta cũng có thể hiểu tốt hơn chủ nghĩa tư bản bằng cách xét cái đối nghịch nó là chủ nghĩa xã hội. Một ví dụ: thất nghiệp. Có thể nắm bắt tốt hơn bản chất của thất nghiệp khi nghiên cứu những tình thế thừa việc làm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Trong chủ nghĩa tư bản, thất nghiệp nằm ở ngoài đường, trước cửa các cơ quan đăng kí việc làm. Trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, thất nghiệp nằm trong nhà máy. Việc làm ở đó ổn định và hoàn toàn chắc chắn. Nhưng tình hình này dẫn đến việc nới lỏng thói quen lao động, thiếu tính kỉ luật và năng suất vô cùng thấp.
Năm 1984, trong tác phẩm Chủ nghĩa xã hội và kinh tế học về sự thiếu hụt, giáo sư đề xuất một cách tiếp cận rất kinh tế, thậm chí là duy kinh tế, về chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, giáo sư ưu tiên cho những cơ sở chính trị của chủ nghĩa xã hội. Phải chăng một “Kornai II” đã thế chỗ “Kornai I”?
Andrei Sakharov (1921-1989) |
Vaclav Havel (1936-2011) |
Cho dù suy tưởng lí thuyết của tôi có tiến hóa, và có thể tôi đã phạm sai lầm nhưng tôi tin một cách sâu sắc rằng bản thân mình không thay đổi. Chỉ môi trường làm việc của tôi và nhất là những điều kiện xuất bản các công trình của tôi đã thay đổi. Trước tiên tôi chưa bao giờ thuộc về nhóm các nhà kinh tế “mọi rợ” chỉ nhìn xã hội qua lăng kính của kinh tế hay qua vài công thức toán học. Trong các công trình của mình, tôi bao giờ cũng cầu viện đến lịch sử, xã hội học và khoa học chính trị. Tiếp đó, các trí thức trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, khi những phân tích của mình tách xa khỏi những luận điểm chính thống, buộc phải có một lựa chọn khó khăn. Hoặc họ chọn con đường của Sakharov hay của Havel, tức con đường của sự phi pháp, li khai và các ấn phẩm chui truyền tay nhau. Họ nói hết những gì mình nghĩ nhưng chỉ được một thiểu số nhỏ đọc hay nghe. Nhất là phải gánh chịu một nguy cơ lớn, nguy cơ tù đày, bị loại trừ hay buộc phải lưu vong.
Còn một con đường khác mà, như nhiều người khác, cá nhân tôi đã lựa chọn. Tôi muốn sống trên đất nước mình, muốn các công trình của mình được phổ biến ở Hungari và trong các nước cộng sản khác, tham gia vào các công trình của cộng đồng khoa học quốc tế trong chuyên ngành của mình. Bởi thế tôi đã thực hành tự kiểm duyệt bằng cách bỏ sót. Chưa bao giờ tôi viết những văn bản trái với tư tưởng của mình. Ngược lại, có một số chủ đề mà tôi không đề cập như đảng, sở hữu tư nhân hay quan hệ với Liên Xô cho dù tôi xem những chủ đề ấy là thiết yếu vì tôi biết rằng lúc bấy giờ tôi không thể viết những gì mình suy nghĩ.
Giáo sư có hối tiếc lựa chọn này không?
Hoàn toàn không. Ngược lại, tôi hoàn toàn đảm nhận lựa chọn này. Trong các công trình tôi công bố vào thời ấy và đã được phổ biến rộng rãi trong các nước xã hội chủ nghĩa, tôi cảnh báo là có những vấn đề mà tôi không đề cập, ví dụ như cấu trúc chính trị của chủ nghĩa xã hội. Bạn đọc đã biết đọc giữa các dòng chữ, họ biết có những chương còn bỏ sót. Họ hiểu rằng, dưới mắt tôi, hệ thống là không thể cải cách được và cần phải thay thế nó một cách triệt để.
Nhiều năm sau, tôi càng vô cùng yên tâm khi nghe một số độc giả của mình, một khi đã được tự do phát ngôn, thổ lộ rằng các sách của tôi đã giúp họ xét lại những đánh giá của bản thân và bác bỏ các học thuyết của tuyên truyền chính thống.
Mặt khác, tôi muốn yêu cầu các nhà trí thức Tây phương hãy có một hiểu biết tốt hơn và một sự đồng cảm lớn hơn đối với các đồng nghiệp của họ làm việc trong những chế độ độc tài.
Đối với các đồng nghiệp này, không có những lựa chọn tốt. Cả hai con đường có thể, sự phi pháp anh dũng cũng như sự tự kiểm duyệt tự nguyện, đều xấu cả. Tôi vô cùng giận khi đọc những đánh giá vô sỉ của một số chuyên gia Tây phương viết về Trung Quốc. Về đại thể, chẩn đoán của họ là như sau: “tỉ suất tăng trưởng đặc biệt cao nhưng quả thật là đi cùng với những vi phạm nhân quyền”. Đối với một nhà trí thức, giữ im lặng hay tự kiểm duyệt là cực kì khó và nhục nhã. Những ai đang hưởng quyền tự do ngôn luận không được quên rằng rất nhiều đồng nghiệp của họ vẫn còn bị tước đoạt quyền này.
***
Một nhà kinh tế châu Âu có khả năng được giải Nobel
Trong kinh tế học, châu Âu ít có tên tuổi nào nằm trong danh sách những tác giả “có khả năng được giải Nobel”, danh sách những nhà khoa học khả dĩ được Ủy ban uy tín ở Oslo vinh danh. Janos Kornai, nhà kinh tế Hungari, được xem là một trong số những nhà khoa học này. Sinh năm 1928 tại Budapest, nơi ông đã trải qua phần lớn sự nghiệp của mình, Kornai được thừa nhận vì những công trình của ông về hệ thống xã hội chủ nghĩa. Hiện là giám đốc nghiên cứu tại Institute for Advanced Studies của Collegium Budapest, ông đồng thời cũng là giáo sư kinh tế học từ mười hai năm nay tại Đại học Harvard (Massachusetts), Hoa Kì.
Được mời mô tả hành trình trí thức của mình, Janos Kornai không chối bỏ những công trình đầu của ông. Nhưng ông thừa nhận rằng ông đã tiến hóa và nhất là không phải bao giờ ông cũng có thể viết những gì ông thực sự nghĩ. Trong những năm 1950, ông được chú ý vì những công trình về sự tập trung hóa quá đáng trong việc quản lí các nền kinh tế kiểu xô-viết. Trong luận án tiến sĩ của ông được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh ngay từ 1959 (“Overcentralization in Economic Administration”), ông biện hộ cho việc đưa vào những cơ chế thị trường. Ông vẫn còn tin là hệ thống có thể cải thiện được. Như thế, một cách ngoài ý muốn, ông là một trong những người gợi cảm hứng cho những cuộc cải cách ở Hungary năm 1968, rồi sau đó cho những cuộc cải cách trong các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Léon Walras (1834-1910) |
Vào lúc những cuộc cải cách này được thực hiện, ông mất hết ảo tưởng. Từ chối gia nhập phong trào li khai, ông không bao giờ nhận trọng trách nào trong các cuộc cải cách trong những năm 1970 và 1980. Ông phát triển một phê phán lí thuyết cân bằng chung của Walras, thiết kế những mô hình kế hoạch hóa và quy hoạch hóa toán học và tập trung vào các lí thuyết tăng trưởng dài hạn.
Tuy nhiên, đóng góp được biết nhất của ông cho khoa học kinh tế là việc phân tích kinh tế xã hội chủ nghĩa như một nền kinh tế thiếu hụt. Trong tác phẩm được dịch và xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1984 (Chủ nghĩa xã hội và kinh tế học về sự thiếu hụt, nxb Economica, 587 trang), tương tự như thất nghiệp và việc không sử dụng hết các nguồn lực là hiện tượng trung tâm của các hệ thống tư bản chủ nghĩa, sự thiếu hụt biểu trưng cho phương thức điều tiết đặc biệt của hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Erik Izraelewicz (1954-2012) |
Kể từ 1990, Janos Kornai, được giải phóng về mặt phát ngôn, tích cực tham gia vào các cuộc tranh luận, lí thuyết và thực tiễn, về sự chuyển đổi từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa tư bản. Trong tác phẩm Hệ thống xã hội chủ nghĩa, kinh tế chính trị học của chủ nghĩa cộng sản (nxb PUG, 1996, 767 trang) [bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Quang A: Hệ thống xã hội chủ nghĩa: chính trị kinh tế học phê phán, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002 -ND] ông giải thích rằng từ nay sự chuyển đổi này là không thể đảo ngược. Nhưng như giáo sư Marie Lavigne nhấn mạnh trong lời giới thiệu bản dịch tiếng Pháp tác phẩm này, một trong những niềm tin vững chắc của ông là “các xã hội mới sẽ mất rất nhiều thời gian để thoát khỏi di sản xã hội chủ nghĩa”.
Erik Izraelewicz
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Janos Kornai, économiste hongrois, un “nobelisable” européen”, Le Monde, 2 tháng 7 năm 1996
Trang web của GS Kornai: http://www.kornai-janos.hu/KornaiJ-home-English.html
Có thể tham khảo: “Trung Quốc có là tấm gương của chúng ta”, boxitvn, 28.02.2015
Một số tác phẩm của Kornai do Nguyễn Quang A dịch và được xuất bản ở VN:
- Hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chính trị kinh tế học phê phán, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002
- Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, NXB Thông tin, Hà Nội, 2002
- Chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Phúc lợi, lựa chọn và đoàn kết trong chuyển đổi, cải cách khu vực y tế ở Đông Âu, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002
- Bằng sức mạnh tư duy, tiểu sử tự thuật đặc biệt, NXB Thanh Hóa, 2008
- Lịch sử với những bài học, NXB Tri thức, 2008
- Các ý tưởng về chủ nghĩa tư bản, NXB Thời Đại, 2012