1.10.21

Liệu có thể thực sự điều tiết GAFAM không?


LIỆU CÓ THỂ THỰC SỰ ĐIỀU TIẾT GAFAM KHÔNG?

Pierre-Jean Benghozi

Sau khi phát triển như là một nguồn lực chung, Internet đã dần dần khép lại xoay quanh một số nền tảng cấu trúc lớn, cấu thành bấy nhiêu điểm vào bắt buộc, các điểm này kiểm soát cách thức mà người sử dụng truy cập vào các dịch vụ trực tuyến và chia sẻ nội dung.

Việc thiếu khả năng điều tiết hiệu quả các hiệu ứng của sự thống trị này đã khiến Ủy ban châu Âu đề xuất một Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) nhằm bổ sung hộp công cụ của các cơ quan điều tiết. Đạo luật cho phép các cơ quan điều tiết can thiệp vào các gã khổng lồ kỹ thuật số theo hướng phòng ngừa, thay vì tìm cách sửa chữa tình huống một cách hậu nghiệm như hiện nay. Khung quy định mới này, được gọi là tiên nghiệm, có thể được hoàn thành vào năm 2022 trong nhiệm kỳ mà Pháp làm chủ tịch Liên minh Châu Âu.

Nhà nước các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc điều tiết các nền tảng này (GAFA của Mỹ và BATX của Trung Quốc) vì công nghệ kỹ thuật số đang xô đẩy các nguyên lý kinh tế đang là kim chỉ nam hướng dẫn các cơ quan điều tiết ngày nay. Thật vậy, các nguyên lý đó được xây dựng dựa trên mô hình các công nghiệp chế biến, trong đó việc tạo ra thu nhập tương xứng với khả năng sản xuất một sản phẩm và được tổ chức theo giá cả. Ngoài ra, quy định nhất thiết tất yếu được lồng trong thời gian dài của luật pháp, dựa trên các nguyên tắc ổn định và tương đối không thể thay đổi. Tuy thế, các ngành công nghiệp kỹ thuật số vẫn thoát khỏi sơ đồ này. Trước hết đó là những ngành có chi phí cố định cao và khó thu hồi (cơ sở hạ tầng, thu thập dữ liệu, nghiên cứu và phát triển [R&D], v.v.), nhưng được hưởng lợi từ các hiệu ứng mạng. Đó còn là những ngành dịch vụ với chi phí biến đổi cực thấp, cho phép họ phát triển rất nhanh, khi thì dựa vào thị trường các nhà cung ứng, khi thì dựa vào thị trường người sử dụng.

Hệ quả là rất đa dạng. Nền kinh tế kỹ thuật số tạo điều kiện cho nền kinh tế theo quy mô, thông qua cái được gọi là các ngoại tác của mạng. Các ngành dịch vụ càng có nhiều người dùng, thì càng hấp dẫn đối với người sử dụng, cũng như đối với các nhà quảng cáo và nhà cung ứng. Do đó, các nền tảng đã lợi dụng khả năng phát triển của các ngành dịch vụ (các hoạt động đổi mới nội bộ hoặc thâu tóm bên ngoài) để làm phong phú thêm các ứng dụng, tạo điều kiện dễ tiếp cận hơn (đặc biệt thông qua quyền truy cập miễn phí), củng cố nền tảng và trở thành gần như độc quyền trên thị trường. Người sử dụng và các nhà cung ứng bị ràng buộc vào đó, bởi họ đã bị giam trong hệ sinh thái của các ngành dịch vụ, do chi phí thay đổi tăng cao.

Tính mới của công nghệ kỹ thuật số cũng nằm ở tính linh động to lớn của các mô hình kinh doanh, vốn dẫn đến việc thường xuyên xác định lại ranh giới các ngành nghề. Nó cho phép các công ty hành động một cách rất nhanh, không so sánh được với tính thời gian của luật pháp và các cơ quan điều tiết. Điều này đặt ra những thách thức đối với các quy tắc cạnh tranh cổ điển, vốn dựa trên việc định nghĩa những thị trường phù hợp đã được xác định. Tuy thế, ai có thể nói thị trường xác đáng của Google là thị trường các công cụ tìm kiếm?

Đối mặt với tình trạng này, Nhà nước các quốc gia cho đến nay vẫn tỏ ra miễn cưỡng khi thực thi các biện pháp điều tiết quyết liệt. Sau khi công khai hoá những mệnh lệnh đầu tiên hoặc các khoản phạt nhỏ, thì các biện pháp trừng phạt tài chính ngày càng trở nên nghiêm khắc hơn, nhưng luôn quá muộn và không quá nặng đối với khả năng vốn hóa của các gã khổng lồ [kỹ thuật số] mới. Thậm chí, người ta còn đề cập đến việc dùng vũ khí hạt nhân của sự triệt phá các gã khổng lồ [kỹ thuật số] trước những giới hạn của các biện pháp hiện hành, vốn không có khả năng thay đổi nhiều các hình thái thống trị hiện tại. Tùy chọn đó nằm trong hộp công cụ của các cơ quan điều tiết: năng lượng (1911), điện ảnh (thời hậu chiến) hoặc viễn thông (1995) đã từng trải qua sự chia tách chức năng như thế. Nhưng ngày nay, còn rất lâu mới có thể có việc triển khai cụ thể một kế hoạch triệt phá như thế, và chính trong bối cảnh đó, mà sáng kiến ​​DMA mới phát huy hết tầm quan trọng của nó.

Thực vậy, Liên minh châu Âu, giống như Hoa Kỳ, đều hưởng lợi từ hiệu ứng nền kinh tế theo quy mô, cho phép Liên minh hành động khi đối mặt với các nền tảng này, vốn vẫn là một thế lực bá chủ. Các cơ quan điều tiết đã không đứng im và DMA phản ánh mối quan tâm đổi mới các nguyên tắc hành động và phân tích, phạm vi can thiệp (thử nghĩ đến tính trung lập của các nền tảng và thiết bị đầu cuối) và các phương thức can thiệp (khả năng tự quyết ở thượng nguồn của vấn đề, điều tiết “bằng dữ liệu và quảng cáo thông tin thị trường”) của họ.

Jonathan Zittrain

Như vậy, ngày nay Internet đang ở ngã ba đường. Như Jonathan Zittrain đã chỉ ra vào năm 2008 trong cuốn The Future of the Internet [Tương lai của Internet], thế giới phát triển đồng thời trên hai quỹ đạo trái ngược nhau. Thứ nhất là quỹ đạo các ngành công nghệ mở, tạo điều kiện cho việc xuất hiện mọi hình thái sử dụng sáng tạo. Tương lai đó mở rộng khả năng vốn có của tin học và Internet để kích thích khả năng thích ứng của các nền tảng một cách tự do, nhằm thiết kế những ứng dụng cho mọi đối tượng người sử dụng. Dần dần đối lập với con đường này và bị áp đặt là con đường các cơ chế có chủ và đóng, tiến hành một sự kiểm soát cao việc sử dụng: nó dẫn đến việc người tiêu dùng mất kiểm soát đối với các ứng dụng, dữ liệu hoặc dịch vụ, chúng có thể thay đổi hoặc biến mất một sớm một chiều. Do đó, việc các cửa hàng ứng dụng hoạt động thành công là nhờ vào khả năng tạo điều kiện cho sự đổi mới, nhưng bằng cách siết lại [khả năng đổi mới đó] trong một khuôn khổ có giới hạn và có kiểm soát.

Thách thức còn lâu mới mang tính một chiều, đặc biệt đối với các cơ quan điều tiết. Về thực chất, các cơ chế đóng không hẳn là xấu, bởi ngay cả khi đóng, đối với người dùng, chúng cũng tượng trưng cho một nguồn sử dụng an toàn, đáng tin cũng như dễ sử dụng. Bởi vì bi kịch của các hệ thống mở là chúng kích thích tất cả các lĩnh vực đổi mới ... kể cả những điều tồi tệ nhất.

Tính đa dạng của các định chế và các tác nhân điều tiết cũng cản trở hiệu quả hành động của họ. Ở giai đoạn này, DMA cũng mở ra khả năng xem xét lại vào chi tiết mọi việc, bằng cách cân nhắc thành lập một cơ quan điều tiết kỹ thuật số toàn cầu. Vì thế, các sáng kiến ​​gần đây của Ủy ban châu Âu cũng nhằm làm sáng tỏ đường chân trời đó.

Nhưng chỉ điều tiết không là chưa đủ. Sự thống trị của các nền tảng còn hơn thế trong tất cả những lĩnh vực mà chúng tận dụng việc thiếu khả năng số hóa và tương tác trực tuyến của các công ty. Trong khi Amazon đã đe dọa các hiệu sách từ 20 năm qua, thì đáng tiếc là phải chờ đến khi đại dịch xảy ra, các hiệu sách đó mới chủ động đưa ra được những hành động tập thể hiệu quả.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng mức độ đổi mới và linh hoạt cao trong các ngành dịch vụ cũng là nguồn gốc của sự mong manh tiềm ẩn đối với các nền tảng. Lịch sử ngắn ngủi của Internet đã cho thấy ngay cả AltaVista, AOL, Blackberry, Myspace, Netscape, Yahoo… khi còn quyền lực và có vẻ như không thể cưỡng lại, thì vị thế của họ trong thế giới kỹ thuật số cũng có thể trải qua những cú đảo ngược đáng kinh ngạc.

Pierre-Jean Benghozi

Tác giả

Pierre-Jean Benghozi

Giám đốc Nghiên cứu của trung tâm CNRS tại I³-CRG[*] và giáo sư về kinh tế học kỹ thuật số tại trường Ecole Polytechnique (Paris IP) và Đại học Geneva.

Pierre-Jean Benghozi là chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế học kỹ thuật số. Từ năm 2013 đến năm 2019, ông cộng tác tại trường Cao đẳng thuộc Cơ quan điều tiết ngành bưu chính viễn thông của Pháp (Arcep). Ông hiện là chủ nhiệm một nhóm đánh giá kế hoạch France Très Haut Débit [Kế hoạch tiếp cận nhanh các ứng dụng Internet di động – ND].

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Peut-on vraiment réguler les GAFAM?, Polytechnique Insights, ngày 08/03/2021.




Chú thích:

[*] I³-CRG: một đơn vị nghiên cứu hỗn hợp giữa CNRS, École polytechnique - Institut Polytechnique de Paris, Télécom Paris, Mines ParisTech

Print Friendly and PDF