3.10.21

Cảm xúc là một phần quan trọng trong cách bạn đánh giá rủi ro - và tại sao rất khó để khách quan trước các biện pháp phòng ngừa đại dịch

 

CẢM XÚC LÀ MỘT PHẦN QUAN TRỌNG TRONG CÁCH BẠN ĐÁNH GIÁ RỦI RO - VÀ TẠI SAO RẤT KHÓ ĐỂ KHÁCH QUAN TRƯỚC CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA ĐẠI DỊCH

Tác giả: Sheldon H. Jacobson

Mọi người có thể khó nhìn thẳng vào mắt nhau khi họ không nhìn nhận rủi ro theo cùng một cách. Ảnh: Ringo Chiu / AFP via Getty Images

Mọi người có xu hướng đánh giá quá cao hoặc quá thấp rủi ro. Đại dịch khiến sự tương phản này càng nổi bật. Hãy hình dung ai đó đeo khẩu trang N95 khi dắt chó đi dạo qua một công viên vắng vẻ. Hãy đối chiếu hình ảnh ấy với việc ai đó bước vào quán bar đông đúc mà không đeo khẩu trang ở một khu vực có tốc độ lây truyền virus corona cao.

Rủi ro là một hàm của các yếu tố logic và vật lý, cả định tính và định lượng. Một máy tính có thể kết hợp tất cả chúng thành một thước đo để nắm bắt khả năng xảy ra, lợi ích và chi phí của một sự kiện.

Nhưng mọi người thường đánh giá rủi ro một cách cảm tính. Xu hướng này giải thích tại sao nhiều người coi việc đi máy bay là rủi ro hơn lái xe, mặc dù điều ngược lại mới là đúng.

Điều mà mọi người thường nhầm lẫn với rủi ro là sự thiếu kiểm soát. Đó là một lý do khiến nhiều người lo ngại về các phương tiện không người lái, khi các thuật toán trí tuệ nhân tạo điều khiển việc lái và hãm phanh.

Mọi người chấp nhận rủi ro khi họ cân nhắc một cách thuận lợi lợi ích cảm nhận được hoặc lợi ích tiềm năng so với chi phí liên quan. Sự đánh đổi đó giải thích tại sao mọi người đặt cược ở các trò chơi sòng bạc và xổ số, mặc dù lợi nhuận kỳ vọng của họ là âm.

Là một nhà khoa học dữ liệu chuyên về việc ra quyết định dựa trên dữ liệu trong điều kiện bất trắc, tôi đã và đang theo dõi cách mọi người phản ứng với rủi ro do virus corona kể từ khi bắt đầu đại dịch. Ví dụ, việc đồng ý chủng ngừa liên quan đến nhiều yếu tố - cá nhân và cộng đồng - phải được cân nhắc để đưa ra quyết định. Đối với một số người, quyết định này là rõ ràng. Đối với những người khác, nó còn mơ hồ.

Trọng tâm của tất cả các quyết định như vậy là cách bạn với tư cách là một cá nhân đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định dựa trên đánh giá của bạn. Các quan điểm khác nhau dẫn đến các cách đánh giá rủi ro khác nhau là gì? Xây dựng cầu nối giữa các quan điểm như vậy là rất quan trọng để đạt được một thỏa hiệp xã hội lành mạnh.

Khi ra quyết định, một phần dân số tập trung vào mối đe dọa từ virus corona. Ảnh: Erin Clark / The Boston Globe via Getty Images

Một đại dịch, nhiều quan điểm khác nhau

Có hai quan điểm phổ biến về COVID-19; hãy gọi đó là những người cởi mở và những người hoài nghi. Có một loạt các niềm tin đối lập nhau về rủi ro đối với virus và vắc xin tách biệt hai nhóm này.

Nhìn chung, phe có tinh thần cởi mở nhìn nhận đại dịch một cách khoa học. Nói một cách tổng quát, họ có nhiều cảm xúc mạnh khi xem xét tác động của đại dịch và con đường phía trước, coi nó như một cuộc khủng hoảng lớn về y tế công cộng. Họ biết rằng nhiều người đã tử vong ở Hoa Kỳ và họ ủng hộ các ứng phó của xã hội đã được thực hiện cho đến nay - các hành động như ngồi nhà đặt hàng, đóng cửa trường học và đóng cửa quán ăn trong nhà. Họ coi biến thể delta là mối đe dọa mới xuất hiện gần đây nhất. Họ chấp nhận giá trị của việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng và cảm thấy mọi người nên được tiêm chủng.

Ngược lại, phe hoài nghi nhìn chung cho rằng virus này có cùng mức độ đáng lo ngại với bệnh cúm theo mùa hoặc cảm lạnh thông thường. Họ thừa nhận rằng nhiều người đã chết, nhưng tin rằng những người này có thể đã gặp các vấn đề sức khỏe khác, vì vậy virus chỉ đẩy nhanh cái chết của họ. Họ chất vấn về lợi ích của các ứng phó xã hội đã được thực hiện cho đến nay. Nhiều người tin rằng lần lây nhiễm trước đó sẽ bảo vệ họ chống lại biến thể delta và việc đeo khẩu trang không có tác dụng ngăn chặn sự lây lan của virus. Họ cảnh giác với các loại vắc xin - ngoại trừ có thể đối với những người thực sự cần nó, như người già – họ thích được miễn dịch tự nhiên như cách bảo vệ tốt nhất của họ.

Cả hai quan điểm đều chứa đựng sự kết hợp của những quan sát có giá trị, niềm tin sai lầm và thông tin lệch lạc.

Quan điểm cởi mở phản ánh sự chán ghét rủi ro. Những người trong nhóm này đánh giá quá cao nguy cơ của virus ở cấp độ cá nhân. Do đó, họ coi các tình huống xấu nhất như kết quả dự đoán. Đối với nhóm này, lợi ích của các ứng phó lớn hơn chi phí của họ.

Còn quan điểm hoài nghi phản ánh khả năng chấp nhận rủi ro cao. Hành động của họ cho thấy rằng họ đánh giá thấp nguy cơ của virus ở cấp độ người dân. Do đó, họ coi các tình huống tốt nhất như kết quả dự đoán. Nhóm này tin rằng lợi ích của các ứng phó trong quá khứ không bảo đảm cho chi phí của họ.

Tìm một thỏa hiệp về rủi ro

Sự thật nằm giữa hai cảm nhận trên, và khi rủi ro có thể đánh giá được. Vậy sự thật nằm giữa hai cảm nhận trên này là gì?

Với rất nhiều yếu tố đến thế góp phần vào mối quan hệ giữa lợi ích vắc xin và chi phí, việc đưa ra quyết định sáng suốt đòi hỏi phải đánh giá rủi ro, mà trong trường hợp tốt nhất là thách thức và trong trường hợp tệ nhất chỉ đơn giản là không thể cưỡng được. Điều này thúc đẩy mọi người đơn giản hóa quy trình ra quyết định, rút gọn thành một yếu tố duy nhất, thu hẹp một cách hiệu quả việc đánh giá rủi ro của họ.

Một bộ phận khác của người dân coi các hướng dẫn y tế công cộng là sự vượt quá giới hạn của chính phủ. Ảnh: David McNew / Getty Images News via Getty Images

Lĩnh vực phân tích việc ra quyết định được tạo ra để thông tin về các quá trình phức tạp như vậy. Nó cung cấp một bộ công cụ để cân nhắc một cách có hệ thống nhiều tiêu chí khi ra quyết định.

Ngay cả với tất cả các dữ liệu có sẵn, cả hai phe có tinh thần cởi mở và hoài nghi đều dựa trên cảm tính để đánh giá rủi ro. Những người có tinh thần cởi mở sợ hãi về tác động của virus đối với bản thân và người dân và sẵn sàng chấp nhận các biện pháp can thiệp do các quan chức y tế công cộng khuyến nghị để cải thiện bất kỳ kết quả nào như vậy. Kết quả cuối cùng là các hành vi giúp làm giảm, nhưng không làm ngừng hẳn, sự lây lan của virus.

Những người hoài nghi không tin tưởng vào các biện pháp can thiệp do các cơ quan chính phủ thực hiện như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, họ tin rằng các biện pháp này là không cần thiết và đe dọa sinh kế, hạnh phúc cá nhân và sự lựa chọn cá nhân. Kết quả cuối cùng là những hành vi không giúp làm giảm sự lây lan của virus, vì họ tin rằng sự cần thiết phải ngăn chặn nó là phóng đại.

Những người có có tinh thần cởi mở và những người hoài nghi về virus đã không thể tìm thấy nhiều điểm chung. Xung đột tương tự cũng tồn tại xung quanh các giải pháp chống biến đổi khí hậu và các chính sách chính trị khác ở Hoa Kỳ liên quan đến những vấn đề như tăng trưởng kinh tếtạo việc làm.

Vượt qua những chia rẽ triết học đòi hỏi mỗi phe phải cảm thấy an toàn ở vị trí của mìnhđược tạo cơ hội để được lắng nghe. Sử dụng dữ liệu và dữ kiện để xây dựng sự đồng thuận có thể có hiệu quả. Với nhiều tiêu chí có trọng số khác nhau theo từng phe, mọi người đều có thể là nhà phân tích việc ra quyết định để giúp đạt được điểm chung cho sự thỏa hiệp.

Các bước như thế này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa các cách khác nhau để ứng phó với virus corona - và thậm chí có thể giúp chấm dứt tình trạng hỗn loạn xã hội bùng phát để đối phó với đại dịch. Tuy nhiên, thật khó có thể tưởng tượng được người Mỹ bỏ cảm xúc sang một bên để bình thản tính toán chi phí và lợi ích xung quanh việc tiêm chủng, đeo khẩu trang và tất cả các can thiệp y tế công cộng khác.

Sheldon H. Jacobson

Đó là con đường tiến lên phía trước - chìa khóa để kết thúc đại dịch là khiến cả hai phe cùng nhau bước đi.

Vài nét về tác giả

Sheldon H. Jacobson là Giáo sư Khoa học Máy tính, Đại học Illinois tại Urbana-Champaign. Ông nhận được tài trợ từ Air Force Office of Scientific Research (Văn phòng Nghiên cứu Khoa học Không quân). Tác phẩm của ông là: Optimal Real-time Decision-making in an Uncertain World (Việc ra quyết định theo thời gian thực tối ưu trong một thế giới bất trắc).


Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn:Emotion is a big part of how you assess risk - and why it’s so hard to be objective about pandemic precautions”, The Conversation, 12.8.2021.

Print Friendly and PDF