21.10.21

Các học giả nhận giải Nobel kinh tế 2021 đã chỉ cho những nhà kinh tế cách biến thế giới thực thành phòng thí nghiệm của họ

CÁC HỌC GIẢ NHẬN GIẢI NOBEL KINH TẾ 2021 ĐÃ CHỈ CHO NHỮNG NHÀ KINH TẾ CÁCH BIẾN THẾ GIỚI THỰC THÀNH PHÒNG THÍ NGHIỆM CỦA HỌ

Tác giả: David A. Jaeger

Việc ủy ​​ban Nobel trao gii thưởng kinh tế hc năm 2021 cho David Card, Josh Angrist và Guido Imbens đánh dấu đỉnh cao của cuộc cách mạng về cách các nhà kinh tế tiếp cận thế giới từ hơn 30 năm trước. Cho tới những năm 1980, các cuộc thử nghiệm không phổ biến trong kinh tế học. Hầu hết các nhà kinh tế làm việc trong lĩnh vực kinh tế học ứng dụng đều dựa trên dữ liệu từ các cuộc khảo sát (như điều tra dân số) hoặc từ các nguồn hành chính (như an sinh xã hội).

Vào khoảng cuối những năm 1980, các nhà kinh tế học lao động nói riêng bắt đầu suy ngẫm sâu sắc về cách ước lượng tốt hơn tác động của các hiện tượng như nhập cư hoặc lương tối thiểu. Tương tự như cách thức mà, ví dụ, các công ty dược phẩm kiểm nghiệm một loại thuốc mới, các nhà kinh tế này muốn làm theo cách thức để sàng lọc những biến khác, có thể gây ra các tác động tương tự. Cùng với đó là việc tập trung mới vào dữ liệu và đo lường các cá nhân và hành vi của họ.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Card (1983) và Angrist (1989) đều hoàn thành chương trình Tiến sĩ ở đại học Princeton. Cả hai đều được Orley Ashenfelter làm cố vấn luận án tiến sĩ của họ, và Ashenfelter xứng đáng được tín nhiệm đáng kể cùng với Card vì đã thúc đẩy kinh tế học lao động và kinh tế học thực nghiệm theo hướng bắt chước các ngành khoa học truyền thống.

Các nhà kinh tế biết rằng có một vấn đề khi cố gắng tìm hiểu mối quan hệ chính xác giữa hai biến kinh tế – chẳng hạn như giáo dục và tiền lương. Chỉ bởi vì, trung bình, những người có trình độ học vấn cao hơn cũng kiếm được mức lương cao hơn thì không có nghĩa việc có được mức lương cao hơn là do học vấn cao hơn. Các nhân tố khác, chẳng hạn như một nền tảng gia đình ưu đãi hoặc khả năng bẩm sinh cao hơn, cũng có thể liên quan tới cả trình độ học vấn cao hơn lẫn mức lương cao hơn.

Trong một cuộc kiểm nghiệm dược phẩm, bạn có thể tách tác động của thuốc so với các tác động tiềm ẩn khác thông qua một cuộc thử nghiệm được ngẫu nhiên hóa: bạn chia những người tham gia thử nghiệm thành hai nhóm ngẫu nhiên, một nhóm thì đưa thuốc còn nhóm kia thì đưa giả dược, nhưng không nói cho bất cứ ai biết liệu họ có đang dùng thuốc thật hay không.

David Card và phòng thí nghiệm trong thế giới thực

Ashenfelter và Card đã nhìn thấy tiềm năng làm điều gì đó tương tự trong kinh tế học bằng cách sử dụng “các cuộc thử nghiệm tự nhiên”, là những hiện tượng kinh tế trong đời thực chỉ xảy đến đối với một số người. Bằng cách so sánh hai nhóm người mà ở đó chỉ có họ trải qua cùng một hiện tượng – một cách ngẫu nhiên – thì các nhà nghiên cứu sẽ có được một bức tranh rõ ràng hơn về nguyên nhân và kết quả.

Hai trong số những bài nghiên cứu có sức ảnh hưởng nhất của David Card đã sử dụng các cuộc thử nghiệm tự nhiên để tìm ra kết quả tuyệt vời. Trong nghiên cứu đầu tiên công bố vào năm 1990, ông đã xem xét hơn 120.000 người di cư rời cảng Mariel ở Cuba trong một giai đoạn vào năm 1980 đã ảnh hưởng như thế nào lên thị trường lao động ở Miami.

Một so sánh đơn giản “trước và sau” về tiền lương và tỷ lệ thất nghiệp ở Miami có thể bỏ qua thực tế rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang bùng nổ vào năm 1979 và rơi rớt vào năm 1981 vì những lý do chẳng liên quan gì tới những người di cư này. Câu trả lời của Card liên quan đến việc phân tích sự thay đổi trung bình của tiền lương và tỷ lệ thất nghiệp giữa cuối những năm 1970 và 1980 ở Atlanta, Houston, Los Angeles và Tampa-St Petersburg.

Những học giả nhận giải Nobel kinh tế David Card, Josh Angrist và Guido Imbens. Ủy ban Nobel

Điều này cung cấp cái gọi là “kết quả phản sự kiện” [counterfactual outcome] – nghĩa là điều gì sẽ xảy ra ở Miami khi không có dòng người nhập cư tràn vào. Bằng cách trừ đi sự thay đổi này ra khỏi sự thay đổi trong những kết quả của thị trường lao động ở Miami, Card đã có thể (được cho là) ​​tính toán tác động ca dòng người nhp cư lên tin lương và t l tht nghip trong thành ph.

Card nhận thấy, một cách đáng chú ý, rằng dòng chảy này hầu như không tác động lên tiền lương của những người vốn không phải là người Cuba có tay nghề thấp ở Miami, và cũng không làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở những người da đen hay ở những người không phải là người Cuba. Kết quả này đã gây tranh cãi từ 31 năm trước, và đến giờ vẫn còn, nhưng cách tiếp cận của Card vẫn có sức ảnh hưởng lớn.

Alan Krueger (1960-2019)

Bài nghiên cứu quan trọng thứ hai của Card là sự hợp tác với Alan Krueger, người đồng nghiệp quá cố của Card và Ashenfelter ở đại học Princeton, người đã chết một cách bi thảm ở tuổi 58 vào năm 2019. Công trình năm 1993 này đã xem xét tác động của lương tối thiểu lên việc làm, kiểm nghiệm ý tưởng từ lý thuyết kinh tế chuẩn rằng việc áp đặt một mức lương tối thiểu nhìn chung phải nảy sinh ra một tác động tiêu cực lên tỷ lệ việc làm.

Nhận thức được rằng New Jersey sẽ tăng lương tối thiểu từ 4,25 lên 5,05 đô la Mỹ một giờ vào ngày 1 tháng 4 năm 1992, họ đã thu thập dữ liệu từ các nhà hàng thức ăn nhanh ở bang New Jersey – và như một phản sự kiện là ở bang Pennsylvania – trước và sau khi có sự thay đổi về mức lương tối thiểu ở bang New Jersey. Điều này cho thấy tỷ lệ việc làm thực sự tăng lên trong các nhà hàng thức ăn nhanh ở bang New Jersey so với bang Pennsylvania – nó có nghĩa là việc tăng lương tối thiểu sẽ khiến tỷ lệ việc làm tăng lên.

Josh Angrist và việc đến trường

Joshua Angrist (1960-)

Josh Angrist là một sản phẩm khác của môi trường màu mỡ tại khoa quan hệ lao động ở đại học Princeton của những năm 1980. Giải Nobel trích dẫn công trình của Angrist trong kinh trắc học [econometrics] – ứng dụng các phương pháp thống kê để giải thích các hiện tượng kinh tế – mặc dù công trình của ông ấy về kinh tế học giáo dục cũng quan trọng không kém. Một trong những đóng góp có sức ảnh hưởng nhất của Angrist là bài nghiên cứu năm 1991 cùng với Alan Krueger, chúng ta sẽ chẳng nghi ngờ gì việc ông nhận chung giải thưởng này nếu vẫn còn sống.

Để cố gắng làm sáng tỏ tác động của việc đến trường lên thu nhập, Angrist và Krueger cần phải loại bỏ các nhân tố khác như khả năng bẩm sinh của một cá nhân hoặc nền tảng gia đình của họ. Những nhân tố này có thể có mối tương quan với cấp học của học sinh nhưng lại không có sẵn dữ liệu để kiểm tra được.

Josh Angrist đã mang tới những hiểu biết thấu đáo mới mẻ về chính sách giáo dục. Syda Productions

Thay vào đó, Angrist và Krueger biết luật Hoa Kỳ quy định rằng học sinh phải bắt đầu đi học vào năm khi bước sang tuổi thứ 6 và có thể bỏ học ngay khi lên 16 tuổi. Điều này có nghĩa là một học sinh chào đời vào ngày 31 tháng 12 [năm này] sẽ học một năm học lâu hơn so với một người chào đời vào ngày 1 tháng 1 [năm sau đó], chẳng hạn.

Angrist và Krueger sau đó sử dụng các cá nhân sinh ra trong cùng một năm để dự đoán họ sẽ thu được những gì từ thời gian đến trường. Bởi vì khi bạn sinh cùng năm được cho là không liên quan tới nền tảng gia đình hoặc khả năng bẩm sinh của bạn, thì điều này cho phép họ loại bỏ sự ảnh hưởng của những nhân tố này trong quá trình phân tích.

Những gì họ nhận thấy khi xem xét một nhóm thuần tập [cohort] lớn cũng đáng ngạc nhiên như công trình của Card và Krueger – họ ước lượng rằng tác động của việc đến trường lên thu nhập thực sự lớn hơn so với các ước lượng trước đây được tiến hành theo các phương pháp thông thường. Vẫn còn một vài tranh luận về việc liệu những kết quả này có hoàn toàn đáng tin cậy hay không, song chẳng thể phủ nhận bài nghiên cứu của Angrist và Krueger đã đặt ra tiêu chuẩn cho kiểu phân tích này.

Guido Imbens và phương pháp luận

Guido Imbens, người đã làm tiến sĩ ở đại học Brown (1991), đã cải tiến các công cụ mà giới học thuật sử dụng để ước lượng các tác động nhân quả – hoặc để biết khi nào có những hạn chế trong cách họ có thể diễn giải các kết quả của họ. Điều này có ảnh hưởng rất lớn lên việc định hình cách chúng ta đánh giá các lựa chọn chính sách.

Donald Rubin (1943-)
Guido W. Imbens (1963-)

Bài nghiên cứu có sức ảnh hưởng nhất của Imbens, từ năm 1996, là đồng tác giả với Angrist và Donald Rubin, một nhà thống kê ở đại học Harvard, người cũng có thể dễ dàng chia sẻ giải Nobel này. Bài nghiên cứu này đưa ra một khuôn khổ giúp chúng ta đánh giá các chính sách khi một vài cá nhân từ chối một sự can thiệp còn một số khác luôn chấp nhận – chẳng hạn, tác động của chương trình đào tạo việc làm lên tiền lương.

Trong một bài nghiên cứu khác có sức ảnh hưởng vô cùng lớn, Angrist và Imbens xác định chính xác phạm vi hiệu lực của những ước lượng nhân quả. Thí dụ, các kết quả của Angrist và Krueger về việc đến trường chỉ phù hợp với những người bị buộc phải ở lại trường học cho tới năm 16 tuổi nhưng họ có thể nghỉ học sớm hơn nếu họ muốn thế – và điều này thực sự có thể giải thích lý do tại sao những kết quả này lại khác biệt với các ước lượng trước đó.

Đối với Card, Angrist và Imbens, “cuộc cách mạng tín nhiệm” trong kinh tế học là cung cấp những ước lượng, có thể biện hộ được, về các tác động nhân quả – ngay cả khi những ước lượng đó trái ngược với lý thuyết kinh tế thông thường. Về cơ bản, họ tin rằng dữ liệu từ “thế giới thực” sẽ tiết lộ sự thật, và họ cũng đã phát triển các phương pháp để chúng ta nhìn thấy được sự thật đó.

David A. Jaeger (1964-)

THÔNG TIN TÁC GI

David A. Jaeger

Giáo sư Kinh tế học, Đại học St Andrews

Tuyên bố công khai

David A. Jaeger không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất cứ công ty hay tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài báo này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Nguyễn Bích Ngọc dịch

Nguồn: Nobel economics prize winners showed economists how to turn the real world into their laboratory, The Conversation, Oct 12, 2021.

Print Friendly and PDF