16.10.21

Nâng lương tối thiểu gây ra thiệt hại gì?

Tóm tắt các bài học trên trường lớp | Ấn bản ngày 15 tháng 8 năm 2020

NÂNG LƯƠNG TỐI THIỂU GÂY RA THIỆT HẠI GÌ?

Ba thập kỷ nghiên cứu đã dẫn tới một sự suy xét lại

The Economist

Trong suốt một khoảng thời gian dài, các nhà kinh tế — mà thu nhập trung vị, theo khảo sát của Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ (AEA), là 104.000 đô la một năm — coi lương tối thiểu là có hại. Một cuộc khảo sát của các thành viên AEA vào năm 1992 cho thấy 79% số người được hỏi đồng ý rằng mức lương tối thiểu làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ở những người lao động trẻ tuổi và có tay nghề thấp. Trong một giới khó kiểm soát, điều đó gần với một quan điểm đồng thuận nhất có thể được tìm thấy. Mặc dù nhiều nhà kinh tế thừa nhận rằng lương thấp đích thị có thể là một vấn đề thực sự, song họ lập luận rằng sẽ tai hại hơn khi không trả đồng lương nào.

Jimmy Carter (1924-)
Richard Nixon (1913-1994)

Họ không phải là những người duy nhất nghĩ như vậy. Lập luận tương tự đã được các chính trị gia Đảng Cộng hòa sử dụng. Vào năm 1968, mức lương tối thiểu liên bang của Mỹ đứng ở mức cao nhất kể từ lần đầu tiên được áp dụng vào năm 1938. Trong hai thập kỷ sau đó, tính trên thực tế, nó đã giảm 44%. Mặc dù Jimmy Carter đã tăng lương trong 4 năm ông làm tổng thống, để bắt kịp lạm phát, Richard Nixon chỉ tăng lương hai lần trong 6 năm, còn Ronald Reagan không tăng lần nào trong 8 năm. Một số chính trị gia của bang và địa phương, chủ yếu là các đảng viên Đảng Dân chủ, đã cố gắng bù đắp sự sụt giảm bằng cách tăng lương tối thiểu của người lao động, tạo ra sự chắp vá ở các cấp độ khác nhau. Những chênh lệch do việc này gây ra cho phép những nghiên cứu thường nghiệm chi tiết về các tác động của các chính sách và cung cấp phương pháp nhờ đó sự đồng thuận của các nhà kinh tế sẽ bị xói mòn.

Điều này không chỉ cho thấy niềm tin thông thường về tiền lương tối thiểu bị thách thức ở Mỹ; nó cũng đã chứng kiến ​​nhng chính sách v mc lương ti thiu được lan truyn nhng khu vc khác. Vương quc Anh đưa ra mt mức lương tối thiểu toàn quốc vào năm 1998 và đã tăng mức lương này trong những năm gần đây. Mức lương tối thiểu ở Đức có hiệu lực vào năm 2015. Khoảng 90% các quốc gia có một số mức sàn lương hợp pháp, mặc dù trong thực tiễn, các quốc gia này thực thi rất khác nhau. Các nhà kinh tế giờ có rất nhiều dữ liệu để hiểu các mức lương tối thiểu tác động như thế nào lên nền kinh tế trong thực tiễn và, trong bối cảnh ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ, Joe Biden, hứa hẹn sẽ tăng mức lương tối thiểu liên bang của Mỹ lên 15 đô la sau khi đắc cử, tranh luận về việc có thể đẩy các mức lương tối thiểu lên cao tới mức nào.

Mối lo ngại về việc tiền lương tối thiểu phá hủy công ăn việc làm xuất phát từ điều cơ bản nhất của các mô hình kinh tế: cung và cầu. Nếu nhân công đắt đỏ hơn, thì người sử dụng lao động có thể sẽ ít muốn thuê người lao động hơn. Các sách giáo khoa khẳng định rằng, trong trường hợp không có mức lương tối thiểu, một người lao động được trả theo “sản phẩm lao động cận biên” của mình, có nghĩa là giá trị của những gì mà anh ta sản xuất ra. Không có trường hợp mức lương này chệch theo cả hai hướng tăng hay giảm. Nếu như công ty sử dụng lao động cố gắng trả lương cho người lao động ít hơn, thì công ty đối thủ sẽ săn lùng anh ta. Nếu như chính phủ áp mức lương tối thiểu cao hơn sản phẩm cận biên của một người lao động, thì công ty sẽ gặp thua lỗ khi thuê người lao động. Thay vào đó, người lao động sẽ bị mất việc làm.

Thực tế phức tạp hơn nhiều. Các công ty không biết mỗi người lao động đóng góp bao nhiêu vào doanh thu của họ. Rất ít người lao động có thể tìm được một công ăn việc làm mới ngay tức thời. Tuy nhiên, mô hình cơ bản cho thấy một sự thật quan trọng: những người lao động dễ bị mất việc làm nhất do mức lương tối thiểu gây ra là những người có năng suất lao động thấp — và đó cũng là chính những người mà chính sách được thiết kế để giúp đỡ.

Các lý thuyết phức tạp hơn về những thị trường lao động thừa nhận rằng chúng không phải là những thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Chẳng có một mức lương riêng lẻ nào mà ở đó một người lao động được những người sử dụng lao động săn đón. Kết quả là, các công ty có thể trả lượng cho người lao động ít hơn so với sản phẩm doanh thu cận biên của họ. Việc trả lương ít hơn bao nhiêu phụ thuộc vào quá trình đàm phán, và người lao động nào có được mức lương tốt nhất phụ thuộc vào khả năng thương lượng. Trong khuôn khổ này, mục tiêu của tiền lương tối thiểu không phải là thách thức logic thị trường mà là để ngăn chặn các công ty có vị thế đàm phán mạnh mẽ chèn ép người lao động của họ.

Giới hạn trần của mức lương tối thiểu vẫn được áp dụng: các công ty sẽ không sẵn lòng thuê người lao động khi bị thua lỗ. Song dưới mức trần đó, tác động của tiền lương tối thiểu là không rõ ràng. Điều này phụ thuộc vào hàng loạt câu hỏi. Liệu một công ty có thể thay thế người lao động của mình bằng máy móc không? Liệu một công ty có thể nâng giá bán sản phẩm và bắt khách hàng phải trả tiền cho mức lương tối thiểu không? Liệu một công ty có phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các công ty nước ngoài vốn chỉ đối diện với những luật lệ lỏng lẻo hơn ở đất nước họ?

Hãy xem xét một so sánh giữa các nhà máy với các nhà hàng. Về mặt logic, sẽ có rất ít dư địa để tăng lương trong ngành công nghiệp chế tạo bằng cách sử dụng mức lương tối thiểu, bởi vì các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế gay gắt, và những công việc ở đó liên tục được tự động hóa. Ngược lại, những công việc trong các nhà hàng khó tự động hóa và không phải đối mặt với sự cạnh tranh từ nước ngoài. Bất kỳ tình trạng gia tăng chi phí nào tác động lên toàn bộ lĩnh vực đều chuyển sang cho người tiêu dùng. Tỷ lệ mất việc làm sẽ thấp hơn — nhất là nếu người tiêu dùng sẵn lòng trả mức giá cao hơn cho sản phẩm họ mua. Do vậy, liệu một mức lương tối thiểu có thể giúp người lao động có được sự công bằng trong cả hai lĩnh vực hay không?

Alan Krueger (1960-2019)
David Card (1956-)

Nghiên cứu thực nghiệm đã làm hồi sinh cuộc tranh luận về mức lương tối thiểu trong những năm 1990 là của David Card và Alan Krueger, cả hai người khi đó làm việc tại Đại học Princeton. Năm 1992, bang New Jersey đã tăng mức lương theo giờ từ 4,25 đô la lên 5,05 đô la. Bang láng giềng Pennsylvania giữ mức riêng của mình ở mức 4,25 đô la. Vui mừng trước triển vọng của một nghiên cứu điển hình xảy ra một cách tự nhiên, hai nhà kinh tế đã thu thập thông tin về công ăn việc làm tại các nhà hàng thức ăn nhanh ở cả hai bang trước khi tăng mức lương vào tháng Tư và một lần nữa sau đó vài tháng. Các cửa hàng thức ăn nhanh dường như cung cấp những điều kiện lý tưởng cho một nghiên cứu, vì đây là một lĩnh vực đồng nhất sử dụng người lao động phổ thông.

Việc tăng sàn lương không dẫn tới mất việc làm ở bang New Jersey; số lượng công ăn việc làm trong các nhà hàng mà họ xem xét đã tăng lên. Các tác giả cũng không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy việc mở các nhà hàng trong tương lai sẽ chịu tác động. Nhìn vào tình hình tăng trưởng về số lượng nhà hàng của hãng thức ăn nhanh McDonald trên khắp nước Mỹ, các nhà nghiên cứu không tìm thấy xu hướng mở cửa hàng ít đi khi mức lương tối thiểu cao hơn.

Cuốn sách của họ, “Huyền thoại và Đo lường” [Myth and Measurement] (1995), đã thay đổi rất nhiều suy nghĩ. Tới năm 2000, chỉ có 46% thành viên AEA chắc chắn rằng mức lương tối thiểu làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ở những người trẻ tuổi và có tay nghề thấp: phần còn lại theo quan điểm của sách giáo khoa — khi cho rằng đối mặt với tình trạng gia tăng chi phí sử dụng lao động, các doanh nghiệp sẽ sử dụng ít lao động hơn — là sai. Nhưng tại sao lại vậy? Trong hơn 20 năm qua, ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng điều quan trọng nhất là quyền lực mà người sử dụng lao động nắm giữ.

Trường phái tư tưởng này cho rằng một vài thị trường lao động được đặc trưng bởi cấu trúc thị trường được biết đến dưới cái tên độc quyền mua. Dưới chế độ độc quyền bán, một nhà cung cấp thống trị sẽ bán cho nhiều người mua, trong khi dưới chế độ độc quyền mua, một người mua thống trị sẽ mua từ nhiều người bán. Cũng giống như một nhà độc quyền bán có thể đặt ra mức giá cao hơn so với trường hợp thị trường cạnh tranh, một nhà độc quyền mua cũng có thể đặt ra mức giá thấp hơn một cách giả tạo.

Do đó, mặc dù nghe có vẻ trái ngược rằng việc trả lương cao hơn dẫn tới nhiều công ăn việc làm hơn, song sẽ có ý nghĩa nếu như những gì hoạt động lập pháp đang diễn ra là đẩy mức lương vốn được giữ một cách giả tạo ở mức thấp bằng cách buộc nó trở lại vị trí mà cung và cầu khớp nhau một cách tự do trong một thị trường. Nhiều người lao động có thể không bận tâm tới việc tìm kiếm một việc làm với mức lương 10 đô la một giờ có thể bị hút vào một thị trường việc làm có mức lương 15 đô la một giờ. Tuy nhiên, hãy đẩy mức lương tối thiểu vượt qua mức cân bằng đó một cách đáng kể, và công ăn việc làm sẽ chỉ thực sự bị mất đi do các công ty nhận thấy nhân công quá đắt đỏ so với khả năng chi trả của họ.

Một khi vai trò của cạnh tranh trên thị trường lao động được chấp nhận, cuộc tranh luận về mức lương tối thiểu mang nhiều sắc thái hơn và có tính thực nghiệm hơn. Việc thu thập dữ liệu không hề đơn giản. Các nhà nghiên cứu phải xem xét liệu có nên theo dõi tình trạng việc làm hay người lao động không, và liệu có nên nghiên cứu một số nhóm người nhất định, chẳng hạn như thanh thiếu niên hoặc nhóm lao động phổ thông, hoặc các lĩnh vực rộng hơn hay không. Và thị trường việc làm chịu tác động từ nhiều quy định về lương tối thiểu. Việc thuyết phục những suy nghĩ ngược đời nhưng hợp lý là một việc khó khăn.

Minh chứng cụ thể ở vùng Tây Bắc nước Mỹ

Ekaterina Jardim

Hãy xem xét một thí dụ từ Seattle. Thành phố này đã đi đầu trong chiến dịch tranh cử “fight for $15” [đấu tranh cho việc tăng mức lương tối thiểu lên 15 đô la] dẫn tới cam kết của ông Biden, và tình trạng tăng lương nhanh chóng đã khiến thành phố trở thành một phòng thí nghiệm hấp dẫn cho các nghiên cứu kinh tế, mặc dù trên thực tế, có một số người phàn nàn rằng tình trạng này không mang tính đại diện. Một bài nghiên cứu của Ekaterina Jardim và những người khác tại Đại học Washington, đã công bố năm 2017, cho thấy mức tăng lương tối thiểu ở thành phố Seattle trong năm 2015 và 2016 đã dẫn tới việc những người sử dụng lao động giảm giờ làm trong các lĩnh vực được trả lương thấp. Người lao động được trả lương thấp trung bình kiếm được nhiều hơn mỗi giờ song do làm việc ít giờ hơn, nên thu nhập hàng tháng của họ giảm 74 đô la — tương ứng với 5 giờ trả lương.

Bài nghiên cứu đó đã sử dụng dữ liệu tổng hợp về giờ làm và thu nhập theo từng lĩnh vực. Trong một bài nghiên cứu được xuất bản vào năm 2018, cùng một tác giả đã sử dụng dữ liệu hành chính để theo dõi từng người lao động thay vì xem xét các mức lương trung bình. Lần này, họ phát hiện ra rằng những người lao động được trả lương thấp đã thấy thu nhập hàng tuần của họ tăng lên 8-12 đô la một tuần. Tuy nhiên, phần lớn số tiền kiếm được đó đến từ những người có thu nhập thấp với mức kinh nghiệm trên trung vị và một số khác đến từ những người lao động bù lại số giờ làm việc đã mất ở thành phố Seattle bằng số giờ làm thêm ở những khu vực khác ở bang Washington.

Arindrajit Dube (1973-)

Vào năm 2019, một bản đánh giá do chính phủ Anh đặt hàng đối với hơn 50 nghiên cứu thực nghiệm gần đây về các mức lương đã phát hiện ra rằng nói chung tác động lên tình trạng việc làm là không có, ngay cả khi mức lương tăng tương đối lớn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã tìm thấy tác động lớn hơn. Arindrajit Dube, tác giả của bản đánh giá này, cảnh báo rằng cơ sở chứng cứ vẫn đang được thu thập. Chẳng hạn, còn quá sớm để phát biểu nhận xét việc Hàn Quốc tăng 25% lương tối thiểu từ năm 2016 tới năm 2018.

Tác động của mức sàn tiền lương cũng có thể được cảm nhận bên ngoài các lĩnh vực trả lương thấp. Một nghiên cứu sơ bộ vào năm 2019 về tác động của mức lương tối thiểu ở Đức cho thấy nó dẫn tới tình trạng phân bổ lại người lao động ngày càng lớn hơn từ các công ty nhỏ, trả lương thấp sang các công ty lớn lơn, trả lương cao hơn. Cùng năm đó, một bài nghiên cứu trên tờ Quarterly Journal of Economics đã phát hiện ra rằng tác động của các luật định về tiền lương tối thiểu lên thu nhập trung bình, vốn được khuếch đại bởi các tác động lan tỏa tuy nhỏ nhưng quan trọng, lớn hơn trong tháp thu nhập. Người sử dụng lao động có xu hướng muốn duy trì một vài mức chênh lệch tiền lương cho những người lao động có trách nhiệm hơn. Do vậy, nếu như mức lương tối thiểu khiến lương của nhân viên bán đồ ăn nhanh tăng lên, thì các nhà hàng cũng có thể phải tăng lương cho những nhân viên giám sát ở đó.

Ai trả tiền cho mức lương tối thiểu? Về lý thuyết, một cơ sở chi phí cao hơn có thể được chuyển cho người tiêu dùng bằng việc đưa ra mức giá cao hơn, hoặc có thể được người sử dụng lao động hứng chịu thông qua việc nhận mức tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Trên thực tế, câu trả lời khác nhau tùy thuộc vào thị trường. Trong các lĩnh vực [thị trường] cạnh tranh, chẳng hạn như lĩnh vực thức ăn nhanh, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mức tăng lương 10% sẽ đẩy giá bánh burger tăng lên 0,9%. Vào năm 2019, một nghiên cứu về các siêu thị ở bang Seattle không tìm thấy tác động nào lên giá hàng tạp hóa từ những đợt tăng lớn.

Isaac Sorkin

Các nhà kinh tế không còn nghĩ rằng các mức lương tối thiểu cao hơn lúc nào cũng là xấu. Song điều đó chẳng giống với việc nói rằng chúng lúc nào cũng tốt. Vào năm 2018, một bài nghiên cứu của Isaac Sorkin và những người khác đã cảnh báo các nhà hoạch định chính sách nên có tầm nhìn dài hạn hơn thay vì lo lắng về tình trạng thất nghiệp trong ngắn hạn. Các tác giả của bài nghiên cứu đó phát hiện ra rằng nếu như các doanh nghiệp nhận thấy mức lương tối thiểu tăng liên tục trong khoảng thời gian dài và không có khả năng giảm xuống do lạm phát, thì điều đó có thể khuyến khích họ tiến hành tự động hóa nhiều hơn và giảm tăng trưởng việc làm trong tương lai. Ý tưởng rằng mức lương tối thiểu đôi khi có thể dẫn tới số lượng công ăn việc làm cao hơn thay vì thấp xuống không có nghĩa là nó lúc nào cũng như vậy. Khi nâng mức sàn, các nhà hoạch định chính sách cần phải đảm bảo là không được đụng trần.

Bài báo này xuất hiện trong chuyên mục Schools brief [tạm dịch: Tóm tắt các bài học trên trường lớp] của ấn bản in với tiêu đề “What harm do minimum wages do?” [Nâng lương tối thiểu gây ra thiệt hại gì?].

Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: What harm do minimum wages do?, Economist, Aug 15, 2020.

Print Friendly and PDF