5.10.21

Châu Á trong giao dịch thương mại thế giới: kỷ nguyên của những thay đổi lớn

CHÂU Á TRONG GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI: KỶ NGUYÊN CỦA NHỮNG THAY ĐỔI LỚN

Hubert Testard

Thủy triều container tại bến cảng nước sâu Dương Sơn [Yangshan] ở Thượng Hải, ngày 11 tháng 1 năm 2021 (Nguồn: Japan Times)

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc khủng hoảng y tế năm 2020 đã làm biến đổi các quan hệ thương mại giữa châu Á và thế giới. Trong thập kỷ qua, mô hình phát triển theo định hướng xuất khẩu đã hụt hơi, các cầu trong nước đã tiếp sức, nhưng đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy trở lại cỗ máy xuất khẩu châu Á. Mặt khác, châu Á đang giảm bớt sự phụ thuộc vào các nước phương Tây, bằng cách phát triển chính sách khu vực hóa, với những cấu hình quốc gia có những đặc điểm khác nhau quan trọng. Châu Á là khu vực duy nhất trên thế giới theo đuổi chính sách hội nhập với sự hậu thuẫn của chính phủ các nước và công luận.

Mô hình phát triển truyền thống của châu Á theo định hướng xuất khẩu và lợi thế so sánh về chi phí lao động đã không trụ được với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng đại dịch một lần nữa đang làm thay đổi các quân bài, với điểm neo ổn định là theo đuổi chính sách hội nhập khu vực.

BÀI HỌC TỪ HAI CUỘC KHỦNG HOẢNG

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đánh dấu sự khởi đầu một thay đổi sâu sắc trong giao dịch thương mại thế giới. Thương mại quốc tế – nhập khẩu cộng với xuất khẩu – đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng rất nhanh từ năm 1990 đến năm 2008. Thương mại quốc tế đã tăng từ 38,5% lên 60,7% GDP thế giới trong giai đoạn đó, trước khi trải qua một sự sụt giảm mạnh vào năm 2009 với cuộc khủng hoảng tài chính – giảm 8% điểm GDP vào năm đó. Việc quay trở lại ngưỡng 60% diễn ra vào năm 2011, nhưng động năng kinh tế trước đó đã bị phá vỡ. Một đợt suy giảm mới trong giao dịch thương mại đã diễn ra vào năm 2015 và thương mại quốc tế đạt đỉnh 58% GDP thế giới vào năm 2019 trước khi cuộc khủng hoảng y tế bùng phát. Cuộc khủng hoảng này đã gây ra một cú sốc mới vào năm 2020, cũng dữ dội không kém nhưng ngắn ngủi. Điều này đã đưa kim ngạch giao dịch thương mại tăng lên 52% GDP thế giới vào năm 2020, trước khi phục hồi mạnh vào năm 2021. Tốc độ phục hồi đó đã diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với các cú sốc thương mại trước đó.

Nhìn chung, giao dịch hàng hóa, vào cuối năm 2021, sẽ tăng 3%, cao hơn một chút so với mức năm 2019. Giao dịch dịch vụ đã có bước phát triển rất khác so với giao dịch hàng hóa. Tốc độ tăng trưởng giao dịch dịch vụ, tính theo tỷ lệ phần trăm GDP thế giới, chỉ diễn ra kể từ năm 2004, và tiếp diễn trong suốt thập kỷ 2010 để trở thành phần năng động nhất trong giao dịch thương mại thế giới. Vào năm 2020, giao dịch dịch vụ đã phải chịu một cú sốc đặc biệt dữ dội với cuộc khủng hoảng y tế, khiến nó kéo lùi mười bảy năm tính theo tỉ lệ GDP thế giới. Nếu các ngành vận tải hàng hải và đường sắt có thể thích ứng nhanh với cuộc khủng hoảng y tế và góp phần phục hồi các giao dịch thương mại thế giới, thì nhiều ngành dịch vụ lớn khác như du lịch, mức thu nhập của người di cư, vận tải hàng không, một số dịch vụ chuyên nghiệp đã sụp đổ và vẫn dậm chân trong tình trạng ảm đạm, chừng nào mà cuộc khủng hoảng y tế còn hoành hành.

Trong các xu hướng chung nói trên, tình hình ở châu Á lại diễn ra một cách trái ngược. Châu Á đã đặc biệt chống lại cú sốc đại dịch rất tốt và đi đầu trong việc thúc đẩy trở lại các giao dịch thương mại thế giới vào năm 2021. Nhưng đây cũng là khu vực trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những thay đổi của chính sách toàn cầu hóa kể từ năm 2008.

CHÂU Á KIÊN CƯỜNG TRƯỚC CUỘC KHỦNG HOẢNG Y TẾ

Trong ngắn hạn, châu Á đã vững vàng chịu đựng cú sốc đại dịch Covid-19. Kim ngạch giao dịch thương mại của châu Á tính theo khối lượng ở mức gần như ổn định vào năm 2020, trong khi kim ngạch giao dịch thương mại thế giới giảm 5,3% và kim ngạch giao dịch thương mại của châu Âu giảm gần 8%. Xu hướng này tiếp diễn vào năm 2021, châu Á đứng đầu đà phục hồi giao dịch thương mại thế giới, với mức tăng về khối lượng là 21% trong quý đầu tiên của năm 2021. Trong quý đầu tiên năm 2021, đây là khu vực duy nhất trên thế giới có khối lượng xuất khẩu cao đáng kể (+15%) so với quý I năm 2019.

SỰ PHỤC HỒI XUẤT KHẨU CỦA CHÂU Á TƯƠNG PHẢN VỚI THẬP KỶ TRƯỚC

Trong thập kỷ qua, châu Á đã đặc biệt bị ảnh hưởng bởi đà suy thoái giao dịch thương mại thế giới. Mức tăng trưởng của châu Á dựa nhiều hơn vào cầu trong nước và sự phụ thuộc vào giao dịch thương mại thế giới nhìn chung đã giảm. Năm 2009, các gói kích thích kinh tế to lớn của Trung Quốc và các nước châu Á khác đã góp phần duy trì tăng trưởng mặc cho xuất khẩu giảm, và động thái này vẫn tiếp diễn trong suốt cả thập kỷ. Chỉ có một quốc gia duy nhất là Việt Nam, nước vẫn tiếp tục với mô hình phát triển trước đây theo định hướng xuất khẩu cùng với sự bùng nổ giao dịch thương mại quốc tế, chiếm 210% GDP của Việt Nam vào năm 2020.

Từ năm 2008 đến năm 2020, tỷ trọng của giao dịch hàng hóa trong GDP các nước châu Á lớn đã giảm từ 15 điểm GDP (Indonesia) xuống hơn 20 điểm (Trung Quốc). Đây không phải là trường hợp của các nước châu Âu lớn, theo đó ngoại thương vẫn giữ một vị trí khá ổn định so với thu nhập quốc dân, bất chấp hai cú sốc vào năm 2008 và 2020.

Người ta đặc biệt thấy rõ sự khác biệt này trong lĩnh vực dịch vụ. Vào năm 2020, giao dịch dịch vụ chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong GDP của Trung Quốc (4,2%) hoặc của Indonesia (3,7%). Tầm quan trọng của các ngành dịch vụ cũng đã giảm ở Ấn Độ, bất chấp trọng lượng của các dịch vụ tin học, từ 19% xuống 12% GDP của Ấn Độ trong 12 năm qua. Ngược lại, châu Âu đã phát triển mạnh việc cung cấp các dịch vụ quốc tế của họ trong thập kỷ 2010. Bất chấp cú sốc dữ dội vào năm 2020, giao dịch dịch vụ vẫn tăng từ 16% lên 20% GDP của Đức, Pháp và Anh.

HỘI NHẬP KHU VỰC CHÂU Á TIẾP DIỄN VÀ MỞ RỘNG

Hiện nay, việc phục hồi các giao dịch thương mại thế giới còn quá mới để có thể đánh giá liệu nó có mở đầu cho một động năng kinh tế mới của toàn cầu hóa hay không, hay, về cơ bản, là một hiệu ứng mang tính thời vận gắn với thúc đẩy lại tăng trưởng kinh tế thế giới. Ngược lại, sự hội nhập khu vực châu Á có vẻ như là một hiện tượng lâu dài, mà đại dịch đã không đặt lại vấn đề. Sự khác biệt về động năng kinh tế là hiển nhiên giữa hai khu vực có mức hội nhập thương mại lớn nhất trên thế giới: Châu Á và Châu Âu.

Hai mươi năm trước, sự hội nhập thương mại khu vực châu Á yếu hơn đáng kể so với sự hội nhập thương mại châu Âu. Ngày nay, hai đường cong hội nhập thương mại này đang có xu hướng xích lại gần nhau: sự hội nhập của châu Âu đang hụt hơi, trong khi sự hội nhập của châu Á đang phát triển ổn định, với một gia tốc tương đối do hiệu ứng của cuộc khủng hoảng y tế.

Trong toàn bộ khu vực châu Á, mỗi tiểu vùng có một đặc điểm khác biệt rõ rệt. ASEAN và châu Đại Dương là hai khu vực hội nhập lớn nhất, với tỷ trọng giao dịch thương mại khu vực đạt hoặc vượt 70% các giao dịch thương mại toàn cầu của mỗi khu vực. Tiếp theo là khu vực Đông Bắc Á, với tỷ trọng hội nhập khu vực là 56% vào năm 2019. Nam Á và Trung Á, theo truyền thống, ít hướng về lục địa châu Á, nhưng tỷ trọng hội nhập khu vực của họ thuộc loại có bước tiến cao nhất trong 20 năm qua.

Ngoài ra, một số nước khác, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam, đã thu hút các chuỗi dây chuyền lắp ráp đầu cuối chính của châu Á và nhập khẩu từ châu Á nhiều hơn so với xuất khẩu sang châu Á. Việt Nam là trường hợp nổi bật: vào năm 2020, hơn 90% nhập khẩu của nước này đến từ châu Á – trong số đó một nửa đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc – trong khi xuất khẩu của nước này sang các nước láng giềng châu Á chỉ ở mức 50%.

Về mặt động năng kinh tế, sự hội nhập thương mại khu vực đang phát triển mạnh đối với các nước châu Á đã phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc), giao dịch thương mại của châu Á đã tăng từ 50 lên 60% từ năm 2000 đến năm 2020. Trường hợp cực đoan nhất là Đài Loan, phụ thuộc vào các giao dịch thương mại trong nội bộ các nước châu Á đã tăng từ 64% lên 74% trong giai đoạn này. Lý giải chính cho xu hướng này là hiệu ứng thu hút của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Một số nước Đông Nam Á (Malaysia, Philippines, Thái Lan) cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ trong quá trình hội nhập khu vực. Ngoại lệ duy nhất là Việt Nam, nước này đã giảm thiểu đáng kể sự phụ thuộc vào các giao dịch thương mại khu vực nhờ vào chính sách đa dạng hóa xuất khẩu mạnh mẽ.

TRUNG QUỐC CÓ MỨC TĂNG TRƯỞNG CAO, NHƯNG KHÔNG NỔI BẬT, TRONG ĐÀ TĂNG TRƯỞNG GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI CHÂU Á

Tỷ trọng giao dịch thương mại của Trung Quốc trong nội bộ các nước châu Á đã tăng từ 23% năm 2008 lên 29% năm 2020. Do Trung Quốc giữ vai trò là chuỗi lắp ráp đầu cuối trong các chuỗi giá trị châu Á, nên xuất khẩu của các nước châu Á sang Trung Quốc đã phát triển. Năm 2020, Trung Quốc chiếm 44% xuất khẩu của Úc (bất chấp những căng thẳng thương mại song phương), 40% xuất khẩu của Đài Loan và 26% xuất khẩu của Hàn Quốc. Hiệu ứng thu hút này đối với xuất khẩu của các nước trong khu vực đã tác động đến tất cả các đối tác châu Á của Trung Quốc, ngoại trừ Ấn Độ – doanh số bán hàng của Ấn Độ sang Trung Quốc dao động ở mức khoảng 8% xuất khẩu của Ấn Độ.

CHUỖI GIÁ TRỊ CỦA CHÂU Á TẬP TRUNG VÀO MỘT SỐ LÃNH VỰC MŨI NHỌN

Phân tích chuỗi giá trị nhằm xác định tỷ trọng trong xuất khẩu của một nước dựa vào những đầu vào hoặc thành tố có xuất xứ từ ít nhất một nước khác, hoặc là nguồn cung ứng cho quá trình sản xuất của một hoặc nhiều nước khác – ví dụ: việc xuất khẩu ô tô dựa trên việc nhập khẩu trước đó nhiều thành tố, hoặc việc xuất khẩu than sẽ cung cấp cho nền sản xuất thép của một nước khác. Phân tích này có thể được thực hiện trên quy mô toàn cầu (người ta nói đến các chuỗi giá trị toàn cầu, global value chains), hoặc các chuỗi giá trị khu vực (regional value chains) khi sự phân công công việc mang tính khu vực.

Ngân hàng Phát triển Châu Á đang xem xét nhiều nhận định thú vị về hội nhập khu vực Châu Á, dựa trên việc phân tích các chuỗi giá trị. Nhận định đầu tiên là các chuỗi giá trị khu vực châu Á đã phát triển nhiều hơn so với các chuỗi giá trị của châu Âu.

Cường độ các chuỗi giá trị khu vực châu Á vào khoảng 70%, gần với Bắc Mỹ. Tỷ trọng này rõ ràng là cao hơn so với châu Âu, vốn đã giảm đáng kể trong 20 năm qua.

Nhận định thứ hai là các chuỗi giá trị khu vực này đặc biệt phát triển mạnh trong bốn lĩnh vực: năng lượng và nguyên liệu thô, nông sản, hàng tiêu dùng, và công nghệ thông tin và truyền thông. Trung Quốc là một ví dụ nổi bật về sự hội nhập khu vực mạnh mẽ này trong lĩnh vực công nghệ cao: hơn 80% kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm điện và điện tử của nước này đến từ châu Á, trong khi chỉ có 57% kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc hướng đến châu Á. Xung đột công nghệ Trung-Mỹ đang củng cố thêm sự phân cực này. Chỉ có 4% nhập khẩu của Trung Quốc về các sản phẩm bán dẫn xuất phát từ Hoa Kỳ. Mặt hàng này đứng thứ mười lăm trong số nhập khẩu có xuất phát từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và ASEAN, đã không ngừng tăng đều đặn kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng y tế.

CHÂU Á LÀ KHU VỰC DUY NHẤT TRÊN THẾ GIỚI THEO ĐUỔI CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI TỰ DO CHỦ ĐỘNG

Người châu Á duy trì quan điểm tích cực về giao dịch thương mại tự do, ngoại trừ Ấn Độ. Họ tiếp tục ký kết nhiều hiệp định thương mại theo hướng này, giữa họ với nhau và với phần còn lại của thế giới.

Hai hiệp định đa phương, với tầm quan trọng lớn, đã được ký kết gần đây: hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) được ký vào tháng 3 năm 2018 giữa 11 quốc gia ở Châu Á-Thái Bình Dương và hiệp định RCEP (Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực), được ký vào ngày 15 tháng 11 năm 2020, tập hợp các quốc gia ASEAN, Đông Bắc Á trong đó có Trung Quốc và châu Đại Dương.

Ban đầu, hiệp định CPTPP đã được đàm phán với Hoa Kỳ trong khuôn khổ cái gọi là hiệp định TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương). Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định CPTPP, khi Donald Trump lên nắm quyền, về cơ bản, hiệp định đã được duy trì dưới sự thúc đẩy của Nhật Bản. Đây là một hiệp định được gọi là hiệp định của thế kỷ XXI – trong đó nội dung không chỉ giới hạn vào việc xóa bỏ hàng rào thuế quan mà còn bao gồm nhiều khía cạnh mang tính điều tiết – hài hòa hóa các chuẩn mực, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, môi trường hoặc các quyền xã hội. Hiệp định RCEP có phạm vi hiệu lực lớn hơn về mặt địa lý: tập hợp những quốc gia chiếm hơn 30% GDP thế giới. Ngược lại, hiệp định RCEP có nội dung ít tham vọng hơn, cơ bản vẫn giới hạn trong thương mại tự do hàng hóa. Lợi ích chính của hiệp định RCEP nằm ở việc áp dụng các quy tắc chung về nguồn gốc xuất xứ [hàng hóa], sẽ được đơn giản hóa đáng kể để giúp các công ty trong việc quản lý giao dịch thương mại. Tác động kinh tế của hai hiệp định nói trên, đối với châu Á và phần còn lại của thế giới, được Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá là có ý nghĩa rất lớn.

Nước lớn duy nhất vắng mặt trong sự bùng nổ thương mại tự do ở châu Á này là Ấn Độ. Tuy nhiên đất nước của Narendra Modi cũng đã đàm phán các hiệp định với ASEAN. Nhưng Ấn Độ không thấy làm thế nào để dung hòa mục tiêu tái định vị nền công nghiệp của mình với khu vực thương mại tự do liên kết với Trung Quốc và các nước phát triển của châu Á.

Nhìn chung, đại dịch và cuộc đối đầu công nghệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã làm tăng thêm sự chuyển động về chiều sâu dẫn đến việc châu Á tiếp tục hội nhập khu vực. Chỉ có một cú sốc chính trị lớn mới có thể đặt lại vấn đề về sự tiến triển của cấu trúc này, vốn đặt châu Á vào vị trí duy nhất trong thế giới đang phát triển.

Giới thiệu tác giả

Hubert Testard

Hubert Testard

Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm tại các đại sứ quán Pháp ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cho ASEAN. Ông cũng đã tham gia vào việc phát triển các chính sách của Châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù là trong WTO hay các cuộc đàm phán với các nước Châu Á. Từ bốn năm nay, Hubert Testard là giảng viên, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po], về phân tích tương lai học của châu Á. Ông đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Pandémie, le basculement du monde [Đại dịch, sự chuyển hướng của thế giới]”, tháng 3 năm 2021, NXB Editions de l'Aube.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: L’Asie dans les échanges mondiaux : l’ère des grandes mutations, Asialyst, ngày 08/09/2021.

Print Friendly and PDF