28.10.21

Khí hậu: Châu Á-Thái Bình Dương trước thách thức của COP26

KHÍ HẬU: CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG TRƯỚC THÁCH THỨC CỦA COP26

Hubert Testard

Cuộc biểu tình của các nhà hoạt động trẻ tuổi vì khí hậu ở Ấn Độ nhân ngày “Thứ Sáu vì tương lai”, ngày 1 tháng 10 năm 2021. (Nguồn: Eco-business)

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), châu Á-Thái Bình Dương đang dẫn đầu trở lại về lượng tăng mức phát thải khí nhà kính vào năm 2021. Trong giai đoạn phục hồi tăng trưởng kinh tế châu Á này, việc tiêu thụ than, dầu hỏa và khí đốt vô độ không chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc. Nó còn mở rộng đến Ấn Độ và Đông Nam Á. Theo xu hướng, từ nay châu Á-Thái Bình Dương hiện chiếm hơn ba phần tư mức tăng về phát thải khí nhà kính trên thế giới. Trước thực tế này, chính phủ các nước châu Á đang ráo riết chuẩn bị cho hội nghị COP26 sẽ được tổ chức tại Glasgow từ ngày 31 tháng 10 đến 12 tháng 11. Khu vực Đông Á – Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản – có những tham vọng lớn hơn, trong khi phần còn lại của châu Á-Thái Bình Dương thì tìm cách làm tốt với chi phí thấp hơn. Nhìn chung, chúng ta vẫn còn cách xa mục tiêu kiềm chế nhiệt độ thời tiết tăng ở mức 1,5 độ do Liên hợp quốc đề ra.

COP26 sẽ diễn ra vào thời điểm mà nhu cầu năng lượng toàn cầu đang có một mức tăng chưa từng có là 4,6% cho năm 2021, làm đảo ngược hơn nữa mức giảm 4% do đại dịch gây ra vào năm 2020. Cuối năm 2021, lượng phát thải CO2 dự kiến gn với mc vào năm 2019 (-1%). Sự phục hồi kinh tế làm tăng thêm nghi ngờ về khả năng các Nhà nước giữ cam kết về mục tiêu trung hòa carbon trong dài hạn. Châu Á là trung tâm của sự bùng nổ đó về nhu cầu năng lượng toàn cầu.

CƠ QUAN NĂNG LƯỢNG QUỐC TẾ GIÓNG LÊN HỒI CHUÔNG CẢNH BÁO

“Sự phục hồi kinh tế, tiếp theo đại dịch, đặt chúng ta vào mọi tình huống, ngoại trừ tình huống không bền vững về phát thải CO2”, theo tuyên bố của Giám đốc điều hành IEA, vào thời điểm trình bày các dự báo của IEA cho năm 2021.

Châu Á luôn đứng đầu trong các phân tích của IEA. Trong khi nhu cầu về năng lượng sơ cấp vào cuối năm 2021 sẽ ở mức 0,5% cao hơn so với năm 2019 trên quy mô toàn cầu, thì nhu cầu của Trung Quốc đã tăng 8% trong khi nhu cầu của Ấn Độ và ASEAN tăng 2%. Nhu cầu này ở châu Âu và Hoa Kỳ vẫn thấp hơn mức năm 2019 từ 3 đến 4%.

Châu Á là cội nguồn của sự phục hồi nhu cầu về than (+4,5%, tương đương thêm 640 triệu tấn phát thải CO2). Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm tới 55% mức tăng này, hoặc thậm chí nhiều hơn nếu đánh giá theo các biện pháp mà Bắc Kinh đã thực hiện gần đây để chống lại tình trạng thiếu điện – mở lại 60 mỏ than, tăng 75% lượng nhập khẩu than chỉ trong tháng 9. Nhu cầu về than của Ấn Độ cũng dự kiến ​​s tăng 9% trong năm nay.

Năm 2021, lượng phát thải CO2 từ các nguồn năng lượng của Trung Quốc có thể cao hơn 600 triệu tấn so với mức của năm 2019, tương đương với mức tăng gấp đôi tổng lượng phát thải của một nước như Pháp. Ở Ấn Độ, mức tăng sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than sẽ cao hơn gấp ba lần so với mức tăng từ các nhà máy điện chạy bằng năng lượng tái tạo. Tin tốt duy nhất trong bức tranh đáng buồn này là sự gia tăng mạnh các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất điện, vốn đạt 15% trong vòng hai năm, nâng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo lên 30% để sản xuất điện trên thế giới (so với 27% vào năm 2019). Riêng một mình Trung Quốc chiếm một nửa mức tăng này.

VẬN ĐỘNG CÁC NƯỚC THUỘC KHU VỰC ĐÔNG Á

Điều quan trọng nhất vẫn là hai tuyên bố liên tiếp về một khía cạnh thiết yếu được Tập Cận Bình đưa ra trong năm nay: cam kết đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060, và việc Trung Quốc chấm dứt tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than ở phần còn lại của thế giới. Các cam kết của Trung Quốc không chỉ là một bài truyền thông đơn thuần. Tất cả các cơ quan hành chính của nước này đã được huy động để giải quyết phương trình cực kỳ khó khăn về mục tiêu trung hòa carbon, và vượt qua hai giai đoạn “30/60” – đảo ngược đường cong phát thải của Trung Quốc trước năm 2030, và đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Sự rối loạn trong sản xuất điện hiện nay một phần là do đại dịch và các cú sốc khí hậu, nhưng phần lớn còn dựa vào giới hạn tiêu thụ CO2 và cường độ năng lượng được đặt ra cho năm nay như một phần của kế hoạch 5 năm lần thứ 14, những giới hạn đã không được dỡ bỏ mặc cho những căng thẳng rất mạnh vào thời điểm hiện tại. Giờ còn lại là việc chính phủ công bố bản kế hoạch chiến đấu trong vài năm tới để đảo ngược đường cong phát thải. Trung Quốc có thể sẽ đưa ra một công bố trước hoặc trong lúc diễn ra COP26, nếu muốn củng cố hình ảnh của một bên có trách nhiệm và vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống lại hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu.

Nhật Bản cho đến nay vẫn được coi là nước có những mục tiêu ít tham vọng trong chính sách khí hậu của họ. Lượng phát thải khí nhà kính của nước này chỉ giảm 2,3% từ năm 1990 đến năm 2018, so với 21% của Liên minh châu Âu, mặc dù mức tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của Nhật Bản là yếu nhất trong G7. Các cam kết mà nước này đã đưa ra tại COP21 ở Paris vẫn ở mức khiêm tốn, với mức giảm phát thải được lập trình là 26% vào năm 2030 so với năm 2013, vốn là năm tiêu thụ nhiều năng lượng ở nước này.

Trong năm qua, Nhật Bản đã thay đổi cách tiếp cận. Vào tháng 10 năm 2020, Thủ tướng nước này đã thông báo việc thông qua mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Vào tháng 5 năm 2021, Nhật Bản đã thông báo quyết định ngừng tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than trên thế giới. Vào tháng 9 năm ngoái, chính phủ Nhật Bản đã công bố các mục tiêu khí hậu mới, với tham vọng rõ ràng lớn hơn nhiều, bắt đầu tạo sự tin cậy cho triển vọng trung hòa carbon. Mức giảm phát thải được đưa xuống -46% từ nay đến năm 2030, với một chính sách về năng lượng tái tạo mang tính chủ động lớn hơn nhiều.

Một trong những điểm yếu của kế hoạch mới này liên quan đến vai trò của than trong sản xuất điện, với tỷ trọng sẽ được duy trì ở mức 19% vào năm 2030 (so với 26% trong kế hoạch trước đó). Một tỷ lệ vẫn được các chuyên gia khí hậu coi là quá cao, vào thời điểm mà Đức có vẻ như đang tiến tới loại bỏ than từ năm 2030, thay vì năm 2038.

Hàn Quốc của ông Moon Jae-In cũng cho thấy những tham vọng mới trong khuôn khổ “thỏa thuận xanh mới”, được triển khai để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch. Đã đến lúc phải như thế, vì Hàn Quốc từ lâu đã đứng ngoài cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính của nước này đã tăng 2,4 lần trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2018, và lượng phát thải bình quân đầu người đạt 14,6 tấn carbon tương đương so với 9,7 tấn ở Trung Quốc và ít hơn 7 tấn so với Pháp.

Những cam kết mà Hàn Quốc đã đưa ra tại COP21 ở Paris đều ở mức rất khiêm tốn đối với một nước vốn đã phát triển. Theo chân các nước đang phát triển, Seoul đã không đưa ra những cam kết mang tính tuyệt đối về lượng phát thải, mà chỉ đơn giản là đảo ngược các xu hướng trong quá khứ, điều này không ngăn được mức tăng thêm về lượng phát thải của nước này.

Sự thay đổi trong chính sách khí hậu của Hàn Quốc gần như song song với sự thay đổi trong chính sách khí hậu của Nhật Bản, như thể hai nước đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh về hình ảnh. Moon Jae-In cam kết đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc vào tháng 10 năm 2020. Ông phỏng tay trên người đồng cấp Nhật Bản bằng cách tuyên bố, ngay từ tháng 4 năm 2021, tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Joe Biden tổ chức, rằng Hàn Quốc sẽ từ bỏ tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than trên thế giới. Ngày 8 tháng 10, Bộ trưởng Năng lượng Hàn Quốc đã công bố việc xây dựng một mục tiêu mới nhằm giảm 40% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với năm 2018, một mục tiêu cần được xác nhận tại COP26. Lần này, Hàn Quốc cam kết cắt giảm tuyệt đối lượng phát thải xuống một mức gần như gấp đôi so với các chính sách trước đây.

Khu vực Đông Á chiếm đến 32% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2018. Nhìn chung, từ nay, khu vực này đang phải đối mặt với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với một quyết tâm mới là đóng góp vào sự thành công của COP26.

ĐÔNG NAM Á BẮT ĐẦU THỨC TỈNH

Cho đến nay, các nước ASEAN đã vận động rất ít trong cuộc chiến chống lại những xáo trộn về khí hậu. Lượng phát thải khí nhà kính của khu vực tăng 2,7 lần từ năm 1990 đến năm 2018 và chiếm 5,5% tổng lượng phát thải toàn cầu. Tại hội nghị Paris vào năm 2015, các nước thành viên ASEAN đã đưa ra những cam kết khiêm tốn được thể hiện bằng giá trị tương đối, điều này không dẫn đến việc đảo ngược đường cong phát thải.

Ví dụ mang tính biếm họa rõ nhất là Việt Nam, nước đã đưa ra những giả thuyết tăng trưởng cực kỳ lạc quan khi đề xuất giảm 8% lượng phát thải so với các xu hướng trước đây. Theo các chuyên gia của tổ chức Climate action tracker [theo dõi hành động về khí hậu], cam kết này hàm ý mức phát thải mới của Việt Nam tăng gấp 2,2 lần từ năm 2010 đến năm 2030. Xin nhắc lại, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đã tăng gấp bốn lần từ năm 1990 đến năm 2018 và mức phát thải CO2 là 15 lần trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2020 do quá trình công nghiệp hóa đất nước đang diễn ra nhanh chóng.

Quốc gia phát triển nhất trong khu vực, Singapore, cũng bằng lòng với việc đề xuất đơn giản bẻ cong đường phát thải và theo chân Trung Quốc để dự kiến ​​một mức phát thi cao nhất vào năm 2030. Lượng phát thi khí nhà kính ca Singapore đã được nhân lên gấp 2,1 lần từ năm 1990 đến năm 2018.

Indonesia, một nước khổng lồ về kinh tế ở Đông Nam Á, đã có bước đi sáng tạo hơn một chút, khi đưa ra một cam kết khác biệt tùy theo nguồn tài trợ mà các nước phát triển có khả năng cung cấp cho họ: tức, giảm 29% hoặc 41% so với kịch bản “mọi thứ diễn ra như thường lệ”. Trong kịch bản tốt nhất, bao gồm các nguồn tài trợ từ nước ngoài vào khoảng 6 tỷ US$ mỗi năm, lượng phát thải khí nhà kính của Indonesia vẫn sẽ tăng 44% từ năm 2010 đến năm 2030.

Cú sốc về đại dịch, các báo cáo mới nhất của tổ chức IPCC và cảm giác cấp bách, vốn đang bao trùm cộng đồng quốc tế, đang khiến một số nước ASEAN thay đổi một chút. Ở Indonesia, dư luận đang được vận động: theo một cuộc khảo sát gần đây, 97% dân số thành thị cho rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa tương đương hoặc lớn hơn đại dịch. Vào tháng 3 năm 2021, Tổng thống Jokowi đã gợi lên triển vọng về mục tiêu trung hòa carbon của Indonesia vào năm 2070. Vài tháng sau, mục tiêu này được kéo xuống vào năm 2060 theo mô hình của Trung Quốc. Nhưng quỹ đạo cho năm 2030 vẫn chưa được điều chỉnh, vị trí của than trong hỗn hợp năng lượng vẫn còn quan trọng cho đến năm 2050 và việc tàn phá rừng phối hợp với cuộc vận động hành lang về dầu cọ vẫn không hề chậm lại.

Về phần Malaysia, tân Thủ tướng Ismail Sabri Yaacob, vào hôm 28 tháng 9 vừa qua, đã tuyên bố nước này sẽ cam kết thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và sẽ ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới – nhiên liệu hiện chiếm 50% tổng lượng sản xuất điện quốc gia. Đến năm 2030, các cam kết của Malaysia vẫn dựa trên việc giảm 45% lượng phát thải trên một đơn vị GDP, điều này không đảm bảo một sự đảo ngược của đường cong phát thải. Thế nên, chiến lược đảo ngược đường cong phát thải vẫn đang được xây dựng và phải là chủ đề của một kế hoạch chi tiết từ nay đến cuối năm 2022.

Về phần Singapore, họ vẫn kiên trì với những cam kết ít tham vọng hơn các nước láng giềng. Thành phố-nhà nước này chỉ thông báo giảm một nửa lượng phát thải vào năm 2050 và một mục tiêu trung hòa carbon trong nửa sau của thế kỷ này.

Trong ngắn hạn, các quyết định của khu vực Đông Á sẽ có tác động quan trọng nhất lên cấu trúc năng lượng trong khối ASEAN. Trong những năm gần đây, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm 95% nguồn tài trợ quốc tế cho các nhà máy nhiệt điện than trên thế giới. Thông báo về sự gia hạn của Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó đặt lại câu hỏi về việc tài trợ cho 18 nhà máy nhiệt điện than mới ở Việt Nam, nay bị buộc phải khẩn trương xem xét lại tất cả các chính sách năng lượng của mình.

Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng hoạt động rất tích cực ở Indonesia. Họ đã xây dựng 41% các khu công nghiệp có nhà máy nhiệt điện than, và đã có mặt trong hơn một phần tư các dự án mới. Nếu thông báo của Tập Cận Bình áp dụng cho các dự án đã được triển khai – còn cần phải xác nhận –, thì tác động đối với Indonesia sẽ là rất lớn. Công ty điện lực quốc gia PNL đã và đang cân nhắc mạnh việc tăng trưởng các dự án năng lượng tái tạo của họ. Lào và Campuchia, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào ngành công nghiệp Trung Quốc để theo đuổi chương trình xây dựng các nhà máy nhiệt điện than của họ. Trong toàn bộ khối ASEAN, sẽ diễn ra các cuộc đàm phán căng thẳng với Trung Quốc để tìm ra một điểm cân bằng mới thuận lợi hơn cho các nguồn năng lượng tái tạo.

KHU VỰC NAM Á DUY TRÌ CÁC BIÊN ĐỘ HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Năm quốc gia hàng đầu ở khu vực Nam Á (Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nepal và Sri Lanka) chiếm 8,7% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2018, tức nhiều hơn một chút so với Liên minh châu Âu. Được hình thành từ các nước nghèo ở giai đoạn phát triển kinh tế ban đầu, với dân số vẫn đang tăng nhanh, tiểu vùng này đặt ra những thách thức về phát triển kinh tế lên hàng đầu.

Ấn Độ, nước bị đại dịch đặc biệt tàn phá, vào năm 2020, đã phản ứng lại bằng một chương trình kích thích kinh tế đại trà, dành phần lớn nhất cho năng lượng hóa thạch trước khi xanh hóa các dự án đầu tư của họ vào năm 2021. Tầm nhìn về cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu của nước này dựa trên hai trục. Trục thứ nhất là nhấn mạnh đến trách nhiệm đặc biệt của các nước phát triển trong việc tài trợ cho các chính sách khí hậu, khi nhắc lại rằng lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người của nước này vẫn ở mức thấp (2,6 tấn vào năm 2018, tức một phần ba của Liên minh châu Âu và một phần bảy của Hoa Kỳ) và nhu cầu phát triển kinh tế của họ là rất lớn. Trục thứ hai là khẳng định vai trò lãnh đạo quốc tế của nước này thông qua một chương trình năng lượng mặt trời đầy tham vọng, bao gồm việc thành lập, cùng với Pháp, Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế, vào năm 2015.

Các chuyên gia của tổ chức Climate action tracker [theo dõi hành động về khí hậu] đã đánh giá các cam kết của Ấn Độ là “vô cùng chưa đủ”, khi Ấn Độ vẫn chưa xem xét lại các cam kết đã đưa ra tại COP21 năm 2015. Nhưng tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc gần đây nhất vào tháng 9, Narendra Modi đã nhấn mạnh đến tham vọng sản xuất 450 gigawatt điện mới trên cơ sở các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2025. Điều này làm tăng gấp đôi mức độ tham vọng của Ấn Độ trong lĩnh vực này. Ngược lại, nước này chưa sẵn sàng cam kết thực hiện mục tiêu trung hòa carbon mà nước này cho là không phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của họ.

Về phần Bangladesh, họ đang cải thiện một chút các đề xuất năm 2015 của họ vào tháng 8 năm 2021. Logic của nước này tương tự như Indonesia nhưng với mức tham vọng thấp hơn, mà trong kịch bản tốt nhất, dẫn đến mức phát thải của nước này sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2030 so với năm 2012. Đối với Pakistan, nước này cho thấy có nhiều tham vọng hơn: đề xuất mới của họ cho COP26, được công bố vào ngày 12 tháng 10, dự kiến sẽ tăng 60% tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng và chấm dứt việc nhập khẩu than vào năm 2030.

CẦN PHẢI CHÚ Ý ĐẾN CHÂU ĐẠI DƯƠNG

Australia và New Zealand thuộc về những nước có mức phát thải khí nhà kính trên đầu người cao nhất trên thế giới, lần lượt là 23,5 tấn và 19 tấn. Lượng phát thải của họ cũng tiếp tục tăng từ năm 1990 đến 2018: +30% đối với Úc và +20% đối với New Zealand.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tỏ ra không mặn mà khi được hỏi về biến đổi khí hậu. Gần đây, ông cho biết Australia sẽ tiếp tục khai thác than miễn là có than để bán. Ông không hào hứng cam kết thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, vốn đang có xu hướng trở thành chuẩn mực đối với các nước phát triển. Tuy nhiên, Scott Morrison phải đối phó với dư luận ngày càng lo lắng và bị tổn thương bởi những trận hỏa hoạn siêu lớn mà nước này đã phải gánh chịu trong hai năm qua. Khi đồng ý tham gia COP26, ông có thể bị buộc phải chấp nhận mục tiêu trung hòa carbon này, trên đầu môi chót lưỡi.

Về phần New Zealand, họ hành xử đúng đắn hơn về mặt chính trị. Họ đã thông qua một luật quy định về mục tiêu trung hòa carbon của nước này vào năm 2050, nhưng với một lỗ hổng to lớn trong kế hoạch: lượng phát thải khí mêtan gắn với ngành chăn nuôi cừu, chiếm 40% tổng lượng phát thải của nước này, được xử lý tách biệt và chỉ làm giảm mục tiêu phát thải từ 24% đến 47%. Ngoài ra, những cam kết được đưa ra cho năm 2030 vẫn chưa được cải thiện. Họ dự kiến phải đối mặt với một mức giảm phát thải ròng, nhưng với một phương thức có tính toán, mà theo các chuyên gia của tổ chức Climate action tracker [theo dõi hành động về khí hậu], trên thực tế cho phép họ tiếp tục tăng ở mức 4% lượng phát thải từ nay đến năm 2030.

Nếu trong tổng thể, châu Á đang dốc sức trong cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu, thì sự tiến triển trong chính sách của các chính phủ là không đồng đều. Nghiêm trọng hơn: rõ ràng nỗ lực vì mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ thời tiết toàn cầu ở mức 1,5 độ hoặc 2 độ vào cuối thế kỷ này vẫn chưa đủ. Nó cũng đầy rẫy những bất trắc với một trận chiến lớn: đối đầu với các cuộc vận động hành lang về năng lượng than, còn có vai trò rất mạnh trên khắp châu Á-Thái Bình Dương, để đạt được sự chuyển đổi nhanh sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Về tác giả

Hubert Testard

Hubert Testard

Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm tại các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cho ASEAN. Ông cũng đã tham gia vào việc phát triển các chính sách của Châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù là trong WTO hay các cuộc đàm phán với các nước Châu Á. Từ bốn năm nay, Hubert Testard là giảng viên, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po], về phân tích tương lai học của châu Á. Ông đã xuất bản cuốn sách có tựa đề “Pandémie, le basculement du monde [Đại dịch, sự chuyển hướng của thế giới]”, vào tháng 3 năm 2021 bởi NXB Editions de l'Aube. 

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Climat: l’Asie-Pacifique face au défi de la COP26, ngày 22/10/2021.

Print Friendly and PDF