29.10.21

“Thiên nhiên”, một ý tưởng tiến hoá qua các nền văn minh

“THIÊN NHIÊN”, MỘT Ý TƯỞNG TIẾN HÓA QUA CÁC NỀN VĂN MINH

Fabrice Flipo[1] Frédéric Ducarme[2]

Trái ngược với suy nghĩ thông thường, hầu hết các quan niệm về thiên nhiên đều bao gồm con người. art_inthecity / Flickr

Thường có xu hướng đối lập sự đa dạng của các nền văn hóa, thành quả của trí tưởng tượng sáng tạo vô tận của nhân loại, với “thiên nhiên”, là một thực tại không biến đổi và khách quan.

Tuy nhiên, chính ý tưởng về thiên nhiên thay đổi theo thời gian và không gian, và các biến đổi này quy định mối quan hệ của chúng ta với thế giới.

Trước tiên, chúng ta hãy nói rằng các nền văn hóa khác nhau không xem xét tự nhiên theo cùng một cách: nếu chúng ta dịch từ châu Âu có nguồn gốc Latinh là “thiên nhiên/nature” sang các ngôn ngữ khác trên thế giới, thì những từ tương đương với nó - zì rán trong tiếng Trung Quốc, tabî'a trong tiếng Ả Rập, prakti trong tiếng Hindi… - đều mang một nền tảng từ nguyên, ngữ nghĩa, văn hóa và triết học khiến chúng trở thành những khái niệm rất khác biệt.

Do đó, bản dịch tạo ra ảo giác về một sự tương ứng mà trên thực tế chỉ có một sự tương tự ít nhiều mơ hồ.

Trong cùng một nền văn hóa, các khái niệm tiến hóa theo thời gian và các trường phái tư tưởng; cái mà bây giờ chúng ta gọi là “thiên nhiên” bằng cách viện dẫn Aristotle, Descartes hay Darwin, thực sự không còn có bất kỳ mối liên hệ nào với những gì các tác giả này muốn hiểu qua từ này.

Do đó, có nhiều cách hiểu về thiên nhiên. Những tác động chính trị của sự đa dạng này là gì?

Một bên là con người, một bên là thiên nhiên

Bruno Latour (1947-)
Arne Naess (1912-2009)

Trong sự đa dạng này, một hình tượng đặc biệt của thiên nhiên ngày nay thường bị chỉ trích - và đôi khi được biếm họa - bởi cả một thế hệ các nhà tư tưởng, theo bước của Philippe DescolaBruno Latour, thông qua sinh thái học sâu sắc (deep ecology) của Arne Naess.

Đó là về thiên nhiên được coi là đối lập với con người (và do đó đối với tinh thần, chính trị, lịch sử), một thiên nhiên vật chất, thụ động và hoàn toàn ở bên ngoài chúng ta.

Làm thế nào các nền văn minh phân biệt con người và những gì không phải con người? Gặp gỡ Philippe Descola (Collège de France / Youtube, 2014).

Thiên nhiên này được các tác giả này gọi là “tự nhiên chủ nghĩa” hay “hiện đại”, bởi vì nó có vẻ là đặc trưng của phương Tây: nó được coi đơn giản như một kho chứa nguyên liệu thô bị khai thác hoặc được chiêm nghiệm, nhưng luôn nằm trong ý tưởng rằng con người và các xã hội của họ không thuộc về nó, phát triển về phía mình, trong các không gian đô thị hoặc nông nghiệp vốn chỉ thuộc độc nhất về “văn hóa”.

Nhưng quan niệm này có mang tính bá chủ như chúng ta nghĩ không?

Một quá trình sáng tạo bao trùm chúng ta

Trên thực tế, đại đa số các định nghĩa về thiên nhiên, dù được tìm kiếm trong lịch sử phương Tây hay trong các nền văn hóa khác, có xu hướng đặt con người vào thiên nhiên, và xem thiên nhiên như một quá trình sáng tạo bao trùm chúng ta hơn là một tổng thể vật chất vô tri.

Đó từng là trường hợp của Hy Lạp cổ đại, nơi mà từ phusis chỉ một nguyên lý sáng tạo của sự phát triển, trong đó nhân loại là một phần không thể thiếu.

Chúng ta tìm thấy một ý tưởng tương tự trong từ nguyên của các từ tương đương của nó trong nhiều ngôn ngữ, chẳng hạn như tiếng Hindi prakti (có nghĩa là “sinh sôi nảy nở”), priroda (“sinh thành”) tiếng Slav, természet (“sự đột khởi của thực vật”) tiếng Hungary hoặc luonto (“sức mạnh huyền bí”) của Phần Lan.

Cuối cùng, chỉ có thuật ngữ tiếng Semitic tabî’a (“dấu được ấn vào”) thể hiện rõ ràng quan điểm mang tính cố định luận và thụ động về thiên nhiên, điều dường như có liên hệ chặt chẽ với các đạo độc thần. Như vậy, đó là một quan niệm thiểu số, nhưng đã có một sự bành trướng phi thường qua các tôn giáo dựa trên tư tưởng của Abraham.

Bảo tồn “di sản” thiên nhiên

Định nghĩa này về thiên nhiên như một tổng thể bên ngoài và cố định đã được huy động về mặt lịch sử trong khuôn khổ của sự bảo vệ thiên nhiên, được phỏng theo sự bảo vệ di sản vào thế kỷ 19; lúc đó chúng ta thường nói về việc bảo vệ “kiến trúc tự nhiên” (“monuments naturels”), tiền thân của khái niệm “di sản của thiên nhiên” (“patrimoine naturel”).

Trong cách nhìn này, việc bảo vệ thiên nhiên phải áp dụng các kỹ thuật và mục tiêu của việc bảo tồn di sản lịch sử: duy trì một vật thể ở trạng thái xác định để ngăn chặn sự hủy hoại nó (bất kỳ quá trình tiến hóa nào đều được coi là một sự huỷ hoại), cho dù đó là một thánh đường hoặc một ngọn núi.

John Muir năm 1907. Francis M. Fritz/Wikimedia

Chúng ta tìm thấy quan niệm này trong số những người Mỹ theo chủ nghĩa bảo tồn đầu tiên thuộc thế hệ John Muir (1838-1914), và cho đến Aldo Leopold (1887-1948); mục đích là hạn chế những điều thái quá của xã hội công nghiệp, buộc nó phải giữ lại một số không gian ở dạng ban đầu trong khi việc khai thác hoành hành ở những nơi khác.

Aldo Leopold (1887-1948)
James F. Cooper (1789-1851)

Tốc độ nhanh chóng mà các không gian vĩ đại của nước Mỹ của những người tiên phong sau đó biến mất dưới tham vọng của những kẻ đầu cơ bất động sản đã thúc đẩy những nhà hoạt động trên giữ lại đây đó, bên lề của cuộc khai thác phi mã, “tàn tích” của thời đại Mỹ hoang sơ đã qua, dấu tích của một thời kỳ thần thoại sớm được vinh danh trong văn học – đặc biệt bởi James Fenimore Cooper - rồi sau đó trong điện ảnh. Logic rõ ràng giống logic với các di tích cổ đại của châu Âu già nua.

Nhưng đó cũng là một quan niệm chỉ có ý nghĩa ở Mỹ, nơi sự khai thác đã dẫn đến một cuộc chinh phục tàn bạo, đi kèm với hệ tư tưởng mang tính thần tạo luận vốn cho rằng những cảnh quan hoang dã đã bị tiêu thụ như vậy đã giữ nguyên trạng từ thời khởi thủy của thế giới.

Đọc thêm: Bốn hệ sinh thái của kỷ Anthropocene

Thuyết bảo toàn (préservationnisme) đối đầu với thuyết bảo tồn (conservationnisme)

Quan niệm này về một thiên nhiên “giữ nguyên trạng” đã chiếm ưu thế lớn trong suốt phần lớn của thế kỷ XX: trào lưu này hiện tại được gọi là “thuyết bảo toàn (préservationnisme)” tìm cách duy trì các khu vực được bảo toàn khỏi mọi hoạt động của con người, ở trạng thái mà người ta nghĩ là còn “nguyên thủy”.

Gifford Pinchot (1865-1946)
Martin Heidegger (1889-1976)

Nó đối lập với “thuyết bảo tồn”, được hiểu là việc sử dụng hợp lý và bền vững các nguồn tài nguyên sinh học, đặc biệt là gỗ, vốn vẫn là nguồn tài nguyên chiến lược cho đến Thế chiến II. Gifford Pinchot, người sáng lập ra Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ, là biểu tượng của nó ở Hoa Kỳ.

Thế thì đã có hai quan niệm về thiên nhiên và sự bảo vệ nó, đối đầu với nhau: một quan niệm tư duy thiên nhiên cho con người, và một quan niệm khác coi nhân loại và thiên nhiên là hai thế giới tách biệt.

Ở châu Âu, phân tích của Martin Heidegger về một con đập trên sông Rhin, trong Question de la technique - Vấn đề kỹ thuật (1954), cũng đối chất hai quan niệm về thiên nhiên phần nào tương ứng với sự phân đôi này.

Thiên nhiên - ở đây là dòng sông - một mặt được quan niệm như một quá trình hoang dã được trang bị với cơ quan riêng của nó, mặt khác, dưới góc độ của con đập, như một “kho chứa” giúp khai thác năng lượng.

Từ phòng thí nghiệm đến nông nghiệp công nghiệp

“Thiên nhiên” như một kho tài nguyên có khả năng được sắp xếp và tổ chức lại nhằm được khai thác được Descartes biện minh về mặt triết học, người coi thiên nhiên như là sự tồn tại của những thành phần đặt bên cạnh nhau (partes extra partes): những phần xa lạ với nhau, và vô tri vô giác. Descartes cũng bảo vệ quan điểm rằng động vật tương tự như máy móc: đối với người theo tư tưởng của Descartes, thiên nhiên là một cơ chế vĩ đại.

Đây cũng là cách mà khoa học kỹ thuật - và do đó là ngành công nghiệp – nhận thức về thế giới. Trên thực tế, chính trên cơ sở của hệ hình này mà khoa học kĩ thuật đã biến đổi môi trường sống của chúng ta.

Quan niệm mang tính “khai thác chủ nghĩa (extractiviste)” hay “sản xuất chủ nghĩa (productiviste)” này về thiên nhiên, được coi như một tập hợp các tài nguyên vô tri mà giá trị cần được “phát triển”, thường xuyên bị chủ nghĩa sinh thái phê phán, chủ nghĩa này tìm cách đặt con người trong một thiên nhiên được coi là một hệ thống phức tạp và năng động, mà trạng thái cân bằng bị đe dọa bởi sự khai thác mù quáng đối với sự vận hành tinh vi của thiên nhiên.

Nếu chủ nghĩa xã hội đặt ra mục tiêu chống lại sự tàn phá của hệ hình công nghiệp đối xử với con người như máy móc, thì thái độ của chủ nghĩa sinh thái với thiên nhiên cũng vậy.

Bởi vì nếu quan niệm mang tính sản xuất chủ nghĩa về thiên nhiên được áp dụng một cách hời hợt cho các nguồn tài nguyên vô tri vô giác, vốn tạo nên phần lớn sự tiếp xúc hàng ngày của chúng ta với thiên nhiên, ở dạng biến đổi - nhựa (dầu mỏ), bê tông (cát, đá vôi), kim loại (khoáng sản), v.v. - nó được áp dụng một cách ít tốt đẹp hơn cho các sinh vật sống, trong chừng mực chúng sống và nằm trong một mạng lưới tương tác, và không thể dễ dàng bị thao túng mà không dẫn đến những hậu quả dây chuyền thường vượt quá ý đồ của những kẻ khuyến khích quan niệm này.

Đồ họa thông tin từ NGO Mạng lưới các Dấu ấn Toàn cầu (Global Footprint Network) giới thiệu cho các quốc gia khác nhau về ngày vượt quá. Nói cách khác, đó là ngày mà các nguồn tài nguyên thiên nhiên được tạo ra trên trái đất trong một năm đã cạn kiệt. Mạng lưới các Dấu ấn Toàn cầu của NGO, CC BY-NC-ND

Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận quy giản (khi sự sống chỉ được coi như là một hiện tượng lý-hóa), thường là cách tiếp cận của các khoa học thí nghiệm, vẫn còn là phương pháp của nông nghiệp công nghiệp, vốn rất khó xem xét các hậu quả gián tiếp của các thực tiễn của mình trong thời gian và không gian.

Cách tiếp cận này cũng là nguồn gốc của các giới hạn của mô hình này: một nền nông nghiệp tiêu diệt sự đa dạng sinh học và phá hủy đất; các loại đất, mặc dù tiếp nhận số lượng đầu vào ngày càng tăng, nhưng cuối cùng vẫn bị khoáng hóa và mất đi độ phì nhiêu của chúng...

Một tổng hợp mới

Một số tác nhân xã hội, như mạng lưới nông nghiệp nông dân (FADEAR), mang một quan niệm khác, trong đó những sinh vật (con người hay không) cùng tồn tại, cùng phát triển.

Ở cấp độ ý tưởng, vấn đề là phát triển một hệ sinh thái hòa giải, giống như các nền văn hóa ngoài châu Âu, đặt con người vào trung tâm của một thiên nhiên được các động năng xuyên suốt, thay vì đối mặt với một khối vô tri như phương Tây đã quan niệm từ quá lâu.

Xa vời với một bước thụt lùi, sinh thái học đề xuất một sự tổng hợp mới.

Serge Moscovici (1925-2014)

Serge Moscovici, một trong những người sáng lập ra chủ nghĩa sinh thái Pháp, đã khẳng định ngay từ những năm 1960 rằng chính quan niệm mang tính sản xuất chủ nghĩa về thiên nhiên đã khai sinh ra sinh thái học khoa học, chứ không phải ngược lại.

Thật vậy, sinh thái học khoa học tiến hành bằng cách tìm cách đặt thiên nhiên vào trong các phương trình, để tư duy nó không còn là một tập hợp các kho dự trữ, mà là một hệ thống các luồng năng động thường xuyên liên kết với nhau.

Sinh thái học khoa học cho rằng tất cả các nền văn minh xác định các “trạng thái tự nhiên” khác biệt, điều này giải thích tại sao cái mà chúng gọi là “thiên nhiên” không bao giờ giống nhau; trong xã hội công nghiệp, gà trở thành loài chim phổ biến nhất trên Trái đất...

Khi nào thì quan niệm máy móc kết thúc?

Những quan niệm khác nhau này về thiên nhiên cùng tồn tại hoặc loại trừ nhau tùy trường hợp, và được ghi nhận trong một chuỗi đi theo sự tiến hóa của xã hội và những thách thức chống lại tiến hoá này - về mặt bản thể học, cái sống đồng thời là sự sống, hóa học và cơ chế.

Frédéric Ducarme
Fabrice Flipo

Những lý do để đặt cái này hay cái khác lên trước mang tính khoa học luận, nhưng cũng là đạo đức: từ thời điểm khi con người là một phần mật thiết của thiên nhiên, liệu thiên nhiên có nên được đối xử đơn giản như một phương tiện, hay tự nó cũng là cứu cánh, để sử dụng công thức nổi tiếng của Kant?

Tuy nhiên, có thể dễ dàng hiểu tại sao định nghĩa máy móc lại chiếm ưu thế: nó phản ánh hầu hết các tương tác hàng ngày của chúng ta với tự nhiên, và nó là định nghĩa mang lại lợi ích cho nền kinh tế công nghiệp.

Nhưng, chúng ta nhận thấy hàng ngày, giới hạn quan niệm của chúng ta về thế giới vào tính duy lý kinh tế ngắn hạn không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai và cuối cùng, thậm chí cũng không có lợi cho nền kinh tế ...

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:La “nature”, une idée qui évolue au fil des civilisations, The Conversation, 10.5.2021.

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[1] Giáo sư Triết lý xã hội và chính trị, khoa học luận và lịch sử các khoa học và các kỹ thuật, Institut Mines-Télécom Business School.

[2] Tiến sĩ sinh thái học, Bảo tàng Quốc gia về Lịch Sử Thiên Nhiên (Muséum national d’histoire naturelle).

Print Friendly and PDF