19.10.21

Học giả nhận giải Nobel David Card chứng minh người nhập cư không làm giảm lương của người lao động bản xứ

HỌC GIẢ NHẬN GIẢI NOBEL DAVID CARD CHỨNG MINH NGƯỜI NHẬP CƯ KHÔNG LÀM GIẢM LƯƠNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG BẢN XỨ

Arvind Magesan

Ngày 15 tháng 10 năm 2021 6.35 sáng AEDT

David Card là người Canada, học giả nhận giải Nobel kinh tế năm 2021, một hình mẫu ở Berkeley, California. Card, giáo sư ở Đại học California, Berkeley, đã nhận được giải thưởng cho nghiên cứu của mình về lương tối thiểu và tình trạng nhập cư. (Ảnh AP / Noah Berger)

Các nhà kinh tế học ứng dụng dành phần lớn thời gian của họ để cố gắng tìm ra các câu trả lời có ý nghĩa — tức các tác động nhân quả — từ dữ liệu quan sát.

Không giống như các ngành khoa học tự nhiên, chúng ta không thể tiến hành các cuộc thí nghiệm để trả lời các câu hỏi lớn trong lĩnh vực của chúng ta. Ví dụ, nếu muốn biết việc tăng lương tối thiểu ảnh hưởng như thế nào lên tỷ lệ thất nghiệp, thì chúng ta phải dựa vào dữ liệu thực từ người sử dụng lao động, người lao động và khách hàng.

Nhưng thật chẳng dễ dàng khi so sánh tỷ lệ thất nghiệp ở hai địa hạt pháp lý có chính sách lương tối thiểu khác nhau. Pháp chế về lương tối thiểu là một lựa chọn chính sách, và những lựa chọn này phụ thuộc vào vô số lực lượng kinh tế và chính trị có khả năng giải thích về tỷ lệ thất nghiệp. Điều đó có nghĩa là khả năng của chúng ta để tìm hiểu bất cứ điều gì về tác động của lương tối thiểu từ phép so sánh đơn giản kiểu “táo và cam” [tức, hai sự việc hoàn toàn khác nhau, không nên so sánh với nhau - ND] là rất hạn chế.

Nhà kinh tế học người Canada David Card đã nhận giải Nobel kinh tế năm nay chủ yếu là vì ông đã phát triển các phương pháp đáng tin cậy để trích xuất các tác động nhân quả từ loại dữ liệu quan sát này.

Nhà kinh tế học xứ Guelph, bang Ontario, Canada này đã viết rất nhiều bài nghiên cứu có sức tác động lớn để đề cập ở đây, trong khi các nhà kinh tế học thường chỉ gắn tên ông với hai nghiên cứu mang tính bước ngoặt, có sức ảnh hưởng lớn, mà tất cả chúng ta đều học ở bậc cao học.

Nghiên cứu thứ nhất xem xét tác động của lương tối thiểu lên tỷ lệ thất nghiệp, đã nhận được nhiều sự chú ý sau khi giải Nobel được công bố. Do vậy, hãy tập trung vào nghiên cứu thứ hai, trong đó Card đã kết hợp một kỹ thuật thông minh với dữ liệu bắt nguồn từ sự kiện lịch sử duy nhất để trả lời một cách đáng tin cậy cho việc tình trạng nhập cư với quy mô lớn từ một nước nghèo ảnh hưởng như thế nào lên các mức lương của những người dân bản xứ.

Sự kiện di tản từ cảng Mariel

Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1980, khoảng 125.000 người đã trốn khỏi Cuba từ cảng Mariel, đến Miami để tị nạn. Sự kiện này được biết đến dưới tên gọi Mariel Boatlift đã khiến cho lực lượng lao động địa phương ở Miami tăng đột biến và đáng kể lên khoảng 7%.

Đây là một ví dụ điển hình về “thí nghiệm tự nhiên”, mà ngày nay các nhà khoa học xã hội có thể nhận ra và khai thác tốt hơn rất nhiều một phần nhờ công trình tiên phong của Card.

Mặc dù không thể nghiên cứu tác động của tình trạng nhập cư ồ ạt lên công ăn việc làm và lương của người dân bản xứ trong môi trường phòng thí nghiệm thực sự, nhưng Card nhận ra rằng việc di tản từ cảng Mariel là sự kiện tốt nhất tiếp theo khi thành phố Miami trải qua cú sốc nhập cư lớn không mong đợi vì những lý do không liên quan đến các mức lương hoặc công ăn việc làm trong cộng đồng.

Trong bức ảnh năm 1980 này, một lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ giúp một đứa trẻ Cuba rời khỏi thuyền tị nạn ở Key West, Fla. (AP Photo/Fernando Yovera)

Phương pháp mà ông đã sử dụng là một ví dụ kinh điển đã trở thành một công cụ chuẩn trong bộ công cụ của các nhà kinh tế học ứng dụng, được gọi là “khác biệt kép” [difference in differences]. Bằng cách so sánh sự khác biệt về lương ở Miami từ các tình trạng trước và sau khi sự kiện di tản bằng thuyền cho đến sự khác biệt về thời gian ở một nhóm người dân trong các thành phố đối chứng của Hoa Kỳ, Card đã có thể ước lượng một cách đáng tin cậy tác động nhân quả của tình trạng nhập cư với quy mô lớn của người lao động có tay nghề thấp lên thị trường lao động địa phương.

Card nhận thấy một tác động “không” — không chỉ việc các mức lương của người dân bản xứ và tỷ lệ thất nghiệp không chịu tác động bởi việc lực lượng lao động tăng lên 7% ở Miami, mà ngay cả không tác động đến những người lao động có tay nghề thấp bản xứ, được định nghĩa là những người có bằng tốt nghiệp trung học trở xuống. Những phát hiện này trái ngược với tâm lí ác cảm chống người nhập cư ở cả Hoa Kỳ lẫn Canada.

Kiểm nghiệm Kinh tế học 101

Phát hiện của Card đã thách thức niềm tin được chấp nhận vào thời đó và cuối cùng buộc các nhà kinh tế học phải suy xét lại mô hình Kinh tế học 101 về tình trạng nhập cư và các đặt định về lương trên thị trường lao động. Trong tư duy thống trị thời nay, tình trạng nhập cư ồ ạt thể hiện sự gia tăng lớn về cung nhân lực, dẫn đến tình trạng giảm giá nhân công — nói cách khác, dẫn đến tình trạng lương thấp hơn và ít công ăn việc làm hơn đối với những người dân bản xứ.

Tại sao tình trạng dòng người lao động tràn vào thành phố lại không gây ra áp lực khiến cho các mức lương và công ăn việc làm của người dân bản xứ giảm xuống? Hơn 30 năm qua, sau khi bài nghiên cứu của Card được công bố, các nhà kinh tế học nhập cư và lao động vẫn đang tính toán về những phát hiện chính của ông, từ đó toàn bộ các lý thuyết và những nghiên cứu thường nghiệm hoàn toàn mới được đem ra bàn luận.

Một lý thuyết với một vài chứng cứ ủng hộ là những người lao động nước ngoài và bản xứ có thể là “những sản phẩm thay thế không hoàn hảo” trong quá trình sản xuất. Nói cách khác, những người lao động nước ngoài và bản xứ có thể chuyên môn hóa vào các công việc khác nhau, và việc dòng người nhập cư tràn vào có thể khiến những người lao động bản xứ phải phân bổ lại nhân lực theo lợi thế so sánh của họ.

Ví dụ, những người lao động bản xứ có lợi thế trong các công việc đòi hỏi thông thạo ngôn ngữ địa phương, và phần nào lý do khiến nền kinh tế của Miami có thể tiếp nhận dòng người lao động tràn vào dễ dàng là vì những người lao động bản xứ đã phân bổ lại nhân lực của họ vào những công việc đòi hỏi thông thạo các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh.

Một số người vẫy cờ Mỹ và Cuba khi họ nhảy theo nhạc tại Lễ hội Calle Ocho, lễ hội lớn nhất của người Tây Ban Nha ở Hoa Kỳ thu hút hàng nghìn người kéo đến khu phố Little Havana của Miami hàng năm. (AP Photo/Wilfredo Lee)

Nhưng trường hợp này còn lâu mới kết thúc ở vấn đề này, và một phần di sản của Card là nỗ lực tiếp tục để hiểu rõ một cách tường minh mối quan hệ giữa tình trạng nhập cư và thị trường lao động.

Ảnh hưởng sâu sắc của Card lên kinh tế học

Có một sự tương đồng tốt đẹp ở đây với bài nghiên cứu nổi bật khác của Card về lương tối thiểu. Nó cũng liên quan đến việc áp dụng sớm phương pháp luận ‘khác biệt kép’ cho hai bang của Mỹ, một bang tăng lương tối thiểu còn một bang khác thì không.

Ở đó, Card cũng tìm thấy một tác động không [null effect] — lương tối thiểu tăng khiêm tốn không tác động lên tỷ lệ thất nghiệp của người lao động. Phát hiện này cũng khiến cho các nhà kinh tế học lao động làm lại từ đầu, vì nó đã bác bỏ một cách hữu hiệu niềm tin được chấp nhận vào thời đó rằng việc tăng mức lương do chính phủ áp đặt sẽ làm giảm cầu lao động và dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Kết quả đã được tiếp tục nghiên cứu cẩn thận về cách mà lương tối thiểu ảnh hưởng lên tỷ lệ thất nghiệp.

Card ngồi trong văn phòng của mình ở Đại học California, Berkeley. (Ảnh AP / Noah Berger)

Điều đáng chú ý là, trong một lĩnh vực có sự tưởng thưởng không tương xứng với việc khám phá ra các tác động nhân quả to lớn, Card đã được công nhận vì đã giúp cách mạng hóa thực tiễn kinh tế học ứng dụng vì đã viết hai bài nghiên cứu chỉ ra những tác động không.

Quả thật rất khó để nói quá lời về tác động của Card lên kinh tế học. Ông được coi là một trong những kỹ sư của cái gọi là “cuộc cách mạng tín nhiệm” trong kinh tế học, đã khiến kinh tế học thực nghiệm trở thành lĩnh vực được đa số sinh viên sau đại học lựa chọn trong suốt 20 năm qua.

Arvind Magesan

Mọi nhóm sinh viên thuần tập [cohort] bậc sau đại học hoặc trên bậc đại cương ở đại học đều được dạy về khái niệm khác biệt kép qua lăng kính của công trình nổi tiếng của Card, và thật khó lòng để tưởng tượng rằng điều đó sẽ thay đổi sớm.

Tác giả

Arvind Magesan

Giáo sư Kinh tế, Đại học Calgary

Tuyên bố công khai

Arvind Magesan nhận tài trợ từ Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn (SSHRC)

Hồ Thị Thu Hiền dịch

Nguyễn Việt Anh hiệu đính

Nguồn: Nobel winner David Card proves immigrants don’t reduce the wages of native-born workers, The Conversation, Oct 15, 2021.

Print Friendly and PDF