15.10.21

Cách tiếp cận được giải Nobel - ‘thí nghiệm tự nhiên’ - đã làm cho kinh tế học trở nên vững chắc hơn

CÁCH TIẾP CẬN ĐƯỢC GIẢI NOBEL - ‘THÍ NGHIỆM TỰ NHIÊN’ - ĐÃ LÀM CHO KINH TẾ HỌC TRỞ NÊN VỮNG CHẮC HƠN

Joshua Angrist, Guido Imbens và David Card cùng nhau chia sẻ giải thưởng vì đã tìm ra cách thức để xác định nhân và quả trong khoa học xã hội.

Philip Ball

Từ trái sang phải: Joshua Angrist, Guido Imbens và David Card cùng chia sẻ giải thưởng Nobel về các khoa học kinh tế năm 2021 cho công trình đã giúp việc nghiên cứu kinh tế học trải qua một ‘cuộc cách mạng về độ tin cậy’. Hình ảnh: MIT/EPA-EFE/Shutterstock, Andrew Brodhead/Stanford News Service/EPA-EFE/Shutterstock, Noah Berger/AP/Shutterstock

Cách tiếp cận ‘thí nghiệm tự nhiên’, mang về cho ba nhà nghiên cứu Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển về Khoa học Kinh tế năm 2021, đã giúp làm cho lĩnh vực này trở nên vững chắc hơn, các nhà kinh tế cho biết.

Joshua Angrist tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Cambridge, Guido Imbens tại Đại học Stanford ở California và David Card tại Đại học California, Berkeley, đã nhận được giải thưởng nhờ công trình cho thấy quan hệ nhân quả có thể được luận ra từ dữ liệu có thể quan sát trong các thí nghiệm tự nhiên ở thế giới-thực như thế nào. Công trình của họ đã được sử dụng để kiểm tra, ví dụ, mức lương tối thiểu khác nhau ảnh hưởng như thế nào đến các công việc và các doanh nghiệp; và những tác động kinh tế của tình trạng di cư.

Diane Coyle (1961-)

Diane Coyle, nhà kinh tế tại Đại học Cambridge và là tác giả của một cuốn sách mới, Cogs and monsters: what economics is, and what it should be [tạm dịch: Bánh răng và quái vật: Kinh tế học là gì và nó nên là gì]. Bà cho biết thêm, quyết định này sẽ được các nhà kinh tế hoan nghênh rộng rãi. “Đây là những người đã thúc đẩy ‘bước ngoặt ứng dụng’ trong kinh tế học thông qua công trình của họ về các phương pháp nhằm khám phá ra những mối quan hệ nhân quả.

Việc hiểu được nhân và quả trong khoa học xã hội bị cản trở bởi vì các thí nghiệm đối chứng - chẳng hạn như các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên (randomized controlled trials - RCT) - có thể không phải lúc nào cũng khả thi về mặt thực tiễn hay về mặt đạo đức. Nhưng kinh tế học đã trải qua “một cuộc cách mạng về độ tin cậy”, nhà kinh tế học vĩ mô Lisa Cook tại Đại học Bang Michigan ở Đông Lansing cho biết, “và những tác giả này là trung tâm của nó”.

Giải thưởng đến như một “điều hoàn toàn bất ngờ”, Card nói với Nature. “Tôi nghĩ rằng có nhiều người khác rất xứng đáng.” Card cho rằng tác động chính từ nghiên cứu của ba tác giả được giải là “khiến mọi người dành nhiều thời gian và nỗ lực hơn để phát triển các bằng chứng thực nghiệm đáng tin cậy, có chất lượng cao và “thách thức các bằng chứng yếu kém”.

Lisa D. Cook
Alan Krueger (1960-2019)

Cook nói, “Trước ba tác giả này và Alan Krueger [nhà kinh tế quá cố của Đại học Princeton]”, các nhà kinh tế “đã hài lòng khi nói rằng mối tương quan không phải là quan hệ nhân quả, và sau đó chỉ cần ném ra câu châm ngôn đó và đưa lên những tuyên bố về nhân quả mà không hề có bằng chứng nào cho chúng”.

Bằng cách làm cho các kết luận của nghiên cứu kinh tế học trở nên vững chắc hơn, những người được giải đã giúp đảm bảo các quan sát như một nền tảng nhằm phát triển các quyết định chính sách đáng tin cậy. Cook nói: “Bạn không muốn sử dụng một loạt các mối tương quan để thông tin về chính sách. Bạn muốn chắc chắn nhất có thể rằng có một mối liên hệ nhân quả giữa bất kỳ chính sách nào bạn muốn áp dụng và kết quả mà bạn quan tâm.”

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng cách tiếp cận sử dụng các thí nghiệm tự nhiên chẳng phải là thuốc chữa bách bệnh. Bà nói, “Đôi khi, chúng ta không có đủ dữ kiện để kết nối các vấn đề nan giải” nhằm tạo nên một câu chuyện nhân quả đáng tin cậy.

Một giải pháp về đạo đức

Trong các ngành khoa học tự nhiên và y học, các nhà nghiên cứu có thể tìm cách thiết lập những mối quan hệ nhân quả bằng cách tiến hành các thí nghiệm, chẳng hạn như RCT, trong đó một biến được thay đổi trong khi các biến khác được giữ nguyên.

Esther Duflo (1972-)
Abhijit Banerjee (1961-)

Ví dụ, thuốc được kiểm định bằng cách sử dụng RCT, với một nhóm người được chỉ định ngẫu nhiên để nhận thuốc và một nhóm khác được chỉ định nhận giả dược. RCT đôi khi cũng có thể được sử dụng trong kinh tế học - chúng là trọng tâm của công trình đạt giải thưởng năm 2019 của Esther Duflo và Abhijit Banerjee, cả hai đều công tác tại MIT và Michael Kremer, hiện công tác tại Đại học Chicago ở Illinois. Nhưng thông thường, cách tiếp cận này là không khả thi hoặc thậm chí là phi đạo đức - ví dụ, sẽ không phù hợp nếu áp đặt mức lương bất bình đẳng cho một nhóm người để đánh giá mối quan hệ giữa thu nhập và năng suất. Cả ba tác giả được giải [của năm nay] đều đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển một chiến lược thay thế.

Năm 1991, Angrist, khi làm việc với Krueger, đã suy xét câu hỏi là liệu những người có trình độ học vấn cao hơn có nhiều khả năng kiếm được nhiều tiền hơn trong suốt cuộc đời làm việc của họ hay không[1]. Các tác giả đã chỉ ra rằng không thể cho là về mặt nhân quả, học tập nhiều hơn sẽ thúc đẩy thu nhập cao hơn. Điều này là bởi vì những người chọn học trong thời gian dài hơn có thể có các động cơ hoặc các thuộc tính liên quan giúp gia tăng số tiền kiếm được từ lao động của họ. Để xác định xem liệu trình độ học vấn có thúc đẩy thu nhập hay không, hai nhà nghiên cứu đã xem xét thí nghiệm tự nhiên được đưa ra bởi việc giáo dục nhà trường bắt buộc. Ở Hoa Kỳ, những người sinh vào các thời điểm khác nhau trong một năm nhất định sẽ học cùng một lớp ở trường. Điều đó cung cấp một tập hợp thuần tự nhiên để đo lường mối quan hệ giữa thời gian một người nào đó dành cho việc học tập ở nhà trường và số tiền kiếm được từ lao động của họ.

Trong khi đó, Card và Krueger đã suy xét điều gì sẽ xảy ra với tỷ suất việc làm khi mức lương tối thiểu được đưa ra, hoặc được thay đổi. Vào đầu những năm 1990, họ sử dụng thí nghiệm tự nhiên được đưa ra bằng cách so sánh tỷ suất việc làm ở hai bang lân cận của Hoa Kỳ, New Jersey và Pennsylvania, những bang có mức lương tối thiểu khác nhau, nhưng được cho là có thể so sánh được[2]. Card cũng xem xét những tác động của tình trạng di cư đối với tiền lương - một vấn đề liên quan đến các cuộc tranh luận ngày nay ở Hoa Kỳ và Châu Âu.

Năm 1994, Angrist và Imbens đã phát triển một hình thức hóa toán học để chắt lọc thông tin đáng tin cậy về quan hệ nhân quả từ các thí nghiệm tự nhiên, ngay cả khi ‘thiết kế’ của chúng bị hạn chế và bị dàn xếp bởi các trường hợp không xác định, chẳng hạn như sự tuân thủ không hoàn toàn của những người tham gia[3].Cách tiếp cận của họ cho thấy là, trong một tình huống nhất định, những kết luận nhân quả nào có thể và không thể được xem là chính đáng.

Do đó, có những mối liên hệ chặt chẽ giữa công trình của ba người được giải, Card nói. “Phần lớn công việc của tôi, Angrist và Krueger vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 được thúc đẩy bởi cùng một loạt mối quan tâm về độ tin cậy của các phương pháp tiếp cận tiêu chuẩn nhằm nghiên cứu những thứ như mức lương tối thiểu, việc quay trở lại trường học, các chi phí của nghĩa vụ quân sự, và những tác động của tình trạng di cư.”

Card, giống như nhiều người khác, nghĩ rằng nếu Krueger - người từng giữ chức chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế trong chính quyền của cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama - không qua đời vào năm 2019, thì ông cũng sẽ cùng chia sẻ giải thưởng này.

doihttps://doi.org/10.1038/d41586-021-02799-7

Tài liệu tham khảo

[1] Angrist, J. D. & Krueger, A. B. Quart. J. Econ. 106, 976–1014 (1991).

PubMed | Bài báo | Google Scholar

[2] Card, D. & Krueger, A. B. Am. Econ. Rev. 84, 772–793 (1994).

Google Scholar

[3] Imbens, G. W. & Angrist, J. D. Econometrica 62, 467–475 (1994).

PubMed | Bài báo | Google Scholar

Nguyễn Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Nobel-winning ‘natural experiments’ approach made economics more robust, Nature, ngày 13 tháng 10 năm 2021

Print Friendly and PDF