11.10.21

Giải Nobel kinh tế: một nước bài bậc thầy

GIẢI NOBEL KINH TẾ: MỘT NƯỚC BÀI BẬC THẦY

Patrick Moynot

Đăng ngày 15 tháng 10 năm 2008

Ngày mà các nhà kinh tế học trở thành những nhà khoa học. Câu chuyện đã được biết rồi, nhưng vẫn lý thú khi nhắc lại trong bối cảnh hiện tại: trái với vẻ bề ngoài, cái được gọi là “giải Nobel Kinh tế”, vừa được trao vào hôm Thứ ba 14 Tháng 10, không phải là một giải Nobel. Việc lập ra giải thưởng kinh tế vào năm 1969, từ phía các nhà kinh tế học tân cổ điển, là một nước bài bậc thầy của một tập thể nhằm biến đổi ngành học của họ thành một khoa học. Kinh tế học, về bản chất là chính trị học, của Karl Marx hay Adam Smith, đã chết vào ngày hôm đó. Không chắc là ta được gì qua cuộc đổi chác này.

Khi Alfred Nobel quyết định thành lập quỹ để trao giải thưởng nổi tiếng vào năm 1901, ông đã chọn ra năm ngành, ba trong số đó mà ngày nay chúng ta gọi là khoa học cứng, là: vật lý học, hóa học và y học. Giải thưởng về văn học và “hòa bình” bổ sung cho cơ cấu này. Di chúc của ông, rất chính xác, chưa bao giờ đề cập đến một ngành nào khác, bất luận có mang tính khoa học hay không. Vào thời đó, không ai nghĩ đến ý tưởng dán nhãn “khoa học” cho kinh tế học. Lúc bấy giờ đó cũng là trường hợp của hầu hết các trường điều tra, mà ngay cả ngày nay người ta chỉ đồng ý gọi là khoa học khi nói về khoa học ở số nhiều: các khoa học nhân văn.

MÔ HÌNH HÓA TOÁN HỌC

Các nhà khoa học không chơi trò chính trị. Mọi thứ đã thay đổi, trong kinh tế học, với cái được gọi là cuộc cách mạng cận biên, vào đầu thế kỷ XX. Đóng góp chính của cuộc cách mạng đó là thay thế giá trị lao động vốn thân thuộc với những người marxist, cũng như với những người theo chủ nghĩa tự do, bằng một lý thuyết chủ quan về giá trị, dựa trên phép tính cận biên. Cuộc cách mạng nhỏ này đã mở đường cho mô hình hóa toán học và cho các mô hình hình thức, mà cho đến lúc đó chưa từng có. Song song đó, trong khi không ai trong số những người sáng lập ra kinh tế học, Marx và Smith, chưa từng nghĩ đến việc kinh tế học độc lập và nằm ngoài trường chính trị, thì các nhà kinh tế học tân cổ điển bắt đầu có tham vọng về tính trung lập và tính phổ quát. Các nhà khoa học không chơi trò chính trị.

HÀO QUANG CỦA TÍNH KHOA HỌC

Những gì họ không có được về mặt ảnh hưởng, họ đã giành được bằng uy thế. Chừng nào kinh tế học chưa thoát khỏi chính trị học, thì không thể có tham vọng có uy thế của khoa học. Giống như bất kỳ uy thế nào khác, uy thế này bắt nguồn từ một sự hợp thức hóa: từ những người đồng đẳng, trong các ấn phẩm khoa học khi người này dẫn lại lời của một người đồng đẳng khác trong một động thái tự hợp thức hóa rộng lớn, từ các phương tiện truyền thông và dư luận, thường vào dịp công bố các kết quả thực nghiệm, cuối cùng từ giới quyền lực chính trị, những người yêu cầu lời khuyên sáng suốt của những người được cho là có hiểu biết.

Tuy nhiên, giải Nobel có điều huyền diệu ở chỗ nó tập trung toàn bộ quá trình vào một hành động, một địa điểm và một khoảnh khắc. Hào quang của tính khoa học mà nó mang đến là rất lớn. Vốn biểu tượng của giải đã trở nên khổng lồ. Quyền lực mà giải thưởng dành các nhà khoa học được trao giải bắt nguồn đồng thời từ sự thừa nhận khoa học, từ sự tôn vinh trong mắt của công luận và từ sự phong tước của giới chính trị. Các nhà kinh tế đã không nhầm, nắm bắt cơ hội độc nhất đến với họ vào thời điểm cuối năm 1968 đó.

Gunnar Myrdal (1898-1987)

Khi đó, Thống đốc Ngân hàng Thụy Điển đi tìm một ý tưởng để kỷ niệm ba trăm năm ngày thành lập định chế đáng kính của mình. Do gần gũi với giới nghiên cứu kinh tế, ông đã đề xuất với một trong các thành viên có ảnh hưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, nhà kinh tế học Gunnar Myrdal, việc sáng lập giải Nobel kinh tế. Gunnar Myrdal miễn cưỡng nhưng rồi cũng bị thuyết phục. Và, với một nỗ lực vận động hành lang mạnh mẽ, cuối cùng họ đã thuyết phục được Quỹ Nobel và toàn thể Viện Hàn lâm Khoa học. Tuy nhiên, và đây chính là nhược điểm của họ, điều mà họ có được không phải là một giải Nobel thứ 6.

Giải thưởng sẽ được trao, theo cùng những điều kiện, theo một quá trình chọn lọc tuân thủ cùng những quy tắc, và người ta còn đẩy quá trình tinh chỉnh đến mức tuân theo cùng một nghi thức, rườm rà, lỗi thời và đôi khi siêu thực, giống như đối với các giải Nobel khác. Nhưng giải thưởng này sẽ được gọi là “Giải thưởng về Khoa học Kinh tế của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel”, và số tiền thưởng sẽ do Ngân hàng Thụy Điển chi trả, chứ không phải bởi Quỹ Nobel. Bạn cho rằng đó là chi tiết nhỏ.

Peter Nobel (1931-)
Patrick Moynot

Nhưng không phải ai cũng đồng tình, một số nhà khoa học đã phản đối điều mà họ gọi là trò bịp, làm giảm giá trị các giải Nobel khác. Cháu trai của Alfred, Peter Nobel, cũng vậy, người mà trong một diễn đàn vang dội vào năm 2001, đã cáo buộc “ngân hàng hoàng gia Thụy Điển đã gửi trứng vào tổ của một con chim khác”, và là người đặc biệt phản đối việc trao giải thưởng [kinh tế] lần thứ mười cho một nhà kinh tế học, một người theo chủ nghĩa rất tự do, thuộc trường phái Chicago nổi tiếng. Cuối cùng, là những nhà khoa học thuộc các ngành khoa học xã hội khác, những người cảm thấy mình bị hạ xuống hàng thứ cấp, trước một “khoa học kinh tế” đắc thắng và hoàn toàn mới lạ. Nhưng sự việc đã rồi. Trong chốc lát, người ta đã nói đến giải Nobel kinh tế.

Patrick Moynot là phó giáo sư tại Đại học Sciences Po Paris.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Nobel d'économie: coup de maître, Le Monde, ngày 15/10/2008.

----

Bài có liên quan:

“Giải Nobel kinh tế”: một sự huyễn hoặc khéo léo

Print Friendly and PDF