Olivier Bouba-Olga |
Cuộc chiến giữa các nhà kinh tế: vài yếu tố để suy nghĩ
Nhân việc xuất bản cuốn sách, có tựa là “Dùng các nhà kinh tế để làm gì khi tất cả đều nói giống nhau?” của các thành viên (các nhà kinh tế “phi chính thống”) thuộc Hội kinh tế học chính trị Pháp (AFEP), báo Le Monde vừa đăng một bài[*] về cuộc chiến giữa các nhà kinh tế “chính thống” và “phi chính thống” trên nền cuộc tranh luận về việc thành lập một ban mới của CNU.
AFEP (và cùng với tổ chức này là các phương tiện truyền thông đại chúng) biến sự kiện trên thành một cuộc đấu tranh chủ yếu mang tính chính trị: các nhà “chính thống” tin chắc rằng sự điều tiết bằng các thị trường hoạt động tương đối tốt, trong lúc các nhà “phi chính thống” đánh giá rằng chúng đã thất bại.
Jean Tirole (1953-) |
Các nhà “chính thống” (trước hết là Jean Tirole, trong thư gởi bà bộ trưởng), biến cuộc tranh luận trên thành một cuộc chiến giữa những nhà kinh tế “giỏi”, có khả năng công bố trong những tập san đứng đầu các xếp hạng khoa học, và những nhà kinh tế “tồi tệ” không thành công trong việc công bố trong các tập san ấy.
Dưới đây tôi trình bày một số yếu tố để suy nghĩ vì cho rằng các cách đọc trên là không tốt, dù chắc chắn là hoạt động của khoa học kinh tế ở Pháp có vấn đề (xem một phân tích gần với chúng tôi của Richard Arena và Jerôme Vicente).
Vì sao tôi không đồng ý với các nhà “phi chính thống” lẫn các nhà “chính thống”
Paul Krugman (1953-) |
Tôi không đồng ý với các nhà “phi chính thống” khi họ đồng nhất toàn bộ các nhà “chính thống” với các nhà kinh tế “tân tự do”, những người tin chắc vào phẩm hạnh của thị trường. Không thể xem những nhà kinh tế như Krugman và Stigliz là những nhà tân tự do mà phải liệt họ vào các nhà “chính thống”. Theo nghĩa này, những cuộc trao đổi mà tôi từng có với các đồng nghiệp ở TSE/PSE, những nơi tập trung chủ yếu của các nhà kinh tế “chính thống” khiến tôi nghĩ rằng họ được phân bổ trên một phổ khá rộng của bàn cờ chinh trị.
Tôi cũng không đồng ý với các nhà “chính thống”, không có khả năng thấy tất cả những giới hạn của cách đánh giá của họ về khoa học trên cơ sở việc xếp hạng các tạp chí ưu tiên rõ ràng cho một số cách “làm khoa học” trong kinh tế (đặc biệt là thiên về mô hình hóa toán học và những xử lí bằng kinh trắc học).
Michel Grossetti (1957-) |
Theo tôi, sự đối lập chính nằm ở điểm này: đó không phải là một đối lập chính trị, mà là một sự đối lập về những phương pháp được huy động để “làm khoa học”. Một nhà kinh tế nhằm soi sáng một vấn đề bất kì nào đó dựa trên những cuộc điều tra sẽ nhanh chóng bị liệt vào hàng xã hội học (khỏi cần phải nói rõ ràng đây là một điều “không tốt”). Nếu nhà kinh tế này đi thực địa để tìm hiểu cơ năng kinh tế trên một lãnh thổ sẽ bị liệt vào hàng những nhà địa lí (đó là một điều “rất tệ”). Nếu nhà kinh tế này làm kinh trắc (toán học ứng dụng thôi) thì đó là điều “tốt”. Nếu người này làm các mô hình (toán học gần “thuần túy) thì sẽ “rất tốt”. Vấn đề thiết yếu này vượt xa khỏi lĩnh vực kinh tế học, như Michel Grossetti đã nêu lên trong một bài mới đây). Đôi lúc, các phương pháp và công cụ truất ngôi và loại trừ đối tượng nghiên cứu và việc thấu hiểu nó.
Vì sao đó lại thành vấn đề
Pierre-Philippe Combes |
Do đã tham gia nhiều ban giám khảo tuyển chọn các phó giáo sư, những “điều đương nhiên” phổ biến trong lĩnh vực kinh tế dẫn đến việc “sản xuất” ngày càng nhiều những tiến sĩ có một hiểu biết rất kém về kinh tế. Họ bắt đầu một luận án và được thầy hướng dẫn luận án cung cấp cho một cơ sở dữ liệu, họ tự đào tạo về kinh trắc học, tiến hành những xử lí tinh vi, nhận diện vài quan hệ có ý nghĩa thống kê, công bố tất cả trên những tập san được xếp hạng, và đôi lúc công bố rất nhiều khi nắm vững một kĩ thuật kinh trắc có thể áp dụng trên những tập dữ liệu khác nhau. Họ hiếm khi tự đặt câu hỏi về vấn đề kinh tế họ đang xử lí hay về chất lượng dữ liệu được họ huy động. Điều cốt yếu là làm chủ mô hình (lí thuyết và/hay kinh trắc). Đôi khi năng lực rút ra những kết luận từ chính các công trình của họ là rất yếu. Còn để bàn luận một vấn đề kinh tế khác thì …
Laurent Gobillon |
Một cách khác để nêu những vấn đề mà hiện tượng trên đặt ra là quay lại bài viết cuối cùng của tôi, tiếp sau việc công bố bài của Combes, Gobillon và Lafourcade, những tác giả có thể gọi là những nhà kinh tế “chính thống”. Tôi hoàn toàn không biết quan điểm chính trị của họ, nhưng hiển nhiên là phân tích của họ vấp phải vấn đề trên về phương pháp. Xin được giải thích.
Để tư duy địa lí kinh tế, khoa học kinh tế đã phát triển điều được gọi là “kinh tế học địa lí mới”, với Paul Krugman là người dẫn đầu. Các mô hình của kinh tế học địa lí “là” điểm quy chiếu để công bố trong các tập san tốt về chủ đề này. Công bố trong một tập sang hạng 1 hay 1* là đặc biệt khó, thậm chí là không thể. Phải nói rằng “kinh tế học địa lí mới” là thích hợp cho việc phát triển những mô hình toán học (và hơn nữa còn cung cấp nhiều biến thể khác nhau, nghĩa là nhiều cơ hội công bố) và tiếp đến cho những xử lí kinh trắc tinh vi. Một cách logic, Combes, Gobillon và Lafourcade đặt phân tích của họ về địa lí tiền lương trong khuôn khổ này và bắt đầu phát triển một mô hình hóa đầy những giả thiết mà không nêu câu hỏi: có thể chấp nhận các giả thiết này cho vấn đề được nghiên cứu không?
Miren Lafourcade |
Một trong những giả thiết mạnh của kiểu mô hình này giả định rằng thù lao của những cá thể được trả theo năng suất cận biên của họ. Đó là điều các tác giả nói bằng lời văn ở đầu trang 9 tài liệu rồi dưới dạng toán học ở cuối cùng trang. Sau vài xử lí thống kê đặc biệt đơn giản mà họ đã có thể (và đáng lí ra phải) tiến hành trước khi bắt đầu công việc, phản bác của Michel Grossetti và tôi là nếu quan hệ trên không hoàn toàn là sai thì nó cũng không phù hợp lắm cho một số ngành nghề. Không thấy rằng có thể giải thích, một phần, những chênh lệch tiền lương về mặt địa lí bằng địa lí đặc biệt của các ngành nghề không điển hình này và, một cách tổng quát hơn, bởi cơ cấu ngành nghề của các lãnh thổ khác nhau (được họ nhập vào mô hình một cách quá thô thiển trong lúc các cơ sở dữ liệu họ sử dụng có những thông tin chi tiết hơn) trước tiên làm tôi ngạc nhiên, nhưng sau khi suy nghĩ kĩ tôi cho rằng có thể giải thích khá tốt điều này bằng sự mù lòa mà các phương pháp được họ vận dụng gây ra cho họ.
Như vậy nên chăng thành lập một ban mới?
Cảm tưởng của tôi là vấn đề này hoàn toàn khác với những cuộc tranh luận nêu trên. Nó thuộc về một vấn đề chiến lược, đúng hơn là sách lược, vấn đề là làm thế nào để mọi chuyện chuyển động. Việc các nhà “phi chính thống” chính trị hóa cuộc tranh luận theo tôi là không hiệu quả. Sự khinh miệt công khai của các nhà “chính thống”, đứng đầu là Jean Tirole, rõ ràng là một thảm họa.
Một số nhà kinh tế chủ trương để ban hiện nay tự biến hóa từ bên trong, nhấn mạnh rằng việc bãi bỏ kì thi "agrégation" làm thay đổi một cách đáng kể quy trình tuyển chọn, tỉ suất vào ngạch Phó giáo sư (maitre des conférences) và Giáo sư các đại học (professeur des universités) là khá quan trọng và cho phép các ứng viên thuộc những trào lưu khác nhau sau đó ứng cử vào các vị trí giáo sư.
Về phần mình, tôi không biết, tôi không có ý kiến dứt khoát về vấn đề này. Tôi chỉ hoàn toàn tin vào tầm quan trọng của việc duy trì một sự đa dạng của các phương pháp điều tra.
Olivier Bouba-Olga
Trưởng khoa kinh tế học đại học Poitiers
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Guerre entre économistes: éléments de réflexion”, blog của tác giả, 15 tháng 05 năm 2015.
[*] Xem bài “Cuộc chiến giữa hai phái kinh tế “chính thống” và “phi chính thống””.↩