24.10.15

Đừng để giải Nobel lừa bạn. Kinh tế học không phải là một khoa học



Đừng để giải Nobel lừa bạn. Kinh tế học không phải là một khoa học

Giải thưởng vinh danh các nhà kinh tế như là những bậc thầy truyền giảng những chân lý phi thời gian, nuôi dưỡng sự ngạo mạn và dẫn đến thảm họa.
Một ngày như mọi ngày. Đó sẽ là thông điệp ngầm khi ngân hàng Sveriges Riksbank thông báo người đoạt "Giải thưởng về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel" của năm nay, để gọi đầy đủ tên của giải. Mùa thu này bảy năm trước, hầu như toàn bộ giới kinh tế học chủ đạo bị bất ngờ trước sự suy thoái tài chính toàn cầu và sự "hoảng loạn tồi tệ nhất kể từ những năm 1930" tiếp sau đó. Và vào lúc này hôm thứ Hai, người ta tiếp tục tôn vinh kinh tế học như là một lĩnh vực khoa học ngang tầm với vật lý, hóa học và y khoa.
Không có vấn đề gì lớn lắm khi có một giải Nobel về kinh tế học, nhưng lại có vấn đề khi không có những giải tương đương cho tâm lý học, xã hội học, nhân chủng học. Kinh tế học, nói như vậy, không phải là một khoa học xã hội, mà là một khoa học chính xác, giống như vật lý, hoá học – một sự phân biệt không chỉ khuyến khích các nhà kinh tế ngạo mạn mà còn làm thay đổi cách chúng ta nghĩ về kinh tế.
Myron Scholes (1941-)
Giải Nobel về kinh tế học ngụ ý rằng thế giới con người vận hành giống như thế giới vật lý: rằng nó có thể được mô tả và hiểu bằng những khái niệm trung tính, và rằng bản thân nó có thể mô hình hóa được, giống như các phản ứng hóa học hay sự chuyển động của các vì sao. Giải tạo ra cảm tưởng rằng nhà kinh tế không phải là người xây dựng các lý thuyết vốn đã không hoàn hảo, mà là người phát hiện ra những chân lý phi thời gian.
Để minh họa là kiểu niềm tin trên nguy hiểm đến độ nào, ta chỉ cần xem xét số phận của quỹ Long-Term Capital Management, một quỹ đầu cơ được các nhà kinh tế Myron Scholes và Robert Merton, trong số nhiều người khác, thành lập vào năm 1994. Với công trình của họ về các chứng khoán phái sinh, Scholes và Merton dường như đã tìm ra một công thức mang lại một chiến lược kinh doanh an toàn, nhưng sinh lợi. Năm 1997 họ được trao giải Nobel. Một năm sau, quỹ Quản lý vốn dài hạn thua lỗ $ 4.6 tỉ (£ 3 tỷ) trong vòng chưa đầy bốn tháng; phải cần đến một gói cứu trợ tài chính để ngăn chặn mối đe dọa đối với hệ thống tài chính toàn cầu. Thị trường, dường như, không luôn vận động đúng như các mô hình khoa học.
Robert Merton (1910-2003)
Trong thập niên sau đó, sự tự tin thái quá vào sức mạnh và sự thông thái của các mô hình tài chính đã làm nảy sinh một văn hóa tự mãn tai hại, kết thúc trong cuộc suy thoái năm 2008. Tại sao các ngân hàng phải tự hỏi về độ an toàn của một sản phẩm tài chính phức tạp béo bở mới khi các mô hình nói với họ đó là một sản phẩm an toàn? Trao cho các nhà điều tiết thực quyền để làm gì khi các mô hình có thể làm thay công việc của họ?
Nhiều nhà kinh tế có vẻ như đã nghĩ đến lĩnh vực của họ theo nghĩa khoa học: một cơ thể tăng dần các kiến thức khách quan. Trong những thập niên qua, kinh tế học chủ đạo được giảng dạy trong các trường đại học ngày càng mang tính toán học, tập trung vào những phân tích thống kê và mô hình hóa phức tạp làm phương hại đến việc quan sát thực tế.
Howard Davies (1951-)
Hãy xem dòng viết bâng quơ này của Howard Davies, nguyên là một nhà điều tiết hàng đầu và là hiệu trưởng trường London School of Economics, trong cuốn sách được xuất bản năm 2010 của ông The Financial Crisis: Who Is to Blame? (Khủng hoảng tài chính: Ai là người có lỗi?): "Thiếu một nghiên cứu thực tế về chính các sàn giao dịch". Để một ai đó có thể nói: Vâng, đúng, vậy còn vấn đề làm một cái gì đó về điều đó thì sao? Nói chung, vào lúc đó Davies lãnh đạo một định chế chắc chắn là uy tín nhất trong nghiên cứu kinh tế học tại châu Âu, có trụ sở không xa lắm các ngân hàng đã bùng nổ.
Tất cả các ngân hàng ấy đều có những "ủy ban phê duyệt các sản phẩm có cấu trúc", nơi một đội ngũ các nhân viên ngân hàng hội họp để quyết định xem ngân hàng của họ nên áp dụng một sản phẩm tài chính mới đặc biệt phức tạp nào. Nếu kinh tế học là một khoa học xã hội giống như xã hội học hay nhân học, thì các nhà thực hành sẽ phải bắt đầu phỏng vấn các thành viên của ủy ban đó, xem xét kĩ các biên bản họp và cố gắng quan sát càng nhiều cuộc họp càng tốt. Đó là cách làm của kiểu phương pháp dựa vào thực địa, của khoa học xã hội "định tính", mà các nhà kinh tế muốn loại bỏ vì cho rằng đó là cách làm của một khoa học "mềm" và không khoa học. Đúng là cách tiếp cận này, cũng như vậy, phải đối mặt với những cảnh báo nghiêm trọng về mặt phương pháp luận, chẳng hạn đối với tính kiểm chứng được, độ chệch lựa chọn và quan sát (lựa chọn thiên vị hay người quan sát thiên vị). Sự khác biệt là các khoa học xã hội khác cởi mở với những hạn chế này, lập luận rằng, trong khi kiến thức của con người về con người khác biệt về cơ bản với kiến thức của con người về thế giới tự nhiên, thì có những quan sát không hoàn hảo trên là điều vô cùng quan trọng.
Alan Greenspan (1926-)
Hãy so sánh sự khiêm tốn đó với sự khiêm tốn của cựu giám đốc ngân hàng trung ương Alan Greenspan, một trong những kiến trúc sư của việc phi điều tiết hóa tài chính, và là người tin tưởng mạnh mẽ vào các mô hình. Sau khi xảy ra cuộc suy thoái, Greenspan xuất hiện trước một ủy ban của Quốc hội tại Hoa Kỳ để tự mình giải thích. "Tôi đã sai khi giả định rằng bản chất những lợi ích riêng của các tổ chức, đặc biệt là của các ngân hàng và của những tổ chức khác, khiến chúng là những thực thể có khả năng tốt nhất để bảo vệ các cổ đông và vốn tự có của họ trong các doanh nghiệp", người mà các nhà kinh tế đồng nghiệp thường tôn vinh như là "nhạc trưởng" tự thú như thế.
Nói cách khác, Greenspan đã không thể tưởng tượng rằng các chủ ngân hàng đã làm cho chính ngân hàng của họ bị kiệt quệ. Nếu nhạc trưởng có đọc các đống sách nhỏ của các nhà nhân học tài chính, thì hẵn ông đã có thể dễ dàng tưởng tượng ra những hành vi như vậy. Rồi hẵn ông sẽ biết rằng trong nhiều thập niên qua các ngân hàng đã thực hành một văn hóa "việc làm ổn định bằng không" về thuê và đuổi nhân viên, nuôi dưỡng một tâm lý "trung thành bằng không" có thể được tóm tắt như sau: "Nếu có thể bước ra khỏi cửa năm phút, thì chân trời của bạn sẽ mở ra trong năm phút".
Trong khi điều này có vẻ như là mới đối với Greenspan, thì đó không phải là điều mới đối với nhà nhân học Karen Ho, người đã nhiều năm nghiên cứu thực địa tại một ngân hàng ở phố Wall. Cuốn sách của bà Liquidated (Thanh lý) nhấn mạnh đến vai trò then chốt của việc làm ổn định bằng không tại Wall Street (giống cùng một hệ thống đang điều hành City, khu phố tài chính London). Cuốn Codes of Finance (Bộ quy tắc tài chính) của nhà xã hội học tài chính Vincent Lépinay, viết về một phòng phụ trách các sản phẩm tài chính phức tạp trong một ngân hàng của Pháp, mô tả bằng những chi tiết thuyết phục mức độ tổn thương của kí ức định chế khi người lao động thường xuyên bị thay đổi công việc và trong một thời gian ngắn.
Có lẽ tác động nguy hại nhất của kinh tế học trong đời sống công cộng là bá quyền của tư duy kỹ trị. Các câu hỏi chính trị về cách thức điều hành xã hội đã được đóng khung thành các vấn đề kỹ thuật, tất yếu làm giảm vai trò của chính trị trong đấu trường của các cuộc tranh luận xã hội về phương tiện và cứu cánh. Hãy thử lấy một khái niệm quan trọng như tổng sản phẩm quốc nội. Như Ha–Joon Chang đã làm rõ trong cuốn 23 Things They Don’t Tell You About Capitalism (23 điều họ không nói với bạn về chủ nghĩa tư bản), những lựa chọn về những gì không nên đưa vào GDP (công việc gia đình, để nêu một ví dụ) mang tính ý thức hệ rất cao. Điều tương tự cũng đúng đối với lạm phát, khi mà không có gì là khách quan trung lập trong quyết định không gán một trong số cao cho sự bùng nổ về giá cả nhà đất và thị trường chứng khoán khi tính toán lạm phát.
Các con số về GDP, về lạm phát và kể cả về tăng trưởng không phải là số đo nhiệt độ khách quan của nền kinh tế, cho dù nhiều nhà kinh tế, nhà bình luận và chính trị gia thích ngụy tạo chúng như vậy. Phần lớn kinh tế học là khoa học chính trị được ngụy trang như là khoa học kỹ trị – thừa nhận điều này có thể giúp mở ra không gian cho cuộc tranh luận chính trị và sự thay đổi đã bị thiếu hụt trong bảy năm qua.
Daniel Kahneman (1934-)
Liệu sẽ là điều vô cùng hữu ích nếu đưa kinh tế học xuống một nấc bằng cách thẩm tra lại giải thưởng để đưa vào tất cả các ngành khoa học xã hội chăng? Vả lại, ngay cả giải Nobel về kinh tế học cũng không phải là một giải Nobel "thực", do chỉ được ngân hàng trung ương Thụy Điển thiết lập vào năm 1969. Trong những năm gần đây, giải thưởng đã được trao cho nhiều nhà thực hành phi quy ước như nhà tâm lý học Daniel Kahneman. Tuy nhiên, Kahneman vẫn được tôn vinh vì những đóng góp của ông cho khoa học kinh tế, và như vậy vẫn đặt bộ môn này vào trung tâm của sàn diễn.
Naguib Mahfouz (1911-2005)
Kailash Satyarthi (1954-)
Malala Yousafzai (1997-)






 
Hãy nghĩ đến mức độ thường xuyên mà giải Nobel về văn học đã nâng tầm các nhà văn hay nhà thơ ít được biết đến lên mức toàn cầu, hay mức độ mà giải Nobel về hòa bình đã dấy lên một cuộc đàm luận toàn cầu quan trọng: Naguib Mahfouz người đoạt giải Nobel đã giới thiệu văn học Ả Rập cho một đối tượng độc giả đại chúng, trong khi giải thưởng năm vừa qua dành cho Kailash Satyarthi và Malala Yousafzai đưa quyền của mọi trẻ em được tiếp cận giáo dục vào nghị trình. Trong khi đó, các giải Nobel về kinh tế học, bàn đến "những đóng góp vào các phương pháp phân tích chuỗi thời gian kinh tế với sự biến động của thời gian" (2003) hay "sự phân tích các mô thức thương mại và định vị các hoạt động kinh tế" (2008).
Zygmunt Bauman (1925-)
Richard Sennett (1943-)
Một giải Nobel được tân trang về khoa học xã hội có thể đóng một vai trò tương tự, nuôi dưỡng các cuộc đàm luận toàn cầu với những khám phá và hiểu biết sâu sắc mới từ khắp các ngành khoa học xã hội, trong khi luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết của sự khiêm tốn khi đề cập đến kiến thức của con người về con người. Có thể giới thiệu một ứng viên tốt là nhà xã hội học Zygmunt Bauman, người có bài viết về "tính hiện đại lỏng" của chủ nghĩa tư bản hậu không tưởng xứng đáng được rộng rãi biết đến. Richard Sennett và công trình của ông về "tính cách bị bào mòn" ở người lao động trong nền kinh tế ngày nay cũng là một ứng viên khác. Liệu các nhà kinh tế có sẵn lòng chia sẻ giải thưởng uy tín của họ mà không có sự đồng ý của chính họ không? Những giả định kinh tế chủ đạo của chính họ về sự ích kỷ của con người sẽ không cho phép họ làm thế.
Joris Luyendijk (1971-)
Joris Luyendijk là tác giả của cuốn Swimming with Sharks: My Journey Into the World of the Bankers (Bơi cùng với cá mập: Hành trình của tôi vào thế giới các ngân hàng). Ông thường viết cho Blog của The Guardian về chủ đề ngân hàng, nhìn thế giới tài chính từ góc độ nhân học.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

------
Bài có liên quan trên PTKT:
Print Friendly and PDF