18.10.15

Một người lạc quan không gì lay chuyển



Một người lạc quan không gì lay chuyển

Quyển “Cuộc Vượt Thoát Vĩ Đại” của Angus Deaton
Hoài niệm các sự kiện kinh tế xa xưa có thể rất có sức hấp dẫn, đặc biệt là sau hơn năm năm kể từ khi xuất hiện cuộc khủng hoảng tài chính cùng mớ hệ lụy nó gây ra. Ở Mỹ, người ta thảo luận sôi nổi về giai đoạn giữa thế kỷ thứ 20, thời kỳ mà tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh và sự thăng tiến chính là chuẩn mực. Ở Châu Âu và Nhật Bản, nhiều người hồi tưởng lại những năm 1980, trước khi đồng euro ra đời và trước khi hiện tượng bong bóng Nhật Bản nổ tung. Thậm chí ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế khá năng động của thế giới, một số người thích ca tụng thời kỳ mà cuộc sống không quay cuồng theo tốc độ tăng trưởng chóng mặt.  
Thành công lớn nhất của quyển “Great Escape” của Angus Deaton (“Cuộc Vượt Thoát Vĩ Đại”) là ở chỗ tác phẩm đã mang lại một góc nhìn mới cho tất cả mọi người về sự nuối tiếc kể trên. Deaton, một giáo sư kinh tế học được trọng vọng tại Princeton, không ngừng mô tả các trục trặc của thế giới, như bất bình đẳng thu nhập ở các nước giàu, các vấn đề về y tế ở Trung Quốc và Mỹ hoặc H.I.V ở Châu Phi. Các phân mục lớn của quyển sách xoay quanh những vấn đề như trên và các giải pháp tiềm năng. Nhưng thông điệp trọng tâm mà Deaton muốn truyền tải là vô cùng tích cực, hầu như rất xán lạn. Bằng các tiêu chuẩn đánh giá có ý nghĩa nhất – chúng ta sống được bao lâu, chúng ta sống khỏe mạnh và hạnh phúc đến mức nào, hiểu biết của chúng ta đến đâu – ông đã cho thấy cuộc sống chưa bao giờ tốt đẹp hơn thế. Quan trọng không kém là chất lượng cuộc sống đang tiếp tục được cải thiện.

Chắc chắn là Deaton nhận thức được rằng nhiều độc giả sẽ đặt các lý luận trên dưới sự hoài nghi, đặc biệt là những người thuộc các chuyên ngành mà thường có xu hướng đặt nặng vấn đề tiền bạc hơn các nhu cầu cơ bản của con người. Ông đánh tan sự hoài nghi bằng các mô tả cả tổng quát lẫn chi tiết về cách thức cuộc sống đã tiến bộ như thế nào. Kì vọng sống đã tăng ngoạn mục 50% kể từ năm 1900 và đang tiếp tục tăng. Bất chấp hệ quả bùng nổ dân số, chất lượng cuộc sống trung bình đã tăng vọt. Tỷ phần những người sống với ít hơn $1 mỗi ngày (đã điều chỉnh lạm phát) khá gần đây đã giảm xuống còn 14% từ mức 42% ở năm 1981. Thậm chí, khi tình trạng bất bình đẳng đã diễn biến xấu trong nội bộ nhiều nước, thì tình trạng bất bình đẳng trên phạm vi toàn cầu rất có thể đã giảm bớt, phần lớn là nhờ sự trỗi dậy của Châu Á. Ông viết rằng: “Mọi thứ đang trở nên khả quan hơn và rõ ràng là như vậy”.
Dĩ nhiên, hầu hết những thay đổi nhanh nhất đã diễn ra cách đây khá lâu – hay đối với các độc giả của Deaton ở Mỹ và Châu Âu là sự thay đổi đã diễn ra trong quá khứ xa xôi. Trong thế giới công nghiệp hóa, người ta có thể dễ dàng tập trung chú ý đến những tin tức xấu (như tiền lương tăng chậm và bệnh béo phì phát triển) và bỏ qua các phát minh gần nhất (như sản phẩm iPhone đời mới nhất) được xem như những thú tiêu khiển vật chất. Nhưng đấy cũng là một sai lầm. Tốc độ tiến bộ có thể đã chậm lại ở phương Tây. Đối với những nhóm nhất định, dựa trên các chỉ tiêu đánh giá nhất định, sự tiến bộ thậm chí là đã án binh bất động. Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người, sự tiến bộ chưa dừng lại.
Angus Deaton (1945-)
Cách mạng kỹ thuật số cho phép mọi người giữ liên lạc với bạn bè và gia đình mà trước đây khi chưa có nó đã trở nên xa cách. Sự dân chủ hóa trong ngành hàng không, cũng đã giúp ích. Tiến bộ vượt bậc trong cuộc chiến chống bệnh ung thư và bệnh tim đã đạt được trong vòng từ 20 đến 30 năm qua. Và hầu như là mọi hình thái phân biệt đối xử đã trở nên ít phổ biến hơn, mặc dù Deaton không nhấn mạnh điểm này. Khi người ta bàn luận thấu đáo về cuộc sống ở nước Mỹ thời hậu chiến, phỏng chừng họ không quan tâm đến cuộc sống của phụ nữ, người Mỹ gốc Phi, người đồng tính nam, người đồng tính nữ, người theo Đạo Thiên Chúa, người Do Thái, người theo đạo Mormon, người gốc Latin, người Mỹ gốc Á hay người tàn tật.
Đại bộ phận chúng ta đều tìm thấy những phiên bản thu nhỏ của câu chuyện trên trong chính gia đình của mình. Sau Thế Chiến Thứ Nhất, ông của Deaton đã trở về một khu mỏ ở Scoland và đã thăng tiến làm giám sát. Cha của Deaton, mặc dù không tốt nghiệp trung học, đã trở thành một kỹ sư xây dựng và có tuổi thọ gấp đôi tuổi thọ của cha mình. Ông của tôi đã chạy trốn Đức Quốc Xã, sang New York, nhưng đã không chống đỡ nổi căn bệnh ung thư khi còn khá trẻ ở những năm 1950. Nếu ngành y hiện đại phát triển sớm hơn vài thập kỷ, thì cha của tôi ắt hẳn đã có thể lớn lên cùng với cha của mình bên cạnh. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, hầu hết chúng ta ngày nay đều có ít nhất một người thân hay bạn bè mà ắt hẳn họ đã không còn sống nếu không có các tiến bộ đạt được trong nhiều thập kỷ qua.
Immanuel Kant (1724 - 1824)
Có lẽ điều ấn tượng nhất – đồng thời cũng đáng lo nhất – là tiến bộ không tự nhiên có được. Nhân loại đã trải qua phần lớn lịch sử của mình không phải để tạo ra các tiến bộ, kéo dài tuổi thọ hay gia tăng thu nhập. Deaton viết: “Trong hàng ngàn năm, những người đủ may mắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần lúc còn nhỏ đã phải đương đầu với sự nghèo thảm kéo dài.”
Tiêu đề quyển “The Great Escape” của Deaton nói đến sự tiến bộ bắt đầu trong Thời Kỳ Khai Sáng và tiến bộ đã trở thành chuẩn mực. Các nhà khoa học, bác sỹ, doanh nhân, và công chức nhà nước đã bắt đầu truy tìm chân lý, thay vì ngoan ngoãn nghe theo các giáo điều, và họ đã bắt đầu tiến hành thực nghiệm. Theo định nghĩa của Immanuel Kant về Thời Kỳ Khai Sáng: “Dám tìm hiểu! Có gan sử dụng hiểu biết của bản thân!” Lý thuyết về mầm bệnh, vệ sinh công cộng, Cách Mạng Công Nghiệp và nền dân chủ hiện đại đã sớm làm theo.
Charles Kenny
Đối với độc giả ngoại đạo, tác phẩm của Deaton lúc nào cũng dễ dàng tiếp cận. Có nhiều lúc ông lặp lại chính mình (ông dứt khoát không phải là một người ủng hộ viện trợ nước ngoài) hoặc nghiên cứu các vấn đề mang tính kỹ thuật vốn không hấp dẫn mọi người, như tính toán tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, những độc giả nào muốn học được một ít kinh tế học mà không cần phải đụng đến sách giáo khoa có thể hài lòng với sự giao thoa này. Nói chung, quyển “The Great Escape” kết hợp với quyển “Getting Better” (“Tiến Bộ”) – tác phẩm của Charles Kenny xuất bản năm 2011 tập trung vào các nước nghèo (và lạc quan hơn về viện trợ nước ngoài) – tạo thành cẩm nan cô đọng nhất về tình hình thế giới ngày nay.
Câu hỏi lớn chưa có lời đáp là về sự tiến bộ sẽ tiếp tục diễn ra nhanh đến mức nào. Deaton tự xưng là một người lạc quan thận trọng. Nhưng ông cũng cảnh báo các nguy cơ đang gia tăng, và hiện tượng ấm lên toàn cầu là nguy cơ rõ ràng nhất. Ngoài biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại và bất bình đẳng đã nới rộng ra trong hầu hết các nước giàu, tầng lớp trung lưu và người nghèo chỉ có thu nhập khiêm tốn. Sự chênh lệch ở Mỹ quá trầm trọng đến mức đại đa số người Mỹ - theo tính toán của ông là 99% người có thu nhập thấp - đã có mức sống thấp hơn so với đại đa số người Pháp trong những thập kỷ gần đây, bất chấp tiếng tăm về sự năng động trong kinh tế của nước Mỹ. Trong khi đó, ở Trung Quốc, sự đình trệ có thể chỉ mới bắt đầu, và nó có thể kéo theo tình trạng bất ổn chính trị thực sự, kể cả chiến tranh.
Theo quan điểm lịch sử, sự phát triển đáng ngại nhất có thể là xu hướng không chú tâm đến bài học trọng tâm của Thời Kỳ Khai Sáng và thông điệp của “Great Escape” của Deaton: Thực tiễn là quan trọng, đặc biệt là khi thực tiễn mâu thuẫn với lý luận và các định kiến. Nếu không nhận thức được điều này tất sẽ gây hậu quả.
Kiến thức – ý muốn nói đến giáo dục – là động cơ cải tiến quan trọng nhất của nhân loại. Căn cứ vào dữ liệu, Deaton kết luận rằng chính sự tiến bộ trong giáo dục là động lực mạnh mẽ nhất, thậm chí còn mạnh hơn cả thu nhập cao, của thành tựu tăng trưởng bền bỉ ở hầu hết các nước nghèo. Đơn cử, một cư dân ở Ấn Độ chỉ giàu bằng một người Anh tiêu biểu vào năm 1860, nhưng có kì vọng sống cao hơn một người Châu Âu tiêu biểu ở giữa thế kỷ 20. Sự lan tỏa kiến thức, về sức khỏe cộng đồng, thuốc men và chế độ ăn uống, lý giải cho sự khác biệt.
Không may, ngày nay kiến thức và dữ kiện lại thường được giữ kín. Những người theo trào lưu chính thống thuộc nhiều quan điểm khác nhau đã ngăn trở nhiều quốc gia hoàn thành cuộc vượt thoát của riêng mình. Ở phương Tây, khoa học đôi khi vẫn sản sinh ra giáo điều, về biến đổi khí hậu, về sự phát triển và về chính sách kinh tế. Những thành phần ưu tú thuộc phe cánh hữu và cánh tả chất vấn về giá trị của giáo dục đại chúng và phản đối nỗ lực nâng cấp trường học ngay cả khi họ bỏ ra không ít thời gian và tiền bạc theo đuổi nền giáo dục tốt nhất có thể cho con cái của riêng họ.
David Leonhardt (1973-)
Thực tế là nhiều vấn đề lớn của thế giới hôm nay, bao gồm tăng trưởng kinh tế, giáo dục và khí hậu, thách thức các giải pháp đơn giản. Điều tương tự càng đúng hơn về cuộc vượt thoát khỏi hàng thế kỷ đói nghèo và chết yểu. Cuộc vượt thoát không hề dễ dàng và đã vấp phải nhiều thất bại trong suốt chặng đường. Câu chuyện mà Deaton kể - câu chuyện về nhân loại truyền cảm nhất – trao cho tất cả chúng ta lý do để lạc quan, miễn là chúng ta sẵn lòng đón nhận bài học của câu chuyện.
CUỘC VƯỢT THOÁT VĨ ĐẠI
Sức Khỏe, Sự Giàu Có, và Các Căn Nguyên Của Bất Bình Đẳng
Tác giả: Angus Deaton
Về tác giả bài bình sách: David Leonhardt, từng phụ trách chuyên mục về kinh tế học và nguyên trưởng văn phòng đặt tại Washington của tờ The New York Times, đang phụ trách một dự án mới cho tờ báo với trọng tâm là chính trị và chính sách.
David Leonhardt
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn: Angus Deaton’s ‘Great Escape’”, The New York Times, December 19, 2013.
------
Bài có liên quan trên PTKT:

Print Friendly and PDF