4.10.15

Patrick Artus thấy tiếc cho “sự chệch hướng kĩ thuật”, Thomas Piketty viện đến tính liên ngành



Patrick Artus (1951-)
Thomas Piketty (1971-)

Patrick Artus thấy tiếc cho “sự chệch hướng kĩ thuật”, Thomas Piketty viện đến tính liên ngành

Cả hai nhà kinh tế lấy làm tiếc cho sự bảo thủ đang hoành hành trong kinh tế học.
Họ tránh xa cuộc tranh chấp “biên giới” được họ xem là có phần “giả tạo” và “vô bổ”, gắn liền với “những được mất về tuyển dụng ở đại học” không liên quan đến họ. Nhưng mặt dù đối lập nhau trên nhiều mặt, thì chuyên gia thế giới về những bất bình đẳng xã hội, Thomas Piketty, được coi là thiên tả, và nhà kinh tế Patrick Artus, gần với giới kinh doanh, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Natixis và giảng viên đại học Panthéon-Sorbonne Paris 1, đều tố cáo, mỗi người một cách, sự bảo thủ hàn lâm trong kinh tế học mà theo họ là đã hoàn toàn lỗi thời.
Người thứ nhất, tự xác định mình trước hết là một nhà nghiên cứu khoa học xã hội không có “căn cước” kinh tế – với những công trình dựa trên những chuỗi khổng lồ về dữ liệu thực nghiệm do ông tự tay xây dựng – cho rằng phải lập một ban khoa học xã hội lớn, bao gồm kinh tế học trong đó. Ông nói: “điều này sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề. Nhưng câu trả lời tốt nhất cho cuộc tranh luận đôi lúc vô vọng này là chứng minh bằng thực tiễn rằng làm khoa học xã hội mà viện đến sử học hay xã hội học có thể là cách tuyệt vời để thực hành kinh tế học”. Trong lúc những người Anglo-saxon đôi khi bị phê phán do cách tiếp cận vô cùng toán học và trừu tượng của họ – để không muốn nói là khó hiểu – về bộ môn này thì Thomas Piketty, người từng dạy nhiều năm ở MIT Boston, vui mừng với sự hợp tác sẽ thực hiện với trường London School of Economics (LSE) lừng danh. “Chúng tôi có một may mắn độc nhất thành lập tại LSE một trung tâm liên ngành năng động cho phép chúng ta hiểu tốt hơn những nguyên nhân và hệ quả của bất bình đẳng”, ông giải thích và kêu gọi vượt qua cuộc tranh luận về tham vọng của các nhà “chính thống” tự xem mình “khoa học” hơn các nhà kinh tế xuất phát từ những trào lưu ít hướng đến việc mô hình hóa toán học bằng. Mặt khác, nhà kinh tế này, trong cuốn sách bán chạy Tư bản trong thế kỉ XXI, nhân bội các quy chiếu văn chương khi trích Balzac hay Jane Austin và cho rằng “chuyên môn hóa sinh viên kinh tế học ngay từ năm đầu đại học” là “phi lí”.
Olivier Blanchard (1948-)
Về phần mình, Patrick Artus cho rằng “về nội dung” sẽ là một “một điều đáng tiếc” khi chia kinh tế học thành hai khuynh hướng, một khuynh hướng “mainstream và hình thức đến cực độ” và một khuynh hướng “đối chọn”. Nhưng người cựu sinh viên trường bách khoa này tiếc nhất là sự “chệch hướng kĩ thuật” của bộ môn. “99% những bài đăng trên các tạp chí quốc tế lớn chiếm 25 trang để chứng minh bằng các phương trình toán học những giả thiết có thể kiểm chứng bằng trực giác, thật là mất thời gian và công sức! Đọc xong phần giới thiệu, bạn chắc chắn biết được kết luận sẽ như thế nào”. Ngoài yêu cầu về tính liên ngành mà ông chia sẻ, Artus, người đã công bố nhiều tác phẩm phổ biến kiến thức trong đó có cuốn cuối cùng về sự quay trở lại của Croissance zero (tăng trưởng bằng không) lo lắng là nhiều nhà kinh tế có thể đạt được sự nghiệp đại học “sáng chói” mà chưa từng có đóng góp nào cho cuộc tranh luận về chính sách kinh tế. “Giới tinh hoa đại học thường không biết làm thế nào tiến hành một chính sách công trong khi đáng lí ra họ phải có khả năng tác động đến cuộc tranh luận công cộng”. “Trong mươi năm nữa, ai còn muốn dạy kinh tế học nếu vẫn duy trì khuôn khổ hàn lâm hình thức do người anglo-saxon thống trị?”. Và ông trích dẫn “di chúc” của Olivier Blanchard, nhà kinh tế trưởng của IMF vừa thông báo rời khỏi định chế này, gần đây e ngại rằng “không có bất kì công cụ nào hiện nay cho phép chúng ta dự báo những gì đang thấy”. Kinh tế học hay sự say mê mù quáng lí thuyết?
Christophe Alix
Nguyễn Đôn Phước dịch
Print Friendly and PDF