14.10.15

Angus Deaton, một giải Nobel kinh tế bám sát những cá thể


Angus Deaton, một giải Nobel kinh tế bám sát những cá thể

Angus Deaton tại đại học Princeton bang New Jersey, ngày 12 tháng 10 2015.
Bằng cách thưởng cho nhà kinh tế người Mỹ gốc Anh Angus Deaton, hôm Thứ hai 12 Tháng 10, ban giám khảo "Giải thưởng về khoa học kinh tế của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel" đã thừa nhận sự gia tăng mạnh mẽ của một xu hướng đã hình thành từ hơn hai mươi năm qua trong khoa học kinh tế, đó là sự qua lại thường xuyên giữa lý thuyết – được xây dựng theo mô hình kinh trắc học – và các dữ liệu thực nghiệm – được cung cấp từ sự kiên trì quan sát thực tế trên hiện trường.
Camille Landais (1981-)
Cho đến nay, giải thưởng thường vinh danh những người khởi xướng các tiến bộ lý thuyết nổi bật (về cách ứng xử của thị trường, hình thành giá cả, các mô hình tăng trưởng, v.v.). Nhưng Angus Deaton, sinh năm 1945, giáo sư tại Đại học Princeton (Hoa Kỳ), "nắm cả hai đầu", theo nhận xét của Camille Landais, một nhà kinh tế tại trường London School of Economics, trong tất cả các lĩnh vực mà ông đã khảo sát: tiêu dùng, nghèo đói, phát triển và thước đo phúc lợi. Ông đã không ngừng đối chiếu những mô hình với các dữ liệu mà ông đã thu thập; và xây dựng những mô hình mới dựa trên cơ sở những dữ liệu ấy.
Một mô hình để hiểu được những biến động của tiêu dùng
Marc Fleurbaey
Như vậy, Angus Deaton là "cha đẻ của việc phân tích cầu của người tiêu dùng," Marc Fleurbaey, một đồng nghiệp của ông Deaton tại Đại học Princeton, nói. Ông đã xây dựng, vào cuối những năm 1970, một mô hình vẫn còn được sử dụng để tìm hiểu những biến động của tiêu dùng. Vào thời điểm đó, vấn đề là tìm hiểu vì sao các chính sách kích thích kinh tế kiểu Keynes không đủ sức để đánh tan sự thận trọng của người tiêu dùng. Những nhà keynesian thì chủ trương nhấn mạnh đến các chính sách này, còn những nhà tân cổ điển thì khẳng định rằng người tiêu dùng "dự đoán một cách duy lý" sự sụt giảm sắp tới sức mua của họ, do sự gia tăng của thâm hụt ngân sách công cộng.
John Muellbauer
Về phần mình, Angus Deaton cố gắng thu thập tất cả những dữ liệu có thể có được về tiêu dùng thực tế, động lực của người tiêu dùng, và phản ứng của họ trước những biến động giá cả. Ông quan tâm đến các hành vi cá nhân, chứ không quan tâm đến các dữ liệu tổng gộp về tiêu dùng, nhằm cung cấp cho các mô hình lý giải mới. Vào năm 1980, bài viết của ông cùng với đồng nghiệp John Muellbauer được xuất bản trên tạp chí American Economic Review đã gây ấn tượng mạnh. Các công trình của ông đều dẫn đến một ứng dụng cụ thể: so sánh các mức sống khác nhau giữa các quốc gia, bằng một cách tính dựa trên "sức mua tương đương" (PPP). Cho đến lúc đó, trên thực tế, các nhà kinh tế đã tiến hành kiểu so sánh này dựa trên những mẫu đại diện của hàng hóa tiêu dùng tại mỗi quốc gia. Angus Deaton hoàn chỉnh một mô hình hiệu chỉnh thường xuyên các PPP.
Một cách tiếp cận mới của "kinh tế học phát triển"
Jean Drèze (1959-)
Vào những năm 1980, trung thành với phương pháp của mình, ông nghiên cứu hành vi của những người nghèo nhất ở Ấn Độ, Sri Lanka, Bờ Biển Ngà, và đặc biệt là sự tác động qua lại giữa tình trạng sức khỏe và mức thu nhập. Tại Ấn Độ, ông làm việc trên hiện trường cùng với nhà kinh tế Jean Drèze, cũng là một nhà hoạt động phong trào dấn thân vào cuộc chiến chống đói nghèo. Không phải ngẫu nhiên mà lời cảm phục đầu tiên trên trang web của giải Nobel về người nhận giải thưởng lại thuộc về một đồng nghiệp người Ấn Độ. Một lần nữa, ông tập hợp hàng ngàn dữ liệu về tiêu dùng của người nghèo, đặt câu hỏi, ví dụ, về sự khác biệt trong phản ứng, khi một khoản trợ cấp xã hội được trao cho phụ nữ chứ không cho nam giới trong một hộ gia đình, v.v.
Esther Duflo (1972-)
Cách tiếp cận kinh tế vi mô này mở đường cho một cách tiếp cận mới của "kinh tế học phát triển", cho đến lúc bấy giờ còn gắn bó với các "mô hình tăng trưởng" có khả năng chỉ ra các lựa chọn cho các chính phủ. “Việc đo lường đói nghèo và thu thập dữ liệu một cách cẩn thận là điều quan trọng nhất, và tôi rất vui khi điều này đã được thừa nhận" thông qua giải thưởng này, được Esther Duflo, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), mà những công trình về đấu tranh chống đói nghèo trước nhất dựa vào các thử nghiệm trên hiện trường, đón nhận một cách hoan hỉ.
Julien Damon
Cách tiếp cận này cũng đã sản sinh ra một công cụ mang tính thực hành: cách tính của Ngân hàng Thế giới về ngưỡng nghèo đói, để xác định phạm vi của các chính sách công. Julien Damon, giáo sư tại trường Sciences Po, nói rằng ngưỡng này đã được điều chỉnh cách đây một vài ngày, lần thứ ba trong vòng ba mươi năm (từ lúc ban đầu là 1.08 đô-la ngày thành 1.25 đô-la vào năm 2005, và 1.90 đô-la ngày nay) bởi một ủy ban do Tony Atkinson lãnh đạo, một đồng nghiệp của Angus Deaton mà các công trình về đề tài trên cũng quan trọng không kém.
Thước đo chủ quan về phúc lợi
Tony Atkinson (1944-)
Gần đây hơn, vào những năm 2000, Angus Deaton quan tâm đến thước đo chủ quan về phúc lợi, một lần nữa quan tâm nhiều đến trải nghiệm của người dân hơn là việc lý thuyết hóa tính duy lý của họ. "Ví dụ, ông đã chứng minh rằng phúc lợi của người dân Mỹ cao hơn vào Ngày của thánh Valentin, bất luận tình hình khách quan", Mark Fleurbaey nói vui, giải thích rằng Angus Deaton cũng đã chứng minh rằng, khi vượt qua một ngưỡng thu nhập nhất định nào đó, thì không còn mối quan hệ giữa cảm xúc về phúc lợi và mức thu nhập ...
Angus Deaton đã tập hợp những quan sát của mình trong một cuốn sách được xuất bản vào năm 2013, tiếc là không được dịch: The Great Escape – Health, Wealth, and the Origins of Inequality (Cuộc vượt thoát vĩ đại: Vấn đề y tế, sự giàu có, và nguồn gốc của sự bất bình đẳng), một cuốn sách của người Mỹ, tương đương với cuốn Capital au XXIe siècle (Tư bản vào thế kỷ XXI), của tác giả Thomas Piketty, nhưng đào sâu hơn vào lịch sử nhân loại để phân tích nó như là một chuỗi các quá trình chuyển đổi công nghệ đã không ngừng nâng cao năng suất và sức khỏe, và như vậy đã giải thoát một lượng người ngày càng tăng khỏi cảnh đói nghèo và bệnh tật. Nhưng sự lạc quan đó ngay lập tức bị tiết chế bởi nhận xét rằng không phải mọi người đều được thụ hưởng cùng một lúc những chuyển đổi trên; và điều này thường xuyên đào sâu hố chia cách những bất bình đẳng rất lớn trong nhân loại, những hố sâu mà chỉ có thời gian mới xóa tan... cho đến khi có quá trình chuyển đổi tiếp theo. Chúng ta hiện đang ở giữa một hố sâu như vậy.
Nhà báo của tờ Le Monde
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
------

Bài có liên quan trên PTKT:

Print Friendly and PDF