12.10.15

Những phụ nữ bị giải Nobel bỏ quên hoặc đánh giá thấp

Svetlana Alexievich (1948-)
PTKT: Hàn lâm viện hoàng gia Thụy Điển vừa quyết định trao Giải khoa học kinh tế năm 2015 của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Nobel cho Angus Deaton, vì “những phân tích của ông về tiêu dùng, nghèo khó và phúc lợi”. Trong lúc chờ PTKT sớm có bài về khôi nguyên năm nay, để kết thúc mùa giả Nobel năm nay, chúng tôi giới thiệu bài dưới đây về vai trò ít được biết đến của phụ nữ trong các giải Nobel.

Những phụ nữ bị giải Nobel bỏ quên hoặc đánh giá thấp

Năm nay, khi trao giải Nobel cho hai phụ nữ, Svetlana Alexievich người Belarus về văn học và Tu Youyou người Trung Quốc về y học, Ủy ban Nobel đã khẳng định một xu hướng ngày càng tăng kể từ đầu những năm 2000: nữ hóa các giải thưởng.
Nếu phải ghi nhận sự tiến bộ đáng kể, thì phụ nữ mới chỉ chiếm 5,35% những người đoạt giải Nobel, với 48 phụ nữ trên 897 người đoạt giải kể từ khi giải thưởng ra đời năm 1901.
Sự tiến hóa về số lượng phụ nữ đoạt giải Nobel cho đến năm 2014.

Tu Youyou (1930-)
Không phải bởi vì phụ nữ không thích các giải Nobel: họ chưa bao giờ từ chối, không giống như cánh nam giới (Jean-Paul Sartre vào năm 1964 và Lê Đức Thọ vào năm 1973). Nhưng phần thưởng đã không đến với họ. Và khi họ được vinh danh, bằng một giải thưởng, thì nó thường được chia sẻ và được dùng làm một cái cớ cho một sự đa dạng mang tính bình phong.

Vai trò bị đánh giá thấp của những người vợ hoặc của những cộng tác viên nữ

Khó bước vào hậu trường của các phòng thí nghiệm và sự nghiệp của những người đoạt giải Nobel, đôi khi quanh co, nhưng khi xem tiểu sử của người này người khác, thì người ta thường thấy những tên phụ nữ, người vợ hoặc người trợ lý nữ, những người mà nếu không có họ thì các phát minh được khen thưởng sẽ khó khăn hơn, thậm chí là không thể.
Clara Haber
Trong số những phụ nữ thầm lặng trong bóng tối của "nhà khoa học lớn", ví dụ như Clara Haber, vợ của Fritz, người đoạt giải Nobel Hóa học năm 1918 vì những công trình của ông về amoniac. Là phụ nữ đầu tiên đỗ bằng tiến sĩ hóa học tại Đại học Breslau, bà đã góp phần vào các công trình của chồng, qua việc dịch các bài viết của ông ấy ra tiếng Anh, trong khi vẫn đóng khung trong cuộc sống gia đình.
Đó còn là trường hợp của Mileva Maric, một nữ sinh xuất sắc đã gặp Albert Einstein trong thời gian học tại Đại học Bách khoa Liên bang của Zurich. Người ta tìm được những thư từ minh chứng cho những trao đổi của họ về các công trình về vật lí của Albert, nhưng bà cũng vậy, phải dành thời gian cho cuộc sống gia đình cho đến khi họ chia tay nhau.
Lise Meitner (1878-1968)
Một trong những ví dụ rõ nhất bị Ủy ban Nobel bỏ quên là trường hợp của Lise Meitner, nữ cộng tác viên của Otto Hahn (đoạt giải Nobel Hóa học năm 1944) và là người đóng một vai trò chính trong việc khám phá sự phân hạch hạt nhân. Là người Do thái gốc Áo, bà đã chạy trốn khỏi nước Đức Quốc xã vào năm 1938 và sau đó đã từ chối tham gia việc chế tạo một quả bom nguyên tử.
Một nữ trợ lý "hữu ích" khác là Jocelyn Bell, người đã phát hiện sao xung đầu tiên (một ngôi sao phát ra tín hiệu rất đều đặn), một phát hiện mà người hướng dẫn luận án của bà, Antony Hewish, đoạt giải Nobel vào năm 1974.

Một sự hiện diện mạnh mẽ hơn qua các giải thưởng chung

Jocelyn Bell (1943-)
Tuy nhiên, phụ nữ hưởng lợi, ngày càng nhiều hơn, từ xu hướng chia sẻ các giải thưởng, giữa hai hoặc ba người đoạt giải. Tuy ít có đại diện trong tập thể những người đoạt giải, nhưng họ có đại diện nhiều hơn trong những giải thưởng được "chia sẻ" giữa hai hoặc ba người. Mặc dù điều này còn khiêm tốn: trong tổng số 246 giải thưởng chung, có 25 phụ nữ được giải. Trong trường hợp này, nhiều phụ nữ đoạt giải là những phụ nữ nhận giải thưởng cùng với chồng mình (trên trang mà viện hàn lâm dành cho các cặp vợ chồng, người ta có thể thấy những người đoạt giải với chuột thí nghiệm trên vai) hoặc trong một tập thể.
Trong tổng số các giải thưởng chung, thì có 10% thuộc về phụ nữ. Một tỷ số lớn hơn nhiều so với tính đại diện của họ trong tổng số các giải thưởng (5%).
Nguồn: Giải Nobel

Tính đại diện theo hướng giảm trong khoa học

Tim Hunt (1943-)
Nếu ngày càng có nhiều phụ nữ nổi tiếng nhờ một giải thưởng, thì những người có hạnh phúc được bầu chọn đó thường nằm trong thể loại "phi khoa học" (văn học và hòa bình), thường được xem là ít có uy tín hơn so với các ngành khoa học "cứng", hay kinh tế.
Theo thống kê của Viện hàn lâm Thụy Điển, phụ nữ đã nhận được 30 giải thưởng về "văn học" và "hòa bình" trên tổng số 49 giải thưởng mà phụ nữ đã dành được. Phải nói rằng cộng đồng khoa học không miễn nhiễm với định kiến ​​về giới. Người ta còn nhớ trường hợp gần đây về giải Nobel y học năm 2001, Tim Hunt, người đã thành trò cười cho dư luận vào mùa hè năm nay khi nói rằng:
Margaret W. Rossiter (1944-)
"Bạn yêu họ, họ cũng yêu bạn, nhưng khi bạn phê phán họ, thì họ khóc".
Tuyên bố trên đã gây ra một sự xáo động, ngay cả khi sau đó tác giả đã lên tiếng xin lỗi, trước khi từ chức.
Vả lại, việc giảm nhẹ các đóng góp của phụ nữ trong khoa học đã được lý thuyết hóa: đó là "hiệu ứng Matilda", được Margaret W. Rossiter, sử gia về các khoa học của Mỹ, đặt tên về sự chối bỏ và giảm nhẹ, mà theo bà mang tính hệ thống, những đóng góp của phụ nữ trong nghiên cứu.

Hơn một nửa các giải thưởng trao cho phụ nữ đều thuộc thể loại "văn học" và "hòa bình"
Marie Curie được trao giải thưởng hóa học lẫn vật lý (cùng với chồng). Như vậy, có 59 giải thưởng dành cho 58 phụ nữ đoạt giải.
Nguồn: Giải Nobel
Điểm duy nhất mà phụ nữ có thể tự hào là "đi trước" nam giới, khi phân tích các giải thưởng Nobel được trao, thì đó là sự đa dạng về nguồn gốc của những người đoạt giải theo quốc gia: sự đa dạng ấy mang tính cân bằng nhiều hơn ở phụ nữ so với nam giới.
Ngoài Hoa Kỳ, phụ nữ thuộc các quốc tịch khác được đại diện một cách cân bằng.
Có những quốc tịch vượt trội nhiều hơn ở nam giới nhưng chúng cũng rất tập trung: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức và Pháp
Nguồn: Giải Nobel
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Print Friendly and PDF