26.10.15

Cả hai nhãn hiệu này không còn ý nghĩa gì nữa



Antoine d’Autume

“Cả hai nhãn hiệu này không còn ý nghĩa gì nữa”

(Phỏng vấn Antoine d’Autume)
Antoine d’Autume là giáo sư đại học tại Đại học Paris I và Trường kinh tế Paris (PSE). Ông tự xác định như một chuyên gia chung chung về kinh tế vì “sở thích và thực tiễn” và cho rằng những phê phán của các nhà kinh tế phi chính thống là “quá cường điệu”.
Christophe Alix
Giáo sư đứng ở đâu trong cuộc tranh luận hiện nay?
Theo tôi, lời cáo buộc của họ về sự thiếu đa nguyên là không có cơ sở và những con số đưa ra là quá cường điệu. Cách tiến hành nghiên cứu trong kinh tế học đã thay đổi lớn trong các thập niên qua. Ba mươi năm trước đã có một bước ngoặt hướng đến khía cạnh lí thuyết và mô hình hóa nhiều hơn, một điều cần thiết để chuyên nghiệp hóa bộ môn. Nhưng kinh tế học đã tiếp tục tiến hóa. Kể từ mười năm nay, nghiên cứu mang tính thực nghiệm nhiều hơn và mở rộng trường của nó xa hơn việc nghiên cứu các thị trường hay các đại lượng tổng gộp kinh tế vĩ mô, như GDP hay tỉ suất thất nghiệp. Có nhiều nghiên cứu trên thực địa hơn và kinh tế học đã rời xa khỏi mô hình homo economicus truyền thống duy nhất, với một con người kinh tế tất yếu là duy lí và hoàn toàn thoát khỏi mọi ảnh hưởng bên ngoài trong việc ra quyết định.
Giáo sư có thể nêu vài ví dụ của việc mở cửa này chăng?
Jean Tirole (1953-)
Sự phát triển gây ấn tượng nhất là của kinh tế học hành vi và ngay cả của kinh tế học thực nghiệm. Trong nhiều trường hợp, sự phát triển này đã chỉ ra rằng các tác nhân kinh tế không hành động một cách ích kỉ và ứng xử của họ chịu ảnh hưởng nhiều của các hệ thống giá trị, môi trường và lộ trình cá nhân. Một số nhà nghiên cứu ở Trường kinh tế học Paris (PSE) hay Trường kinh tế học Toulouse (TSE), hai trung tâm chính về nghiên cứu kinh tế ở Pháp, làm việc trên những chủ đề nằm ở biên giới của kinh tế học, và điều này là rất tốt. Jean Tirole, giải Nobel kinh tế, chuyên gia lớn về những biện pháp động viên tài chính, cũng khai phá những cách tiếp cận rộng hơn về các hành vi và ta cũng có thể gọi ông là một nhà phi chính thống! Tất cả những nhãn hiệu này không còn ý nghĩa gì nữa trong một bộ môn ngày càng bớt là một khối cứng ngắt và đồng nhất.
Các nhà kinh tế phi chính thống cho rằng đa số các chức danh giáo sư liên quan đến các nhà kinh tế thuộc trào lưu thống trị trong lúc những ai thuộc các trào lưu thiểu số chỉ nhận những mảnh vụn …
Tôi không tin vào cách phân loại này. Nhiều nhà kinh tế được AFEP chụp cho cái mũ chính thống trong thực tế tiến hành những công trình vô cùng đa dạng, mà một số ở rất xa lí thuyết tân cổ điển truyền thống. Sự liệt kê của AFEP là rất đáng ngờ. Làm thế nào nhận diện một nhà phi chính thống? Tôi nhận xét là trong sự liệt kê cuối cùng của mình, AFEP không dùng từ này nữa mà đối lập các nhà kinh tế mainstream với các nhà kinh tế đa nguyên, hàm ý một cách quá đáng rằng những nhà kinh tế thuộc loại đầu không có tinh thần đa nguyên.
Có chăng một sự vượt trội nào đó được dành cho thị trường và cho lí thuyết tân cổ điển, điều mà sinh viên ngày càng phàn nàn?
Quả thật là việc dạy kinh tế học vẫn đặt trọng tâm vào việc tìm hiểu thị trường, nhưng khó mà làm khác hơn nếu chúng ta muốn nói về thế giới trong đó chúng ta đang sống. Cũng đúng là các sách kinh tế học vĩ mô kể rằng hệ thống thị trường có nhiều phẩm chất và cấu thành một phương thức sản xuất có hiệu quả. Nhưng các giáo trình này cũng giải thích rằng thị trường không giải quyết tất cả các vấn đề và việc nghiên cứu các thất bại của thị trường là mảng thứ hai của phân tích kinh tế vi mô. Thị trường có thể dẫn đến những tình thế độc quyền gây tổn thất cho nền kinh tế. Nó không cho phép sản xuất đủ sản phẩm và dịch vụ công cộng. Thị trường quan tâm đến hiệu quả chứ không quan tâm đến công bằng và do đó phải được bổ sung bằng những chính sách phân phối lại. Tất cả các nhà kinh tế không phải là những nhà tự do, còn lâu mới là như thế. Đúng hơn họ là những nhà xã hội-tự do, tin tưởng rằng không thể thiếu thị trường được, nhưng nó cần được bổ sung và điều chỉnh.
Giáo sư cũng nói rằng những tiêu chí đánh giá giá trị của nghiên cứu đã thay đổi. Vậy thì thay đổi theo chiều hướng nào?
Yêu cầu công bố trong các tạp chí khoa học, mà các bài viết được các đồng nghiệp đánh giá, là một đòi hỏi không thể bàn cãi và có vai trò trong việc tuyển dụng và thăng tiến trong sự nghiệp. Một số tạp chí được xếp hạng cao hơn, và không thể nào được tuyển dụng làm người giảng viên-nghiên cứu kinh tế học mà không có một số công bố được thừa nhận trên trường quốc tế. Sự đa dạng của các tạp chí là lớn và không thể nói, như AFEP, là không có chỗ cho những nghiên cứu phi chính thống trong các tạp chí. Ngay cả những nhà bảo vệ các thuyết keynesian giản đơn nhất – theo ý riêng của tôi – cũng có thể công bố. Nhưng việc tất yếu phải có công bố không có nghĩa là các cơ quan tuyển dụng phải lệ thuộc vào thư trắc học (bibliométrie).
Vì sao từ chối việc thành lập ban mới “Kinh tế học và xã hội” cởi mở hơn với ảnh hưởng của các khoa học xã hội? Những phẩm chất của cạnh tranh há chẳng là nền tảng của bộ môn kinh tế học sao?
Jean-Jacques Laffont (1947-2004)
Tiến hành phân chia kinh tế học thành hai trường phái khép kín tách biệt chỉ làm cho việc nghiên cứu và giảng dạy yếu đi. Càng là vô ích khi hiện đã có nhiều cách tiếp cận. Phương thức tuyển dụng hiện đang thử nghiệm mà không đòi hỏi phải trúng tuyển kì thi agrégation để trở thành giáo sư đã cho phép mở rộng diện ứng viên, đây là bằng chứng là không cần lập lên một ban mới. Vấn đề này đã được đặt ra ba mươi năm trước, khi Jean-Jacques Laffont, người sáng lập Trường kinh tế học Toulouse, đã đề xuất chia ban thành hai để lập lên một ban kinh tế toán học, theo một logic đối xứng với đề xuất ngày nay. Lúc bấy giờ, tôi cũng đã chống lại đề xuất ấy bằng cùng những luận chứng như của ngày hôm nay. Kinh tế học là một toàn thể phức hợp và đa dạng nhưng nó vẫn là cùng một bộ môn duy nhất.
Christophe Alix
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Ces deux étiquettes n’ont plus de sens”, Libération, 15 mai, 2015.

Print Friendly and PDF