8.10.15

Luận bàn về tự do thương mại và những trò lừa nhỏ của David Ricardo



Luận bàn về tự do thương mại và những trò lừa nhỏ của David Ricardo

Mọi nhà kinh tế, vào một lúc nào đó trong quá trình học tập, đều gặp phải lý thuyết các lợi thế so sánh của David Ricardo được trình bày trong cuốn sách của ông On the Principles of Political Economy and Taxation - Các nguyên lý của kinh tế học chính trị và thuế khóa (1817). Lý thuyết ấy đặt thành tiên đề, theo ví dụ nổi tiếng của ông, rằng ngay cả nếu Bồ Đào Nha sản xuất vải ga (drap) và rượu vang hiệu quả hơn nước Anh, thì do chênh lệch về năng suất lao động lớn hơn đối với sản phẩm từ nho, Bồ Đào Nha phải chuyên sản xuất rượu vang và nước Anh chuyên sản xuất vải ga. Mỗi quốc gia đều được hưởng lợi, bởi vì đó là phẩm chất của tự do thương mại: chỉ có người thắng.
Những phẩm chất của tự do thương mại
Dù thế nào đi nữa, thì đó cũng là điều mà Ricardo muốn chứng minh ở chương VII cuốn sách của ông, On Foreign Trade (Luận bàn về ngoại thương). Nhà kinh tế không giấu giếm những sở thích chuẩn tắc của mình: "Trong một hệ thống hoàn toàn tự do thương mại, mỗi nước được quyền sử dụng tư bản và sự khéo léo của mình theo hướng hữu ích nhất. Các quan điểm về lợi ích cá nhân hoàn toàn phù hợp với điều thiện phổ quát của toàn xã hội". Ở một đoạn sau, tiếp theo Montesquieu, ông ca ngợi những phẩm chất của thương mại mềm, tác nhân chuyển tải hòa bình: "Giao dịch liên kết tất cả các quốc gia trong thế giới văn minh với nhau bởi các ràng buộc chung về lợi ích, quan hệ hữu nghị, và biến thế giới này thành một xã hội duy nhất và rộng lớn".
David Ricardo (1772-1823)

Nhưng, nhà kinh doanh chứng khoán và đại biểu một thời này muốn đi xa hơn thế và muốn chứng minh rằng sự lựa chọn của ông bắt nguồn từ một lập luận khoa học. Từ đó mà có ví dụ của ông về một nước Bồ Đào Nha siêu cạnh tranh, chỉ cần 80 người để sản xuất rượu vang và 90 người để sản xuất vải ga, trong khi ở nước Anh phải cần đến 120 người để sản xuất rượu vang và 100 người để sản xuất vải ga, nhưng nếu hội nhập vào toàn cầu hóa thì hai nước sẽ hưởng lợi từ việc trao đổi giao dịch khi xuất khẩu những hàng hóa nào mà họ có lợi thế tương đối về năng suất lao động. Thông điệp rất rõ: nước Anh không phải sợ giao dịch với những nền kinh tế hiệu quả hơn họ, bởi vì nước Anh được hưởng lợi. Và ngược lại. Đó là một quy luật phổ quát và tự nhiên của kinh tế học.

Những con số giả

Matthew Watson (1969-)
Trong một công trình lịch sử đáng chú ý, Matthew Watson giáo sư kinh tế chính trị trình bày cách mà David Ricardo đã đánh lừa giới của ông ta. Những con số của ông ấy là sai và lập luận của ông ấy mang tính tình thế, không hề có một liên hệ nào với thực tế ngoại thương vào thời điểm đó. Watson giải mã những mặt trái chính trị, không mấy vẻ vang và chắc chắn không hề yên bình, về thương mại giữa hai nước Bồ Đào Nha và Anh, đã được Ricardo cố tình rút khỏi lập luận của mình để thúc đẩy sự lựa chọn chuẩn tắc của ông ấy theo hướng tự do thương mại.
Chẳng hạn, trái với ví dụ giả định về một nước Anh sinh lợi thấp so với Bồ Đào Nha, trong thực tế nước Anh tích lũy, mỗi năm từ nhiều thập niên, một thặng dư thương mại quan trọng, khoảng 1,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong trao đổi với đối tác phía Nam. Một sự thống trị thương mại mà nhà kinh tế muốn giấu, và chúng ta sẽ thấy lý do vì sao.
Trước hết, cần lưu ý rằng Bồ Đào Nha chỉ có thể tích lũy chừng ấy các khoản thâm hụt với nước Anh bởi vì họ có các phương tiện để chi trả. Bằng cách nào? Brazil, một nước thuộc địa của Bồ Đào Nha, lúc đó trải qua một sự bùng nổ khai thác vàng. Các tàu thuyền của Bồ Đào Nha bắt nô lệ ở châu Phi, đưa họ đến các mỏ ở Brazil và quay về nước với vàng, thứ cho phép họ thanh toán các khoản thâm hụt thương mại với nước Anh (và các nước châu Âu khác). Còn lâu mới là thương mại mềm...

Một nước Bồ Đào Nha bị thống trị

Vì sao Bồ Đào Nha lúc bấy giờ, vào thế kỷ XVIII, lại bị nước Anh thống trị về mặt thương mại như thế? Câu trả lời không liên quan gì đến một quy luật được cho là tự nhiên của kinh tế học, nhưng lại dính đến chính trị.
Montesquieu (1689-1775)
Matthew Watson giải thích rằng Bồ Đào Nha là cường quốc châu Âu đầu tiên kiểm soát việc thương mại ở Ấn Độ Dương và mang các sản phẩm của châu Á về châu Âu, điều đã góp phần rất lớn cho xuất khẩu của họ. Tuy nhiên, việc kiểm soát này phụ thuộc vào sức mạnh hàng hải của họ, dần dần bị đội tàu thuyền của nước Anh vượt mặt. Vào thời điểm băng hà của vua Carlos II của Tây Ban Nha, vào năm 1700, hoàng gia Bồ Đào Nha ủng hộ những tham vọng của Pháp đối với ngai vàng. Lúc đó, người Anh đã cho Bồ Đào Nha biết rằng nếu muốn tàu thuyền được tiếp tục đi biển để giao dịch thương mại dưới sự bảo vệ của Anh, thì Bồ Đào Nha phải ủng hộ chính ứng viên của Anh là một người Áo. Người Bồ Đào Nha đã đồng ý.
Vào năm 1703, đẩy mạnh lợi thế đang có, nước Anh ký một hiệp định thương mại song phương với Bồ Đào Nha: Bồ Đào Nha sẽ mở cửa thị trường của họ cho ngành dệt may của nước Anh và ngược lại nhận được sự đảm bảo rằng mức thuế quan đánh vào rượu vang Bồ Đào Nha sẽ vẫn thấp hơn 30% so với mức thuế quan đánh vào nước Pháp, đối thủ cạnh tranh chính của Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, kẽ hở này là quá hiển nhiên: người Anh áp dụng đúng thuế suất ưu đãi, nhưng sẽ nâng mức thuế quan đối với rượu vang Pháp, và như vậy cũng sẽ nâng mức thuế quan đối với rượu vang Bồ Đào Nha, trong khi vẫn tiếp cận được hoàn toàn thị trường dệt may Bồ Đào Nha.
John Methuen (1650-1706)
Vải ga và rượu vang, nước Anh và Bồ Đào Nha ..., những nước và những sản phẩm được Ricardo lựa chọn chính xác, tuy nhiên ông không hề đề cập đến Hiệp ước thương mại Methuen ấy (được đặt tên theo nhà đàm phán, John Methuen) được ký vào năm 1703. Tất nhiên ông viết cuốn sách của ông hơn một thế kỷ sau. Nhưng hiệp ước ấy rất nổi tiếng trong các cuộc tranh luận về kinh tế lúc bấy giờ. Người ta biết rằng Ricardo đã đọc các tác phẩm của Adam Smith, người đã không bỏ lỡ cơ hội đề cập đến vấn đề này. Ông chỉ đơn giản, thậm chí có thể cố tình, loại bỏ toàn bộ thực tế chính trị về ngoại thương, bởi vì đó chính là điều đã làm cho việc mở cửa thương mại thành một nguồn của cải cho nước Anh.
Các nước có cần mở cửa cho tự do kinh doanh không? Cần, Ricardo kết luận, trong chừng mực mà các nước chuyên sản xuất những hàng hoá mà họ có một lợi thế so sánh. Kể từ đó, các nhà kinh tế cho rằng cần phải vượt xa hơn thước đo tương đối về năng suất lao động, cần phải tính đến toàn bộ các nhân tố nguồn lực (lao động, có tay nghề hay không, tư bản, đất đai ...). Và những nước mới nổi đã chỉ ra rằng một chính sách công nghiệp và tài chính nghiêm túc sẽ cho phép xây dựng những lợi thế so sánh mà người ta không có từ ban đầu.
Một đất nước chắc chắn sẽ có lợi trong việc tăng cường mở cửa việc giao dịch thương mại của mình. Nhưng, nếu vậy, thì điều này sẽ phát sinh, từ những phẩm chất bẩm sinh của một quy luật kinh tế tự nhiên thì ít, mà nhiều hơn từ một tương quan lực lượng về mặt chính trị được hiểu một cách đúng đắn.
Christian Chavagneux
La capture

Christian Chavagneux

Christian Chavagneux là nhà viết xã luận cho các tạp chí AlterEcoPlus và Alternatives Economiques. Ông cũng đồng thời là tổng biên tập của tạp chí L’économie politique trong mười lăm năm, một tạp chí mà ông đã sáng lập vào năm 1999 trong hợp tác xã Scop Alternatives Economiques.
Tiến sĩ khoa học kinh tế và tốt nghiệp Trường Kinh tế London (LSE), ông là một chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề kinh tế vĩ mô, toàn cầu hóa, đặc biệt là các thiên đường thuế khóa và sự điều tiết ngân hàng và tài chính, những chủ đề mà ông đã viết nhiều cuốn sách. Ông được trao Giải thưởng cho bài báo xuất sắc về tài chính vào năm 2012. Cuốn sách mới nhất của ông, được viết cùng với Thierry Philipponnat, La capture: où l'on verra comment les intérêts financiers ont pris le pas sur l'intérêt général et comment mettre fin à cette situation (Bị cầm bắt: nơi sẽ thấy các lợi ích tài chính đã đi trước lợi ích chung như thế nào và làm thế nào để chấm dứt tình huống này) (NXB La découverte, 2014). Ông là thành viên của ban biên tập tạp chí Esprit.       
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF