20.10.15

"Nếu muốn giúp châu Phi, thì hãy kết hôn với một nông dân trồng cà phê"


Iain Dey

"Nếu muốn giúp châu Phi, thì hãy kết hôn với một nông dân trồng cà phê"
Angus Deaton, một người Scotland tại Đại học Princeton, người đoạt giải Nobel về kinh tế học vào tuần trước, tin rằng viện trợ nước ngoài gây hại nhiều hơn lợi - một quan điểm làm cho ông trở thành kẻ thù của mọi người từ LHQ đến Bill Gates và Bono.
Từ bình minh sáng thứ hai tuần trước, một dòng người ổn định các nhiếp ảnh gia, phóng viên, người săn chữ ký và một hàng dài những người hâm mộ khác bắt đầu di chuyển đến văn phòng của giáo sư Angus Deaton tại Đại học Princeton mà không báo trước.
Đoạt giải Nobel kinh tế học là một khả năng mà ông đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, nhưng đợt chú ý dồn dập và dữ dội mà sự kiện này đã tạo ra làm cho người đàn ông Scotland 69 tuổi vui tính có cảm giác như bị một xe lửa mất phanh tông trúng.

Angus Deaton (1945-)
Nhân viên an ninh của Đại học Princeton đưa cho ông một "điện thoại đốt bỏ" - loại điện thoại di động dùng một lần, chống theo dõi. Một chuyên gia an ninh mạng được chỉ định để bảo vệ ông chống lại những tấn công của tin tặc. Nhân viên bảo vệ của đội đặc nhiệm bảo vệ các giáo sư đoạt giải Nobel của đại học không bao giờ rời bóng ông.
"Có một cô gái rất hấp dẫn nhưng mặt gân guốc luôn có mặt ở đây vào mọi buổi sáng," Deaton nói. "Sau đó, cô được một người khác thay thế, cao khoảng 2m và có cái gì đó trông giống như một sân tập bắn rất lớn. Cao hơn một chút quá đầu. Tôi không thích sự diêm dúa đang thịnh hành này ở Mỹ".
Đã 12 năm rồi kể từ lần cuối khi một nhà kinh tế người Anh được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển vinh danh. Trong khi hội đồng Nobel nói về những thành tựu to lớn của ông liên quan đến việc đo lường nghèo đói và tính toán mức tiêu dùng kinh tế, thì lý lẽ thông thường đơn giản dường như đã đóng một vai trò lớn trong sự thành công của ông.
Ví dụ, ông gợi ý rằng muốn biết cách thức con người chi tiền của họ, thì nên hỏi họ thông qua một bản câu hỏi, hơn là nỗ lực hư cấu một câu trả lời lý thuyết từ những đống dữ liệu của chính phủ. Đây được coi là một ý tưởng mang tính cách mạng.
Bill Gates (1955-)
Ông cũng trình bày một số vấn đề quan trọng với định nghĩa về những ai đủ điều kiện để được gọi là "người nghèo" — một số có tính thống kê, một số khác liên quan đến thực tế đơn giản là một người nghèo ở Mỹ sẽ là một người giàu ở nông thôn Ấn Độ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đó là một niềm tin còn gây nhiều tranh cãi đã giành được sự chú ý của công chúng và đã làm cho ông trở thành kẻ thù trí thức của mọi người từ Liên Hiệp Quốc đến Bill Gates của Microsoft, và Bono, một ca sĩ U2 đã chuyển thành một nhà hoạt động xã hội toàn cầu.
Năm 2013 cuốn sách The Great Escape (Cuộc vượt thoát vĩ đại) của Deaton lập luận rằng viện trợ nước ngoài thường vô dụng. Trong thực tế, nói chung, gửi tiền mặt hay thực phẩm cho người dân ở các nước đang gặp khó khăn gây hại nhiều hơn lợi, ông nói.
Sau hai năm bảo vệ cuốn sách trước những lời chỉ trích thù địch từ một số nhóm thuộc cánh tả, ông tin nhiều hơn bao giờ hết rằng ông đã đúng. Giờ đây khi có thể tự cho mình là người đoạt giải Nobel, Deaton có kế hoạch biến những lập luận ấy thành hiện thực một cách mạnh mẽ hơn.
"Vấn đề là những hậu quả không lường", ông nói. "Ý tưởng cho rằng mang lại cho người dân một cái gì đó giúp duy trì một quy tắc xấu. Mugabe vẫn còn nhận những khoản tiền viện trợ nước ngoài khổng lồ ở Zimbabwe. Tôi nhìn những con số gần đây và thấy choáng".
Deaton lập luận rằng đổ vào một quốc gia đang gặp khó khăn hàng núi tiền sẽ làm suy yếu nền chính trị tại đó. Người dân sẽ ngừng nộp thuế nếu các dịch vụ cơ bản được nước ngoài cung cấp bằng máy bay trực thăng. Các chính phủ thường từ bỏ mọi quyết định điều hành đất nước của họ và chỉ làm theo sự chỉ đạo của các cơ quan viện trợ, Nhà nước Trung Quốc, hay bất cứ ai đó cung cấp tiền.
"Tình trạng bất lực mới chính là vấn đề, chứ thực sự không phải là vấn đề thiếu tiền. Nếu người dân bất lực, thì việc cho họ tiền không giải quyết được vấn đề đó".
Bono (1960-)
Giải quyết vấn đề là một việc phức tạp. Ông thấy có hai cách có thể giúp giải quyết vấn đề: bằng cách chuyển đến một nước nghèo và làm việc thực trên thực địa, hoặc bằng cách vận động các chính phủ phương Tây thay đổi các chính sách thương mại của họ, chi nhiều tiền hơn cho các loại thuốc sốt rét và ngăn chặn việc kinh doanh vũ khí toàn cầu.
"Những cô gái xinh đẹp này đến đây, và nói “Tôi muốn giúp Rwanda", Deaton nói tiếp,"Tôi nói với họ rằng "Hãy kết hôn với một nông dân Rwanda trồng cà phê, hãy đến đó, làm việc với họ và giúp họ." Rồi thì các cô gái ấy nói, "Ồ, tôi, tôi không chắc lắm."
Jeffrey Sachs (1954-)
Ông không có thù oán cá nhân gì với Gates, Bono, Bob Geldof hay thậm chí với đối thủ của ông trong cùng lĩnh vực, Jeffrey Sachs nhà kinh tế về phát triển có sách bán chạy nhất.
"Tôi thích Jeff," ông nói. "Thật khó mà không thích Jeff và ông ấy là một trong những nhà hùng biện giỏi nhất trên hành tinh. Nhưng sau khi nghe ông ấy nói khoảng 40 giây, thì tôi sẵn sàng phản kháng lại. Ông ta nghĩ rằng phát triển là một vấn đề kỹ thuật. Tôi nghĩ đó là một vấn đề chính trị. Đó là một sự khác biệt lớn về mặt trí tuệ".
Deaton là một người to lớn, đi đứng với sự trợ giúp của một cây gậy. Vợ ông, Anne Case, một học giả tại Đại học Princeton có văn phòng cách hai cánh cửa ở tầng sảnh, nói rằng ông ấy ít hay cười ở nơi công cộng. Tuy nhiên, khi não của ông ấy nhảy cẫng nhẹ nhàng qua mê cung phức tạp các ý tưởng của ông ấy, thì ông ấy bay bổng với một sự nhiệt tình tinh quái.
Thomas Piketty (1971-)
Rất lâu trước khi nhà kinh tế người Pháp Thomas Piketty viết cuốn sách bán chạy nhất về bất bình đẳng, Deaton đã thảo luận về chủ đề trên rất nhiều - và viết các bài viết với học giả Sir Anthony Atkinson "người đã dành toàn bộ cuộc đời của mình để nghiên cứu vấn đề ấy và không có bấy nhiêu người chú ý".
Ông nói, "Chắc chắn có một số kiểu thời trang nào đó trong những điều này. Rõ ràng thời trang đã xuất hiện trước cuốn sách của Piketty, nếu không thì sách đã không bán được nhiều như vậy."
Sir Paul Collier (1949-)
Tôi nói với ông là quan điểm của ông về viện trợ nước ngoài làm cho tôi nghĩ rằng giải pháp tự nhiên cho vấn đề nghèo đói toàn cầu là gửi quân đội Anh vào các nước đang gặp khó khăn để áp đặt trật tự. Liệu đó có phải là cách mà ông thay đổi cấu trúc quyền lực của một quốc gia hay không?
Ông khẽ cười rằng Sir Paul Collier, một trong những đồng nghiệp của ông tại Đại học Oxford, đã "đến gần với lập luận này".
Ông nói tiếp, "Nghèo đói không chỉ là vấn đề tiền bạc, đó còn là vấn đề phải có vai trò trong xã hội dân sự. Nếu quân đội của một nước nào khác diễu hành khắp nơi và nói bạn phải làm những gì, thì đó chính xác không là ... Đó là những gì chúng tôi người Scotland cảm nhận về người Anh trong một thời gian dài. Tôi đã cảm nhận điều đó, và nó ngày một tăng lên".
Sir Anthony Atkinson (1944-)
Deaton lớn lên trong một ngôi làng gần Melrose, cách xa miền nam Edinburgh chừng một giờ lái xe. Bố ông xuất thân từ vùng Yorkshire và phải đi làm trong các hầm mỏ sau khi rời ghế nhà trường ở tuổi 12. Ông bị bệnh lao khi phục vụ trong Chiến tranh thế giới thứ hai và được gửi về Scotland để chữa trị. Sau khi chật vật học các lớp ban đêm trong nhiều năm, ông làm việc theo cách của ông để trở thành kỹ sư trưởng thủy lợi của miền nam Scotland.
Mẹ của Deaton, con gái của một thợ mộc, thường mắng ông vì ông đọc sách xung quanh nhà. Tuy nhiên, bố của ông, kiên quyết bằng mọi cách làm cho cậu trẻ Angus có được một học bổng đến Fettes, một trường tư có uy tín tại Edinburgh, và đã thành công.
Ngay cả khi Deaton đã hòa nhập vào tầng lớp thượng lưu của Scotland, ông vẫn còn căm hận tầng lớp quý tộc. Tất cả các vùng đất xung quanh Melrose đều thuộc sở hữu của Công tước Buccleuch, một trong những điền chủ lớn nhất nước Anh. "Tôi là một người câu cá nghiệp dư khi còn là một đứa trẻ. Bạn không được phép câu cá vào các ngày chủ nhật. Nhưng vì sáu ngày trong tuần là thời gian làm việc nên những người lao động bình thường không có được một vũng nước [để câu cá tại các hồ].”
Ian McEwan (1948-)
"Đó là một âm mưu giữa giáo hội và tầng lớp quý tộc - những người đối với tôi dường như luôn là người Anh. Họ không nói chuyện như chúng tôi. Đó là vấn đề lớn - người có tiền có vẻ không giống như chúng tôi. Dường như luôn có một quyền lực thống trị ở đó".
Tuy nhiên, Deaton tin rằng nền độc lập của Scotland sẽ "rất nguy hiểm", đặc biệt bởi vì câu hỏi muôn thuở chưa có lời đáp về việc Scotland sẽ sử dụng loại tiền tệ nào. Diễn giải tác giả Ian McEwan, ông nói rằng một sự cắt đứt quan hệ với Khối Liện hiệp Anh, đối với ông, một người con có cha là người Anh và mẹ là người Scotland, sẽ giống như "thân thể bị chặt đứt chân tay".
Deaton, người đã ở tại Đại học Princeton từ năm 1983, vẫn thích câu cá bằng ruồi. Vào mỗi kỳ hè, ông và vợ ông dành năm tuần trên sông Madison ở Montana, nơi ông được gặp một số "những người rất khác biệt — những người thuộc cánh hữu, những người Kitô giáo theo trào lưu chính thống".
Daniel Kahneman (1934-)
Deaton có lẽ được biết đến nhiều nhất về một bài viết mà ông là đồng tác giả với Daniel Kahneman, lập luận rằng, ở Mỹ, ngưỡng của một người "hạnh phúc" là khi thu nhập hàng năm của họ đạt 75,000 đô-la. Do người đoạt giải Nobel được hưởng một tấm séc trị giá 1 triệu đô-la, điều đó có tương đương với 13 năm hạnh phúc không?
Ông nói, "Khi bạn đến tuổi của tôi và sống trong một thế giới không phải là nước Anh, trong đó không có các chương trình hưu trí được xác định, thì dường như điều đó không phải là nhiều lắm. Không chỉ khi bạn đang nghĩ "liệu tôi có đủ tiền để sống cho quảng đời còn lại không?" mà tôi nghĩ khá thường xuyên về điều đó.
"Khi còn là một đứa trẻ, khởi nghiệp tại Đại học Cambridge, và nếu có ai đó nói với tôi rằng tôi sẽ có được 1 triệu đô-la thì tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ làm việc nữa. Nhưng 1 triệu đô-la không làm cho tôi hạnh phúc".
Iain Dey
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: ‘If you want to help Africa, go marry a coffee farmer’, Sunday Times Times, 18-10-15.
------
Bài có liên quan trên PTKT:
Print Friendly and PDF