16.10.15

Angus Deaton, giải Nobel kinh tế năm 2015: Cuộc vượt thoát vĩ đại



Angus Deaton (1945-)
Angus Deaton, giải Nobel kinh tế năm 2015: Cuộc vượt thoát vĩ đại
Cuộc vượt thoát vĩ đại
Vào năm 1750, tại Thụy Điển, trẻ sơ sinh đứng trước nguy cơ tử vong cao hơn người lớn ở tuổi 80; vào năm 1900 tại nước Anh, kì vọng sống ở tuổi 15 cao hơn kì vọng sống lúc mới sinh. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh quá cao đến nỗi việc sống được đến 15 tuổi sẽ làm tăng cơ may sống sót về sau. Nói về phụ nữ, cũng vậy: cơ bản trong lịch sử nhân loại, một ca sinh con tiềm ẩn 20% nguy cơ tử vong ở người mẹ – một cơ may trên 5, tệ hơn là chơi trò chơi cò quay (roulette) Nga với một khẩu súng đã nạp đạn sẵn.
Ngày nay, các trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh là điều rất hiếm, rất hiếm ngay cả ở những nước giàu; và người ta thường quên điều này, nhưng ngay cả ở những nước nghèo nhất, ngày nay kì vọng sống khi mới sinh cũng cao hơn rất nhiều so với kì vọng sống khi mới sinh ở các nước giàu nhất vào đầu thế kỷ 19. Người ta thích lý tưởng hóa quá khứ, muốn vậy phải xem xét chuỗi những bất hạnh của cuộc sống trước đây. Mất con khi chúng còn nhỏ tuổi, hoặc mất mẹ của chúng, sống trong cảnh thiếu thốn, cơ thể dần bị kiệt quệ, là điều thật kinh khủng.
Bằng cách nào nào ta đã thoát khỏi cảnh đó? Và trên hết, làm thế nào để những tiến bộ khổng lồ về các điều kiện vật chất mà các nước giàu đã hưởng có thể được lan rộng ra cho toàn bộ hành tinh, bao gồm cả tỷ người đang sinh sống trong cảnh nghèo đói đen tối nhất? Đó chính là những câu hỏi, có nhiều khả năng là quan trọng nhất của kinh tế học, mà Angus Deaton, giải Nobel kinh tế năm 2015, đã cống hiến cả sự nghiệp của mình.

Đo lường nghèo đói

Hãy thừa nhận một điều: một giải Nobel về nghiên cứu sự tiêu dùng và đo lường nghèo đói, điều đó có vẻ không hấp dẫn lắm. Nhưng đó lại là điều cần thiết để hiểu được tầm vóc và bản chất của các vấn đề về phát triển. Làm thế nào nghiên cứu được những gì mà chúng ta không biết cách đo lường chúng?
Làm thế nào, ví dụ, so sánh thu nhập ở hai nước khác nhau? Ví dụ, một khoản thu nhập 50.000 franc CFA mỗi tháng có ý nghĩa gì ở Mali? chuyển đổi số tiền đó sang tiền euro thì bằng khoảng 75 euro mỗi tháng, có nghĩa là 2,5 euro mỗi ngày, có vẻ như khá ít. Nhưng tôi cần biết giá cả ở Mali để có được một ý tưởng thực tế về những gì nó tượng trưng. Và những vấn đề khó bắt đầu xuất hiện. Thứ nhất, giá cả không khác nhau giữa các quốc gia theo cùng một cách. Nếu muốn mua một iPad ở Mali, thì giá của nó cũng đắt không kém gì ở Pháp; ngược lại, giá cắt tóc hoặc giá đi xe taxi rõ ràng rẻ hơn nhiều so với giá ở Pháp. Tuy nhiên điều chủ yếu về những gì con người tiêu dùng giống với các kiểu cắt tóc (những sản phẩm gọi là không trao đổi được) hơn là với các Ipad. Việc sử dụng tỷ giá hối đoái sẽ đưa tôi đến việc đánh giá quá cao tình trạng nghèo đói ở Mali.
Tương tự như vậy, thị hiếu của con người khác nhau. Nếu thấy rằng người Việt Nam ăn rất ít pho mát so với người Pháp, thì liệu đó có phải là vì họ quá nghèo để mua pho mát hay không, hay đơn giản chỉ vì pho mát không thuộc thói quen tiêu dùng của họ?
Deaton đã phát triển những công cụ cho phép đo lường những hiện tượng trên. Ông đã làm phong phú đáng kể sự hiểu biết về tình trạng nghèo đói trên thế giới, phê phán cách tiếp cận quá đơn giản đang được Ngân hàng Thế giới ưu đãi về "ngưỡng nghèo đói" được tính bằng đô la mỗi ngày (sẽ sớm chuyển từ 1,25 sang 1,90 đô la).

Kết nối các sự kiện và lý thuyết

Nói chung, công việc của ông là phát triển những công cụ cho phép kết nối các sự kiện và lý thuyết kinh tế; làm thế nào để dung hòa các dữ liệu kinh tế vĩ mô (ví dụ: GDP bình quân đầu người) với mức phúc lợi thực của các cá nhân hoặc hộ gia đình? Người ta đã thấy GDP khá thiếu chính xác khi đánh giá thu nhập ở các nước nghèo. Deaton đã nghiên cứu về cách thức để tổng gộp các dữ liệu cá nhân. Ý tưởng là xây dựng các dữ liệu kinh tế vĩ mô xuất phát từ tình hình của người dân, đo lường chúng qua các cuộc điều tra được tiến hành ở cấp độ các hộ gia đình, và từ đó suy ra những hiện tượng mang tính tổng quát hơn.
Một lần nữa, vấn đề thật khó khăn. Ví dụ, giả sử một chính sách phát triển ở một nước nghèo là trợ cấp phân bón cho nông dân. Cầu phân bón chắc chắn phụ thuộc vào giá cả phân bón, nhưng cũng phụ thuộc vào giá cả của tất cả các hàng hóa khác; phải tìm ra những cách để phân tích sự tương tác giữa nhiều mức cầu, mà nó có thể cho ra những kết quả phản trực giác một cách tiên nghiệm.

Tiền bạc và hạnh phúc

Daniel Kahneman (1934-)
Cùng với Daniel Kahneman, một giải Nobel kinh tế khác, Deaton gần đây quan tâm đến vấn đề nổi tiếng là tiền bạc và hạnh phúc, và nghịch lý Easterlin; liệu có phải là việc trở nên giàu có hơn sẽ thực sự làm tăng hạnh phúc hay không, hoặc là có một giới hạn nào chăng khi mà vượt qua một ngưỡng nào đó thì tiền bạc không còn làm tăng sự thỏa mãn?
Trong bài viết của họ, họ phân biệt hai hình thức "thỏa mãn". Sự thỏa mãn cảm xúc (cảm thấy nỗi buồn, niềm vui, nỗi đau ...) và sự thỏa mãn – lòng tự trọng – sự đánh giá về chính cuộc sống của bản thân. Trên cơ sở những cuộc điều tra được tiến hành trên các hộ gia đình người Mỹ, họ thấy rằng việc đánh giá cao cuộc sống của bản thân tăng lên vô hạn cùng với thu nhập (nói chung, những người kiếm được 100.000 euro một năm sẵn lòng tuyên bố mình thành công hơn so với những người kiếm được ít tiền hơn), nhưng sự thỏa mãn cảm xúc, thì đạt đến mức trần từ một ngưỡng thu nhập khoảng 75.000 đô la mỗi năm.
Các nhân tố khác cũng góp phần vào sự thỏa mãn cảm xúc, nhưng chúng cũng gắn với thu nhập. Ly hôn luôn là một trải nghiệm đau đớn, nhưng người ta sẽ cảm thấy đớn đau hơn khi có thu nhập thấp so với những người có thu nhập cao hơn.

Hoài nghi đối với viện trợ phát triển, và các thử nghiệm

Việc ông ưa thích các cách tiếp cận tập trung vào con người, vào sự kiện, đã làm cho Deaton rất hoài nghi tính hiệu quả của viện trợ phát triển. Ngoài một số trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như viện trợ y tế (diệt trừ bệnh đậu mùa, ví dụ) ông cho rằng viện trợ phát triển chỉ đóng góp phần nhỏ vào phúc lợi của người dân ở các nước nghèo; cách tiếp cận đưa tiền trực tiếp cho người nghèo có thể sẽ tốt hơn; đó là chủ đề của bài viết trước đây trên blog này.
Nhưng ông không cho đó là một liều thuốc thực sự chữa được bách bệnh; phúc lợi của người nghèo phụ thuộc vào một loạt các chiều kích khác, đặc biệt là môi trường chính trị và thể chế trong đó họ sống. Cho một ít tiền cho người tị nạn Syria là một điều tốt, hoặc cho tiền một người nông dân Bangladesh bị một tòa án tham nhũng tước đoạt đất đai của họ, chắc chắn là một điều tốt, nhưng điều này chưa đủ. Ông cho rằng điều tốt nhất để giúp người nghèo là gia tăng dòng người di cư sang các nước giàu – một chủ đề thời sự.
Deaton cũng tỏ ra hoài nghi lợi ích của các phương pháp gần đây được sử dụng trong lĩnh vực phát triển – những thực nghiệm tại địa phương, ví dụ do Esther Duflo thực hiện. Ông giải thích một cách khá khôi hài lý do vì sao cách tiếp cận này không hiệu quả trong video này, với trò chơi Angry Birds (Những chú chim nổi giận). Vấn đề phát triển đòi hỏi một cách tiếp cận theo kiểu thử và sai – cách tiếp cận được ứng dụng để thắng trong trò chơi ấy – không thử nghiệm có hệ thống tất cả các khả năng (có quá nhiều). Đây không phải là mẫu người dễ dàng chạy theo thời trang.

Tôi quan tâm đến vấn đề này, làm thế nào để biết thêm?

Bạn nhất thiết phải đọc cuốn "The Great Escape (Cuộc vượt thoát vĩ đại)” của ông, viết về tình trạng nghèo đói trong dài hạn. Một cuốn sách đáng chú ý, rất dễ đọc, mà – với hiệu ứng Nobel – bây giờ có nhiều khả năng được dịch sang tiếng Pháp. Bạn sẽ thấy trong đó những sự kiện lịch sử được tôi dùng để mở đầu bài này, và một viễn cảnh lạc quan về những cơ may để chấm dứt cảnh nghèo đói. Ông còn giữ một mục bài viết hai lần một năm, trong đó bạn sẽ tìm thấy những ý tưởng của ông về nhiều lĩnh vực. Deaton là một nhà kinh tế bận tâm với các sự kiện, ít gợn ý thức hệ, và là người biết viết, ba phẩm chất không phải bao giờ cũng tồn tại đồng thời trong các thành viên thuộc giới học thuật kinh tế.
Alexander Delalgue, giáo sư kinh tế tại Đại học Lille I
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Angus Deaton, prix nobel d'économie 2015: la Grande évasion, francetvinfo, 12 octobre 2015.
------

Bài có liên quan trên PTKT:

Print Friendly and PDF