Anne Lavigne |
Thời thế đã thay đổi
Vào cuối những năm tám mươi (của thế kỉ XX –ND), cùng với sự phát triển đầy tiềm năng của hội Qualité de la science franVaise (QSF hay Chất lượng của khoa học Pháp), một số nhà kinh tế ở đại học yêu cầu thành lập một ban “Kinh tế học lí thuyết” trực thuộc CNU. Động cơ của yêu sách này là chiến lược mong muốn tự phân biệt hóa đối với điều được cảm nhận là một truyền thống cổ lỗ và lỗi thời trong đại học Pháp lúc bấy giờ, truyền thống của kinh tế học chính trị. Định đề là chỉ có thể quan niệm được khoa học kinh tế nghiêm túc trong một khuôn khổ hình thức hóa, mặt khác chủ nghĩa hình thức quy chiếu về những mô hình hóa tân cổ điển (và những biến thể của chúng thời bấy giờ, một cách sơ lược, là các dự kiến duy lí, mô hình chu kì thực tế, mô hình có thế hệ đan chéo cho kinh tế học vĩ mô và, lí thuyết động viên và lí thuyết hợp đồng cho kinh tế học vi mô) hay keynesian. Kinh tế học diễn ngôn (không có mô hình lí thuyết hay thực nghiệm) bị khinh miệt, tệ hơn nữa là bị đả kích; tôi nhớ đã từng thấy một đồng nghiệp cùng thế hệ bị sốc vì một đồng nghiệp khác dạy kinh tế học vi mô cho sinh viên năm thứ nhất mà không viết đến một chương trình tối ưu hóa dưới ràng buộc. Cuối cùng cái ban-đáng-ra-sẽ-là-ban-75 không được thành lập. Vả lại, những người bảo vệ một kinh tế học hình thức hóa, kể cả trong số những nhà lãnh đạo QSF lúc bấy giờ không nhất trí với nhau để ủng hộ việc thành lập này.
Queen Elizabeth II |
Vậy mà hôm nay, tôi gián tiếp được biết rằng bà bộ trưởng (tôi nghĩ, mà không dám chắc, là bà bộ trưởng chứ không phải bà thứ trưởng đặc trách giáo dục đại học và nghiên cứu) dường như đã chấp nhận yêu cầu thành lập một ban mới của CNU, ban “Thể chế, kinh tế, lãnh thổ và xã hội”. Từ khi được thành lập Hội kinh tế học chính trị Pháp (AFEP) đã vận động mạnh mẽ cho yêu cầu này và nhận được sự vận động hiệu quả trong hành lang các dân biểu của nền cộng hòa và của những những điểm tiếp nối trong các văn phòng các bộ.
Kể từ ngày chính nữ hoàng Anh ngạc nhiên là không ai thấy trước được cuộc khủng hoảng năm 2008, phong trào đặt lại tính hữu ích của các nhà kinh tế, tính xác đáng của những nghiên cứu của họ và nội dung của nhưng chương trình giảng dạy kinh tế càng lớn mạnh (thật ra phong trào economist-bashing [đả kích các nhà kinh tế - ND] đã không chờ đến nữ hoàng Anh …). Paul Krugman thường xuyên dành nhiều bài về chủ đề này. Điệp khúc đã được biết rõ: các nhà kinh tế (vĩ mô) có những mô hình lí thuyết và kinh trắc cực kì tinh vi nhưng lại bất lực để dự báo những cuộc khủng hoảng hiển nhiên, hoặc do bất tài, hoặc do xung đột quyền lợi.
Paul Krugman (1953-) |
Nhưng phải chăng vì thế mà, trong bối cảnh đại học Pháp, phải dựng lên một ban mới của CNU để một lần nữa, theo chiều ngược lại của quả lắc, lập lại một ban kinh tế học chính trị? Mặt khác, AFEP vận động cho tên gọi ban mới là “Kinh tế và xã hội” và rõ ràng bị một tên gọi thiếu chính xác khác (ôm đồm mọi thứ) qua mặt. Tôi không nghĩ như vậy vì cùng một lí do như hai mươi năm trước tôi từng cho rằng việc thành lập một ban kinh tế học lí thuyết là không thích hợp. Một lần nữa, các nhà kinh tế chứng tỏ sự bất lực trong việc giải quyết các tranh chấp của mình trong nội bộ, phơi bày những sự chia rẽ ra trước bàn dân thiên hạ, càng củng cố thêm cho cảm giác dân túy cho rằng “không những các nhà kinh tế không dùng được vào việc gì, mà giữa họ với nhau còn có bất đồng …”. Trong lúc tranh luận với ý kiến đối lập nhau chính là bản chất của sự phát triển khoa học, vốn chỉ là sự tiếp nối nhau của những sai lầm tạm thời …
Ba mươi năm vừa qua cho thấy là đã không cần thiết phải lập một ban kinh tế học lí thuyết để phái cứng rắn trong QSF cuối cùng cũng đạt được mục đích của mình, nghĩa là áp đặt một nền tảng tối thiểu cho việc hình thức hóa trong tất cả các bậc học kinh tế và một sự chuyên nghiệp hóa/chuẩn hóa nghiên cứu ở bậc tiến sĩ. Tất nhiên là một số nhà kinh tế cho rằng cái nền tảng tối thiểu này là toàn diện, đặc biệt là các nhà kinh tế rụng rời lên án sự đồng phục hóa này của thuyết tân tự do chính thống trong đào tạo đại học và tranh luận công dân.
Pierre-Cyrille Hautcoeur (1964-) |
Có điều gì đó khôi hài khi thấy bà thứ trưởng đặc trách giáo dục đại học và nghiên cứu tự sướng với việc giải Nobel được trao cho Jean Tirole, đồng thời tán thành việc thành lập một ban mới “xung quanh kinh tế học”, nhất là sau khi đã giao cho Pierre-Cyrille Hautcoeur nhiệm vụ báo cáo về “tương lai của các khoa học kinh tế trong các đại học Pháp” (xem trang 39). Tất nhiên các nhà kinh tế trong đại học Pháp phải thích nghi cách giảng dạy của mình, về mặt phương pháp cũng như nội dung, và cởi mở với các bộ môn kề cận. Theo tôi, khuyến khích việc thành lập một ban mới trong CNU vào lúc mà ban 5 hướng đến những cách thực hành tốt hơn để tính tới tính đa nguyên trong khoa học là một việc cực kì gây xáo động và, về lâu dài có thể là không hiệu quả. Nhưng có lẽ các nhà kinh tế chỉ nhận được những gì mình đã gieo[*].
Anne Lavigne
Giáo sư khoa học kinh tế đại học Orléans
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Les temps changent …”, blog Mutatis, mutandis,14 tháng 12 năm 2014.
[*] Xem bài “Ưu thế của các nhà kinh tế học” (ND).↩