21.10.15

Giải Nobel về Kinh tế học được trao cho Angus Deaton vinh danh các nghiên cứu về tiêu dùng


Angus Deaton (1945-)
Giải Nobel về Kinh tế học được trao cho Angus Deaton vinh danh các nghiên cứu về tiêu dùng
Nhà kinh tế học Angus Deaton đã dành trọn sự nghiệp của mình để cải thiện dữ liệu phục vụ cho việc hoạch định chính sách công, bao gồm các đo lường sự giàu có và tình trạng đói nghèo, tiết kiệm và chi tiêu, sức khỏe và hạnh phúc.
Tận dụng các máy tính có tốc độ xử lý ngày càng nhanh và sự bùng nổ các dữ liệu mới có thể tiếp cận được, ông đã tập hợp thông tin về cuộc sống của nhiều cá nhân nhằm cải thiện sự hiểu biết về sự vận động của các xu hướng kinh tế.
Vào khoảng 6:10 sáng thứ Hai, khi vợ ông chuyển cho ông chiếc điện thoại, ông Deaton, giáo sư tại trường Đại Học Princeton, được thông báo rằng ông đã thắng Giải Tưởng Niệm Nobel dành cho Khoa Học Kinh Tế năm 2015.
“Để thiết kế được chính sách kinh tế có tác dụng cải thiện phúc lợi và giảm nghèo, trước tiên chúng ta phải hiểu những lựa chọn tiêu dùng của cá nhân,” Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Thụy Điển đã phát biểu khi công bố giải dành cho kinh tế học, giải Nobel cuối cùng được công bố trong năm nay. “Hơn ai hết, Angus Deaton đã nâng cao sự hiểu biết về lĩnh vực này.”
Tên của Giáo Sư Deaton đã xuất hiện trong các danh sách đề cử trong nhiều năm mặc dù ông không có một lý thuyết đúng nghĩa với từ này hay được công nhận là có đột phá nào. Cho dù ông không được nhiều người biết đến, nhưng các đồng nghiệp của ông và giới nghiên cứu cho rằng ông xứng đáng với giải thưởng vì đã cải tiến một phương pháp chặt chẽ nghiên cứu kinh tế phát triển dựa vào việc phân tích cẩn thận các dữ liệu chi tiết.
Dani Rodrik (1957-)
Theo Dani Rodrik, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Harvard, “Giả sử bạn muốn tìm hiểu tác động của việc trợ cấp đối với lúa gạo lên sự thịnh vượng của nông dân, ông đã cho ra đời một phương pháp mà bạn thực sự có thể sử dụng với dữ liệu hộ gia đình để tìm ra tác động của chính sách tương tự lên sự thịnh vượng của các nông dân khác nhau.”
Giáo sư Deaton cũng là quán quân trong việc tập hợp và sử dụng các dạng dữ liệu mới, đặc biệt là về các nước đang phát triển, các nước này thường thiếu các dữ liệu thống kê vốn luôn sẵn có ở nước Mỹ.
Janet M. Currie
Trong bài diễn văn nhậm chức chủ tịch Hiệp Hội Kinh Tế Học Hoa Kỳ vào năm 2010, Giáo Sư Deaton đã phê phán một số tiêu chuẩn phổ biến đánh giá tình trạng đói nghèo, như đếm số người sống với ít hơn $1 mỗi ngày. Ông nói rằng các tiêu chuẩn đánh giá như vậy đã thổi phồng hiện trạng đói nghèo; ông khuyến khích tăng cường sử dụng các cuộc điều tra về tình trạng các hộ gia đình cá thể.
Kinh tế gia Janet M. Currie, một đồng nghiệp ở Princeton, đã phát biểu rằng: “Các cách thức đơn giản hòng quan sát thế giới thường là nền tảng của chính sách, và nếu người ta báo cáo không chính xác, thì chính sách cũng có thể sai lầm. Ông luôn quan tâm tìm cách nắm bắt sự phức tạp của thế giới hiện thực.”
Daniel Kahneman (1934-)
Trong những năm gần đây, Giáo Sư Deaton cũng đã hợp tác với nhà tâm lý học Daniel Kahneman, một giáo sư ở Princeton và là một học giả được giải Nobel dành cho Kinh tế học trước đây, thực hiện nghiên cứu nhằm đưa ra bằng chứng về mối quan hệ đồng biến giữa hạnh phúc và thu nhập, nhưng mối quan hệ này chỉ có ý nghĩa khi thu nhập không lớn hơn $75.000 mỗi năm. (Các phương pháp yêu cầu người tham gia đánh giá sự thịnh vượng tổng thể cho thấy rằng càng nhiều tiền khiến người ta càng hạnh phúc trong giới hạn không vượt xa con số trên.)
Giáo Sư Deaton, 69 tuổi, sinh tại Scotland và được học tập tại Cambridge trước khi công tác tại Princeton vào năm 1983. Ông là công dân của cả nước Anh và nước Mỹ.
Giáo Sư Currie, một người nguyên là học trò của Giáo Sư Deaton đồng thời trên danh nghĩa là đương kim cấp trên của ông ở cương vị trưởng khoa kinh tế học tại Princeton, đã mô tả ông như là “một người cực kỳ vui tính và dí dỏm và đọc rất cừ, vô cùng uyên bác và một người bạn rất tốt.”
Trong buổi phỏng vấn vào thứ Hai, Giáo Sư Deaton đã phát biểu rằng ông có hứng thú với kinh tế học phát triển vì “có một nhu cầu thực tế cấp thiết mang tính đạo đức nhằm tìm hiểu hành vi của con người cũng như là tìm hiểu những gì chúng ta nên hay có thể làm để nắm bắt được hành vi của con người.”
Ông nói rằng hoàn cảnh giáo dục cũng có ảnh hưởng đến mối quan tâm trong nghiên cứu của ông.
Ông kể: “Tôi lớn lên ở Edinburgh. Một nơi lạnh lẽo, lộn xộn và khốn khổ để trưởng thành, và tôi đã từng mơ ước đi đến các nước nhiệt đới nhiều màu sắc, nóng nực.”
Kinh tế học trước những năm 1980 dựa vào giả định cho rằng con người được biểu trưng bằng một đại lượng tổng gộp kinh tế tiêu biểu cho một lối hành xử hầu như tương tự nhau, không phải vì giả định đó hợp lý mà là vì quá khó để tính đến sự đa dạng trong hành vi của con người.
Các máy tính có tốc độ xử lý ngày càng nhanh cho phép tạo ra các mô hình tích hợp sự đa dạng trong hành vi. Ủy Ban Giải Nobel trích dẫn nghiên cứu của Giáo Sư Deaton thực hiện vào khoảng những năm 1980 về việc mô hình hóa cầu đối với hàng hóa cá nhân, một trong vài mô hình ra đời sớm nhất trong lĩnh vực đó đồng thời là mô hình hiện vẫn còn được sử dụng rộng rãi.
Trong quá trình nghiên cứu, ông đã phát hiện ra rằng tăng thu nhập có xu hướng cải thiện lượng calorie hấp thụ đối với các hộ nghèo nhất, nhưng tác động giảm dần ở các mức thu nhập cao hơn. Hậu quả là các thống kể tổng gộp đã che khuất lợi ích mà các hộ nghèo nhất có được từ gia tăng của thu nhập.
Duncan Thomas
Theo lời của Duncan Thomas, một nhà kinh tế tại trường Đại Học Duke và cũng từng là học trò của ông: “Điều ông đã làm hàm ý là bạn sẽ phát hiện ra rất nhiều điều bằng cách phân tích hành vi ẩn dưới các tổng gộp.”
Giáo sư Thomas nói rằng ông cũng rất ngưỡng mộ sự rõ ràng của Giáo Sư Deaton. “Ông sẽ mang bằng chứng đến bàn họp theo một cách mà khiến bạn phải nói rằng, “Vâng, dĩ nhiên là phải chính xác rồi,” Giáo Sư Thomas nói.
Giáo Sư Deaton nói rằng ông hy vọng “sự cẩn trọng trong đo lường” sẽ là di sản của ông. Ông phát biểu rằng người hướng dẫn ông, Richard Stone, một giáo sư ở trường Đại học Cambridge đã được Giải Nobel dành cho Kinh tế học vào năm 1984, đã gieo vào trong ông tầm quan trọng của dữ liệu tốt. “Tôi đã luôn luôn muốn giống như ông ấy,” Giáo Sư Deaton nói. “Tôi nghĩ việc kết hợp các con số với nhau vào một khung sườn chặt chẽ dường như luôn là vấn đề thực sự quan trọng đối với tôi.”
Richard Stone (1913-1991)
Nghiên cứu của ông cũng đáng chú ý ở chỗ ông khăng khăng cho rằng lý thuyết phải giải thích được các tập sự kiện phức tạp hơn. “Một lý thuyết tốt phải giải thích được tất cả các bằng chứng mà chúng ta quan sát được,” Giáo Sư Deaton viết như vậy vào năm 2011 trong một bài luận về cuộc đời của ông trong ngành kinh tế học. “Nếu lý thuyết không áp dụng được ở mọi nơi, chúng ta không biết chúng ta đang nói về điều gì và tất cả là sự hỗn độn.”
Ông có lẽ đã đóng góp nhiều vào việc phá vỡ các hiểu biết cũ hơn là tạo ra sự hiểu biết mới.
“Có khá nhiều điểm bất khả tri trong các chính sách, xuất phát từ điều này – nó nhấn mạnh nhiều vào tính không đồng nhất của các kết cục,” Giáo Sư Rodrik nói về Giáo Sư Deaton. “Ông là một người có lý luận sắc bén, và ông thường nhằm vào đối tượng mục tiêu mà đưa ra các phát biểu rất vững chắc về chính sách này hay chính sách kia.”
Những người ủng hộ các chương trình việc trợ chính thức là một mục tiêu thường xuyên. Giáo Sư Deaton đã lý luận rằng những hoạt động đầu tư như vậy thường làm xói mòn chất lượng quản lý công ở địa phương và phá hoại việc triển khai các thể chế cần thiết cho sự phát triển bền vững.
Một kết luận mà các bài viết của ông đã nhấn mạnh là sự khác biệt đáng ngạc nhiên giữa phần lớn lịch sử nhân loại với thời hiện đại.
“Cuộc sống hiện tại tốt hơn so với hầu hết bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử,” ông đã viết như vậy trong lời mở đầu quyển “The Great Escape” (Cuộc Vượt Thoát Vĩ Đại) xuất bản năm 2013, một thành quả được nhiều người biết đến trong nghiên cứu của ông. “Nhiều người giàu có hơn và ít người sống trong cảnh nghèo thảm hơn. Cuộc sống dài hơn và các bậc cha mẹ không còn phải thường xuyên chứng kiến ¼ số con cái của mình không thể sống được.”
Binyamin Appelbaum
Ông xem biến đổi khí hậu và sự gia tăng của bất bình đẳng về kinh tế trong các quốc gia phát triển như là các mối đe dọa đối với sự tiến bộ này. Ông đã chỉ ra trong các công trình nghiên cứu khác rằng bất bình đẳng xuất hiện một cách tự nhiên do vận may khác nhau, nhưng ông đã khẳng định hố cách ngày càng lớn trong những năm gần đây trưng ra một thách thức mới về kinh tế và chính trị.
“Tôi nghĩ rằng bất bình đẳng đã vượt qua cột mốc mà ở đó nó giúp chúng ta cùng nhau làm giàu, và nó thực sự trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng,” ông khẳng định. Giáo Sư Deaton kể rằng ông “rất buồn ngủ” khi ông cầm chiếc điện thoại từ tay vợ mình vào sáng thứ Hai.
“Tôi đã ngạc nhiên và vui sướng,” ông nói. “Thật tuyệt vời khi nghe các giọng nói của bạn bè tôi trong ủy ban.”
Binyamin Appelbaum
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn:Nobel in Economics Given to Angus Deaton for Studies of Consumption”, The New York Times, October 12, 2015.
------
Bài có liên quan trên PTKT:
Print Friendly and PDF