30.10.15

Tính đa nguyên trong kinh tế học là một mệnh lệnh dân chủ



André Orléan (1950-)

“Tính đa nguyên trong kinh tế học là một mệnh lệnh dân chủ”

Phải tư duy lại việc giảng dạy kinh tế học. Trong cuộc phỏng vấn dưới đây, André Orléan tố cáo sự thống trị của các lí thuyết tân cổ điển.
Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm quốc gia Pháp (CNRS) và Trường cao cấp về khoa học xã học (EHESS), André Orléan là đồng chủ biên tuyên ngôn vì một kinh tế học đa nguyên trong Dùng các nhà kinh tế vào việc gì nếu họ đều nói giống nhau?
Ông là một nhà kinh tế phi chính thống. Điều gì làm ông khác với nhà kinh tế chính thống, mà theo ông, đang ở vị thế thống trị cả trong đại học lẫn trong việc hoạch định các chính sách kinh tế?
Ý tưởng chính thống bắt nguồn từ tác phẩm của Keynes. Keynes gọi bằng chính thống những ai tin vào sự điều tiết cạnh tranh của các nền kinh tế thị trường. Ông đối lập họ với những kẻ dị giáo trong đó ông tự liệt mình vào. Trong lúc các nhà chính thống gán cho lương quá cao nguyên nhân của thất nghiệp đại trà, Keynes xem thất nghiệp chủ yếu là do thiếu cầu. Ngày nay, sự đối đầu giữa chính thống và phi chính thống chủ yếu vẫn xoay quanh cũng bấy nhiêu đối lập về mặt khái niệm, ngoại trừ việc là các lí thuyết đối mặt nhau tinh vi hơn và lí thuyết thống trị, gọi là “tân cổ điển”, ngày càng trở nên thống trị hơn. Bằng cách tiếm đoạt độc quyền về khoa học đích thực, lí thuyết này tự cho phép quyền bác bỏ tất cả những cách tiếp cận cạnh tranh, được gọi là “phi khoa học”. Ta thấy rõ điều này ở Pháp, một nước có truyền thống tiếp nhận một số lớn quan điểm và phương pháp khác nhau, như chủ nghĩa Marx, lí thuyết điều tiết, kinh tế học về các quy ước, cách tiếp cận gọi là hậu keynesian và lịch sử tư tưởng kinh tế.
Ông giải thích thế nào việc một chính quyền phe tả ngoảnh mặt làm ngơ và thậm chí còn nhượng bộ trước áp lực của các nhà kinh tế tự do?
Margaret Thatcher (1925-2013)
Geneviève Fioraso (1954-)
Cuộc tranh luận của chúng tôi không phải là một cuộc đối đầu tả chống hữu. Việc bảo vệ sự đa nguyên trong kinh tế học là một mệnh lệnh dân chủ vượt lên trên những khác biệt bè phái. Vấn đề thiết yếu là làm sao để người dân tự chủ có thể lựa chọn trên cơ sở thông tin đầy đủ, với những phân tích đa dạng. Ngày nào mà các nhà kinh tế đều nhất trí và cùng hô khẩu hiệu “Không có đối chọn nào khác” (There Is No Alternative hay TINA – ND) của Margaret Thatcher thì nền dân chủ chỉ còn là hình thức. Nói xong điều ấy rồi thì quả thật là trong quá khứ, phe tả khác với phe hữu ở quyết tâm làm nổi lên những quan hệ kinh tế mới cắt đứt với chế độ làm thuê và thị trường. Thế mà rõ ràng là những đoạn tuyệt như thế đòi hỏi những tư tưởng kinh tế khác, có khả năng hình dung những cơ chế xã hội khác hơn là chỉ các thị trường. Vì lí do đó, AFEP nghĩ là đã tìm ra ở bà Geneviève Fioraso, thứ trưởng phụ trách đại học của một chính phủ phe tả, một nhân vật cởi mở với những đề xuất của mình. Sự việc đã không như thế và điều này đặt thành vấn đề. 
Ông sẽ nói gì với hiệu trưởng các đại học Paris-Dauphine, Toulouse-Capitole và Aix-Marseille, những người cho rằng không có một bên là các nhà chính thống và bên kia là các nhà phi chính thống?
Michel Aglietta (1938-)
Robert Boyer (1943-)
Rằng họ đặt sai vấn đề! Đối tượng của cuộc tranh luận ngày nay là sự kiện không thể phủ nhận là có một số cách tiếp cận lí thuyết đương nhiên bị loại trừ khỏi đại học và CNRS. Có hiện tượng này vì những phương pháp đánh giá do trường phái thống trị áp đặt dựa trên thứ hạng các tạp chí mà đứng đầu bảng chỉ có các tạp chí tân cổ điển. Thật là vô tư biết mấy! Việc một vài công trình của những nhà kinh tế phi chính thống được đăng trên các tạp chí này hoàn toàn không phủ nhận sự kiện là đại đa số các công trình không thuộc trào lưu thống trị đều bị các tạp chí này từ chối. Ví dụ, Michel Aglietta và Robert Boyer, không thể phủ nhận rằng hai nhà sáng lập lí thuyết điều tiết là những nhà kinh tế, chưa bao giờ - hay hầu như không – công bố trên các tạp chí gọi là “top five”, tức là năm tạp chí bằng tiếng Anh được xem là tốt nhất. Ngày nay, họ không thể trở thành giáo sư. Có nên coi đây là một phương pháp đánh giá khách quan không? Nhất là khi nghĩ đến 60 bài của Jean Tirole được công bố trên các tạp chí này. Các hiệu trưởng đại học trên nghĩ rằng họ có thể thuyết phục chúng tôi là những khác biệt này không liên quan gì hết đến những định hướng lí thuyết chăng? Hãy nghiêm túc xem nào! 
Ronald Coase (1910-2013)
Phải chăng ông sẽ nói, như người đã được giải Nobel kinh tế là Ronald Coase, rằng “khoa học kinh tế tiếm đoạt từ khoa học”?
Vâng, hoàn toàn đúng như thế. Kinh tế học không phải là một khoa học. Trái với các hạt cơ bản trong vật lí học, các cá thể có những hành vi khác nhau, phụ thuộc một cách chặt chẽ vào bối cảnh thể chế và những tin tưởng tập thể. Điều đó không có nghĩa rằng trong kinh tế hoc, có thể nói bất kì điều gì, nhưng mà phải sử dụng thận trọng những bài học của quá khứ. Phải vận dụng thật thận trọng những bài học này vào tình hình đương đại, có tính đến diễn tiến của những cấu trúc xã hội và nhận thức. 
Vì sao nhà cầm quyền phải can thiệp vào những tranh cãi nội bộ của giới đại học hàn lâm?
Nhà cầm quyền không phải can thiệp vào những cuộc tranh luận khoa học. Tuy nhiên chính quyền có trách nhiệm về sự vận hành của đại học và chính họ đã muốn thành lập một cơ quan tập quyền, Hội đồng quốc gia các đại học (CNU), để đánh giá những ai xứng đáng tham gia và theo đuổi sự nghiệp trong đại học. Do tổ chức của định chế này, dự án của chúng tôi về một không gian mới để giảng dạy và nghiên cứu, có tên là “Kinh tế và xã hội” chỉ có thể ra đời khi được Nhà nước hỗ trợ. Trong những quốc gia khác, bản thân các đại học tự mình xác định tuyển dụng ai làm giảng viên. Để kết luận, xin nhắc lại rằng đề xuất của chúng tôi hoàn toàn không đặt thành vấn đề tính chính đáng của các cách tiếp cận tân cổ điển mà giá trị vẫn tiếp tục được nêu bật. Chúng tôi chỉ đơn giản yêu cầu thừa nhận tính chính đáng của những cách nhìn khác. Vấn đề không phải là ép buộc ai mà trái lại là mở rộng các quyền hàn lâm.
Vittorio de Filippis phỏng vấn
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Le pluralisme en économie est un impératif démocratique”, Libération, 15.5.2015.
Print Friendly and PDF