CHIẾN TRANH CÁC THIẾT BỊ BÁN DẪN: CUỘC “TRƯỜNG CHINH” CỦA TRUNG QUỐC
Có tới 80% các thiết bị bán dẫn được sử dụng trong ngành chế tạo điện tử của Trung Quốc hoặc được nhập khẩu hoặc được các công ty nước ngoài sản xuất tại Trung Quốc. (Nguồn: Asia Nikkei)
Cuộc trường chinh đã kéo dài từ năm 1934 đến năm 1935 và đã giúp Mao Trạch Đông lên nắm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bằng trò chơi so sánh làm Người cầm lái vĩ đại [Mao Trạch Đông] phải thét lên, Trung Quốc của Tập Cận Bình đang triển khai theo cách của mình cuộc “trường chinh” hướng tới sự bá quyền trên thị trường công nghệ cao. Còn lâu mới thoát khỏi nhãn hiệu công xưởng thế giới, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu thuần về công nghệ. Có tới 80% các thiết bị bán dẫn được sử dụng trong ngành chế tạo điện tử của Trung Quốc hoặc được nhập khẩu hoặc được các công ty nước ngoài sản xuất tại Trung Quốc. Quỹ đạo của thị trường bán dẫn thế giới cho thấy sự mong manh của hệ thống sản xuất Trung Quốc, ở cội nguồn của mong muốn độc lập về công nghệ của họ.
Thung lũng Silicon ngày nay liên kết với các công ty phần mềm như Google và Facebook. Nhưng tên gọi của thung lũng này lấy từ chữ silicon, một vật liệu cơ bản của các thiết bị bán dẫn. Các bộ xử lý điện tử này là động cơ của nền kinh tế kỹ thuật số. Chúng tiếp liệu cho các điện thoại di động cho đến các hệ thống quân sự. Ngành công nghiệp bán dẫn là nơi mà vai trò dẫn đầu của ngành công nghiệp Mỹ và tham vọng về công nghệ của Trung Quốc đang đối đầu trực tiếp với nhau nhiều nhất.
SỰ THỐNG TRỊ CỦA MỸ
Ngành công nghiệp bán dẫn đã vượt qua 396 tỷ US$ về doanh thu trong năm 2018. Nó đã tăng 8,4% mỗi năm kể từ năm 2009. Việc chào bán các thiết bị bán dẫn đang tiến triển theo hướng những thiết bị phức tạp hơn với sự phát triển của các mạng truyền thông 5G và trí tuệ nhân tạo. Internet vạn vật (IoT, Internet of Things) cũng góp phần nâng cao tiềm năng của thị trường.
Cung các thiết bị bán dẫn được cấu trúc xung quanh hai mô hình kinh doanh. Một mặt, các nhà cung cấp tích hợp theo chiều dọc chế tạo những mạch riêng của mình. Đây đặc biệt là trường hợp của Samsung Hàn Quốc và Intel của Mỹ, lần lượt đứng hàng thứ nhất và thứ hai trên thế giới. Mặt khác, những tác nhân không có đơn vị chế tạo thì thiết kế các con chip để giao cho các công ty sản xuất gia công. Trong số các doanh nghiệp đó, được gọi là công ty “fabless”, có Qualcomm, Broadcast hoặc Western Digital của Mỹ.
Các thiết bị bán dẫn chiếm một phần lớn giá trị gia tăng (và tương ứng với lợi nhuận) của ngành điện tử. Chúng phải đáp ứng những thách thức về công nghệ chẳng hạn như kỹ thuật thu nhỏ, sức mạnh, hiệu quả năng lượng hoặc xử lý song song nhiều chức năng. Cuộc đua công nghệ này được thể hiện qua sự phỏng đoán của Moore, người ước đoán số lượng các bộ xử lý được khắc trên cùng một con chip sẽ tăng lên gấp đôi sau mỗi hai năm. Điều này buộc các nhà sản xuất công nghiệp phải chi tiền ngày càng nhiều hơn.
Điều đặc biệt phức tạp là quy trình chế tạo đòi hỏi cần đến khoảng 300 công đoạn. Xét về cường độ của sự thách thức về nguồn vốn cần huy động, mười tác nhân hàng đầu đang chiếm gần một nửa doanh thu của ngành. Xét về mặt địa lý, công việc sản xuất đang diễn ra ở bốn nước: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Trong số 15 doanh nghiệp hàng đầu, có bảy doanh nghiệp thuộc Mỹ. Hai tác nhân Hàn Quốc xuất hiện ở đầu bảng xếp hạng. Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa chen chân được vào tốp đầu.
THAM VỌNG CỦA TRUNG QUỐC
Edward Snowden (1983-) |
Trung Quốc tiêu thụ gần một phần ba sản lượng các thiết bị bán dẫn trên thế giới. Nhưng chỉ có 20% các con chip được sử dụng được sản xuất trong nước và chỉ có một nửa trong số đó thuộc về các doanh nghiệp trong nước. Bắc Kinh coi sự phụ thuộc này là một rủi ro đối với nền an ninh quốc gia. Chỉ đến năm 2013, những tiết lộ của Edward Snowden về chương trình gián điệp đại trà của Hoa Kỳ mới làm cho họ nhận thức vấn đề. Rõ ràng là công nghệ nước ngoài có thể chứa những cổng bí mật và những điểm dễ tổn thương có chủ ý.
Vì thế, vào năm 2014, Bắc Kinh công bố một kế hoạch đầu tư 150 tỷ US$ để hỗ trợ cho lĩnh vực này. Các thiết bị bán dẫn cũng là trọng tâm trong kế hoạch “Made in China 2025 [Sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2025]” của chính phủ được công bố vào năm sau đó. Trong nỗ lực hướng tới các sản phẩm cao cấp hơn về công nghệ, bản báo cáo đặt ra cho các nhà chế tạo thiết bị bán dẫn mục tiêu về tỷ lệ tự cung tự cấp là 70% từ nay đến năm 2025.
Trung Quốc cũng đang cố gắng bù đắp sự chậm trễ của mình thông qua hoạt động thâu tóm các công ty ở nước ngoài. Đi đầu trong cuộc chinh phục này là quỹ đầu tư bán công, Tsinghua Unigroup. Năm 2014, tập đoàn này đã thành công trong việc thâu tóm công ty RDA Microelectronics của Mỹ với giá 907 triệu US$. Một năm sau, họ đề nghị được mua lại công ty Micron với giá 23 tỷ US$, một công ty hàng đầu của Mỹ về các chip bộ nhớ. Khi bị từ chối, cơn khát thâu tóm chuyển hướng sang các tác nhân Đài Loan. Nhưng ở đây một lần nữa, cơ quan quản lý địa phương đã phản đối vụ việc. Khi khơi dậy sự ngờ vực, chiến lược thâu tóm các công ty ở nước ngoài này cuối cùng đã bị phản tác dụng.
Khi thất bại trong việc thâu tóm các công ty ở nước ngoài, chính phủ Trung Quốc khuyến khích các nhà phát minh nước ngoài thành lập những công ty liên doanh với các đối tác địa phương của Trung Quốc với hy vọng tạo ra sự chuyển giao tài sản trí tuệ. Năm 2018, một tập đoàn các nhà đầu tư Trung Quốc nắm phần lớn cổ phần trong các hoạt động tại Trung Quốc của tập đoàn ARM, một công ty con của Softbank Nhật Bản. Qualcomm, Intel và AMD cũng có những quan hệ đối tác với các công ty Trung Quốc. Nhưng việc chuyển giao kiến thức đã không đến được điểm hẹn, tài sản trí tuệ mũi nhọn vẫn nằm ngoài tầm tay. Rất khó để bắt kịp tính kinh tế theo quy mô và những hiệu ứng về kinh nghiệm.
Việc thu thập các công nghệ có giá trị bị giới hạn vào hoạt động sản xuất các sản phẩm thứ cấp, chẳng hạn như chế tạo và lắp ráp các bộ phận. Trong hợp đồng thầu phụ, nhà sản xuất vi mạch hàng đầu của Trung Quốc, SMIC, có quy mô nhỏ hơn gấp mười lần so với TSMC của Đài Loan. Trong lĩnh vực thiết kế của các công ty fabless, HiSilicon Technologies, một công ty con của Huawei, chỉ leo lên được vị trí thứ mười lăm, không kể các đơn vị sản xuất.
ĐIỀU ĐÃ THẤY
Tham vọng của Trung Quốc là tạo lập một ngành công nghiệp mũi nhọn, gây lo ngại từ lâu ngay cả trước khi Trump lên nắm quyền. Ví dụ vào năm 2015, Barack Obama đã ngăn Intel bán một số con chip hoạt động tốt nhất của mình cho Trung Quốc. Năm sau, ông cản trở việc thâu tóm nhà chế tạo Aixtron của Đức. Một bản báo cáo của Nhà Trắng, trước khi có sự thay đổi tổng thống, đã khuyến nghị nên có những biện pháp cứng rắn chống lại chính sách trợ cấp của Trung Quốc và sự chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Nếu cuộc chiến các bộ xử lý đã diễn ra trước nhiệm kỳ tổng thống của Trump, thì tổng thống Trump đã lại tăng cường nó thêm. Nhân danh an ninh quốc gia, Washington đã làm gián đoạn kế hoạch của Trung Quốc nhằm thâu tóm nhà chế tạo Lattice. Thương vụ công ty Broadcom của Singapore mua lại Qualcomm, với giá hơn 130 tỷ US$, cũng bị phủ quyết với lý do có thể có mối liên kết với Bắc Kinh.
Chiến lược hạn ngạch này có một tiền lệ. Những năm 1980 được đánh dấu bởi hoạt động xuất khẩu ồ ạt các thiết bị điện tử Nhật Bản. Lúc đó, Hoa Kỳ đã cáo buộc Tokyo theo chủ nghĩa bảo hộ không công bằng, cướp bóc công nghệ, bán phá giá và định giá thấp tiền tệ. Năm 1985, Washington đã áp đặt một thỏa thuận song phương ở Tokyo, loại bỏ tất cả các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với các thiết bị bán dẫn. Dựa vào thỏa thuận này, các nhà công nghiệp Mỹ đã nộp đơn khiếu nại, viện cớ sự đóng cửa của thị trường Nhật Bản và chính sách trợ cấp công.
Tranh chấp thương mại đã đạt đến một điểm cực kỳ căng thẳng vào năm 1987. Vào thời điểm đó, chính quyền Reagan đã áp thuế nhập khẩu 100% lên các mặt hàng nhập khẩu của Nhật Bản đối với một số sản phẩm điện tử. Nhật Bản cuối cùng phải thỏa hiệp bằng một loạt các thỏa thuận. Sau đó, vai trò dẫn đầu trên thị trường bán dẫn của Nhật Bản bắt đầu đi xuống theo hướng có lợi cho Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Đài Loan.
Cùng với điều nói trên còn có một cuộc chiến kinh tế thực sự. Năm 1985, Hoa Kỳ đã áp đặt lên các đối tác G5 của mình, đang nhóm họp tại khách sạn Plaza ở New York, một chính sách phá giá mạnh đồng đô-la. Tiếp theo đó là việc đánh giá lại mạnh mẽ đồng yên. Đáp lại, sự gia tăng này duy trì tình trạng bong bóng đất đai, tài chính và bất động sản trên quy mô lớn. Tình trạng xẹp dần xuống vào đầu những năm 1990 đã làm cho Nhật Bản rơi vào một giai đoạn trì trệ kinh tế, mà các phương tiện truyền thông gọi là “thập niên mất mát”. Dựa vào tiền lệ này, Trung Quốc không có ý định thỏa hiệp trước áp lực của Washington.
Việc cho rằng có thể ngăn chặn sự gia tăng sức mạnh về công nghệ của Trung Quốc là một mong muốn hão huyền. Chuỗi cung ứng hàng điện tử là một bài ca tụng toàn cầu hóa. Vì thế, Trung Quốc chưa sẵn sàng để “ngắt kết nối”.
Bertrand Hartemann |
Giới thiệu tác giả
Giám đốc marketing có trụ sở tại Bắc Kinh, là một chuyên gia về quản lý sự đổi mới, Bertrand Hartemann có niềm đam mê về các mô hình kinh doanh mới phát sinh từ sự đổi mới có tính đoạn tuyệt của kỹ thuật số. Sau khi tốt nghiệp đại học Sorbonne và CNAM về pháp luật, tài chính và kinh tế, ông có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc chuyên môn tại Pháp và Trung Quốc.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Guerre des semi-conducteurs: la “Longue marche” de la Chine, Asialyst, 23/12/2019.