COVID-19: “THIÊN NGA ĐEN” CÓ BUỘC CHÚNG TA TRỞ NÊN BẤT LỰC KHÔNG?
28/03/2020
Là những sự kiện vừa thảm khốc vừa khó dự đoán, các “Thiên nga đen” thử thách khả năng của chính sách dự phòng chống lại các mối đe dọa chưa biết. Tuy nhiên, khi đối mặt với sự bất định, vẫn có một số giải pháp chống đỡ.
Liệu có thể dự báo, với một mức độ có tính chính xác thống kê, đại dịch Covid-19 tấn công thế giới hay không? Liệu có thể dự đoán đại dịch sẽ xuất hiện bây giờ, mà không phải là mười năm nữa hay không? Rằng nó sẽ xuất hiện ở Trung Quốc trước khi lây lan sang phần còn lại của hành tinh hay không? Rằng nó sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi một cuộc chiến giá cả trên thị trường dầu lửa hay không? Rằng nó sẽ làm lung lay nền kinh tế đến mức buộc cả nhiều quốc gia phải phong tỏa toàn bộ đất nước hay không?
Nassim Nicholas Taleb (1960-) |
François F. Ferdinand (1863-1914) |
Đối với nhiều nhà quan sát, cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế này là một “con thiên nga đen”. Thuật ngữ đó, được đặt ra vào thời Cổ đại, trong một thời gian dài là một ẩn dụ để chỉ một sự kiện được coi là bất khả… cho đến khi các nhà thám hiểm châu Âu phát hiện ra một con thiên nga đen thực ở Úc, vào thế kỷ 17. Ngày nay, Thiên nga đen là một khái niệm, được nhà thống kê người Mỹ gốc Lebanon Nassim Nicholas Taleb lý thuyết hóa trong một tiểu luận có cùng tên được xuất bản vào năm 2007.
Thiên nga đen chỉ một sự kiện có ba đặc điểm: đó là một sự kiện có vẻ khó dự kiến một cách tiên nghiệm, hậu quả là rất lớn và có thể được giải thích một cách hậu nghiệm (bởi vì có những thông tin có thể cho phép chúng ta dự đoán được). Đối với Nassim Nicholas Taleb, lịch sử được đánh dấu bằng những con thiên nga đen: vụ ám sát quận công François-Ferdinand vào năm 1914, vụ tấn công khủng bố vào ngày 11 tháng 9 năm 2001…. Xã hội chúng ta, chìm đắm trong tình trạng không chắc chắn triệt để, chưa bao giờ được chuẩn bị đầy đủ cho những sự kiện lớn đó, những thứ làm thay đổi tiến trình tồn tại của chúng.
Virus corona, thiên nga hay voi?
Paul Charon |
Thế thì virus corona có là con Thiên nga đen hay không? Tất cả mọi người đều không đồng tình với ý kiến đó. Paul Charon, người đứng đầu chương trình Tin tình báo và Tiên đoán [Renseignement et Anticipation], thuộc Viện nghiên cứu chiến lược của Trường quân sự Pháp, nhận xét rằng “hầu hết các tổ chức dự báo chiến lược đều đã tiên đoán một trận đại dịch gắn với một căn bệnh hô hấp”, như Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ từ năm 2004, hay Sách trắng Quốc phòng của Pháp vào năm 2008. “Các chuyên gia thậm chí còn dự đoán con virus sẽ bắt nguồn từ Trung Quốc hoặc Đông Nam Á, nơi có mật độ dân số và động vật cao, thứ tạo điều kiện cho sự lan truyền giữa các loài”, ông nói thêm.
Vì thế, kịch bản về một đại dịch là có thực, “trong suy nghĩ của các chuyên gia”. “Chúng tôi có một ẩn dụ khác cho tình huống này: chúng tôi nói về con voi đen, bởi vì mối đe dọa, được nhận thức rõ ràng, không làm phát sinh bất kỳ hành động khắc phục nào từ phía chính phủ các nước”, Paul Charon nói tiếp.
Ông phân biệt nhiều trở ngại trong việc xem xét các mối đe dọa này: quá tải thông tin, nhiều độ chênh nhận thức khác nhau, hoặc thậm chí xu hướng làm việc với các mối đe dọa được chính thức chỉ định, làm thiệt cho các mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai.
Thiên nga đen hay voi đen, virus corona trong mọi trường hợp đã ra khỏi lĩnh vực của tương lai học và từ nay thuộc về hiện tại. Nhưng làm thế nào để dự phòng chống lại những biến cố tiếp theo? Nếu, như nhận xét của Paul Charon, “dự đoán một bất ngờ vẫn là một phép nghịch hợp”, thì vẫn có khả năng chuẩn bị chống lại điều chưa chắc. Và cuộc khủng hoảng hiện tại cho chúng ta một số bài học để làm điều đó.
“Từ bỏ huyễn tưởng về sự hài hoà hoàn toàn”
Pierre-André Juven |
“Về mặt y tế, sẽ là tự phụ khi nói rằng chúng ta có thể lường trước mọi kịch bản của cuộc khủng hoảng”, theo lời giải thích của Pierre-André Juven, nhà xã hội học về y tế tại CNRS (Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp – ND). Tuy nhiên, tình trạng bất định “tự nhiên” đó không ngăn được hệ thống y tế chuẩn bị cho việc gánh chịu các cú sốc, mà theo ông, đòi hỏi phải từ bỏ việc quản trị bệnh viện công dựa trên sự tối ưu hóa.
“Với các chỉ báo hiệu suất như tỷ lệ sử dụng các giường bệnh, người ta đẩy hệ thống y tế hoạt động hết công suất trong tình huống bình thường. Vì vậy, đến ngày mà người ta bị quá tải bởi một yếu tố không kiểm soát được, thì tình huống đó sẽ dẫn đến thiệt hại,” nhà nghiên cứu nói. Để cho các các dịch vụ công có một biên độ hoạt động khiến hệ thống có thể chịu đựng tốt hơn các cú sốc “không có nghĩa là sẽ có thể ngăn chặn bất cứ cuộc khủng hoảng nào mà không bị thiệt hại, nhưng chúng ta sẽ có nhiều khả năng để ứng phó với nó tốt hơn”.
Laurence Scialom |
Khả năng chịu sốc này có thể được xây dựng ngoài lĩnh vực y tế. Đối với nhà kinh tế nữ Laurence Scialom, giáo sư tại Đại học Paris-Nanterre, “cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy tính dễ tổn thương của toàn hệ thống”. Chiều dài của chuỗi giá trị, sản xuất theo dòng chảy dụng công…. “Chúng ta không thể tự dự phòng đầy đủ chống lại con Thiên nga đen, bà khẳng định, nhưng chúng ta có thể giảm từ trước tính dễ tổn thương đó”.
Một trong những tính dễ tổn thương mà nhà kinh tế nữ đặc biệt lo lắng là: sự bất ổn của hệ thống tài chính. Trong thời bình yên, hệ thống này không có khả năng tự bảo vệ trước cuộc khủng hoảng sắp tới.
“Đây là nghịch lý trong thuyết bình tâm của Minsky,” bà nói tiếp. “Khi mọi thứ đều ổn, lo ngại rủi ro giảm xuống, vì vậy mọi người – các ngân hàng cũng như doanh nghiệp – đều ít tự bảo vệ và mắc nợ nhiều trong khi nguồn vốn thì không đủ. Nhưng khi chu kỳ khủng hoảng quay lại, thì mọi người đều nhận ra rằng mình không đủ vốn. Các doanh nghiệp cố trả nợ, và các ngân hàng thì cắt giảm tín dụng để hạn chế bảng tổng kết tài sản. Những điều chỉnh thuận chu kỳ đó chỉ làm cho cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn.”
Sự đăng quang gần đây của các ngân hàng được gọi là “có hệ thống” và việc tài chính hóa hoạt động ngày càng tăng của họ, khiến họ phụ thuộc nhiều hơn và dễ bị tổn thương hơn trước các rủi ro của thị trường, làm tăng thêm tính mong manh. “Nếu một cuộc khủng hoảng tương đương xảy ra cách đây 50 năm, khi nền tài chính được kiểm soát chặt chẽ, thì chúng ta đã không thấy thảm họa tài chính hiện tại”, bà Laurence Scialom nói.
Bà kêu gọi cần phải “phân đoạn các hoạt động tiền gửi và hoạt động thị trường”, để “hạn chế quy mô của các tổ chức và chấm dứt hiện tượng các ngân hàng 'quá lớn để phá sản’ mà, trên thực tế, được hưởng những trợ cấp ngầm của Nhà nước”. Nhưng hiểu rộng hơn, thì việc cải thiện khả năng chịu đựng của hệ thống, đối với nhà kinh tế nữ, là “hoạt động chậm lại, chấp nhận các ràng buộc, chịu thêm chi phí và từ bỏ huyễn tưởng của sự hài hoà hoàn toàn”.
Với Thiên nga xanh, rủi ro trở nên hiện sinh
Trong khi đối phó với cuộc khủng hoảng hiện tại, theo nhà kinh tế nữ, chính sách chịu đựng này sẽ cho phép chống lại tác động của những con thiên nga khác, lần này lại có… màu xanh. “Thiên nga xanh”, theo cách nào đó, thuộc loại Thiên nga đen của biến đổi khí hậu. Xuất hiện lần đầu vào tháng 1 năm 2020 trong một báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) – ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương –, loại chim chân màng này còn đáng lo ngại hơn cả loài chim đồng đẳng màu đen của chúng.
Trước hết, theo báo cáo, có một “mức độ chắc chắn rất cao” là các thiên nga xanh này xuất hiện trong tương lai, do hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu đã đi trước một bước. Sau đó, là tự bản chất của chúng “đặt ra một nguy cơ hiện sinh cho nhân loại”, và động thái của những tương tác phức tạp và phản ứng dây chuyền làm cho chúng khó được dự đoán hơn những con Thiên nga đen “bình thường”.
Trong một tương lai mà sự bất định triệt để trở thành quy tắc và rủi ro trở thành hiện sinh, chỉ có một sự “đoạn tuyệt về mặt khoa học luận” mới có thể đối phó với các con Thiên nga xanh này, bằng cách vượt qua những cách tiếp cận truyền thống về rủi ro dựa trên các tai họa trong quá khứ, ngân hàng BIS kết luận.
Matthieu Auzanneau (1974-) |
Theo Matthieu Auzanneau, giám đốc tổ chức think tank The Shift Project, chúng ta đã ở trong tình cảnh tương lai đó. “Cuộc khủng hoảng năng lượng đã đưa chúng ta từ bỏ hoạt động kinh doanh như thường lệ kể từ năm 2008, và chuỗi thể hiện nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau vốn là hệ quả của cuộc khủng hoảng này là không thể dự báo”, ông khẳng định.
Đối phó với những rủi ro thuộc một kiểu mới thì “phương pháp đã được biết đến”: một chính sách dự báo chiến lược đáng tin như chính sách của Pháp trong thời hậu chiến để tái thiết đất nước. “Cuộc khủng hoảng y tế với con virus corona, mặc dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát, cho thấy chỉ có vai trò hoạch định của Nhà nước mới có thể đối phó với sự mong manh đáng kinh ngạc của hệ thống.”
Trau dồi trí tưởng tượng... và tính bi quan
Tuy nhiên, tương lai học không phải là một khoa học dễ dàng. “Nhiều kịch bản không bao giờ dự đoán được, bởi vì chúng bị các nhà phân tích đánh giá, dù có ý thức hay không, rằng giả thuyết đó có tính khả thi thấp hoặc thậm chí huyền hoặc. Vì vậy, thách thức là cho phép tiến hành những phân tích phá vỡ các phản xạ có hại đó để có thể suy nghĩ một cách tự do hơn”, theo lời giải thích của Paul Charon, người coi trí tưởng tượng như là một đức tính chủ yếu trong vấn đề này.
“Hầu hết các nghiên cứu về tương lai đều cho rằng tương lai như là một phần mở rộng các xu hướng hiện tại, trong khi nguy cơ lại phát sinh chủ yếu từ sự gián đoạn”. Nói tóm lại, cần phải “suy nghĩ vượt ngoài các sơ đồ nhận thức và trí tuệ đã được thiết lập sẵn”, trong khi vẫn duy trì các phương pháp chặt chẽ....
Garry Kasparov (1963-) |
Jean-Pierre Dupuy (1941-) |
Matthieu Auzanneau bổ sung thêm: “Cách duy nhất để khám phá một tương lai sẽ làm rúng động, là phát minh ra nhiều tương lai khác nhau, dễ chịu hay khó chịu.” Trong khuôn khổ địa chính trị về năng lượng, lĩnh vực đặc biệt yêu thích của ông, “chúng ta cần phải tưởng tượng đang chơi một ván cờ với Garry Kasparov, mà người ngoài đời thực là Vladimir Putin…. Phân tích một nước đi của Kasparov sau một nước, đó là điều tuyệt vời. Nhưng để dự đoán nước đi đó thì lại là một chuyện khác!”
Đối với Matthieu Auzanneau, ẩn dụ về cờ vua cũng hàm ý sự cần thiết “trau dồi một tính bi quan nhất định”, mà không thể không gợi lại “tai họa luận sáng suốt” được khuyến khích bởi nhà triết học người Pháp Jean-Pierre Dupuy. Là một đỉnh cao trí tuệ thực sự, khái niệm này giả định không chỉ tưởng tượng ra một tương lai đáng sợ, đầy rẫy những con thiên nga đen và voi đen (hoặc xanh), mà còn coi đó như là một “định mệnh”, với mục đích duy nhất là làm cho con người thấy nó nghiêm trọng hơn hòng ngăn nó biến thành hiện thực.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: COVID-19: Les “Cygnes noirs” nous condamnent-ils à l’impuissance?, Alternatives Economiques, ngày 28/03/2020.